T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Nhân ngày Nghiêm Phụ (Father’s Day)

clip_image002

Cha Con – Tranh: Trần Thanh Châu

Gởi T.Vấn đang chuẩn bị đưa đứa con gái nhỏ theo bước chân chị lên đường đi học xa tận bên Richmond, Virginia.

(Lưu Na)

Nghé con đi xa trâu già lật đật
Vuốt chóp mũi cay nồng
Lau tròng kính mờ sương
Làu bàu thời tiết

Bẹo cái má phính hăm he
nhớ chăm sóc bản thân nghe
Lôi tay vợ cằn nhằn thôi đừng lấn quấn
Tháng sau là đã gặp lại nhau

Đường về quạnh quẽ
thảng thốt tiếng chim non
Đêm nằm đọc trang sách rã rời
Thấy nhà trống hóac
Chợt giọt sương
rơi ướt màng tang

Lưu Na

©T.Vấn 2014

Đọc lại trang viết cũ:

T.Vấn: Câu chuyện dòng sông

clip_image003

1.

Với tôi, mùa hè năm nay đã chấm dứt, dù cái nóng cháy da rát mặt vẫn dai dẳng kéo dài. Đầu tháng 8, tôi chính thức trở thành một người cha có con đi học xa nhà. Dù rất không muốn, nhưng vợ chồng tôi cũng phải nén lòng để Ý Vy đi Houston theo học tại Rice University. Vì tương lai của con, đó là điều chúng tôi đem ra để tự an ủi lẫn nhau. Điều làm chúng tôi an lòng hơn nữa, là Ý Vy sẽ ở với dì ruột của mình, nhà cách trường khỏang 20 phút lái xe và chỉ phải vượt qua một xa lộ là tới. Sẩy mẹ bú dì. Thôi thì cũng là một cách để vơi bớt nỗi buồn của căn nhà từ nay vắng đi một đứa con.

Hôm chính thức hòan tất việc tái tân trang “hộ khẩu văn chương“ của tôi, hai bố con đã bùi ngùi nhìn nhau. Sau một mùa hè bận rộn líck kích với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh của việc “sửa nhà, dọn nhà“, chúng tôi còn một tuần lễ thảnh thơi trước ngày Ý Vy lên đường. Và tất nhiên, chúng tôi không phí phạm chút nào thời gian của một tuần lễ thảnh thơi ấy.

Con gái hiểu rằng, sau tuần lễ này, căn nhà đầy ắp kỷ niệm của 10 năm qua sẽ trở thành “quán trọ“. Con ra đi, con sẽ trở về, nhưng chỉ như người ở trọ. Căn phòng của con vẫn sẽ là của con, nguyên vẹn như ngày con rời nhà lần đầu tiên, nhưng những ngày xưa ấy, con đã biết sẽ không bao giờ trở lại.

Như bao đứa con khác của những người cha, người mẹ con phải lên đường để bắt đầu cuộc hành trình làm người. Cuộc sống của con đang mở ra trước mặt. Sau lưng con chỉ có kỷ niệm, và tuổi trẻ thì chưa biết trân quý kỷ niệm. Thế nên, con chỉ có một hướng nhìn phía trước.

Như bao người cha của quá khứ, của hiện tại và của tương lai, tôi phải tiễn con lên đường và chúc phúc cho nó. Hãy hòan tất những ước vọng đời mình. Hãy học biết chấp nhận đau khổ, thất bại. Hãy tập cho cứng lòng với những cuộc chia tay. Cuộc chia tay hôm nay chỉ là một bài tập vỡ lòng chuẩn bị cho những cuộc chia tay trong tương lai. Những cuộc chia tay không một ai tránh khỏi. Những cuộc chia tay đứt ruột xé lòng.

Từ những cuộc chia tay, người ta thấy được những gì? Chắc không chỉ là giọt nước mắt lau vội, vòng tay ôm vội vã hay ánh mắt dõi theo cho đến khi người thân yêu đã khuất bóng.

Đêm trước ngày đưa con gái đi học xa, đến giờ ngủ, như thường lệ tôi đưa con vào phòng ngủ. Khi con đã nằm xuống, tôi kéo tấm chăn mỏng mùa hè đắp lên ngực con, cúi hôn lên trán và thì thầm câu chúc quen thuộc của 18 năm nay “good night!”. Trong ánh sáng leo lét của bóng đèn ngủ cuối phòng, tôi đứng đó nhìn giường con, rất lâu. Sau đêm nay, chiếc giường sẽ trống vắng. Cảm giác trong tôi bỗng hụt hẫng, thứ cảm giác tôi chưa từng biết tới bao giờ. Kể từ ngày mai, liệu tôi có chịu đựng được căn nhà này thiếu đi bóng dáng nhỏ nhắn của đứa con gái đầu lòng?

2.

Đêm đó, tôi đọc lại “Câu chuyện dòng sông“ của Hermann Hesse qua bản dịch tuyệt vời của Phùng Khánh, Phùng Thăng, quyển sách gối đầu giường của tôi từ những ngày còn cắp sách đến trường.

“. . . Tất Đạt bước vào phòng khi cha đang ngồi trên một tấm đệm. Chàng tiến đến sau lưng cha và đứng lặng cho đến khi cha biết có chàng.
– Con đấy ư, Tất Đạt? Ông hỏi. Cứ nói lên cho cha nghe những gì con đang nghĩ.
– Thưa cha, nếu cha cho phép, con đến thưa cha rằng con muốn rời nhà ngày mai, để đi theo những người khổ hạnh. Con muốn trở thành một vị Sa Môn. Con tin rằng cha sẽ không ngăn cản.
Người hiền triết Bà La Môn lặng im rất lâu, lâu quá đến nỗi khi những vì sao đã lạc qua song cửa nhỏ và chuyển hướng, sự im lặng trong gian phòng mới được đánh tan. Người con đứng lặng, hai vòng tay khép chặt. Người cha cũng bất động ngồi trên chiếc thảm. Những ngôi sao băng qua nền trời. Rồi ông bảo:
– Không lẽ cha, một người tu đạo lại thốt lời giận dữ hùng hổ, nhưng cha rất bất bình. Cha không muốn con lặp lại lời xin ấy một lần nữa.
Bậc hiền nhân từ từ đứng lên. Tất Đạt vẫn khoanh tay đứng lặng.
– Tại sao còn đợi đấy? Cha chàng hỏi.
– Cha cũng hiểu tại sao rồi. Chàng đáp.
Người cha rời phòng, bất mãn và đi nằm.
Khi đã một giờ trôi qua không ngủ được, vị hiền nhân đứng dậy, đi bách bộ ra khỏi nhà. Ông nhìn qua cửa sổ nhỏ và thấy Tất Đạt vẫn đứng khoanh tay bất động. Ông có thể thấy chiếc áo nhạt của chàng thấp thoáng. Tâm hồn bất an, người cha trở về giường nằm. Một giờ nữa lại trôi qua, ông không ngủ được, lại trở dậy đi bách bộ, ra khỏi nhà và thấy trăng đã lên. Ông nhìn qua cửa sổ. Tất Đạt còn đứng đấy bất động, vòng tay vẫn khép; mảnh trăng chiếu sáng trên chân chàng. Người cha đi ngủ, lòng xao xuyến.
Một giờ sau ông trở ra và hai giờ sau ra lại, nhìn qua cửa sổ thấy Tất Đạt vẫn còn đứng đó trong ánh trăng, trong ánh sao, trong đêm tối. Ông yên lặng trở lại hàng giờ, và vẫn thấy Tất Đạt đứng đấy bất động. Lòng ông tràn ngập giận, lo, sợ và buồn.
Vào giờ cuối đêm, trước bình minh, người cha trở lại, đi vào phòng và thấy đứa con niên thiếu vẫn còn đứng.
Ông trông thấy dáng chàng cao xa lạ với mình. Ông gọi:
– Này Tất Đạt, sao con còn đợi kia?
– Cha đã biết tại sao.
– Con có đợi được đến mai, trưa, chiều hay không?
– Con sẽ đứng và đợi.
– Con sẽ mệt mỏi, Tất Đạt?
– Con không mệt mỏi.
– Con sẽ buồn ngủ, Tất Đạt?
– Con sẽ không buồn ngủ.
– Con sẽ chết, Tất Đạt?
– Con sẽ chết.
– Và con thà chết còn hơn là nghe lời cha con?
– Con luôn luôn nghe lời cha.
– Vậy thì con hãy bỏ ý định của con đi?
– Con sẽ làm những gì cha dạy bảo.
Ánh sáng đầu tiên của ngày lan vào phòng. Người Bà La Môn trông thấy hai đầu gối của Tất Đạt run nhẹ, nhưng gương mặt chàng bình thản, đôi mắt nhìn vô tận. Người cha nhận ra rằng Tất Đạt không thể ở lại với mình lâu hơn – rằng Tất Đạt sắp rời bỏ mình. Ông đặt tay lên vai Tất Đạt và bảo:
– Con sẽ đi vào rừng làm thầy Sa Môn. Nếu con tìm thấy hạnh phúc trong rừng sâu, hãy trở về và chỉ lại cho ta. Nếu con thấy đấy chỉ là ảo tưởng, hãy trở về, và chúng ta sẽ lại cúng tế các thần linh. Bây giờ hãy hôn mẹ con và thưa lại cho mẹ hay nơi con đến. Còn ta đã đến giờ ra sông làm lễ thánh tẩy. . . “ (trích “ Câu chuyện dòng sông “ của Hermann Hess, bản dịch Phùng Khánh ,Phùng Thăng)

3.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy với tâm trạng bình thản hơn là tôi mong đợi. Gia đình tôi chuẩn bị lên đường cho cuộc hành trình 12 tiếng đồng hồ lái xe. Đường tuy xa nhưng chẳng phải là vô tận. Rồi đây, con đường xuyên bang Wichita-Houston sẽ trở thành quen thuộc. Tôi phải tập cho quen với những đổi thay của đời sống.

Nhưng ở tuổi này mà còn phải tập tành như thế thì thật là tội nghiệp cho vợ chồng già chúng tôi.

T.Vấn

Wichita tháng 8 năm 2011

Bài Mới Nhất
Search