T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Vẫn còn đó những cuộc chiến tranh

clip_image001

Một cảnh đổ nát ở miền Nam Beirut (Li Băng)

Con chim nó hót trên đồi

Tiếng kêu thảm thiết một trời binh đao

Rồi chim nằm chết phương nào

Buồn cây rơi rụng lá chào thiên thu

(Ngọc Phi)

1.

Hình như chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi giá trị truyền thống đều bị đem ra thử thách, xét lại và gắn cho những ý nghĩa mới, hay nói đúng hơn, những nhãn hiệu mới. Ai cũng biết, từ lâu, chiến tranh đã được biện minh như là phương tiện hữu hiệu để mưu cầu hòa bình. Bạo lực được xem như phương cách tối hảo và duy nhất đem lại an bình cho nhân loại. Những điều nghịch lý ấy, tồn tại lâu ngày, đã được người ta chấp nhận như điều nó vốn phải như thế, dù chỉ trong một giai đoạn lịch sử. Để đem lại cơm no áo ấm, trước hết tất cả mọi người hãy cùng nhau hy sinh, chịu đói chịu rét để xây dựng ngày mai no ấm. Để có dân chủ độc lập, trước hết hãy dùng sự độc tài để áp chế những tư tưởng chống đối hầu tạo thành một khối thống nhất, rồi hãy nói đến dân chủ. Những người Cộng sản, đã có lúc tin như thế, làm như thế, và hệ quả là, họ đã kéo một phần tư nhân loại ngược vòng tiến hóa trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ, chưa kể, hàng triệu người bị sát hại oan uổng vì không đồng ý với họ. Hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam – đối với thế giới và nước Mỹ – tưởng như đã hoàn toàn nằm dưới đáy cùng của bao lớp bụi quá khứ, nay lại được – thế giới – khai quật, nhắc nhở, xem đó như bài học không bao giờ được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Nhất là trong viễn ảnh một đất nước Iraq đang mấp mé bên bờ nội chiến với số người tử nạn vì những tranh chấp đầy tính bạo lực lên đến hàng mấy chục người mỗi ngày. Và gần đây nhất là cuộc chiến ở khu vực Trung Đông giữa Do Thái và tổ chức Hezbollah (Tiếng Ả Rập có nghĩa là Đảng của Thánh Alah), một tổ chức của những người theo Hồi giáo thuộc hệ phái Shia (hoặc Shiite) được thành lập từ năm 1982 trong lãnh thổ Li Băng, một quốc gia chỉ có 4 triệu dân, bị xâu xé giữa những thế lực tôn giáo, mà mạnh nhất là giáo phái Shia Islamists (tức tổ chức Hezbollah). Chỉ trong 34 ngày giao tranh đẫm máu giữa hai bên đã có 1,100 người chết về phía Li Băng, chưa kể hàng chục ngàn bị thương cộng thêm với khoảng 900,000 dân (trong tổng số chưa tới 4 triệu dân) phải bỏ nhà bỏ cửa chạy giặc và hầu như toàn bộ hạ tầng cơ sở của Li băng đã bị bom đạn của Do Thái làm hư hại trầm trọng. Trong khi đó, với quyết định đình chiến tạm thời áp đặt lên hai bên bởi cơ quan Liên Hiệp quốc ngày 15 tháng 8, 2006, phe tổ chức Hezbollah đã tuyên bố họ là kẻ thắng trận khi, bằng tên lửa có tầm bắn xa, họ đã giết chết hơn 150 người bao gồm cả dân sự lẫn binh lính Do Thái, đồng thời phá hủy nhiều làng mạc của phe đối phương. Ý nghĩa của sự thắng trận về phe Hezbollah bao hàm cả việc làm lung lay ý chí của Do Thái vừa về mặt chính trị, quân sự lẫn tinh thần người dân, đồng thời, sự phản công mạnh mẽ của những cảm tử quân Hezbollah đã khơi dậy được ý chí chiến đấu của những thế lực thù địch với Do Thái trong vùng. Với những kẻ thù của Do Thái, thì tấm gương Hezbollah là tấm gương của những anh hùng.

2.

. . .Lịch sử thế giới là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Là lịch sử của những anh hùng. Những anh hùng sẵn sàng viết lịch sử bằng máu và nước mắt của nhân loại. Những cuộc chiến tranh tuyên chiến và không tuyên chiến. Có hàng triệu triệu người chết. Có hàng triệu triệu gia đình tan hoang. Có hàng triệu triệu nhà cửa tan hoang. Và những hệ qủa vô lường trên các thế hệ tương lai. Hãy nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam với ba mươi năm bom đạn chết chóc. Và cũng hơn ba mươi năm sau cuộc chiến tranh vẫn còn những hệ lụy, những thảm kịch mà các bên liên quan phải đương đầu, phải giằng xé, phải những đêm thức trắng suy tư phận mình, phận nước. Hãy nhìn cuộc chiến tranh Trung Đông. Hơn năm mươi năm hận thù còn tiếp diễn. Khởi đi từ ước vọng muốn khẳng định sự tồn tại của một dân tộc, nay do những thế lực tôn giáo nhảy vào chi phối, đã biến thành cuộc chiến tranh của những đức tin, tuy vẫn còn dùng chiêu bài dân tộc. Hay cuộc chiến tranh tôn giáo ở Bắc Ai Nhĩ Lan giữa những người tự nhận mình tin tưởng vào tình Bác Ái của Đức Ky Tô. Những người đó mỗi buổi sáng chủ nhật đều sốt sắng và thành thật chìa tay ra chúc bình an cho đồng loại. Hay cuộc đối đầu không hề tuyên chiến giữa những giá trị văn hoá tôn giáo phương Tây và miền Cực Đông. Giữa những đức tin tôn giáo của những người Thiên chúa giáo (Christians) và những người Hồi Giáo (Muslims). Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, những chủ nghĩa tôn giáo- bằng cách biểu lộ đầy bạo lực của các tín đồ cực đoan – đã cổ suý mạnh mẽ cho chủ nghĩa Vô thần (Atheism) như lúc này. Hình như người ta chỉ mượn đức tin tôn giáo – nhân danh niềm mơ ước về một chốn bình an vĩnh cửu ngoài hành tinh điên dại này – để tiêu diệt chính sự hiện hữu của tôn giáo – bằng cách gieo rắc sự bất an đến những đồng loại không ở cùng một đức tin tôn giáo mà mình nhân danh . . . (Bình An ngoài trời, bình an trong lòng . T.Vấn).

Những nỗi lòng bày tỏ nhiều năm về trước, nay đọc lại, vẫn thấy có thể áp dụng được vào trong thực tại. Nhân loại vẫn không thay đổi, dù viễn ảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt ở tầm mức quy mô toàn cầu không phải chỉ là sự đe dọa, dù dịch cúm gia cầm có nguy cơ biến thành một đại dịch của thế kỷ báo hiệu sự lụi tàn của một nền văn minh thời kỳ điện tử, dù cùng với sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật trong lãnh vực phục vụ con người đồng thời cũng là sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật trong lãnh vực hủy diệt con người. Cộng thêm với những đầu óc bệnh hoạn tìm sự vĩnh cửu cho cá nhân mình, cho đức tin mình theo đuổi bằng cách tiêu diệt sự hiện hữu của những người khác, bằng cách phỉ báng đức tin của người khác, từ đó, tạo ra những cuộc chiến tranh. Tệ hại hơn nữa, những cuộc chiến tranh ấy không hề có lằn ranh quy ước tiền tuyến hậu phương. Một khu phố đông người, một tòa nhà cao tầng, một chiếc máy bay chở hành khách, tất cả đều có thể bị biến thành bãi chiến trường bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu .

Điều sợ hãi nhất là người ta nhân danh những điều tốt đẹp nhất của nhân loại để phạm vào những tội ác ở ngoài sự tưởng tượng của đầu óc một con người bình thường.

Lịch sử đã nhiều lần viết lại những chương sử đẫm máu. Máu của kẻ thắng trận cũng như máu của người thua trận. Cùng với máu, là nước mắt và những nỗi đau kéo dài nhiều thế hệ. Nhiều năm sau khi súng không còn nổ, đạn không còn rơi, những đầu óc bịnh hoạn đã trở thành cát bụi, thì những nỗi đau vẫn còn đó, dù người chết đã được chôn cất từ lâu. Thí dụ như cuộc chiến tranh Việt Nam. Đã mấy chục năm rồi mà những nỗi đau từ cuộc chiến ấy vẫn chưa phải đã được ngủ yên trong quá khứ. Thậm chí còn bị những con buôn chính trị đem ra làm vũ khí nhằm chiếm ưu thế với đối phương. Một cuộc thảm sát người dân thường – nạn nhân đầu tiên của bất cứ cuộc chiến tranh nào – xảy ra ở Iraq, người ta lại đem những cuộc thảm sát tương tự ở Việt Nam trước đây ra so sánh.

Nỗi đau từ chiến tranh, dù đó là chiến tranh vệ quốc, chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng, Thánh chiến (Jihad) hay bất cứ tên gọi nào, – những nỗi đau ấy đều rất giống nhau. Nỗi đau của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha mất mẹ bơ vơ không nơi nương tựa; nỗi đau nhìn những tài sản chắt chiu một đời chìm trong biển lửa hận thù, vụn vỡ dưới sức ép những tấn bom cuồng nộ đến từ trời cao thăm thẳm.

Người dân sống sót từ cuộc chiến Việt Nam, từ cuộc chiến vẫn đang âm ỉ ở Iraq, từ những cuộc chiến lớn nhỏ rải rác khắp nơi trên thế giới, trong đêm ngưng chiến ở Trung Đông 15 tháng 8, 2006 dù đang ở một góc nhỏ nào của hành tinh, vẫn có thể cảm được nỗi đau còn tươi rói của những đồng loại mình ở Li Băng, ở Do Thái rát buốt đến chừng nào. Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau (Nguyễn Du).

3.

Khi cuộc chiến tranh Do Thái-Hezbollah bùng nổ, cũng là lúc gia đình tôi đưa các con đi nghỉ hè như thường lệ hàng năm. Cùng thời điểm đó, hàng trăm ngàn dân Li Băng lo dẫn con cái chạy loạn. Khi thỏa ước đình chiến mong manh được áp đặt bởi Liên Hiệp Quốc nhằm tạm thời ngăn cho máu không còn đổ nữa ở Trung Đông, cũng là lúc các con tôi cùng với hàng tỉ trẻ em khác đang chuẩn bị quay trở lại trường học. Còn những trẻ em may mắn sống sót trong vùng giao chiến ở Li Băng, lại đang lục tục trở về nhà trên đường tản cư, chỉ để nhìn thấy một đống tan hoang. Nhà cửa tan hoang, trường học tan hoang, thành phố làng mạc tan hoang. Có nghĩa là, cuộc sống gia đình đã tan hoang, nói gì đến việc mua sắm sách vở bút viết mà quay lại trường. Tôi không hiểu những người chủ xướng của Tổ chức Hezbollah có nhìn thấy điều đó không khi họ vui mừng gào thét lên rằng họ đang là kẻ thắng trận?

clip_image002

Giữa đổ nát hoang tàn của chiến tranh

Trong chiến tranh, có ai là kẻ thắng trận hay không?

Phe thắng trận trong chiến tranh Việt Nam có con số thiệt hại, riêng về nhân mạng , đã lên tới hàng mấy triệu (cho đến nay, vẫn chỉ là ước lượng, vì con số chính thức thương vong sẽ không bao giờ được họ công bố). Về hạ tầng cơ sở (cả kinh tế lẫn xã hội) đã bị đẩy lùi lại một khoảng thời gian gần 30 năm. Về tâm thức, là một não trạng pha trộn giữa nước mắt và nụ cười, rồi những nụ cười hòa bình cũng vội chấm dứt, nhường chỗ cho những giọt nước mắt đã bị đè nén từ mấy chục năm chiến tranh được dịp tuôn trào. Sau nước mắt, là não trạng uất ức vì bị lừa phỉnh, thứ lừa phỉnh mỹ miều “đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp bằng năm bằng mười ngày nay”. Đó là chưa kể đến mục đích tối thượng của phe thắng trận là xây dựng chủ nghĩa Cộng sản trên toàn nước Việt Nam đã bị thời gian đào thải, nhường chỗ cho chủ nghĩa Tư bản quay lại thống trị, dù là dưới một lớp vỏ khác nhằm xoa dịu tự ái của kẻ thắng trận. Mỉa mai hơn nữa, người Mỹ được chính kẻ thắng trận mời đến để giúp xây dựng đất nước “to đẹp bằng năm bằng mười ngày nay”.

Phe “Thắng trận” trong cuộc chiến Do Thái- Hezbollah chỉ kéo dài mới 34 ngày mà đã có tới 1,100 người chết, hàng chục ngàn bị thương và gần 1 triệu người phải bỏ làng mạc nhà cửa đi tị nạn, và mùa khai trường đã đến, nhưng hàng trăm ngàn trẻ em còn đang lang thang trên những con đường tản cư, vất vưởng trong các trại tị nạn, thiếu thốn những nhu cầu cơ bản nhất của một con người.

Những bài học lịch sử không bao giờ được học hỏi, chỉ có những lỗi lầm cứ tiếp tục lập lại. Không ai đếm xỉa gì đến cái giá phải trả cho chiến tranh, để cuối cùng không được gì ngoài những nỗi đau và mất mát cứ âm ỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

4.

Chúng ta có thể chôn cất người chết, chôn cất quá khứ, chôn cất hận thù nhưng rất nhiều khi chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau.

Trong những ngày cuối mùa hè vẫn còn nóng bỏng cơn sốt nhiệt độ miền Trung Nam nước Mỹ, có đêm tôi đã bật dậy hoảng hốt vì bên tai như văng vẳng tiếng đại bác ì ùng, tiếng súng nổ dòn, tiếng trẻ con kêu khóc vì bị thương vì sợ hãi, tiếng khóc lóc nỉ non của người mẹ ngồi bên cạnh xác con.

Tôi rùng mình khi chợt nhớ lại rằng, những âm thanh quen thuộc ấy không phải từ quá khứ vọng về, mà là phát ra từ chiếc máy truyền hình bị bỏ quên không tắt, chiếu trực tiếp một cảnh chiến tranh đang diễn ra ở một vùng đất trên mặt địa cầu này.

Biết bao giờ tôi mới chôn chặt được nỗi đau của mình về những ngày khói lửa ấy trên quê hương tôi?

T.Vấn

Wichita- Kansas

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search