T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam :NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(34) – A WORLD WITHOUT LOVE (Khi có nhau trong đời) – PAUL McCARTNEY

clip_image002

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc phổ thông nổi tiếng được đặt lời Việt, bắt đầu từ kỳ này, chúng tôi sẽ viết về một số ca khúc điển hình trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ.

Trong lĩnh vực ca nhạc, “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” được định nghĩa là một hiện tượng xảy ra vào giữa thập niên 1960, qua đó các bản nhạc rock và pop của Anh quốc, cũng như của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Anh, đã làm mưa gió tại Hoa Kỳ.

“Cuộc xâm lăng” ấy được khởi đầu với ban The Beatles, Peter and Gordon, rồi tới The Rolling Stones, Gerry & The Pacemakers, The Searchers, The Moody Blues, The Dave Clark Five, The Animals, The Who, Herman’s Hermits, The Hollies…, và các ca sĩ Petula Clark, Cilla Black, Dusty Springfield, Donovan, Tom Jones…

Như chúng tôi đã viết trong một kỳ trước đây, cho tới cuối thập niên 1950, tại Anh quốc chưa có một nền nhạc pop, nhạc rock, và hầu hết các ca khúc pop và rock được ưa chuộng đều được du nhập từ Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Vì thế, khi bản Tell Laura I Love Her (lời Việt: Trưng Vương khung cửa mùa thu), một thành công của nam ca sĩ Mỹ Ray Peterson, được nam ca sĩ Anh Ricky Valance thu đĩa lại vào tháng 10 năm 1960 và lên tới No.1, không ít thính giả ở Mỹ đã lầm tưởng Ricky Valance chính là Ritchie Valens, nam ca nhạc sĩ Mỹ gốc Venezuela vắn số, nổi tiếng với hai bản DonnaLa Bamba!

Nhưng tới giữa thập niên 1960, tình thế đã đổi ngược với “Cuộc xâm lăng của Anh quốc”. Cuộc xâm lăng này khởi sự vào cuối năm 1963, cùng thời gian với sự khởi phát “phong trào phản kháng văn hóa” (counterculture movement) ở Anh Quốc, và sự xuất hiện của ban The Beatles.

The Beatles, thường được truyền thông Anh ngữ gọi là ”Fab Four”, người Việt gọi là “Tứ Quái”, được thành lập tại thành phố cảng Liverpool vào năm 1960, gồm bốn chàng trẻ tuổi John Lennon (1940-1980), Paul McCartney (1942), George Harrison (1943-2001), và Ringo Starr (1940).

Trong suốt gần ba năm đầu, The Beatles chỉ trình diễn tại các câu lạc bộ ở Liverpool và ở Hamburg, Đức quốc, nơi “kiếm cơm” đầu tiên của các chàng. Phải đợi tới cuối năm 1962, họ mới được thính giả toàn quốc biết tới với bản Love Me Do, và qua năm 1963, nổi như cồn với bản She Loves You, ca khúc được xếp hạng No.1 của cả năm 1963 tại Anh quốc.

clip_image004

Video:

The Beatles – She Loves You (1963 Live) – YouTube

Về sau (tháng 4-1964), She Loves You đã trở thành một trong năm ca khúc của The Beatles cùng một lúc đứng trong Top 100 ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên ca khúc đầu tiên của Tứ Quái chinh phục được thính giả Mỹ quốc lại không phải She Loves You mà là bản I Want to Hold Your Hand, thu đĩa sau She Loves You bốn tháng.

Vừa được tung ra tại Anh vào tháng 10-1963, I Want to Hold Your Hand đã lên No.1 và ở vị trí này suốt năm tuần lễ. Tại Hoa Kỳ, I Want to Hold Your Hand được lọt vào danh sách Billboard Hot 100 ngày 18 tháng 1-1964, và chưa đầy hai tuần sau, ngày 1 tháng 2, đã nhảy lên No.1, đứng ở vị trí này trong bảy tuần lễ liên tục.

Trong tổng số trên 250 ca khúc của The Beatles (sáng tác và trình bày), tùy cảm quan, nhân sinh quan, tuổi tác, người thưởng ngoạn có thể ưa thích nhất một ca khúc nào đó; chẳng hạn người yêu nhạc tình cảm êm dịu thì chấm Yesterday, người có tâm hồn mơ mộng sẽ thích Strawberry Fields Forever, người chú trọng hòa âm phối khí thì chuộng Something, người có chút máu hippie thì mê Hey Jude, Let It Be.

Nhưng xét về số lượng đĩa bán ra, tất cả các ca khúc nói trên đều đứng sau I Want to Hold Your Hand. Nguyên nhân rất đơn giản: I Want to Hold Your Hand là một bản nhạc “rock” điển hình nhất, mà bất cứ thành phần thính giả nào cũng chỉ cần nghe qua một lần sẽ cảm thấy vui tai, ưa thích ngay…

Phụ lục (1): I Want to Hold Your Hand, The Beatles

Có thể nói I Want to Hold Your Hand là “chiến thắng mở màn” trong “cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền ca nhạc ở Hoa Kỳ. Gần đây, vào năm 2013, tạp chí Billboard Magazine của Mỹ đã xếp I Want to Hold Your Hand đứng hạng 44 trong danh sách 100 ca khúc ăn khách nhất xưa nay.

Ban nhạc pop thứ nhì của Anh, sau The Beatles, được thính giả ở Mỹ biết tới là The Searchers, cũng xuất thân từ thành phố cảng Liverpool. Có điều đáng nói là cả hai ca khúc do The Searchers trình bày được lên top ở Hoa Kỳ đều là sáng tác của người Mỹ và trước đó đã được các ca sĩ, ban nhạc Mỹ thu đĩa.

clip_image006

Bản thứ nhất là Needles and Pins, một sáng tác của Jack Nitzche và Sonny Bono.

Jack Nitzche (1937-2000) là một nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc, một nhạc trưởng tài ba, một trong những ca khúc bất hủ của ông là bản Up Where We Belong, viết cho cuốn phim ăn khách An Officer and a Gentleman (1983), do Joe Cocker và Jennifer Warnes thu đĩa, đã đoạt cả giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe) lẫn giải Oscar cho ca khúc trong phim, và đem lại giải Grammy cho người hát.

Sonny Bono (1935-1998) là “một nửa” của cặp song ca & vợ chồng nổi tiếng Sonny & Cher, sau này trở thành Thị trưởng Palm Springs, California, rồi dân biểu quốc hội California cho tới khi tử nạn trong lúc trượt truyết.

Cho tới nay, Sonny Bono vẫn được ghi nhận là dân biểu quốc hội duy nhất của Hoa Kỳ có ca khúc đứng No.1 trên Billboard Hot 100, đó là bản I Got You Babe do Sonny viết, và hát chung với vợ.

Needles and Pins được The Searchers thu đĩa vào đầu năm 1964, lên tới No.1 tại Anh quốc, Ái-nhĩ-lan, Nam Phi, và đứng hạng 13 trong danh sách Billboard Hot 100 ở Hoa Kỳ.

Video:

The Searchers – Needles and Pins – YouTube

Tuy nhiên với giới yêu nhạc trẻ ngoại quốc ở miền nam Việt Nam ngày ấy, The Searchers được biết tới, và ái mộ qua thành công thứ hai của họ: bản Love Potion No.9.

Love Potion No.9 là một sáng tác của Jerry Leiber và Mike Stoller, là tác giả, hoặc đồng tác giả của nhiều ca khúc pop, rock nổi tiếng như Jailhouse Rock, Loving You, Stand by Me, Spanish Harlem

Love Potion No.9 được ban ngũ ca Mỹ gốc Phi châu The Clovers thu đĩa năm 1959, tuy nhiên đã chỉ lên tới hạng 23 trong bảng xếp hạng thể loại R&B. Sau khi được The Searchers thu đĩa lại vào năm 1965, Love Potion No.9 đã lên tới hạng 3 trong danh sách Billboard Hot 100, được đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam phát đi phát lại mỗi ngày.

Phụ lục (2): Love Potion No.9, The Searchers

Riêng với các ban nhạc trẻ Việt Nam, chuyên nghiệp cũng như tài tử, vào “thuở ban đầu” ấy, Love Potion No.9 đã trở thành khúc nhạc hòa tấu quen thuộc nhất để mở đầu chương trình, với mục đích tạo không khí sôi động cũng như giới thiệu tay lead guitar và tay trống của ban nhạc.

Phụ lục (3): Love Potion No.9, The Ventures (hòa tấu)

Tới đây, trở lại với công việc giới thiệu các ca khúc phổ thông được đặt lời Việt, chúng tôi viết về ca khúc đầu tiên trong “cuộc xâm lăng của Anh quốc” về sau đã được đặt lời Việt: bản A World Without Love do đôi song ca Peter and Gordon trình bày.

clip_image008

A World Without Love là một sáng tác của Paul McCartney, một thành viên của “Tứ Quái” The Beatles, tuy nhiên, do một thỏa thuận riêng giữa Paul McCartney và John Lennon về việc ghi tên tác giả trên các ca khúc của The Beatles, trên các ấn bản chính thức, A World Without Love đã được ghi là một sáng tác của “Lennon – McCartney”.

Paul McCartney viết A World Without Love vào năm 1958, khi còn là một cậu học sinh trung học 16 tuổi ở Liverpool. Thời gian này, Paul McCartney và John Lennon đã thành lập ban nhạc được một năm, tuy nhiên Paul cho rằng ca khúc này không thích hợp với The Beatles, nên họ đã không thu đĩa (sau này, người ta đã tìm thấy một đoạn băng thu The Beatles đang hát thử A World Without Love).

Đầu thập niên 1960, sau khi The Beatles đã nổi tiếng và lên thủ đô Luân-đôn lập nghiệp, Paul McCartney đề nghị anh bạn ca sĩ Billy J. Kramer thu đĩa A World Without Love nhưng Billy đã từ chối.

[Billy J. Kramer, sinh năm 1943, là một ca sĩ nhạc pop và rock của Anh quốc, có cùng “ông bầu” nổi tiếng Brian Epstein với The Beatles]

Năm 1963, Paul McCartney tới sống tại nhà của bạn gái là nữ diễn viên Jane Asher, ở chung phòng với anh trai của nàng là Peter Asher, một trong hai thành viên của đôi song ca Peter and Gordon lúc ấy chưa có tên tuổi. Sau khi Peter and Gordon được hãng đĩa EMI của Anh ký hợp đồng, Paul đã “tặng” bản A World Without Love cho hai người để “làm vốn”.

Có thể nói, nếu không được Paul McCartney “tặng” bản A World Without Love, không biết tới bao giờ Peter and Gordon mới nổi tiếng; và ngược lại, nếu A World Without Love không được Peter and Gordon thu đĩa, chắc gì ca khúc này đã trở thành một trong những ca khúc bất hủ trong nền nhạc rock?!

Tất cả đều do “định mệnh”, hay viết một cách chính xác hơn là nhờ “tiếng sét ái tình” ngay trong lần đầu Paul McCartney gặp Jane Asher.

Jane Asher, sinh năm 1946, là con “nhà nòi”: ông bố Richard Asher là bác sĩ chuyên khoa thần kinh não bộ, tác giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành, bà mẹ Margaret Asher là giáo sư tại Guildhall School of Music and Drama, trường âm nhạc và kịch nghệ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của Anh quốc. Jane Asher là một diễn viên thần đồng, về sau kiêm ký giả truyền hình, tác giả và nhà xuất bản sách, và một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng.

Năm 1963, sau khi The Beatles tới Luân-đôn, Jane Asher được đài BBC trao nhiệm vụ phỏng vấn “Tứ Quái”, đưa tới việc chàng ca nhạc sĩ Paul McCartney 19 tuổi bị tiếng sét ái tình trước nàng diễn viên 17 tuổi; và hai người bắt đầu cặp với nhau từ đó. Jane xin phép cha mẹ cho Paul tới sống ở nhà mình. Người ái mộ ai cũng cho đây là cuộc tình lý tưởng; và Jane đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tình khúc của Paul, trong đó nổi tiếng nhất phải là bản And I Love Her, viết năm 1964, ca khúc mà nhiều người gọi là dạo khúc (prelude) của bản Yesterday bất hủ, viết sau đó một năm.

clip_image009

Jane Asher và Paul McCartney

Video:

Paul McCartney and Jane Asher- And I Love Her

The Beatles – Yesterday (lyrics) [HD] – YouTube

Năm 1967, Paul McCartney và Jane Asher đính hôn. Hai người chung sống tại căn nhà của Paul ở khu St John Wood, Luân-đôn.

Nhưng mối tình đẹp mà Paul McCartney viết là “would never die” ấy đã tan vỡ trong cay đắng. Đầu tháng 7 năm 1968, Jane Asher đi nghỉ holiday một mình và trở về sớm hơn dự định. Vào nhà, mở cửa phòng ngủ, nàng bắt gặp quả tang Paul McCartney đang ở trên giường với Francie Schwartz, một nhà viết kịch bản của Mỹ được mướn viết truyện phim cho A Hard’s Day Night, cuốn phim đầu tiên của The Beatles. Ngày 20 tháng 7, 1968, Jane Asher chính thức hủy bỏ hôn ước với Paul McCartney.

Người ái mộ ai cũng lấy làm tiếc cho một mối tình đẹp, mối tình đã để lại cho hậu thế ca khúc And I Lover Her, và góp phần tạo dựng tên tuổi cho đôi song Peter and Gordon, không chỉ với bản A World Without Love mà còn nhiều ca khúc khác do Paul McCartney sáng tác được hai chàng gửi tới người thưởng ngoạn.

Peter and Gordon là viết tắt tên của Peter Asher (1944) và Gordon Waller (1945-2009), hai người bạn nội trú tại Westminster School, trường trung học Anh giáo nổi tiếng bậc nhất Luân-đôn.

Peter Asher, cùng với cô em gái Jane Asher, xuất thân là diễn viên thần đồng, xuất hiện trên màn bạc, truyền hình và sân khấu kịch nghệ từ năm lên tám tuổi. Bên cạnh đó, Peter Asher còn mê nhạc jazz, chơi guitar thùng (acoustic guitar) và thích ca hát.

Gordon Waller, kém Peter Asher một tuổi, cha cũng là một bác sĩ, cũng đàn guitar thùng và có một giọng hát trầm ấm. Chính Gordon đã thuyết phục Peter chuyển từ nhạc jazz sang nhạc rock, và hai người kết hợp thành một đôi song ca, thường đàn hát tại các buổi văn nghệ, party trong trường.

Vào thời gian Peter Asher tốt nghiệp trung học và theo ban Triết tại King’s College London, hai chàng chính thức lấy nghệ danh “Peter and Gordon”, và ký hợp đồng trình diễn trong hai tuần lễ tại The Pickwick Club ở Luân-đôn, của nam ca sĩ kiêm nhà hài kịch thời danh (Sir) Harry Secombe.

Lúc đó, Gordon Maller vẫn còn ở trong nội trú, và mỗi đêm đã phải lén leo rào ra ngoài để trình diễn với Peter Asher. Một đêm nọ, do bất cẩn lúc nhảy từ trên cao xuống, một bàn chân của Gordon đã bị mũi sắt nhọn của hàng rào đâm vào, tạo thương thật suốt đời.

Sau hai tuần đàn hát ở The Pickwick Club, Peter and Gordon được Harry Secombe giới thiệu với ông Norman Newell, giám đốc thu âm của hãng đĩa hát EMI, và được ông này ký hợp đồng. Chủ ý của Norman Newell khi ký hợp đồng với Peter and Gordon là để hai chàng thu đĩa lại bản 500 Miles nổi tiếng của Mỹ.

500 Miles, hoặc đầy đủ hơn, 500 Miles Away from Home (lời Việt của Trường Kỳ: Tiễn em lần cuối), là một bản dân ca của nữ ca nhạc sĩ country Hedy West, trước đó được nhiều người thu đĩa, nhưng thành công nhất phải là qua nghệ thuật hợp ca của ban Peter, Paul & Mary và ban Brothers Four.

Norman Newell dự tính để Peter and Gordon thu đĩa 500 Miles là muốn khai thác những điểm tương đồng giữa Peter and Gordon và Brothers Four. Cả hai ban đều có nghệ thuật đàn guitar thùng và hợp ca độc đáo.

Nhưng sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa EMI, Peter and Gordon đã không thu đĩa bản 500 Miles ngay, mà chỉ thu sau này khi họ đã nổi tiếng.

Video:

Peter & Gordon – Five Hundred Miles – YouTube

 

clip_image011

Peter and Gordon không thu thu đĩa 500 Miles trong đĩa hát đầu tay là vì lúc đó họ đã có sẵn bản A World Without Love do Paul McCartney tặng. Được phát hành vào tháng 1-1964, tới tháng 4, A World Without Love đã lên No.1 trên bảng xếp hạng tại Anh quốc (UK Single Chart), và tới tháng, lên No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 tại Hoa Kỳ, đồng thời đứng No.1 trong bảng xếp hạng của tạp chí Cash Box của kỹ nghệ đã nhạc ở Mỹ; và cho tới nay, vẫn nằm trong danh sách “500 ca khúc đã định hướng cho nền nhạc rock” do Rock and Roll Hall of Fame and Museum (Ohio, Hoa Kỳ) thiết lập.

A WORLD WITHOUT LOVE

Please lock me away
And don’t allow the day
Here inside, where I hide with my loneliness
I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love

Birds sing out of tune
And rain clouds hide the moon
I’m OK, here I stay with my loneliness
I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love

So I wait, and in a while
I will see my true love smile
She may come, I know not when
When she does, I’ll lose
So baby until then

Lock me away
And don’t allow the day
Here inside, where I hide with my loneliness
I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love

(Please lock me away)
(And don’t allow the day)
(Here inside, where I hide with my loneliness)
I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love

So I wait, and in a while
I will see my true love smile
She may come, I know not when
When she does, I’ll lose
So baby until then

Lock me away
And don’t allow the day
Here inside, where I hide with my loneliness
I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love

I don’t care what they say, I won’t stay
In a world without love.

Phụ lục (4): A World Without Love, Peter and Gordon

Video:

Peter and Gordon – World Without Love (1964)_HQ

A World Without Love là 1 trong 7 ca khúc của Lennon-McCartney đứng No.1 trên Billboard Hot 100 tại Hoa Kỳ trong năm 1964; một điều thú vị là chính A World Without Love đã “đá” một ca khúc trong số này là bản Can’t Buy Me Love khỏi vị trí No.1.

Từ năm 1964, đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng của Mỹ đã thu đĩa A World Without Love nhưng chỉ đạt thành công tương đối, trừ đĩa do ban tam ca nữ The Supremes trình bày, đã đứng trong Top 10 ở nhiều nước Á châu, trong đó có Hương Cảng, Tân-gia-ba và Phi-luật-tân.

Video:

THE SUPREMES a world without love

Về phần Peter and Gordon, sau đó có thêm ba đĩa vàng khác – đứng No.1, bán được trên một triệu đĩa – là Nobody I Know (cũng của McCartney-Lennon), True Love Ways (của Buddy Holly), và Lady Godiva (ca khúc truyền thống Anh quốc), nhưng vì thành công vượt bực và mức độ phổ biến của A World Without Love, hễ nhắc tới Peter and Gordon, người ta chỉ nhớ tới “ca khúc cầu chứng” này.

Đôi song ca Peter and Gordon tan rã vào năm 1968, Gordon Waller (người hát giọng chính) sang Hoa Kỳ theo đuổi sự nghiệp hát solo, còn Peter Asher, mặc dù cô em gái Jane Asher đã từ hôn Paul McCartney, trở thành giám đốc A&R, một chi nhánh của hãng đĩa Apple Records do The Beatles thành lập; về sau cũng sang Hoa Kỳ, làm ông bầu cho các ca nhạc sĩ mới bước vào nghề, và đạt thành công rực rỡ. Trong số những tên tuổi được Peter Asher lăng-xê có James Taylor và Linda Ronstadt.

Từ tháng 8 năm 2005, Peter and Gordon đã tái hợp nhiều lần để trình diễn miễn phí trong các dịp tưởng niệm nghệ sĩ trong làng nhạc. Lần cuối cùng là vào hai ngày 1 và 2 tháng 7, 2009, trong Festival for Beatles Fans tại Las Vegas.

Hai tuần sau, ngày 17 tháng 7, 2009, Gordon Maller qua đời đột ngôt vào tuổi 64 vì một cơn đau tim.

Mặc dù chỉ “thọ” được vài năm, Peter and Gordon (cùng với ca khúc A World Without Love ) sẽ mãi mãi được ghi nhận là một trong những “chiến thắng” đầu tiên, và quan trọng nhất, trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ.

* * *

Trước năm 1975, Peter and Gordon được giới yêu nhạc trẻ ở Sài Gòn biết tới qua phần trình diễn trong một cuốn phim ca nhạc của Anh quốc (chúng tôi không nhớ tựa) vào giữa thập niên 1960. Viết một cách chính xác, cuốn phim này chỉ là tập hợp những đoạn phim thu hình các ban nhạc nổi tiếng của Anh lúc bấy giờ trình diễn một ca khúc điển hình của họ, như Peter and Gordon Peter với A World Without Love , The Bealtes với She Loves You, The Rolling Stones với Paint It Black, the Animals với The House of the Rising Sun, v.v..

clip_image012

Minh Xuân –Minh Phúc

Tới khi có phong trào Việt hóa nhạc trẻ Việt Nam, A World Without Love đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Khi có nhau trong đời. Như chúng tôi đã có lần viết trước đây, ngày ấy có hai khuynh hướng trong việc đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, một là dịch, hoặc phỏng dịch lời hát trong nguyên tác, hai là đặt lời hát mới không dính dáng gì tới nguyên tác.

Trường Kỳ theo khuynh hướng thứ hai, điển hình là các bản A World Without Love – Khi có nhau trong đời, 500 Miles – Tiễn em lần cuối, Lo Mucho Que Te Quiero – Rồi mai đây…

Trước năm 1975, Khi có nhau trong đời đã được đôi song ca Minh Xuân – Minh Phúc hát trong một băng Tình Ca Nhạc Trẻ; và sau này, năm 1989, đã được Julie trình bày trong CD “Phút bên em” của cô.

Phụ lục (5): Khi có nhau trong đời, Minh Xuân – Minh Phúc

Phụ lục (6): Khi có nhau trong đời, Julie

 

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search