T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhân ngày lễ Tạ Ơn

“ tạ ơn trên người vẫn thương người . . . “

(Trầm Tử Thiêng)

Duy trì một thái độ luôn trân trọng và biết ơn đến đời sống rất có ích cho sức khỏe. Đó là kết luận tạm thời của một nhóm nhà nghiên cứu, vốn tin tưởng rằng, biểu lộ lòng biết ơn là một trong những cách thức hữu hiệu để yêu đời, sống lạc quan và nâng đỡ mình trong những lúc gặp cơn họan nạn.

Ngày nay, nghiên cứu sâu rộng về cảm thức biết ơn đang trở thành một lãnh vực thu hút sự chú ý của nhiều nhà tâm lý học, vì những tác động rõ rệt của cảm thức biết ơn đến thái độ sống của một con người. Nó giúp người ta sống yêu đời hơn.

Tuy nhiên, có một điểm cần chú ý. Người ta cần nói tiếng cám ơn hơn một lần trong năm. Chỉ biết biểu lộ sự biết ơn vào dịp lễ Tạ Ơn hằng năm thôi, thì cũng chẳng có tác dụng gì tốt đẹp hơn.

Giáo sư Sonja Lyubomirsky thuộc trường đại học California (UC) cho rằng “nếu bạn không thực hành nó thường xuyên thì sẽ chẳng được ích lợi gì. Giống như bạn chỉ đến Gym một lần trong năm, bạn sẽ được gì khi làm chuyện đó?”

Nhà tâm lý học David DeSteno của Northeastern University, trong một công trình nghiên cứu được tài trợ bởi National Science Foundation, phát hiện ra rằng “lòng biết ơn hướng con người đến những hành vi đạo đức hoặc ít vị kỷ hơn. Và nó củng cố mối quan hệ mật thiết với xã hội, vốn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển cả về vật lý lẫn tâm lý của con người.”

Robert Emmons, giáo sư tâm lý học của UC tin rằng, những người luôn tỏ lòng biết ơn thường ít có tính ganh tị và ít khi ân hận. Họ ngủ lâu hơn, tập thể dục nhiều hơn và áp suất máu hạ thấp.

Brenda Shoshana, một nhà tâm lý học ở New York, đồng ý. “Bạn không thể nào mắc bệnh trầm cảm và tỏ ra biết ơn cùng một lúc. Lòng biết ơn làm cho một người trở nên khỏe mạnh về thể xác lẫn tinh thần”.

Vì thế, vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng Mười Một sắp tới đây, rất nhiều gia đình sẽ tụ họp nhau lại dưới một mái ấm quen thuộc, và ngồi quây quần chung quanh bàn tiệc, tay nắm tay, hân hoan đốt ngọn nến lòng mang tên Tạ Ơn.

Chúng ta tạ ơn Ơn Trên, tạ ơn đời, tạ ơn bằng hữu nhân lọai, tạ ơn cha mẹ anh em, tạ ơn chồng vợ con cái, tạ ơn hết thảy những con người, những vật thể đem đến niềm vui, sức khỏe và sự no đủ cho chúng ta.

Và không chỉ biết tạ ơn một lần trong năm, nhân dịp lễ Tạ Ơn. Và cũng không phải chỉ tạ ơn những người đã từng giúp đỡ chúng ta khi họan nạn. Cảm thức biết ơn còn hiện diện cả những khi chúng ta chìa tay cho người khác nắm lấy, đứng dậy.

Hôm trước, tôi nhận được một DVD do Hội Bạn Người Cùi ở Hoa Kỳ gởi biếu. Những hình ảnh người cùi đau khổ ở quê nhà đã khiến tôi ý thức hơn bao giờ hết sự may mắn của mình và gia đình. Hình như, chỉ khi chứng kiến sự đau khổ của người khác, người ta mới biết trân trọng những gì mình đang có, dù những gì đang có không phải là những thứ làm người thụ hưởng vui lòng. Từ sự trân trọng những thứ đang có trong hiện tại, nẩy sinh ra cảm thức biết ơn nơi tâm hồn con người.

Nhưng chỉ cảm thức biết ơn thôi, tôi nghĩ rằng vẫn chưa đủ.

Nhiều người đã biến cảm thức biết ơn thành hành động cụ thể. Thí dụ như hội bạn người cùi.

Trong suốt cuốn DVD, những người cùi kém may mắn không ngớt lời cám ơn những ân nhân đã góp công, góp của để giúp đỡ họ có tiền chạy chữa thuốc men, có miếng ăn dù đạm bạc hàng ngày vì họ không thể đi làm, có được nơi chốn trú thân tránh mưa tránh nắng, kể cả việc giúp đỡ con cái họ ăn học thành tài. Những người thụ nhận sự giúp đỡ ấy, không biết rằng, những người cho cũng cần phải lên tiếng cám ơn những người nhận. Vì, thế gian này có những người đau khổ, những người cần được giúp đỡ, nên những kẻ may mắn hơn mới có cơ hội chứng tỏ lòng biết ơn của mình, có cơ hội sống như một con người không quay lưng lại trước nỗi đau của đồng lọai. Và nhờ vậy, tâm hồn họ được bình an.

Nhìn khuôn mặt ràn rụa nước mắt của những người bệnh, tôi thấy niềm vui ánh lên trên những vết nứt của da thịt. Cái niềm vui của cảm giác được quan tâm chăm sóc, vì từ bao lâu nay họ sống trong sự hắt hủi, xa lánh của mọi người, kể cả những người thân ruột thịt. Những người trưởng thành từ Việt nam hẳn đã có cơ hội nhìn thấy người mắc bệnh cùi bằng xương bằng thịt lê la trên những nẻo đường bụi bậm để ăn mày lòng thương xót của những kẻ may mắn hơn. Và hẳn cũng đã kinh nghiệm cái cảm giác “sờ sợ” khi đến gần họ, dù chỉ là để bỏ vào trong chiếc ca ăn mày đồng bạc nhỏ nhoi chắt chiu dành dụm. Nay nhìn thấy tận mắt những người lành lặn hy sinh thì giờ, tiền bạc đến chăm sóc giúp đỡ những người bệnh, mới thấy xã hội độc ác biết là chừng nào. Dù cùi hủi, họ cũng vẫn là những con người cần đến tình thương yêu của đồng lọai. Ngòai những giúp đỡ to lớn về vật chất, trong ý nghĩa là bạn những người cùi, hội Bạn những người cùi ở Hoa Kỳ đã đáp ứng được nhu cầu sâu thẳm nhất của những kẻ kém may mắn ấy. Một bàn tay lành lặn chìa ra nắm lấy bàn tay lở lói, cụt ngón cụt móng, không e dè, không “sờ sợ”. Cử chỉ ấy lớn lao hơn rất nhiều những đồng bạc từ thiện, nhất là đối với những người bệnh bị cách ly với xã hội như những người cùi. Những người khởi xướng nên hội bạn những người cùi không phải là những vị tu hành, xuất gia nguyện đem cuộc đời phục vụ nhân lọai. Họ là những con người bình thường trong xã hội. 16 năm trước đây, 1994, chỉ với một cuốn DVD gởi đến từ một vị linh mục ở Việt Nam, họ nhìn thấy “người bệnh nhân phong hai tay đã bị cụt hết rồi, họ phải lấy dây thun cột phần cẳng tay còn lại vào cán cuốc để cuốc đất trồng khoai, trồng ngô. Nhìn hình ảnh đó, nước mắt chúng tôi cứ tràn ra, vì thấy họ sao khổ quá. Chúng tôi nghĩ ngay là mình phải giúp cho họ một cái gì đây, một cái máy cày chẳng hạn, thì họ sẽ không còn phải khổ cực như vậy. Thế là anh em chúng tôi cùng nhau tổ chức bán “garage sale,” nấu cơm bán sau buổi Thánh Lễ chiều Thứ Bảy, mời bà con mua. Lần đầu tiên đó chúng tôi đã thu được gần $8,000. Gia đình một anh chị trong ban tổ chức đã mang số tiền đó về trại phong Cam Tân, gặp đức cha ở đó, để trao số tiền. Họ dùng tiền đó để mua một cái máy cày mới tinh. Hiện giờ chiếc máy cày đó vẫn còn hoạt động . . . “ ( *)

Từ số tiền $8,000 ở buổi quyên góp đầu tiên, cách đây 16 năm, đến nay Hội Bạn Người Cùi đã không ngừng tạo được niềm tin và sự tín nhiệm nơi ân nhân, để số tiền ủng hộ mỗi năm cứ tăng lên, tăng lên, có khi lên đến $700,000, để hội có thể bảo trợ cho gần 5,000 bệnh nhân phong cùi ở khắp Việt Nam.

Ban tổ chức Hội Bạn Người Cùi trong đêm đại nhạc hội “Tạ Ơn Trên Người Vẫn Thương Người” lần thứ 16, nhằm gây quỹ giúp đỡ bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam.

Tôi tin rằng những người trong hội bạn người cùi Hoa Kỳ và hơn 8 ngàn người khác từ 16 năm nay vẫn kiên trì đóng góp phần của mình trong việc giúp đỡ những con người khốn khổ nhất xã hội là những người biết bầy tỏ lòng biết ơn của mình với Thượng Đế một cách thiết thực nhất, cụ thể nhất. Câu ca dao cũ càng nghe càng thấm thía. Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc giúp cho một người.

Và tôi cũng tin rằng, mình sẽ cảm thấy bình an hơn nữa, nếu như làm được những điều sau đây:

Hãy biết ơn ai đó đã làm ta tổn thương, vì nhờ họ ta trở nên cứng rắn hơn.

Hãy biết ơn ai đã lừa dối ta, vì nhờ họ ta nhìn đời bằng con mắt từng trải hơn.

Hãy biết ơn ai đã đánh ta đau, vì nhờ họ ta ít gây ra nhiều nghiệp chướng.

Hãy biết ơn ai đã ruồng bỏ ta, vì nhờ họ ta biết làm sao để đứng vững một mình.

Hãy biết ơn ai đã làm ta vấp ngã, vì nhờ họ mà ta vững bước hơn trên đường đời.

Hãy biết ơn ai đã làm ta nhục nhã, vì nhờ họ mà ta khôn ngoan và biết chịu đựng hơn.

(Tác giả : unknown)

T.Vấn

Lễ Tạ Ơn 2010

 © T.Vấn 2010

________________________________-

*Trích bài phỏng vấn Hội Bạn Người Cùi của nhật báo Người Việt tháng 6 năm 2010 : “ Hội Bạn Người Cùi’: ‘Quyên tiền khó, sử dụng đồng tiền còn khó hơn’ “.

Hội Bạn Người Cùi Hoa Kỳ có địa chỉ như sau :

Hội Bạn Người Cùi

P.O. Box 1408

Tustin, CA 92781

www.nguoicui.org

Bài Mới Nhất
Search