T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Vĩnh Biệt Bạo Chúa

clip_image001

1.

Như vậy là tay đao phủ thành Bagdad đã về với cát bụi, hay là về với nước thiên đường trong niềm tin tôn giáo của riêng ông ta. Chân lý cũ kỹ hàng ngàn thế kỷ, đã là người ai cũng phải chết. Kể cả con người ác như ác quỷ, giết người không gớm tay, không một chút đắn đo sợ hãi những hậu quả xảy đến cho mình vì tội sát hại đồng bào như ông Sadam Hussein, nhà độc tài lừng danh của thế kỷ, niềm bất hạnh của dân tộc Iraq. Hơn thế nữa, kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Cái chết của ông ta là hậu quả tất nhiên cho những việc đã làm. Ông ta sống một cuộc đời đầy bạo động, và cái chết, là một hình thức bạo động khác, với biểu trưng là sợi dây thòng lọng nặng chình chịch được đặt vào cổ ông ta buổi sáng lạnh lẽo, ảm đạm một ngày cuối năm 2006 như một dấu chấm hết trang sử đầy máu và nước mắt của hàng triệu người dân Iraq.

Cái tên Saddam đã trở nên quen thuộc với thế giới. Quen thuộc hơn nữa là khuôn mặt độc ác, lúc nào cũng đằng đằng sát khí, với đôi mắt đích thị là đôi mắt của những tên đao phủ chuyên nghiệp, lọai đao phủ không phải là một chọn lựa của nghề nghiệp nhằm tiếp tay thực thi công lý cho xã hội, mà là lọai đao phủ hân hoan coi việc giết người như là một cách thế khẳng định sự hiện hữu của cá nhân mình, của tôn giáo mình tin tưởng và bằng việc đặt tất cả các giá trị nhân lọai ở dưới bàn chân mình.

Giây phút cuối cùng của kẻ sát nhân lừng danh ấy, đã được mô tả như một sự ngoan cố và thách thức nhân lọai đến cùng. Ông ta không lộ một chút gì là ăn năn, hối tiếc về những tội ác diệt chủng, tàn sát nhiều người dân vô tội mà ông ta đã phạm phải trong suốt một phần tư thế kỷ nắm trọn guồng máy đàn áp trong tay. Vẫn sự kiêu ngạo cố hữu, ông ta tự cho mình là người đã đứng ra bảo vệ dân Iraq chống lại những kẻ thù, và rằng mình trọn đời là một chiến sĩ của cuộc thánh chiến (Jihad), cho nên, tuy phải đối diện với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông ta không hề biết sợ hãi hay quy phục kẻ thù. Ôi! Những niềm tin mù quáng! Những kẻ mắc bệnh hoang tưởng tự cho mình có sứ mệnh đi cứu rỗi nhân lọai, để rồi nhân danh sự bình an của nhân lọai mà gieo rắc sự bất an đến cho những ai không đi theo con đường ngu muội của chúng!

2.

Khi tấm ván dưới chân Saddam được kéo hẳn về một bên, lỗ hổng – khỏang hư vô tăm tối chào đón tay bạo chúa – hiện ra sừng sững và hun hút. Ai biết được lúc ấy linh hồn tay đao phủ vừa mới bị treo cổ lưu lạc nơi đâu. Miền u minh mù mù mịt mịt đầy những vạc dầu và những ngạ quỷ tay cầm xiên đi tới đi lui canh chừng các linh hồn tội lỗi. Hay một cảnh thiên đường đầy hoa thơm cỏ lạ, có nhã nhạc du dương, có bao người con gái đẹp đứng hai bên đường chào đón vị chiến binh anh hùng vừa hòan tất nhiệm vụ trở về thượng giới, hân hoan nhận lãnh ly rượu trường sinh bất tử từ tay vị Thánh chủ tể của nhân lọai. Những câu chuyện hoang đường, bệnh họan ấy tưởng chỉ có thể xẩy ra trong tiểu thuyết đọc cho qua đêm dài mất ngủ, để rồi sáng hôm sau quên hết những gì đã đọc, vậy mà chúng vẫn có thể khiến cho nhiều người tin rằng có thật. Và từ đó, biết bao thảm kịch nhân lọai đã xảy ra.

Cuộc đời đầy vọng động của tay đao phủ thành Bagdad đã chấm dứt một cách nhục nhã trước sự chứng kiến của hàng tỉ người trên hành tinh. Chắc chắn, di sản của ông ta chẳng có một giá trị nào ngòai bài học dành cho những kẻ vẫn còn mơ mộng về một thế giới trong đó mình là chủ tể, là kẻ cứu rỗi, là anh hùng cần được nhân quần nhận ra và xưng hô vạn tuế. Một phần tư thế kỷ ông ta cai trị đất nước mình, chỉ để đưa bao thanh niên vào những cuộc chiến tranh không chính nghĩa, đổ máu một cách vô ích và biến cả một dải đất vốn là khung cảnh cho những câu chuyện thần tiên của Ngàn lẻ một đêm trở thành một nhà tù khổng lồ, những lò sát sinh dân lành vô tội. Và bây giờ, hậu quả là những cảnh nồi da xáo thịt, anh em cùng một nhà chém giết lẫn nhau như những kẻ thù, dù rằng thân xác nhà độc tài nay đang làm mồi cho giun dế .

3.

Cái chết của Saddam gây nhiều phản ứng khác nhau. Kẻ hân hoan hớn hở, nhảy múa reo vui trên những đường phố ăn mừng ngày tàn của một tên bạo chúa. Người dửng dưng lãnh đạm, coi đó như việc tất yếu phải xảy ra trong một thế giới đầy bất đồng, tranh chấp như hiện nay. Kẻ khóc thương cho một kiếp người, dù “kiếp người” này đã từng tiêu diệt sự sống còn của bao kiếp người khác. Kẻ khác lại ghê tởm cho cái cách những con người đối xử với nhau, nhân danh ích lợi chung để tiêu diệt đi những ước vọng cá nhân, dù cá nhân ấy đã thực hiện ước vọng của mình bằng cách thiêu hủy đi mọi gía trị chung nhất của nhân lọai. Nhưng, manh nha đây đó, một thái độ nghi ngờ chính mục đích tốt đẹp của mọi nỗ lực nhằm tiêu diệt đi những bạo chúa , một thái độ có gốc rễ từ thời tiền sử. Họ nói đến việc cầu cho những bạo chúa sống lâu trăm tuổi, để quần chúng khỏi phải đương đầu với những bạo chúa mới nổi, vốn thường hung hăng độc ác hơn cả những bạo chúa tiền nhiệm mà người ta vừa mới tiêu diệt.

Chúng ta đã không còn sống trong thời đại của những cá nhân tạo nên lịch sử nữa. Bây giờ là kỷ nguyên của quần chúng, của tập thể biết cách làm chủ vận mệnh của mình, và không bao giờ chấp nhận kẻ khác quyết định thay mình hình thức xã hội mình sống, hướng tương lai mình sẽ đi, và những tín lý mình tin tưởng. Cho nên, không có gì biện minh được những giọt nước mắt đổ xuống tiếc thương vị bạo chúa vừa qua đời .

4.

Cuối thế kỷ 20 là nhân chứng cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và sự ra đi của những bạo chúa con đẻ của chú nghĩa ấy. Đầu thế kỷ 21, thế giới đang chúng kiến sự dãy dụa tuyệt vọng của vài tay đao phủ cộng sản còn sót lại. Nếu cái chết của nhà độc tài thành Bagdad có một gía trị nào đó, thì một trong những gía trị ấy phải là lời cảnh báo đáng sợ cho mấy tay đao phủ cộng sản còn sót lại trên thế giới. Sớm hay muộn, nhân dân sẽ đòi kẻ vay nợ phải trả nợ. Mọi sự dãy dụa cũng chỉ mua được chút thời gian ngắn ngủi, có khi chỉ làm giây phút cuối cùng đau đớn hơn mà thôi.

Nhưng liệu bài học nhãn tiền vừa xảy ra ngày gần cuối của năm 2006 có được những kẻ cùng một giuộc rút ra được chút gì cho chính mình không, hay lại, cà cuống chết đến đít còn cay, khiến họ trở nên điên cuồng hơn trong những ảo vọng của mình?

Có lẽ chúng ta sẽ có câu trả lời trong 365 ngày sắp tới của năm 2007 trước mặt.

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search