T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Gọi mãi tên nhau

clip_image002

 

 

• Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau . . .

(Trịnh Công Sơn)

 

 

1.

Sáng nay, tôi thức dậy sớm hơn thường lệ. Tôi định bụng sẽ ghé nhà quàn thành phố viếng linh cữu vợ một người bạn. Chị vừa mới mất vì cơn Stroke bất ngờ. Sau khi làm xong công việc vệ sinh cần thiết buổi sáng, nhìn đồng hồ, tôi thấy vẫn còn qúa sớm. Nhưng không khí trong lành của một ngày đầu thu, cùng với những ý nghĩ ngổn ngang về người chết, khiến tôi bước chân ra khỏi nhà. Tôi quyết định ghé qua một tiệm sách, nơi đó có một góc nhỏ bán cà phê, với ý nghĩ là tôi sẽ có dịp quan sát sự sống của buổi sáng – thời khắc bắt đầu cho một ngày bận rộn – trước khi nhìn thấy sự chết ở nhà quàn. Tôi cho rằng, để quan sát một sự vật, một sự việc – cách dễ nhất và đúng nhất là đặt các vật, các việc tương phản bên cạnh nhau. Thí dụ, đặt một người đàn ông cạnh một người đàn bà, để quan sát người này hoặc người kia. Tương tự như vậy, với sự sống và sự chết. Với tôi, một thư viện, một tiệm sách đúng nghĩa, đó là nơi tôi sẽ tìm đến để chiêm nghiệm về sự sống và cái chết. Bởi vì, khi đắm mình trong không khí đặc biệt của thư viện hoặc tiệm sách, tôi luôn cảm tưởng có một thế giới người chết quẩn quanh. Sáng nay, tôi chọn hiệu sách, vì ở đây, tôi có thể nhấm nháp chút cà phê ấm một buổi sáng đầu thu se se lạnh. Để biết chắc chắn rằng mình vẫn còn sống, vẫn còn tỉnh táo nếm được cái vị đắng hạnh phúc, vẫn còn sờ được cái ấm áp hạnh phúc, ngửi được cái mùi thơm hạnh phúc, dù chỉ là của cà phê. Để tự nhắc nhở mình hãy yêu thương lấy cuộc đời này. Để tự khuyên nhủ mình rằng, những khuôn mặt đồng loại đang hối hả bước vào một ngày sống kia đáng yêu biết bao, dẫu cho, đôi lúc họ có làm cho mình bực bội. Và cũng có thể, ngày mai, trong số ấy, có người lặng lẽ biến mất khỏi trần gian này, không ai biết không ai hay. Và biết đâu, một trong số người lặng lẽ biến mất ấy, có thể là chính mình.

2.

Tôi rời tiệm sách có quán cà phê với những chiêm nghiệm rất triết lý trong đầu để hướng về phía nhà quàn thành phố, một địa điểm yên tĩnh – dĩ nhiên – bao bọc chung quanh bằng những hàng cây lá đã bắt đầu úa vàng. Tôi tưởng tượng, khi đứng trước mặt người chết – một nửa trên của linh cửu luôn mở ra trong giờ viếng – những ý tưởng tôi quan sát, suy ngẫm sáng nay, sẽ được dịp đối chọi, cọ sát với hình ảnh cái chết hiện hữu, dù là trong không khí thật tinh khiết của nhà quàn nước Mỹ. Nhưng tôi đã bị bất ngờ. Đúng hơn, tôi cảm thấy bị hụt hẫng. Trong cái tịch mịch, tưởng chừng như có thể nghe thấy được cả âm thanh của sự im lặng, anh bạn tôi đứng đó. Một mình. Mắt đăm đăm nhìn vào thi thể người vợ đã bỏ anh ra đi mãi mãi. Anh như không nghe tiếng bước chân rất nhẹ của tôi. Cũng không có một cử chỉ gì chứng tỏ anh biết có người mới đi vào. Tôi nhìn hai khuôn mặt. Một của người chết nằm đó, được chải chuốt trang điểm lại trông rất đẹp. Lúc sinh thời, chị vốn là một người có nhan sắc. Mắt chị nhắm lại, thanh thản nhẹ nhàng, như người nằm ngủ. Còn khuôn mặt kia là của người đàn ông chồng chị. Nhợt nhạt, mệt mỏi, và đôi mắt trống rỗng vô hồn. Nhưng trong đó, tôi nhìn thấy cả một trời thống khổ. Một sự mất mát không gì có thể bù đắp được. Họ đã đi bên nhau hơn 40 năm trời, trải qua nhiều năm tháng vui buồn, sướng khổ. Họ đã có với nhau những mặt con. Đứa còn sống, đứa đã chết. Đứa đã trưởng thành, có mái gia đình riêng. Đứa nhỏ nhất cũng đã hơn 18 tuổi. Nay, một người ra đi, bỏ một người ở lại. Người ra đi đã yên phận người ra đi. Còn người ở lại? Hiển nhiên nỗi đau mất mát là không thể đo lường được. Bấy nhiêu cũng đã đủ để đánh gục ông gìa trên 60 tuổi kia. Chưa kể đến cuộc sống của anh những ngày sắp tới. Tất cả là một sự đảo lộn. Hơn 40 năm chung sống vợ chồng, cũng có những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, nhưng anh đã quen có người bạn đời đi bên cạnh. Nhìn con người khốn khổ đang đứng thất thần, tôi tự hỏi, anh cần bao lâu để có thể điều chỉnh lại cuộc đời mình, một cuộc đời thiếu đi bóng dáng người vợ? Anh bỗng ngước nhìn tôi. Qua cái nhìn, tôi biết rằng, những ý nghĩ của tôi về anh là đúng. Là bạn của nhau từ nhiều năm, chúng tôi ít khi cần đến sự trung gian của ngôn ngữ.

Mới vừa lúc nãy, trong góc quán cà phê của tiệm sách, lòng tôi đã tràn ngập cái hạnh phúc được sống, được tận hưởng ân sủng trần gian là cầm trên tay ly cà phê nóng trong một buổi sáng đầu thu se se lạnh, thì bây giờ đây, tôi lại có cảm tưởng cái chết là một sự giải thoát. Vì khuôn mặt người chết thanh thản qúa, nhẹ nhàng qúa. Mà người còn sống kia, là anh bạn tôi, đau đớn qúa, thống khổ qúa. Trong khoảnh khắc, những chiêm nghiệm triết lý của tôi về sự sống và sự chết bỗng trở nên mờ nhạt và vô nghĩa. Trước nỗi đau khổ của con người, mọi suy nghĩ thuần lý đều bất lực và hèn mọn.

3.

Tôi ôm vai anh bạn tôi, chúng tôi ngồi xuống, im lặng. Không lời lẽ nào cần thiết trong lúc này. Tôi nhớ đến câu chuyện do chính Trịnh Công Sơn kể lại về bài hát “Hạ Trắng” ông viết ra trong tình huống nào. Dạo đó, ông ở Huế và bị một cơn sốt nặng. Trong nhiều ngày, ông nằm sốt mê man không biết gì. Nhưng có lúc ông như ngửi thấy mùi dạ lý hương và lạc vào khu rừng hoa trắng. Tỉnh dậy, ông thấy bên cạnh mình có bó hoa dạ lý hương. Ông biết chủ nhân những bông hoa ấy là ai. Khi hết bệnh, nghe tin bố một người bạn hấp hối, ông đến thăm. Cụ không có bệnh gì ngoài nỗi nhớ thương người vợ vừa mới mất. Hai ông bà tuy già nhưng vẫn ngủ bên cạnh nhau trên sập gụ xưa. Một hôm, cụ bà xuống bếp nấu nước pha trà cho cụ ông, chẳng may bị gío, ngã chết. Mấy người con vội đưa mẹ về nhà mình để tẩm liệm, chôn cất và dấu cụ ông. Ông cụ thức dậy, hỏi mẹ đâu, các con trả lời bà cụ đang ở bên nhà một người con khác để chăm sóc hộ đưá cháu bị bệnh. Vài ngày sau, cụ hỏi các con có phải mẹ chết rồi phải không. Mọi người òa khóc. Từ đó, cụ không ăn uống gì cả để đợi ngày theo cụ bà về cõi vĩnh hằng. Câu chuyện ám ảnh TCS, và sau đó, kết hợp giấc mơ hoa trắng với mối tình già cảm động này, ông viết bài Hạ Trắng, trong đó có câu ” …áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau . . . “.

Tôi đưa tay lên sờ những món tóc bạc của anh. Dường như chỉ trong một đêm, mà tóc của anh đã bạc trắng. Anh ngước mặt nhìn tôi lần nữa, tỏ ý cám ơn. Không cần đến trung gian của ngôn ngữ, chúng tôi đã hiểu nhau. Trước khi đứng dậy ra về, tôi hỏi anh còn nhớ hai câu thơ nổi tiếng của vua Tự Đức khóc bà Bằng Phi Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi (*) không , Anh gật đầu.

Ra tới cửa, tôi quay đầu ngó lại. Anh bạn tôi vẫn bất động như một pho tượng. Tôi nhẹ tay khép cánh cửa nặng nề của nhà quàn lại, để cho anh được một mình với chị. Trong đầu tôi văng vẳng tiếng hát Lệ Thu – người mà TCS nhận xét là hát bài Hạ Trắng hay hơn Khánh Ly – aó xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau . . .

Hình như trời đang đổ những giọt mưa thu nhè nhẹ. Tôi thấy mặt kính lão của mình bị nhoà đi. Chẳng hiểu đó là do nước mưa hay nước mắt.

Nếu là nước mắt, thì hạnh phúc cho tôi biết bao!

© T.Vấn 2006

Chú thích:

* Mới đây, tôi đọc được bài “Văn đạo . . . Đạo văn” của nhà phê bình văn học Đặng Tiến đăng trên Talawas ngày 22-11-2006 nói về tác giả của hai câu thơ tôi trích dẫn (mà tôi cho là của vua Tự Đức) ở đây, xin trích dẫn đọan ông nói về hai câu thơ này như sau:

” . . .

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi

Đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Từ điển văn học, nhà xuất bản Thế Giới, 2004, cũng ghi nhầm, tôi đã có bài góp ý, đăng ở nhiều báo, trong và ngoài nước, không nghe ai cải chính. Nay xin nhắc lại.
Bài thơ nôm “Khóc Thị Bằng” không phải của Tự Đức. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1941, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn, in lại lần thứ ba, Sài Gòn, 1957, trang 91. Những tuyển tập, toàn tập Ngô Tất Tố xuất bản gần đây không nhắc gì đến cuốn Thi văn bình chú này. Ngoài ra, (dường như) Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều ra chữ Hán. Hai câu nói trên:

Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương

Sở dĩ có sự gán ghép là vì (dường như) Tự Đức thường ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thành cổ kính manh áo thành tàn y, rồi xếp vào hồ sơ của mình, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức và trong giáo trình văn học đã ghi là của Dực Tông, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ. Hơn nữa giọng thơ trữ tình bay bướm, khó có thể là giọng Tự Đức. Sinh thời học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.

(Tôi dè dặt dùng chữ ” dường như ” vì không có văn liệu trong tay) . . . “

Đặng Tiến

Bài Mới Nhất
Search