T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cây chanh Thái…

clip_image001

Nhà tôi có cây chanh Thái. Nói là để nấu canh chua Thái hay lẩu Thái, thì chưa từng nấu bao giờ. Nhưng món gà lá chanh thì có một lần, nhân đám giỗ nên nhà đông người, chứ hai người thì chắc cũng không đủ hứng để làm món quê hương ấy. Vậy mà mỗi ngày vẫn phải tưới cây chanh, vì nó trồng trong chậu (để tiện đưa vô nhà khi trời lạnh).

Những lần tôi ngồi ngắm cây chanh với ly cà phê sáng cuối tuần: Hôm nhìn cái tược mới nhú ra từ thân cây thật mạnh mẽ, tươi xanh, hình ảnh của sức sống đâm chồi nảy lộc thật hoàn mỹ… Nhưng nhìn không lâu lại thấy lòng buồn diệu vợi khi tự hiểu ra mình quá thiếu thực tế. -Lá chanh Thái có bán ngoài chợ, chỉ một đồng là mua được cả chục lá – đủ cho một cái lẩu Thái. Vậy, có đáng bỏ công tưới mỗi ngày; rồi trời lạnh phải đem vô garage (chứ không lẽ bưng cây chanh vô phòng khách, hay phòng ngủ), mùa hè lại phải đem ngược ra sân sau cho có nắng… chưa kể đem cây chanh vô garage thì phải đậu xe ngoài trời. Tôi lại đi làm sớm, và chưa quên được thời mới qua, ở apartment, sáng xuống parking, chui vô xe mà cứ tưởng mình chui nhầm vô cái tủ lạnh!

Vậy là đi mua cây chanh Thái về nhà cũng đồng nghĩa với việc trở lại đời sống thời mới qua Mỹ. Biết còn chịu nổi không khi tuổi tác đã đồng hành trung kiên với thời gian.

Tôi đặt ra giả thuyết: Nếu mình cho bà chị dâu cây chanh Thái, (vì chị ấy thích quá!) thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó vì má xấp nhỏ cũng rất cưng, quý cây chanh Thái. Không cưng sao đứng ngắm cây chanh những buổi sau cơm chiều, rồi đi khoe bạn bè: nhà tôi có cây chanh ăn lá, ai cần cho hay nha. Từ nay khỏi mua lá chanh đông lạnh ngoài chợ nữa. Má xấp nhỏ còn lên cả kế hoạch khi trời trở lạnh thì anh vặt lá cho vô tủ đá để ăn mùa đông nha anh…

Tôi biết mình đúng sách là vợ chồng sau nhiều năm, nhiều đến nỗi người này nhổm đít người kia đã biết tình lang muốn đại tiện hay tiểu tiện. Đó là câu nói của bạn tôi, tuy hơi thô thiển nhưng không tìm được câu nào chính xác hơn quan hệ của vợ chồng già. Đúng sách là tạo ra cái gì đó mới trong quan hệ đã rong rêu để có chuyện mà tranh luận (chứ đừng cãi vả). Từ tranh luận không khó dẫn tới đồng cảm. Và khi đã đồng cảm thì đồng cảm là thuốc tiên trị bệnh đồng sàng dị mộng…

Nhưng tôi lần theo dây mơ rễ má của cây chanh Thái nhà tôi thì mọi chuyện bắt đầu từ cái dại, từ nghe lời dụ khị của anh bạn mê cây. Anh ấy nói với tôi, “Ông là tay dao… thớt, mà nhà thiếu cây chanh Thái thì mất uy tín quá! Thôi, để tôi chở ông đi mua một cây chanh. Tôi trả tiền cho vì tôi có ý tặng ông. Chỉ xin là mỗi lần ông ra hái lá chanh để làm bất cứ món gì thì đừng quên tôi là được!”

Người bạn tinh khôn ấy chở tôi đi khá xa, đi từ sáng sớm thứ bảy nọ. Đến nhà người mẹ Miên để mua được rẻ. Mà rẻ thật, cây chanh 5 tuổi, xanh mướt như mồng tơi gặp mưa mà người mẹ già ra dấu (không biết nói tiếng Anh) bán cho chúng tôi chỉ có 30 đồng. (Tôi nhớ một chị bạn đã nói là anh chị mua cây chanh Thái ở Houston đến 120 đồng. Cái công chở về Dallas còn cực hơn…) Nhưng bà chị đó thì tôi quên rồi, vì chỉ khoe nhà có chanh lá nhưng không (chưa) bao giờ cho ai. Chắc chị để dành liệm xác hai vợ chồng nhà chị.

Tôi đang nghĩ đến công mẹ Miên ươm cây từ hạt, từ quê nhà Cao Miên của mẹ gởi qua. Rồi biết bao nhiêu công mẹ chăm, tưới, suốt 5 năm trời, mùa lạnh phải đưa vô nhà, mùa hè lại đưa ra sân… Ước gì tôi có khá tiền trong túi, tôi đưa cho mẹ cỡ 300 mới thoả lòng mình. Nhưng cái khó bó lòng, tôi chỉ đưa cho mẹ được hai tờ hai chục, bảo bà bỏ túi hết đi, khỏi thối lại 10 đồng. Trong túi tôi lại còn mớ giấy 1 đồng, có tờ 5 đồng, là tàn dư của đêm qua đi quán với bạn bè; chắc cũng được hơn 10 đồng. Tôi lại dúi hết vô túi áo lính rằn ri của mẹ Miên. Bảo bà giữ lấy để ăn bánh, mua nước ngọt uống chơi… Vì thấy bà đang tưới cả vườn cây buổi sáng. Nhưng trên gốc cây gẫy có bịch bánh ngọt và lon coke đang ăn, uống dở…

Không ngờ cô con gái của bà đang đứng trong nhà nhìn ra cửa sổ để dòm chừng người lạ là chúng tôi đang mua-bán với bà già chỉ biết cười và ra dấu bằng mấy ngón tay. Cô ấy bước ra cảm ơn chúng tôi đã tử tế với mẹ của cô. Cô gái có nụ cười hiền như ngụm nước mưa tháng hạ.

Ngồi nghĩ về cái dại của mình đã rước cây chanh Thái về nhà để chuốc cực vào thân, và không biết đến bao giờ. Nhưng nghĩ tới sự ham thích của bà chị, chỉ còn cách hôm nào lên nhà mẹ Miên, mua thêm cây chanh Thái nữa để cho bà chị. Ước gì có nàng Apsara ở nhà để được thấy em cười…

Nhưng hôm trước, tôi lại mò đến căn nhà của người không quen vì tôi rao trong anh em, “ai có cây chanh Thái xin bán cho tôi một cây. Hay biết ai bán thì chỉ tôi mua cũng được.” Nên một người bạn khác cho hay, “Ê, ông muốn mua cây chanh Thái phải không? Đến căn nhà cuối đường nhà ông Hưng-bà Hương, nhớ không? Hôm tôi ghé xin ông ấy cây ớt kiểng, hồi phải chạy cuối đường để trở đầu xe, tôi thấy căn nhà cuối cùng ghi bảng, ‘bán cây chanh Thái-20 tuổi- giá $60’. Chắc cây chanh ấy đã thuộc loại cổ thụ…”

Tôi đến vì lòng tò mò “cây chanh cổ thụ”, chứ bụng đã quyết hôm nào lên nhà mẹ Miên. Tôi đến đúng căn nhà cuối đường xe chạy của ngõ vô nhà ông Hưng-bà Hương cũng là người quen biết. Tôi đối diện với căn nhà u ám, hoang tàn, khó tin là nhà người Việt. Tôi không muốn vào nên chưa vội xuống xe; chỉ đọc trên miếng bìa thùng giấy có viết hàng chữ, “bán cây chanh Thái-20 tuổi-giá $60”. Tôi tò mò hơn cả muốn xem cây chanh cổ thụ, là ai viết chữ như “phượng múa rồng bay”, sao lại để căn nhà như vô chủ…

Người mở cửa nhà tiếp tôi là đàn bà, tướng tinh cổ quái, tóc bạc-nói lên sự già chứ khó đoán bà đã bao nhiêu tuổi! Bà nói, “…Ông có muốn mua cây chanh Thái thật thì hãy vào sân sau nhà mà xem. Tôi ghét mấy người tới coi như chưa thấy cây chanh bao giờ; coi hoài, coi hoài… rồi không mua. Tôi cũng không có bớt giá đâu! Đừng tính chuyện trả giá cho mất công!”

Bà ấy nói như cốt nói chứ không phải người ta nói. Tôi mặc kệ những biểu hiện tâm thần của bà ta. Tôi nói, “Xin lỗi. Tôi muốn xem cây chanh trước rồi mới quyết định có mua hay không. Làm phiền chị dẫn tôi đi xem. Và tôi xin hỏi: Ai viết cái bảng, ‘bán cây chanh Thái-20 tuổi-giá $60’?”

Người đàn bà của thời đồ đá, đồ đồng còn sót lại, bà nhìn tôi nghi ngại, hay mắt bà hồng hoang? Không trả lời câu hỏi mà lại đuổi tôi đi, “Đi đi. Đi đi! Ông đi đi. Đi về nhà ông đi…”

Tôi không biết mình có gì bất nhã, khiến bị bà ấy đuổi tôi như đuổi tà. Nhưng tai nghe được tiếng ho khan ở góc vườn, vì chúng tôi đã ra tới sân sau nhà bà. Dưới gốc cây bông hải đường đang đỏ rực mùa hạ, cây bự sự và cũng như không gian chung của căn nhà, vườn tược là thiếu chăm sóc, tỉa tót. Người đàn ông đang nhìn tôi. Ông không già lắm đâu, nhưng lơ thơ tóc trắng, chân mày bạc thếch, người gầy trơ xương… một người bệnh nặng.

Đôi mắt đục do bệnh hoạn, nhưng buồn bã và cô độc long lanh. Khiến tôi không thể làm ngơ. Tôi đến chào ông. Nói luôn, “Trời nóng quá! Sao anh không ở trong nhà mà ngồi ngoài này? Nhìn anh không khoẻ…”

Ông ngước lên nhìn tôi vì ông đang ngồi ghế vải, hơi thở ông nhẹ hều trên lồng ngực lép xẹp, trơ xương. Thấy hết vì ông mặc áo sơ mi nhưng không cài cúc. Dưới là cái quần đùi rộng thùng thình, càng làm tong teo hơn đôi chân đúng nghĩa là chỉ có da bọc xương…

Ông nhìn tôi giây lát, rồi nhoẻn miệng cười. Đột ngột nói, “Anh nhìn ra chú. Mà chú không nhìn ra anh hả?”

Tôi chưng hửng quá! “Xin lỗi. Xin lỗi… anh. Em thật không nhìn ra anh. Không biết…!”

“Biết chứ sao không biết! Chú biết rõ. Anh là Định-Huế nè! Nhớ không?”

“…”

Đã mười mấy năm không gặp. Nhưng hình ảnh và chuyện về anh còn nguyên vẹn trong tôi. Anh Định người Huế nên gọi là Định-Huế. Nhưng anh theo gia đình vào Sài gòn từ nhỏ nên chỉ nói tiếng Huế với người Huế. Bên ngoài, ít ai biết anh người Huế. Anh làm nghề sửa máy lạnh nhưng nhiều người lại biết anh là người rộng lượng, dù tánh trầm và hiền hoà. Thuở trời đất Dallas còn nhiều gió bụi, dân quậy đầy quán nọ quán kia… anh chẳng theo phe cánh nào mà cứ ung dung, tự tại. Nhưng ai cũng thích chơi với người bạn luôn chịu thiệt thòi này. Anh là vậy, ngồi bàn bên đây với bạn bè của anh, nhưng thường order món này, món khác cho những bàn khác vì cũng là bạn bè. Anh tạt qua bàn nọ thăm hỏi anh em đôi câu, ghé bàn khác uống chai bia với anh em mới đến; qua bàn kia uống ly rượu tạm biệt mấy anh em đang kéo ghế ra về…

Cứ gặp anh ở quán là bù khú vì chơi với người ôn hoà, không so đo thì ai không thích. Khi nào anh ra cái xe van chở đầy đồ nghề sửa máy lạnh của anh để lấy vào chai Johnnie Walker nắp đen là biết tới giờ anh Định yêu cầu chủ quán đóng cửa, tắt đèn “Open”, để anh em chúng tôi làm việc…

Con người hào sảng, rộng lượng sau mười mấy năm không gặp là ông già bệnh hoạn đến tội nghiệp trước mắt. Nhưng nói gì với cái không cần thiết cho đàn ông là lòng thương hại. Tôi mừng gặp lại anh, hay buồn vì gặp trong hoàn cảnh này? Anh đoán được lòng tôi nên nói trước…,

“… coi như anh đã chết hơn mười năm. Vì chết là vĩnh viễn không gặp một người thân, quen nào nữa. Thì hơn mười năm nay, anh chỉ gặp một người quen duy nhất là chú, hôm nay. Quên đi. Mơ thôi. Anh xin lỗi đã làm chú khó xử. Thôi về đi…”

“Anh nói gì vậy anh Định. Vô thay quần áo đi. Em chở anh đi uống ly cà phê…”

“Không biết bao nhiêu năm rồi, anh không ra khỏi nhà. Em về đi. Cảm ơn em trai.”

“…”

Tôi về sao được với anh bạn đã lâu không gặp, nhất là không có hy vọng gặp anh thêm lần nữa! Anh nói rất khó nghe vì cái lưỡi như bị cứng. Nên hỏi thăm bệnh tình, gia đình, vợ con anh… là cách duy nhất có thể chia sẻ cùng anh nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng của người ngồi bên lề cuộc sống.

Tôi ngồi nghe anh kể chuyện vắng xa mà thương cảm…,

“… thì vậy đó, mười mấy năm trước. Vợ anh đi khám phụ khoa định kỳ về. Bà ấy hoảng loạn với kết quả xét nghiệm ung thư dương tính. Một loạt xét nghiệm chuyên khoa hơn nữa càng hoảng sợ hơn nhiều vì xác định được khoảng thời gian vợ anh còn sống với chồng con. Theo bác sĩ cho biết, mình phải tự quyết định là mổ hay không mổ. Không mổ thì sống thêm 6 tháng, mổ thì sống được 6 ngày, 6 tuần, hay 6 tháng, 6 năm… không đoán được di căn.

Vợ anh bị khủng hoảng tinh thần nên anh quyết định: Mổ.

Không ngờ mổ được có 4 tuần lễ. Vợ anh không qua khỏi. Anh ân hận là không mổ thì vợ anh có thể sống được lâu hơn 4 tuần, vì anh vẫn không tin cái 6 tháng của ông bác sĩ. Anh uống quá vì buồn nên dẫn tới đột quỵ. Trong 6 năm mà anh bị đột quỵ tới ba lần. Không còn sức khoẻ gì nữa. Mắt mờ, lưỡi cứng, chân phải muốn đi thì chân trái không bước…

Thằng lớn anh học xong, nó theo việc đi miết. Bây giờ nó đang ở bên Nam Hàn, làm cái quái gì đó. Nhỏ con gái cũng học xong, lấy chồng, hai đứa con rồi. Anh sống một mình trong căn nhà nhiều kỷ niệm, làm hư hao tâm lý, tinh thần hơn nữa… Nên 5 năm trở lại đây thì không còn tự chăm sóc được cho mình. Con gái anh nó bán căn nhà ấy đi vì nó lo không xuể, vợ chồng nó còn phải lo nhà nó. Nó gởi anh tới căn nhà này là của bà tưng tửng kia. Căn nhà này là nhà của chính phủ. Bà ấy được ở vì bệnh hoạn và già yếu. Chồng, con đã bỏ bà ta vì bà ấy bị tâm thần.

Con gái anh nhờ bà lo cơm nước, giặt giũ cho anh. Nó trả tiền tháng và trả cả tiền thuê chỗ ở cho anh. Nhưng dạo này bà ấy tâm thần nặng rồi, anh với bà ấy không phải vợ chồng mà đúng là ấm lạnh, no đói có nhau. Lúc này bà ấy bỏ đói anh đều chi… Còn anh thì sức khoẻ vô thường. Có hôm anh nấu được nồi cơm cho hai người ăn. Nhưng có hôm anh lần được từ phòng ngủ ra đây ngồi, rồi không còn hơi sức nào để trở vô. May sao con gái anh tới thăm, nó không đến hôm đó thì anh chết nắng ở đây rồi! Cũng là hôm nó đến để nói với anh: Nó tính đưa anh vô Viện dưỡng lão vì bà dì này không chăm sóc cho anh được nữa. Trong khi chồng nó đã có việc lại ở Florida, sau mấy tháng thất nghiệp. Vợ chồng nó dọn nhà đi xa nên càng cần đưa anh vô Viện dưỡng lão vì không ghé thăm thường được.

Mấy hôm nay anh buồn quá! Người giúp mình cơm nước, giặt giũ 5 năm trời. No đói, ấm lạnh có nhau như hai người bạn hơn là người mướn, mướn người… Bây giờ bà ấy bệnh nặng hơn rồi thì mình bỏ đi. Anh còn con anh chứ bà ấy có ai dòm ngó tới đâu!

Anh quyết định bán cây chanh, là cây chanh của vợ anh thương quý lúc bả còn sống. Con gái anh bán căn nhà, anh đã nói là bỏ hết đi. Nhưng Ý trời! Nó chừa lại có mỗi cây chanh yêu quý của má nó. Bưng tới đây cho anh để ba thấy má…

Thương con gái đứt ruột, lúc nào nó cũng lo lắng cho ba. Nhưng nó chồng con, việc nhà, việc sở… đã quá khổ rồi! Anh tính bán cây chanh – để không còn vướng bận gì nữa. Lấy $60 mua chai Johnnie nắp đen, đi đoàn tụ với vợ anh cho xong, con cái cũng nhẹ gánh.

(Tôi nghe lạnh xương sống khi hình dung ra người đã hơn mười năm không giọt rượu, thể trạng tiều tụy cỡ này mà dốc vô họng vài ngụm cognac thì trái tim… nổ tung!)

Nhưng không dám nói gì mà chỉ lắng nghe tân tư đè nén của người bạn không may,

“…còn cái bà tâm thần này, không ngờ sống chung với nhau 5 năm nay, anh có tình cảm với bà ấy là bây giờ anh không nỡ bỏ bạn – trong hoàn cảnh lo thân mình không xong. Bà ấy tuy có cơn, nhưng người tâm thần cũng có tình cảm. Ngày xưa bà ấy học ở Cao đẳng Mỹ thuật Gia định nên hoa tay cũng có lúc vẽ nên tranh lắm, rồi gào khóc nhớ con, thương chồng, xé nát tranh vẽ nguyền rủa mình không biết giữ chồng con ở lại nhà… Người tâm thần mà, mình sao hiểu được họ.

Nhưng điều anh hiểu là bà ấy viết bảng bán cây chanh theo yêu cầu của anh. Nhưng ai đến mua thì bà ấy không bán, đuổi người ta đi. Xong vô nhà ôm cây chanh, chậu chanh mà khóc phận đàn bà, nguyền rủa đàn ông, nguyền rủa anh, ‘sao ông đi bán vợ ông… để mua rượu uống’.

Anh không biết hôm nào con gái anh cho xe tới đây xúc anh vô Viện dưỡng lão. Bỏ bà khùng bơ vơ còn độc ác hơn anh giết vợ mình mười mấy năm trước…”

“…”

“Thôi đủ rồi anh Định…!

…Em xin anh, người nào đến mua cây chanh sau em, thì anh giao cây chanh cho người đó – theo duyên phận của người đó với cây chanh. Em tin là người đã đi mua cây chanh ăn lá là người biết chăm sóc cây chanh này. Đừng lấy tiền họ. Cũng không cần phải nói về tiểu sử cây chanh.

Hoàn toàn là xuôi theo duyên phận của cây chanh kỷ vật này. Rồi em sẽ đưa đến cho anh một chai Johnnie nắp đen…

(Em không biết là quyết định của mình là đúng hay sai. Nhưng em đặt mình vào trường hợp của anh thì cũng không có chọn lựa nào hơn với vợ con, bạn bè, và cả mình trong hoàn cảnh của anh… -tôi nói thầm với mình thôi!)”

“…”

Nói xong là xong, tánh tôi là tôi. Nhưng tôi không còn là tôi nữa. Rời nhà anh Định là bay đi tiệm rượu mua chai Johnnie nắp đen. Nhưng lại không dám quay lại nhà anh để thực hiện lời đã hứa của mình. Tôi không dám giết người vì biết chắc thể trạng của anh hiện tại mà dốc vô họng vài ngụm cognac là anh đi luôn; Tuy không còn khổ tâm phải bán cây chanh để hết vướng bận, không còn xót xa cho người bạn tâm thần của anh; không còn xót xa vì mình mà con cái cực khổ… Anh nói đúng, “chết là vĩnh viễn không còn gặp người thân, quen nào nữa.” Thì anh đã chết mười mấy năm trước rồi. Chai Johnnie của mình cùng lắm chỉ là chai rượu rửa xương hốt cốt để anh an nghỉ muôn đời trong ngôi chùa nào đó… thế thôi !

Nhưng tôi vẫn không đủ can đảm ghé anh. Mỗi ngày mười tiếng đứng máy trong xưởng nhưng hồn xiêu phách lạc, từng đêm ngồi nhìn cây chanh Thái nhà mình bỏ bóng xuống sàn gỗ vì mấy hôm nay đêm có trăng. Sự kỳ diệu của ánh trăng như hiểu được hai người bạn tuy xa mà gần tuy gần mà xa là tôi với anh; hai người cùng không ngủ sau cuộc gặp bất thường…

Ngày mai, sau ngày làm tôi sẽ đến thăm anh, tặng quà như đã hứa. Không thể để anh chờ đợi thêm. Cũng không thể để đồng nghiệp của tôi sáng nào cũng nhìn mặt tôi, thở dài mà nói, “Ông làm gì buổi tối mà sáng nào, đến người mù nhìn mặt ông cũng biết là ông thiếu ngủ…”

Có lẽ chỉ bóng trăng của cây chanh Thái trên sàn gỗ hiểu cho tôi. Tôi hiểu cho nó-là tôi-khi tôi không còn nữa. (Con tôi) Con ơi! đừng chở cây chanh này đến chỗ ở của mẹ để mẹ thấy bố… Hãy dội cho nó gáo nước sôi như bố đi mua cho người bạn chai Johnnie lên đường, mà ngày mai bố sẽ trao tay bạn hiền…

Cầu ơn trên ban cho tôi đủ can đảm và nghị lực để làm chuyện đáng làm hơn lòng thương hại vô tích sự chiếm cứ cả lòng dạ đàn ông. Biết đâu có phép lạ nào đó do ơn trên chia sẻ cõi trọc này, tôi bị xe đụng chết trên đường đến thăm anh; hay anh đột qụy lần cuối trước khi tôi đến chỉ một giây tình đời…

Phan

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search