T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ân sủng Trần Gian

Gởi linh hồn Bé Alexandra Scott, ở Vườn Địa Đàng, như một lời đưa tiễn em. Gởi bé Arabella Uhry ở New York, như một lời cám ơn em đã giúp tôi nhìn ra sự hèn mọn của chính mình.

● Tuổi thơ thơm như sách mới

sáng như gương soi trên mặt trời.

(Trầm Tử Thiêng)

Và rồi những ngày hè đã qua đi. Mùa khai trường lại trở về. Trên đường phố lại thấy xuất hiện những chiếc xe chở học sinh quen thuộc, và sáng sáng, quanh những ngã tư gần khu vực trường học, cảnh kẹt xe lại tái diễn với sự nhẫn nại thường lệ của cư dân thành phố. Hôm đầu tuần, đưa các con tôi đi mua sắm vật dụng sách vở cho năm học mới tại chợ Wal-mart, nhìn những em nhỏ xôn xao ríu rít bên cha bên mẹ quanh những dãy hàng xếp dành riêng cho “Back To School”, lòng tôi cứ nao nao nhớ về những năm tháng học trò của riêng mình và văng vẳng trong trí nhớ đang ngày một hao mòn đoạn mở đầu bài văn “Tôi đi học” bất hủ của nhà văn Thanh Tịnh.

. . . Hàng năm, cứ vào độ cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. . .

Trời đất xứ người vẫn chưa vào Thu. Cái nóng mùa hè vẫn còn vất vưởng trên những vòm cây, ngọn cỏ. Nhìn khuôn mặt háo hức của các con tôi với tập vở mới, cặp sách mới, dù rằng thực sự chúng chưa bao giờ thiếu thốn những thứ ấy, và nỗi bồn chồn mong gặp lại được những bạn bè cũ chia tay từ buổi học cuối cùng mấy tháng trước – mặc dù, tận trong lòng chúng, âm vang những ngày tháng vui chơi thoải mái của mùa hè vẫn còn quyến luyến chưa chịu ra đi – tôi bùi ngùi cảm nhận một cách sâu sắc rằng trẻ thơ là ân sủng của trần gian, dù trần gian ấy là bao ngàn năm về trước hay thế kỷ 21, là một ngôi làng êm đềm nhỏ bé của Việt Nam nghèo khổ hay một thành phố nhộn nhịp của nước Mỹ giàu mạnh. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ về, dù đó là một tuổi thơ buồn thảm hay đầy ắp những may mắn mà trần gian này có thể ban phát được. Trẻ thơ, ân sủng của trần gian và là viên ngọc nạm trên khuôn mặt đời lỗ chỗ những hầm hố của hận thù, dối trá, bon chen, ganh tị . . .

Nước Mỹ, những ngày cuối hè xôn xao với sự chuẩn bị cho năm học mới, lo lắng cho phòng học máy lạnh cũ không đủ hơi mát, lo lắng cho phương tiện vận chuyển đưa học trò đến trường, lo lắng đến từng bữa ăn sắp tới cho cả những học trò nghèo không đủ tiền trả cho bữa ăn trưa của mình. Nước Mỹ, niềm mơ ước của tuổi thơ. Nhưng nước Mỹ, những ngày đầu mùa khai trường năm nay, đã vô tình, quên đi một em bé đáng thương hơn bất cứ một em bé nào ở tuổi học trò trên đất Mỹ.

Bé Alexandra Scott

Đó là một bé gái mới 8 tuổi, và cuộc đời em chỉ kéo dài có 8 năm. Có nghĩa là em sẽ không bao giờ được lớn lên để có giây phút ngoảnh nhìn lại hôm qua mà nao nao cho một thời hoa niên học trò đã mất. Cuộc đời em kéo dài có 8 năm, nhưng đó là 8 năm của một đời người mà ý chí phấn đấu và sự thành tựu có lẽ vượt hơn cả những đời người mà chiều dài năm tháng không đem lại chút ý nghĩa nào.

8 năm về trước, ngày Thôi Nôi của em đến trong nỗi lo lắng của cha mẹ em vì họ vừa được bác sĩ gia đình báo tin rằng em bị mắc một chứng bệnh rất hiểm nghèo – ung thu óc- mà y khoa hiện thời vẫn chưa có cách gì chế ngự. Dù vậy, em không chịu nằm yên phó mặc cho định mệnh. Lên 4 tuổi,- ngoài một nghị lực phi thường chịu đựng những đớn đau thể xác do căn bệnh gây ra- , em còn có sáng kiến và tự mình làm một quầy bán nước chanh để gây quỹ lấy tiền trả cho các chi phí về nghiên cứu, thí nghiệm cách điều trị các chứng bệnh ung thư ở trẻ em. Năm đầu tiên, em gây được số tiền $2,000 cho quỹ. Sau 4 năm, riêng mình em với những nỗ lực phấn đấu của mình, quỹ đã lên đến $200,000. Đến giữa năm 2004, trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ, lan rộng sang cả Canada và Pháp, các quầy nước gây quỹ tương tự như sáng kiến ban đầu của em bé gái can đảm, đã mọc lên như một biểu tượng của sức phấn đấu của em, và số tiền quỹ đã lên đến $750,000. Đứa bé gái tội nghiệp, trước khi thở hơi cuối cùng đã mơ ước rằng số tiền sẽ lên đến $1,000,000. Một hãng chế tạo xe hơi nổi tiếng của Bắc Mỹ đã cam kết gíup em thỏa ý nguyện cuối cùng.

. . . Sau 8 năm làm một đứa trẻ thơ, một trẻ thơ không được hưởng niềm vui của trẻ thơ mà lẽ ra em phải được hưởng, giây phút cuối đời ngắn ngủi em được nằm trên chiếc ghế sofa quen thuộc, vây quanh là cha và mẹ và những người thân yêu nhất, mở mắt lần cuối cùng nhìn thế gian, nhìn hàng cây quen thuộc xanh lá mùa hè đang đung đưa ngoài cửa sổ, nghe tiếng xôn xao cười nói của những em bé cùng trang lứa đang nô đùa chạy nhảy trong giờ ra chơi, em mỉm cười ra đi. Lời ước nguyện của em đã được chấp nhận. Em không muốn thế gian này sẽ có những đứa trẻ bất hạnh như em. Ở trên cao kia, Đấng khuất mặt, cảm động vì tấm lòng cao cả và sự phấn đấu của em, đã cất đi cho em sự đau đớn của giây phút cuối cùng, sự đau đớn mà trong 8 năm làm người em đã bao nhiêu lần oằn mình chịu đựng, sự đau đớn mà em chỉ sợ sẽ làm em không thể mỉm cười được khi nói lời từ giã thế gian.

Tôi không biết, trước khi nhắm mắt lìa đời, em có nhận được thư an ủi của một em bé gái khác, người mà- cũng như em – mới chỉ lên 8 tuổi năm nay, cảm nhận được sự may mắn của mình, đã tình nguyện viết thư an ủi những trẻ em mắc bệnh nan y trên đất Mỹ.

Tôi tin rằng họ đã có cơ hội liên lạc với nhau.

Arabella Uhry ở New York

Đó là một bé gái Trung Hoa, được người hảo tâm nhặt lên từ một đống rác trên đường phố xơ xác của một nước Tàu Cộng Sản, chỉ vài giờ sau khi “bị” sinh ra, mà có lẽ cha mẹ em không dám nuôi em trong nhà, vì chính sách một con tàn bạo của chính quyền. Điều may mắn xảy đến cho em là được một gia đình người Mỹ ở New York nhận làm con nuôi. Một hôm, người mẹ nuôi của em nói cho em biết rằng, có những đứa trẻ bằng tuổi em chẳng may bị những chứng bịnh không thể chữa khỏi, như thế, thật là bất hạnh cho chúng vì chúng không thể cắp sách đến trường, không thể chạy nhảy vui đùa ca hát như em. Em tự nghĩ rằng mình là kẻ may mắn, phải nghĩ đến những người không được may mắn như mình. Với sự giúp đỡ của mẹ, em bắt đầu thu thập tên tuổi, địa chỉ của những trẻ thơ bị bệnh nan y và gởi đi những lá thư, những bưu thiếp với nội dung rất đơn giản: Hỏi thăm, chúc mau lành bệnh, khuyến khích người nhận hãy cầu nguyện v .. v.. (Liệu chúng ta sẽ mong đợi gì hơn ở một bé gái 8 tuổi ngoài những lời lẽ đẹp đẽ như vậy, những lời lẽ mà ngay chính người lớn chúng ta vẫn còn hà tiện với nhau, nói gì đến lòng tử tế thực sự). Khởi đầu là với một em bé bị bướu não ở Kansas. Em liên lạc, an ủi cho đến khi em bé tội nghiệp này qua đời hồi tháng 9 năm 2003. Em vẫn tiếp tục sự đóng góp nhỏ bé của mình, tình nguyện gia nhập một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ các em bé bị bệnh hiểm nghèo. Hiện giờ, em đang là cầu nối cho hai em bé gái khác sắp sửa từ giã cõi đời tiếp xúc với nhau. Ở tuổi lên 8 của em bé gái Mỹ gốc Trung Hoa này, phần lớn trẻ sẽ luôn bận tâm về việc mình sẽ nhận được những gì, nhưng riêng em, em quan tâm đến mình có thể làm được gì cho người khác nhiều hơn . . .

Đã bao lần rồi tôi không biết nhàm chán khi đặt bút xuống viết lại câu Trẻ thơ là ân sủng của trần gian. Và cái chết của những trẻ thơ, tôi không bao giờ tin một cách đơn giản rằng đó chỉ là cái chết như hàng triệu cái chết mỗi ngày trên mặt đất con người. Không, cái chết của trẻ thơ chỉ là sự ra khỏi chỗ mà con mắt trần gian có thể nhìn thấy được. Và con người, dù rất không xứng đáng, nhưng sẽ vẫn tiếp tục được ban cho ân sủng quý giá này.

Khi tôi viết những dòng này, thì trên đất nước tôi, có biết bao em bé không được cắp sách đến trường, có biết bao em bé buổi tối đi ngủ với cái bụng lép kẹp, có biết bao em bé không có được một mái nhà để che trên đầu, có biết bao em bé mắc những căn bệnh hiểm nghèo chờ chết trong cô đơn, tuyệt vọng và sự túng quẫn của cha mẹ.

Ngày mai, trên đường đưa các con tôi đến trường cho buổi học đầu tiên, tôi sẽ nhắc lại với chúng những điều này.

T. Vấn

(Mùa Khai Trường 2004)

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search