T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Câu chuyện nhân ngày đầu tiên của năm mới

1.

Ngày đầu tiên của năm mới. Đã bao lần câu nói quen thuộc này vang lên trong trí tôi, hay được viết xuống trên trang giấy trắng tinh, hoặc, hiện đại hơn, được gõ trên mặt phím chiếc máy tính xách tay lúc nào cũng kè kè bên tôi như hình với bóng.

60 năm trang sách đời tôi đã đi qua, 60 lần “ngày đầu tiên của năm mới“ hiện hữu. Cũng chính vào thời khắc đầu tiên của năm mới, người ta hay nhìn lại quá khứ, để rút tỉa những điều cần rút tỉa cho tương lai, cho những ngày mai đang chờ đợi trước mặt.

Ở tuổi 60 như tôi, người ta cần và nên rút tỉa những gì từ thứ quá khứ dầy đặc và sâu hun hút ấy? 60 năm một đời người đâu phải là khỏang thời gian ngắn ngủi, thế nên chất chứa trong đó hẳn phải là rất nhiều thứ. Vui có, buồn có. Thành công có, thất bại có. Điều hay có, điều dở cũng không ít. Và tất nhiên, hằng hà sa số những lỗi lầm lớn nhỏ. Nhưng trước hết, tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi thực tế: Rút tỉa kinh nghiệm từ quá khứ để làm gì cho những người gần đất xa trời như tôi, những ngày sống sau 60 tuổi chỉ là khỏan “bonus” của thượng đế (keo kiệt) ban cho? Ở những người trẻ thì thật dễ hiểu. Họ còn cả một cuộc đời trước mặt, mọi lỗi lầm trong quá khứ (nếu có), họ vẫn có thì giờ để sửa chữa. Nên việc nhìn lại hôm qua, để hướng về một ngày mai tốt đẹp hơn, là một điều cần thiết, phải làm và nên làm.

Khái niệm về năm tháng giúp người ta dựng nên những chặng mốc trong đời sống. Ở những chặng mốc đó, sự ngồi lại, đếm những chặng mốc đã qua, nhìn về những chặng mốc sắp tới, tùy theo độ ngắn hay dài của chúng mà người ta có sự chuẩn bị thích hợp.

Vậy thì, ở chặng mốc thứ 60, người ta ngồi lại, nghỉ ngơi để lấy sức đi nốt đọan đường ngắn ngủi còn lại trước mặt, hay cứ gỉa vờ như mình còn trẻ (và khỏe), vuơn vai rũ sạch lớp quá khứ nặng nề, cương quyết đi về phía mặt trời mọc với cái hăm hở của 40 năm về trước, mặc dù sừng sững trước mặt là chặng mốc cuối của con đường (đời). Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Cũng như bao người cùng lứa tuổi khác, tôi đã ấp ủ trong đầu mình ý tưởng “ngông cuồng“ ấy, xem như “quyết tâm của năm mới“ mà mình phải nỗ lực đạt cho kỳ được. Cổ nhân có câu: lực bất tòng tâm. Muốn là một chuyện, nhưng làm được hay không còn tùy vào cái sức nó có cho phép hay không cho phép. Mặt khác, gánh nặng 60 năm quá khứ của tôi (và những người cùng thế hệ) không dễ dàng gì một sớm một chiều có thể rũ bỏ được. Nó nặng nề đã đành, mà còn bám rễ vào tận trong óc, trong tủy, trong tim, trong hồn. Những chặng mốc chiến tranh, tù đày, lưu vong đã hằn sâu như những vết chém trí mạng, nay tuy sống sót nhưng vết sẹo vẫn còn đó. Và phía dưới lớp thịt sẹo nhăn nhúm, vẫn âm ỉ một cảm giác nhức nhối, khó chịu, mỗi khi năm tháng chuyển mình. Lớp quá khứ ấy dầy đặc như thế, muốn rút tỉa điều cần rút tỉa, đã khó, mà xác định xem điều gì cần được rút tỉa, lại càng khó hơn. Chưa kể, còn phải trả lời câu hỏi: nhọc công nhọc sức như thế để làm gì?

Hình như đã quá muộn cho những nỗ lực làm mới lại đời sống cho những người thuộc thế hệ chúng tôi, mà trong đó, thời gian là trở lực lớn nhất.

Với năm tháng, người ta trở nên quen với những điều không như ý, quen đến độ không thể sống thiếu chúng. Giống hệt như người phụ nữ có vết chàm bẩm sinh trên khuôn mặt đã quen thuộc với nó bao nhiêu năm, nay tuy có cơ hội giải phẫu xóa bỏ vết chàm ấy đi, vẫn thẳng tay từ chối. Người phụ nữ bất hạnh tin rằng, vết chàm ấy là định mệnh của mình, và bà cương quyết sống trọn với định mệnh đời mình. Nhưng tận sâu kín trong tim, bà không đủ can đảm thú nhận rằng bà không thể sống thiếu vết chàm ấy, và lo sợ khỏang thời gian (sống) còn lại quá ngắn, không đủ cho bà tập làm quen với khuôn mặt tuy đẹp hơn, nhưng lại không có vết chàm.

Nhiều năm trước, tôi được nghe kể một câu chuyện như sau:

Báo đưa tin, có một ông già được đưa vào nhà thương cấp cứu. Ông té xỉu trong lúc ngồi đọc báo (tiếng Việt) ở một tiệm cà phê tọa lạc ngay trung tâm thành phố Little Sàigòn.

Tại nhà thương, người ta khám phá ra có một viên đạn nằm trong trái tim của ông có lẽ đã từ lâu lắm, vì qua máy chụp digital với độ rõ cao nhất, mắt thường cũng nhìn thấy nó bị gỉ sét. Chắc ông già phải bị đau đớn lắm. Cuối cùng, chính viên đạn ấy đã làm ông già ngất xỉu (vì thở không được). Các bác sĩ chẩn bệnh vô cùng ngạc nhiên vì tại sao mãi đến hôm nay, ông già mới được đưa vào nhà thương để chữa chạy. Dĩ nhiên, họ quyết định giải phẫu để lấy viên đạn ra. Đối với y khoa tân tiến của nước Mỹ, công việc giải phẫu ấy dễ dàng như lấy đồ trong túi. Nhưng theo thủ tục, vẫn phải có sự ưng thuận của gia đình ông già, và nhất là chính ông ta. Khi được nghe nói về chuyện giải phẫu, ông đã giẫy nẩy lên, mồ hôi toát ra khắp người, nét mặt hoảng hốt như người sắp phải đương đầu với một tình huống nghiêm trọng, nguy hiểm. Câu trả lời của ông là KHÔNG. Hãy cứ để yên viên đạn gỉ sét ấy trong người ông. Ông đã sống với nó 30 năm rồi, thỉnh thoảng ông có đau đớn, nghẹt thở, nhưng ông vẫn sống. Nếu chết, ông đã chết từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến hôm nay để mà giải phẫu.

Không một ai, kể cả người thân yêu nhất của ông già, nhận thức được rằng chính viên đạn gỉ sét, chứng tích của cuộc chiến tranh tàn khốc mà ông đã từng kinh qua, chính là lý do để ông tồn tại. Không có nó cùng với những cơn đau nhức triền miên, những nửa đêm về sáng hổn hển những hơi thở đứt đoạn, thì ông còn có gì khác để bám vào, để khỏi bị chết đuối giữa những lớp sóng hung ác của quá khứ!

Vì thế, ông cám ơn trời phật đã giúp ông sống được với nó 30 năm nay, và sẽ còn sống được với nó thêm nhiều năm nữa.

Ông già nói đó có lẽ là phép màu.

Tất nhiên, câu chuyện tôi được nghe (và do tôi ghi lại trên trang Ghi Chép của trang mạng của chính mình) chỉ là một câu chuyện dụ ngôn về thế hệ chúng tôi. Cũng như người đàn bà mang trên khuôn mặt vết chàm xấu xí, chúng tôi đã sống quen với những vết thương, nên không thể sống thiếu chúng.

2.

Ngày đầu tiên của năm mới. Tôi không muốn nhuộm đen cái chặng mốc mới mẻ ấy bằng những ý tưởng ảm đạm của thế hệ mình, mà chỉ muốn nhìn vào một thực tế mà có muốn tránh cũng không được. Để từ đó, tôi có thể tìm cách thuyết phục chính mình rằng hãy sống và nhìn cuộc sống theo một hướng khác cho những ngày ngắn ngủi còn lại. Cái hướng khác ấy, tôi chẳng biết phải gọi nó bằng cái tên gì, định nghĩa nó như thế nào, chỉ biết hy vọng nó có thể giúp mình dễ sống hơn, dễ thở hơn, dễ chấp nhận hơn, bớt nhức nhối hơn mỗi khi trái gió trở trời, tuy viên đạn gỉ sét vẫn còn nằm nguyên trong cơ thể. Hình như tôi đã có thể mường tượng ra được cái hướng sống (của riêng tôi) ấy, nhân những ngày cuối năm đọc được câu chuyện cảm động từ một tờ báo địa phương, nói về cái chết của cặp vợ chồng người Mỹ .

Người chồng tên là Loren Gerber, vợ là Floren Gerbert. Bà vợ thường nói với mọi người rằng tên của chồng bà nằm gọn trong cái tên của bà (F-Loren) như một định mệnh đã gắn chặt họ với nhau 62 năm nay. Quen nhau từ thời còn học chung một trường tiểu học, khi trưởng thành, họ yêu nhau và lấy nhau, có với nhau những đứa con. 62 năm chung sống, có lúc vui, lúc buồn, khi cơm chẳng lành, khi canh chẳng ngọt, nhưng họ vẫn gắn bó với nhau, kể cả trong những giờ ăn trưa khi cả hai còn đi làm, trong những chuyến du lịch khi họ về hưu, và tất nhiên, khi về gìa hai vợ chồng chỉ còn có nhau để nương tựa. Những ngày cuối năm vừa qua, trên đường trở về nhà từ Wichita sau các cuộc viếng thăm con cháu trong thành phố, một tai nạn xe cộ xẩy ra khiến cả hai bị thương nặng, không thể qua khỏi. Họ chỉ sống bằng dưỡng khí nhân tạo, như thực vật. Không muốn cha mẹ kéo dài sự sống như thế, các con của họ quyết định xin bệnh viện tháo bỏ các ống dưỡng khí nhân tạo ấy ra. Những y tá, bác sĩ của bệnh viện St.Francis ở Wichita đã có sáng kiến để hai vợ chồng vào nằm chung một phòng khi thực hiện các thao tác tháo bỏ máy móc trợ sinh. Cả hai trái tim của Loren và Floren ngưng đập cùng một lúc (điều khá hiếm). Tay trái của người chồng nắm chặt lấy tay phải của vợ (như khi họ còn sống mỗi khi ở bên nhau). Các con của họ tin rằng, đó cũng là nguyện vọng của cha mẹ họ. Sống bên nhau và chết bên nhau. Cả hai tránh cho nhau sự đau khổ khi một trong hai người phải ra đi trước. Một câu chuyện tình 62 năm với sự kết thúc tuyệt hảo.

Trong đời sống, yêu thương là thứ ở trong tầm tay của tất cả mọi người, bất kể sang hèn giàu nghèo, già trẻ lớn bé. Yêu thương làm đời sống bền vững, nhất là đời sống gia đình. 62 năm một cuộc hôn nhân, không phải là hiếm thấy. Cũng với lòng yêu thương con người, các bác sĩ y tá của bệnh viện St. Francis ở Wichita đã nẩy ra ý kiến và thực hiện việc để cho hai người yêu nhau, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, được ở bên nhau suốt đời, cho đến khi trái tim ngừng đập mà tay vẫn trong tay. Và có thể, với sự sắp đặt của đấng Tối Cao, hồn của họ sẽ vẫn ở bên nhau trong cái cõi không hề biết đến chia ly thật huyền nhiệm ấy.

3.

Ngày đầu tiên của năm mới. Nhìn con số 2010 tròn trĩnh, trọn vẹn, tôi suy ngẫm bài học mới về yêu thương từ một câu chuyện tình cũng tròn trĩnh, trọn vẹn như cổ tích. Tôi đưa tay rờ ngực mình. Có thể viên đạn gỉ sét vẫn còn nằm trong đó, nhưng chắc nó cũng không thể cản được trái tim tôi rung lên vì những chấn động gây ra bởi yêu thương. Lòng yêu thương cuộc đời và con người. Tôi ngỏanh nhìn năm cũ. Mớ quá khứ rối tinh rối mù nặng trĩu bao hệ lụy vẫn còn đó, nhưng chắc nó cũng không thể trì kéo được tôi mãi trong bóng tối mù mịt của than vãn, trách móc, óan giận, tiếc nuối. Tôi cần được sống quãng đời ngắn ngủi còn lại một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Nếu không nhẹ nhàng thể xác, thì ít nhất, cũng được sự nhẹ nhõm của tâm hồn. Tôi tin rằng, dù chất lên vai biết bao yêu thương, thì tâm hồn mình, thể xác mình vẫn nhẹ như mây bay lơ lửng khắp vòm trời nhân lọai. Lòng yêu thương có khả năng biến những hệ lụy cuộc đời thành những hạt bụi mong manh sớm muộn gì cũng sẽ bị gió cuốn đi đến tận cuối chân trời.

Và như thế, tôi hăm hở bước vào năm mới với cảm giác tươi mát, tràn đầy sinh lực như vừa được uống ngụm nước múc lên từ suối Cam Lồ.

T.Vấn

01-01-2010

© T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search