T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Xin Chào Việt Nam

Chợ trên sông – ảnh T.Vấn

Chim bay về tổ mà ngơ ngác

Ta làm khách lạ với quê hương

Hỡi ôi từ độ đời luân lạc

Đất khách mười năm mộng viễn phương

(Trần Trung Hậu)

1.

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà những ngày đầu năm Âm Lịch còn phảng phất hương vị của quê hương, các phương tiện truyền thông người Việt ở hải ngoại, gồm cả các trang mạng điện tử lẫn đài phát thanh từ châu Âu đến Bắc Mỹ, đều dành nhiều chú ý đến một khuôn mặt rất Việt Nam tên Phạm Quỳnh Anh, 19 tuổi, hiện đang sinh sống ở Bỉ. Qua mạng lưới điện tử toàn cầu, người ta chuyền nhau nghe một bài hát có tên “Xin chào Việt Nam” (Bonjour VietNam) sáng tác bởi ca sĩ kiêm nhạc sĩ lừng danh người Pháp Marc Lavoine và được cô gái Bỉ gốc Việt nói trên trình bày. Cô gái còn rất trẻ, đang tuổi đi học và chưa hề có tiếng tăm gì trong lãnh vực ca hát. Nhưng theo lời Marc Lavoine, tác giả bài hát, ông đã tìm thấy ở Quỳnh Anh một khuôn mặt diễn tả niềm hy vọng, phù hợp với nội dung bài hát của ông, và yếu tố quan trọng không kém để ông chọn Quỳnh Anh, đó là một khuôn mặt Việt Nam thuần khiết, không pha trộn, dù cô được sinh ra ở Bỉ. Đôi mắt đen lánh, mái tóc dài và thẳng, cộng thêm nụ cười kín đáo dịu dàng. Cũng theo Marc Lavoine, cô Quỳnh Anh có giọng hát tuyệt vời. Nhưng có lẽ, yếu tố chính lôi cuốn sự chú ý của người Việt hải ngoại là ở nội dung bài hát “Bonjour Vietnam” (*):

Mến chào Việt Nam

Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi

Mà tôi đã đeo mang từ thuở chào đời

Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi

Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt

Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh

Qua cuốn phim của Coppola, và những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam

Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi từ thuở chào đời.

Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều tôi chưa biết,

Về những phiên chợ nổi trên sông và những chiếc ghe tam bản

Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh

Một cuốn phim của Coppola, và những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam

Chào hỏi dùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng phật bằng đá

Chào hỏi dùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa,

Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh,

Tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha . . .

Một ngày kia , tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam . . .

(lời Việt của Đào Hùng- trích lại từ RFA – Đài phát thanh Á Châu Tự Do)

2.

Giọng hát của cô gái trẻ Việt Nam, ngoài cái tuyệt vời theo nghĩa thẩm mỹ âm nhạc của nhạc sĩ người Pháp Marc Lavoine, còn chứa đựng trọn vẹn cái hồn Việt Nam (của những người trẻ) mà nội dung bài hát diễn tả. Người nghe, nếu không được giới thiệu trước, sẽ không nghĩ rằng bản hát đang được trình bày bởi một người Việt Nam. Thứ tiếng Pháp thật Pháp, không hề mang âm hưởng (accent) do nguồn gốc gia đình (Việt). Nhưng khi hai chữ Việt Nam được nhả ra ở cuối câu, thì không ai có thể nhầm lẫn được. Đó phải là chất giọng của một người Việt Nam. Mà người Việt Nam ấy là một cô gái 19 tuổi, sinh ra ở nước ngoài, chỉ biết đến quê cha đất tổ của mình qua những hình ảnh của chiến tranh, của những chiếc trực thăng cuồng nộ trong một cuốn phim về Việt Nam nào đó của một đạo diễn không phải là người Việt nam.

Đây là một khía cạnh bi kịch khác trong những hệ quả khắc nghiệt của cuộc chiến Quốc Cộng 30 năm.

Chiến tranh chấm dứt, sông Bến Hải được nối lại theo ý nghĩa đất nước từ nay quy về một mối. Nhưng trong lòng người, một con sông Bến Hải khác cũng theo với những hận thù mà thành hình. Kết quả, hàng triệu người Việt bỏ nước đi sinh sống ở hải ngoại, và một thế hệ Việt Nam được sinh ra, lớn lên nơi xứ người. Mà hình ảnh tiêu biểu là cô gái trẻ 19 tuổi đang là đề tài được cả những người trẻ lẫn những người già nói đến. Cô trăn trở đi tìm nguồn gốc của mình, nguồn gốc của màu da, của hình dáng đôi mắt xếch, của mái tóc đen dài mượt mà. Cô khao khát được thấy tận mắt mình hình ảnh quê hương, những con đường đất, những căn nhà đơn sơ, những con sông có phiên chợ nổi, chiếc thuyền tam bản mộc mạc, những ngôi chùa và tượng phật, người đàn bà cong lưng cấy lúa trên đồng ruộng . . .

3.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là cô đi tìm những hình ảnh ấy thay cho những người cha, người anh của mình. Những người đã từng sinh ra, lớn lên ở mảnh đất tên gọi Việt Nam, rồi bỏ ra đi, nhưng chưa một lần trở về lại:

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam

Chào hỏi dùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng phật bằng đá

Chào hỏi dùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa,

Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh,

Những người cha, người mẹ, người anh ấy chưa một lần về lại quê hương vì không muốn trở về/không thể trở về/chưa thể trở về/ hay đơn giản, đường về đã bị bít lối vì con sông Bến Hải trong lòng người lớn quá, rộng quá khiến không thể vượt qua.

Ở một nghĩa nào đó, thế hệ trẻ, đã thoát ra được cái bóng tăm tối của thế hệ cha anh. Họ đã chọn cho mình con đường, theo họ, đi tìm lại hồn mình để cất tiếng chào hỏi:

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam . . .

Cuộc hành trình về nguồn thật cô đơn, cả ở nghĩa vật chất lẫn tâm linh. Màu tóc, màu da, màu mắt của những người trẻ (tuy mang cái tên rất thông dụng ở xứ sở mình sinh ra nhưng cái Họ vẫn là những Nguyễn, Trần, Lê , Lý . . .) đã ngăn cản không cho họ hội nhập trọn vẹn vào dòng sống xứ người. Họ có thể nói thứ tiếng bản xứ chuẩn xác (như cô gái 19 tuổi phát âm thứ tiếng Pháp như người Pháp chính tông), nhưng bề ngoài của họ khiến họ vẫn như kẻ đứng bên lề. Và sẽ còn tội nghiệp hơn nữa, nếu họ không phát âm được hai chữ Việt Nam có hồn như trong bài hát Bonjour VietNam. Khi ấy, họ sẽ bị chính những con đường, những con sông, những tượng Phật (mà họ trở về để tìm kiếm) quay lưng thờ ơ lãnh đạm vì họ không nói được ngôn ngữ của những con đường đất bụi, những con sông có phiên chợ nhóm, những tượng Phật bằng đá màu rêu . . .

. . . và khi ấy, thế hệ Việt Nam tội nghiệp này không tránh khỏi số phận mãi mãi là những kẻ đứng bên lề. Bên lề cuộc sống xứ người vì màu tóc, màu da, màu mắt. Bên lề cuộc sống quê nhà vì không nói được thứ ngôn ngữ thuở cha sinh mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ khi thưa ông bà phải xưng là cháu, thưa cha mẹ phải xưng là con, thưa anh chị phải xưng là em.

4.

Mỗi thời đại, mỗi thế hệ, đều có những sứ mạng riêng. Những sứ mạng ấy được đặt trên cái nền của những thành tựu và cả những thất bại của quá khứ. Hơn ai hết, những người trẻ đủ nhạy bén để bắt mạch những nhu cầu của thời đại mình. Vả chăng, họ có cơ hội học hỏi thu nhận những kiến thức mà thế hệ trước không có, và cái nhìn của họ, vì thế sẽ khác với cái nhìn của cha anh trong các vấn đề đương đại, nếu không muốn nói là chính xác hơn, thực tế hơn.

Bây giờ đây, thế hệ trẻ đã xác định được sứ mạng của họ. Về Nguồn. Một sứ mạng, thực ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khác với những thế hệ cha anh, mà sự ra đi của họ đồng nghĩa với một sự lựa chọn, thế hệ trẻ Việt Nam sinh trưởng ở nước ngòai không có sự lựa chọn ấy. Vì thế, khi lựa chọn Trở Về (đúng hơn là một cuộc đi tìm kiếm chính mình), những người trẻ đã phải đương đầu với cái rào cản vô hình là qúa khứ của cha anh, một thứ quá khứ ít nhiều đã bị nhiễm độc bởi không chỉ cuộc chiến 30 năm mà còn bởi những gì xảy ra trong 30 năm sau khi tiếng súng chấm dứt. Mặt khác, chỉ trong hòan cảnh khó khăn như vậy của cuộc hành trình về nguồn, họ mới có cơ hội hội tự do lựa chọn cho mình một cách sống, với tư cách là con người tổ quốc, con người xã hội, con người gia đình. Và tất nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

5.

Về Nguồn. Khái niệm này từ trước tới nay chưa hề có vấn đề Đúng Sai được đặt ra. Nhưng trong bối cảnh “chính trị” hiện nay giữa trong và ngòai nước, đã có những chiều hướng lợi dụng nỗi thao thức chính đáng của tuổi trẻ nhằm vào những mục tiêu hơi . . . bị thiếu lương thiện.

Ở trong nước, các giới chức thẩm quyền không hề bỏ lỡ cơ hội gắn đủ thứ nhãn hiệu vào những nỗ lực tìm kiếm bản sắc Việt Nam của những người trẻ hải ngọai, những nhãn hiệu xa lạ đến độ chính những người trẻ này cũng không có một chút khái niệm nào trong mớ từ vựng tiếng Việt ít ỏi của mình.

Mặt khác, ở bên ngòai nước, những bậc cha anh qúa cẩn thận luôn luôn nhắc chừng đám trẻ rằng đừng tin những gì họ (cộng sản) nói mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm, và rằng, đừng quên cái lý do khiến cho đã có một thế hệ Việt Nam sinh trưởng ở nước ngòai.

Nhưng, dẫu có thế nào, rồi thì những người trẻ cũng sẽ tìm ra cái ý nghĩa đích thực của một cuộc trở về. Bởi vì, họ đi theo và được soi sáng bằng tiếng hồn mà họ mong gặp để xác định chính mình. Lớp bụi mù thời cuộc chẳng thể tồn tại mãi để làm vẩn đục những tâm hồn non trẻ trong trắng kia.

Nếu không thế, sự ra đi của các thế hệ cha anh cũng sẽ trở thành vô ích. Như những cánh tay nối dài trong mỗi gia phả của từng gia đình, từng dòng họ, trong đó, những ước mơ từ đời cha anh sẽ được các thế hệ nối tiếp biến chúng thành hiện thực.

Thế hệ đi trước hãy tự an ủi rằng, mình đã tạo được cái nền cho thế hệ đi sau hoàn thành nhiệm vụ mà lịch sử giao phó cho họ. Cái nền ấy, không nhất thiết phải là sự thành công hay thất bại của một thế hệ.

Nhiều khi, sự thất bại (của cha anh) lại là yếu tố quyết định sự thành công của kẻ đi sau.

Vì thế, tôi xin được hòa giọng với cô gái trẻ 19 tuổi cất tiếng xin chào Việt Nam.

T.Vấn

* “Bonjour VietNam“, nguyên bản tiếng Pháp:

Raconte moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née.
Raconte moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés,
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire.
Je ne sais de toi que des images de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère …
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à ton âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Raconte moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds,
Qui me portent depuis que je suis née.
Raconte moi ta maison, ta rue, raconte moi cet inconnu,
Les marchés flottants et les sampans de bois.
Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère …
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’firai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Les temples et les Boudhas de pierre pour mes pères,
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères,
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères,
Toucher mon âme, mes racines, ma terre…
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam (2 fois)
( trích lại từ http://kkleir.blogdrive.com/ )

Và bản dịch tiếng Anh:

Hello Vietnam
Tell me this name, strange and difficult to pronounce
That I have carried since my birth
Tell me the old empire and the feature of my slanted eyes
Describing me better than what you dare not say
I only know you from the war images
A Coppola movie, (and) the angry helicopters
Someday, I will go there, someday to say hello to your soul
Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam

Tell me my color, my hair and my small feet
That I have carried since my birth
Tell me your house, your street, tell me this unknown entity
The floating markets and the wooden sampans
I could only recognize my country from the war photos
A Coppola movie, (and) the helicopters in anger
Someday, I will go there, someday to say hello to your soul
Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam
The temples and the stone-carved Buddha statues for my fathers
The stooping women in the rice fields for my mothers
Praying in the light to see my brothers again
To touch my soul, my roots, my land..
Someday, I will go there, someday to say hello to your soul
Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam (twice)

(trích lại từ: http://kkleir.blogdrive.com/)

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search