T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhặt lại những mảnh vỡ

clip_image001

Viết thêm của tác gỉa: Bài viết này được viết vào tháng 8 năm 2005, nhân vụ bão Katrina và Rita hòanh hành New Orleans, Biloxy, Houston, Galveston, những nơi có đông đảo người Việt cư ngụ. Mùa bão năm nay, 2006, hai cơn bão lớn Chan Chu và Xangsane tàn phá mấy tỉnh miền trung nước Việt, làm thiệt hại nặng nề cả về người vẫn của. Nhận thấy những điều người viết ký gởi trong bài viết này từ hơn một năm về trước, nay vẫn giữ nguyên gía trị ấy khi ngồi nhìn những hình ảnh tan nát ở quê nhà sau một trận phong ba. Người viết xin lại được gởi đến người đọc, như một cố gắng nhặt lại những mảnh vỡ trong hồn, vốn đã không còn nguyên vẹn vì tai trời và ách nước mấy mưoi năm nay.

Tháng 10/2006. T.Vấn

▪ . . . Có biết đâu niềm vui,

Đã nằm trong thiên tai . . .

(Tình khúc thứ nhất – Nguyễn đình Toàn, Vũ thành An)

1.

Từ cánh đồng nước New Orleans, anh bạn già gởi cho tôi lá thư viết tay trên giấy học trò (Mỹ), vì, theo anh, Bà mẹ Thiên nhiên (Mother Nature) đã nhận chìm hết những biểu hiện văn minh đầy nét kiêu bạc như máy vi tính, mạng nối, thư điện tử v..v.. mà anh vốn quen dùng. Thật lạ lùng, tờ thư khô ráo, không bị nước sông Mississippi hay nước hồ Pontchartrain làm ướt chút nào hết. Kể cả nước mưa của cái đuôi cơn bão Katrina cũng không làm phong thư nhạt nhòa đi nét chữ vốn đã rất quen thuộc với tôi từ những ngày chúng tôi còn ở chung một đơn vị quân đội thuộc miền Tây Nam Việt. Cầm phong thư có địa chỉ từ thành phố vốn đã nổi tiếng, nay lại càng nổi tiếng hơn ấy, tôi hình dung ra tất cả những sự cố gắng vượt bực của những người bạn đồng nghiệp (bưu điện) của tôi bên ấy. Đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi sinh, sau khi cuộc sống đều đặn hàng ngày của anh bạn tôi (và các cư dân vùng bão lụt), bỗng nhiên, chỉ qua vài ngày, đã biến thành những mảnh vụn.

Cơn bão chưa kịp qua đi, mọi người đã lại xắn tay áo đi nhặt những mảnh vụn của đời mình, cố hết sức chắp chắp vá vá. Dẫu không còn được như xưa, nhưng ít nhất cũng phải cho ra hình dạng một đời sống. Ăn uống, ngủ nghỉ, đi học, làm việc và lúc rảnh thì ngồi ngoảnh nhìn quá khứ. Để chợt giật mình nhận ra rằng, trên cõi đời này chẳng có gì là trường tồn, vĩnh cửu. Không có gì là không có thể mất mát, hư hao. Bất kể những thành tựu khoa học vượt bậc trong mọi lãnh vực của nền văn minh nhân lọai.

Sẽ có thể có một ngày, cả hành tinh này sẽ biến thành những mảnh vụn. Sá gì những mảnh đời còm cõi (như anh bạn tôi). Và khi đó con số hàng triệu con người ở những tiểu bang miền Trung Nam nước Mỹ vừa giàu có, vừa nghèo khổ, vừa hào phóng, vừa keo kiệt kia hiện đang lang thang vất vưởng trong những trại tạm cư cũng chỉ là con số rất khiêm tốn.

2.

Huyền thoại về chàng công tử Mỹ Quốc hào hoa phong nhã, giàu có đẹp trai, chỉ trong vài đêm mưa gió bão bùng sấm chớp đầy trời đã bị hai con Hồ Ly Tinh đội lốt nàng tiên tóc trắng trời đày Katrina và Rita phá vỡ không một chút thương tiếc. Thế ra, bên cạnh những biểu hiện giàu có nhất trần gian này vẫn có những thực tại nghèo khổ mà ít người tưởng tượng ra được. Bên cạnh lòng độ lượng hào phóng (của nước Mỹ huyền thoại, của American dream) thường thấy mỗi khi thế giới phải lâm vào những thảm cảnh dù là do người hay trời gây ra, những tuần lễ vừa qua, người ta lại chứng kiến hậu quả của sự bủn xỉn (?), sự kỳ thị màu da (?) trong các lãnh vực chăm lo đời sống của người dân trong nước của một nước Mỹ hùng cường. Hay ít ra, đó cũng là lời buộc tội của những tay hoạt đầu chính trị, những con người cơ hội chủ nghĩa, mà thời đại nào, chủng tộc nào, quốc gia nào cũng đều có.

Nhưng dù cho những tay hoạt đầu chính trị nước Mỹ có hùng hổ to tiếng đến cỡ nào nhân vụ bão Katrina về tác phong quan liêu của chính quyền nước Mỹ, thì anh bạn già của tôi – người đã từng hơn một lần đi nhặt những mảnh vụn của đời mình mà chắp vá lại – vẫn không thể không buông tiếng thở dài mà nhớ về đất nước riêng của mình với một chính quyền ngàn lần tệ hại hơn, vô trách nhiệm hơn, quan liêu hơn là những gì người dân nước Mỹ đang lên tiếng phê phán chính quyền của họ.

3.

Như mấy chục ngàn người Việt Nam chọn thành phố New Orleans làm nơi vá lại những mảnh vỡ vụn của đời mình lần lượt từ sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954 (những bà cụ già Việt Nam ngồi họp chợ chồm hổm Versaille vẫn không quên chiếc khăn mỏ quạ mang theo từ quê nghèo miền Bắc những ngày ấy hơn 50 năm xưa) hay cuộc triệt thoái cao nguyên bi thảm tháng 3 năm 1975 trên đường số 7 lịch sử (mà cuộc di tản tránh bão Rita vừa qua của gần 1 triệu người dân Houston trên Xa Lộ 45 nối liền Houston-Dallas cũng chỉ mới sánh được một phần trên phương diện nỗi đau khổ của con người) hay hình ảnh những con người bám vào càng trực thăng mong tìm được một chỗ lánh nạn trên một chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi Thái Bình Dương những ngày tháng 4 -1975 (mà những cuộn băng video Thúy Nga hay Asia không lúc nào bỏ lỡ dịp cho đọan phim lịch sử ấy xuất hiện trong những phòng khách sang trọng của người Việt khắp nơi trên thế giới) – thì với anh bạn già của tôi – một trong những cư dân gốc Việt của New Orleans – khái niệm nhặt những mảnh vỡ vụn của đời mình sau một cuộc phong ba không hề có ý nghĩa trừu tượng như trong những trang viết văn chương phù phiếm (của tôi). Với anh, với những cư dân gốc Việt của thành phố New Orleans tiểu bang Louisiana, với cả những cư dân gốc Việt của thành phố Biloxi tiểu bang Mississippi, của Port Arthur, của Galveston tiểu bang Texas, thì khái niệm ấy cụ thể và có thật như nước mắt của chính họ bao lần đổ ra khóc cho những người thân yêu nằm xuống do trận đói năm Ất Dậu, do trận bão năm Thìn, do những trận chiến ác liệt như trận chiến năm Mậu Thân; như cảm giác quặn thắt ruột gan khi nhìn sản nghiệp nhỏ bé của mình chiu chắt từ bao năm phút chốc chìm trong lửa đạn chiến tranh hay những cuộc trường chinh bỏ phiếu cho tự do bằng chính mạng sống của mình, để lại sau lưng cơ nghiệp một đời gầy dựng. Nói cách khác, đây không phải là lần đầu tiên họ làm công việc nhặt lại những mảnh vỡ vụn của đời mình. Chỉ khác một điều là nay họ không còn trẻ nữa, tuy ý chí còn đó nhưng sức khỏe đã giảm đi khi tuổi đời ngày một chồng chất.

Nhưng tôi không hề thấy trên nét mặt họ dấu hiệu của sự đầu hàng số phận. Cam chịu thì có cam chịu, nhưng không than van. Và chắc chắn không đầu hàng.

Phải chăng đó là số phận nghiệt ngã của đồng bào tôi?

4.

Cộng đồng Người Mỹ gốc Việt mới chỉ có 30 năm lịch sử trên mảnh đất của những cơ hội (Land of Opportunities). Bài học dựa vào sức mình là chính mỗi khi phải kinh qua những biến cố đau thương đã ăn vào trong máu họ. Cho nên, những ngày vừa qua trước sự hoành hành khủng khiếp của hai cơn bão Katrina và Rita, chúng ta nhìn thấy những cộng đồng Việt Nam dang tay cứu đỡ nhau coi như đó là chuyện phải làm. Họ không trông vào chính quyền để khi không thỏa mãn, oán trách chính quyền.

Chúng ta đã quá nhuần nhuyễn cái triết lý thật đơn giản: Hãy tự cứu mình trước khi trông mong người khác đến cứu.

Nhưng những cộng đồng khác trong khu vực bị thiên tai không hẳn đã học được bài học mà người Việt Nam đã học được trong lịch sử một ngàn năm Tàu thuộc (ngoại trừ vua Lê Chiêu Thống), một trăm năm Tây thuộc (ngoại trừ chúa Nguyễn Ánh), 50+ năm Cộng sản thuộc (ngoại trừ cả hai bên tham chiến trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng) của mình.

Thí dụ như cộng đồng Người Mỹ gốc Châu Phi (African- American). Định cư ở New Orleans từ thế kỷ 17 theo làn sóng người nô lệ từ Châu Phi hoặc những người nô lệ đã được giải phóng từ nước Cộng hòa Dominican, họ chiếm tỷ lệ đáng kể (62% – 67%) của dân số New Orleans. Gần 300 năm sống trên một trong những mảnh đất dân chủ nhất thế giới, họ đã bị sự dễ dãi của cuộc sống bào mòn ý chí tự lập. Trận bão Katrina vừa qua, đồng thời bộc lộ khuyết điểm của chính phủ Mỹ, xã hội Mỹ và cả khuyết điểm tệ hại nhất này của cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi. Với tỷ lệ sống nhờ vào trợ cấp xã hội (welfare) cao nhất – so với các cộng đồng khác – họ phát triển một kiểu mẫu gia đình đông người (làm mẹ sớm, đông con, một số không nhỏ vắng bóng người đàn ông – cha, chồng -). Do đó, chưa kể đến những biến cố do thiên tai gây ra, cuộc sống bình thường hàng ngày của họ vốn đã dựa vào chính quyền và các cơ quan từ thiện. Một khi những nhu cầu của họ không được thỏa mãn, tất nhiên sẽ nẩy sinh những bất mãn, oán trách, trả thù. Đó là nguồn gốc của những bạo động, cướp bóc, hôi của song song với sự tàn phá của bão Katrina những ngày vừa qua ở New Orleans.

Đồng loạt với những chính trị gia hoạt đầu, cơ hội của chính trường Mỹ, các cơ quan truyền thông lớn nhất Hoa Kỳ (và thế giới) đã không bỏ lỡ cơ hội đưa những hình ảnh giận dữ, trách móc của những người dân Mỹ vốn đã bị chính quyền nước mình và các cơ quan từ thiện làm hư hỏng lên trên mặt truyền hình, trên trang nhất những tờ báo lớn phát hành toàn thế giớị

Nhìn những cái cổ đầy gân vì la hét đòi hỏi, tôi chợt nhớ đến những nét cam chịu của đồng bào mình.

Và hơn lúc nào hết, tôi thấy tội nghiệp cho dân tộc mình quá đỗi. Hết áp bức này đến áp bức kia, nên dù chỉ được ban phát một chút tự do nhỏ giọt , đã tưởng đó là đại dương mênh mông của nhân lọai. Cái bụng đói lép kẹp đã nhiều thế hệ, nên một bữa cơm no đã thấy mình hài lòng với chính quyền (dù biết nó bóc lột mình đến xương tủy). Cái áo vá mặc từ đời cha đến đời con, nên khi mua cho cháu mình được chiếc áo mới, đã tự an ủi mình rằng chính quyền này, thể chế này kể ra cũng không đến nỗi nào.

Chẳng bù với những người Mỹ hư hỏng (the spoiled Americans) kia. Một nền dân chủ tiên tiến nhất thế giới đã khiến họ biến giọt nước mắt của cá nhân mình thành đại dương biển cả. Những bữa ăn từ bao lâu vốn thừa mứa no đủ nên dù chỉ một lần không đáp ứng kịp thời cũng đủ khơi lên trong họ cảm giác bị bỏ rơi (dù biết rằng phần đóng góp của mình cho xã hội – nếu có – hết sức nhỏ nhoi). Quần áo vốn đã quen với thời trang, màu sắc rực rỡ, là ủi thẳng thớm, nên những ngày mưa gió không điện không nước đã thúc đẩy họ đi vào những cửa hàng không có chủ mà thỏa mãn cho nhu cầu riêng tư của mình bằng sự chi phí của người khác.

Liệu những con người bị bứng ra khỏi cuộc sống dễ dãi hàng ngày ấy có đủ sức để cúi xuống nhặt nhạnh những mảnh vỡ vụn của đời mình mà chắp vá lại hay không?

5.

Tôi đã hơn một lần tự hỏi rằng liệu sau trận bão Katrina (và mới đây trận bão Rita đã nhận chìm thành phố New Orleans một lần nữa dưới làn nước bạc), thành phố lừng danh thế giới với điệu kèn Jazz bất diệt của Louis Armstrong (người nhạc sĩ da đen huyền thoại) và lễ hội Mardi Gras cuồng nhiệt, sẽ được hồi sinh, như những mảnh đời gắn bó với New Orleans sẽ cố gắng hết sức mình để hồi sinh?

Càng ngày tôi càng thấy niềm hy vọng của mình trở nên mong manh. Chẳng phải vì con số 250 tỷ Mỹ kim mà quốc hội tiểu bang Louisiana vừa đưa ra yêu cầu ngân sách liên bang – vốn đã thâm thủng trầm trọng – trợ giúp tái thiết những đổ nát vì bão Katrina và Rita (khiến nhiều con mắt am tường phải nhướng lên ngạc nhiên vì sự hào phóng quá mức). Cũng chẳng phải vì sự tiếp tay rất tai hại của trận bão Rita khiến tình hình thành phố vốn đã bi đát lại càng thêm bi đát .

Mà trước hết là bởi những con người làm nên cái hồn của New Orleans. Qua ánh mắt, qua sự mệt mỏi chán chường, tôi biết là họ sẽ một đi không trở lại. Thành phố ấy có hồi sinh hay không hồi sinh, hẳn không phải là mối quan tâm của họ hiện naỵ Họ đã có quá đủ những rối bời của riêng mình để lo lắng đến.

6.

Nhưng, bằng một cảm giác tự tin quen thuộc, tôi vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng vào 30 ngàn người Mỹ gốc Việt ở New Orleans, trong đó có anh bạn không còn trẻ nữa của tôi. Những ngôi làng đánh cá Việt Nam dọc bờ biển New Orleans rồi sẽ lại nhộn nhịp âm thanh ríu rít như chim của tiếng Việt trên đất Mỹ. Ngôi chợ chồm hổm của làng chài Versaille sẽ lại nhóm họp trong bóng bình minh của ngày mai hứa hẹn. Và những cụ già đầu chít khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu sẽ lại ngồi bày ra những đặc sản quê hương mà những năm xưa bước chân ra đi các cụ đã không quên đem theo bên mình.

Nếu không thế làm sao người Việt mình có thể sống sót cho đến bây giờ, sau bao nhiêu thiên tai, hạn hán, lụt lội, chiến tranh và bao thứ tai ương khác?

7.

Ở Việt Nam vừa có tin về trận bão áp thấp nhiệt đới (typhoon) Damrey, sau khi làm thiệt mạng hơn 30 người ở Trung Quốc và Phi luật Tân, đã đổ bộ vào bờ biển phía bắc Việt Nam hôm 27 tháng 9, 2005 với sức gió 60 dặm một giờ. Khoảng 300 ngàn người dân ở vùng duyên hải bắc bộ đã phải di tản. Đã có gần 1 ngàn căn nhà bị phá hủy, 9 ngàn khác bị hư hại từ nhẹ đến nặng. Chưa có tin tức đích xác gì về những thiệt hại nhân mạng. Các giới chức khí tượng nhận định rằng đây là cơn bão mạnh nhất kể từ 10 năm nay trong vùng Vịnh Bắc Bộ.

Đọc mảnh tin trên, tôi có thể hình dung ra bao nỗi thống khổ, từ vật chất đến tinh thần, của người dân sống trong vùng bão lụt. Mặc chính quyền muốn khoe khoang như thế nào về mức độ cứu giúp của họ (25 ngàn quân nhân đã được điều động đến để giúp đỡ người di tản và tiếp tay che chắn đê điều), tôi tin rằng những gì người dân bị nạn ở Việt Nam tiếp nhận từ phía chính quyền cũng không thể so sánh được với những gì người dân Mỹ nạn nhân của Katrina và Rita nhận được từ chính quyền nước họ. Điều đơn giản, trước hết, là vì Việt Nam nghèo quá, lạc hậu quá, và không có những phương tiện truyền thông hữu hiệu như ở Mỹ để thúc đít chính quyền, nhất là thứ chính quyền cha truyền con nối như ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng, mặt khác, tôi cũng vẫn tin tưởng người dân vùng duyên hải bắc bộ Việt Nam có cùng một ý chí gang thép như những người Việt Nam ở New Orleans, Biloxi, Port Arthur, Galveston. Vì người dân miền Bắc, cũng như miền Nam, đã kinh qua nhiều những tai trời, ách nước, những thảm cảnh khốn cùng của địa ngục trần gian.

Và chắc chắn, không bao giờ người ta thấy được sự tức tối của người dân đối với chính quyền, vì lẽ, có bao giờ họ đặt niềm tin vào chính quyền đâu mà thất vọng.

8.

Xóa bài làm lại nữa ư?

Anh bạn già của tôi tự trả lời câu hỏi.

Chả lẽ ngồi khóc than cho đến hết đời. Còn người còn của. Vả lại, biết bao người chứ chẳng riêng gì mình.

Trời chẳng bao giờ phụ lòng người mãi.

Còn mảnh vụn nào cứ nhặt hết lên. Rồi thì cũng sẽ vá được tất!

T.Vấn

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search