T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: Những Ca Khúc Nhạc Ngoại Quốc lời Việt (Tập Một)

Xin bấm vào đây để mở hoặc tải về máy

Hoài Nam: Những Ca Khúc Nhạc Ngoại Quốc lời Việt (tập Một)

bia-1-2017-sol

bia-sau-2017

Giới Thiệu

Người yêu nhạc – dù mang bất cứ quốc tịch nào, có màu da màu tóc nào – lại không từng nghe và say mê những bản nhạc bất hủ như: Come back to Sorrento (Về mái nhà xưa), One Day, When we were young (Khúc hát thanh xuân), Fur Elise (Khi tình yêu tới), Ave Maria – Schubert và rất nhiều những bản nhạc vượt lên trên mọi hàng rào ngôn ngữ khác?

Nghe đi nghe lại những bản nhạc hay, vẫn chưa đủ. Người ta còn muốn được biết thêm về nhạc sĩ sáng tác, hoàn cảnh bài nhạc ra đời, những ca sĩ nào đã hát, và cả những giai thọai chung quanh bài nhạc ấy nữa. Đó cũng là tâm lý thông thường của “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên trước sức cuốn hút độc gỉa của lọat bài về nhạc Ngoại quốc lời Việt do nhà báo Hòai Nam, tác giả “70 năm Tình ca trong Tân nhạc Việt Nam” thực hiện. Từ bốn năm nay, qua hơn 60 bài viết được giới thiệu trên T.Vấn & Bạn Hữu, ông đã thỏa mãn sự đòi hỏi trên của người yêu nhạc về 70 bài nhạc lừng danh trên thế giới mà hầu như người yêu nhạc nào cũng đã hơn một lần nghe, say mê và thuộc lòng, dù không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của lời bài nhạc.

Qua lọat bài trên, Hòai Nam đã “hệ thống hóa” tất cả những gì người yêu nhạc muốn biết, cần biết về bài nhạc mà mình yêu thích, với những chi tiết vô cùng thích thú vì với số đông chúng ta, đây là lần đầu tiên được biết đến. Chẳng hạn như những chi tiết về bài nhạc bất hủ Shina No Yoru (China Night – Chiều Tô Châu ), có cái tên “Đêm Trung Hoa” nhưng lại do hai nhạc sĩ người Nhật viết nhạc và đặt lời. Ly kỳ hơn nữa là những chi tiết về cô ca sĩ Nhật Yoshiko Yamaguchi, người hát bài Shina No Yoru, có đến 10 nghệ danh khác nhau, trong đó nghệ danh Trung hoa Li Xianglan (Lý Hương Lan) đã mang đến cho cô nhiều hệ lụy (và danh vọng). Hoặc những giai thọai “bi thảm” chung quanh bài nhạc của Hung-gia-lợi Sombre Dimanche, tựa tiếng Pháp, tức Gloomy Sunday, tựa tiếng Anh, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chủ Nhật Buồn, và Nam Lộc với tựa Chủ Nhật Xám.

***

Lọat bài về nhạc Ngọai Quốc lời Việt của Hòai Nam tuy rất công phu, lại được viết bằng giọng văn ngắn gọn, mạch lạc giúp người đọc vốn không hiểu gì về nhạc cổ điển lãng mạn vẫn dễ dàng lãnh hội được tinh túy của kho tàng âm nhạc nhân lọai, nhưng so với công trình trước đó về 70 năm Tình Ca trong Tân nhạc Việt Nam đã không đến được với đông đảo người “đọc” trong cũng như ngòai nước .

Người ta “nghe” công trình 70 năm Tình Ca, nhưng lại phải “đọc” công trình nhạc Ngọai Quốc lời Việt. Khác biệt ấy chính là sự thiệt thòi không thể tránh khỏi của công trình nhạc Ngọai Quốc lời Việt. Trang T.Vấn & Bạn Hữu đã từng trao đổi với nhà báo Hòai Nam và đề nghị ông thực hiện phần âm thanh (audio) của lọat bài về nhạc Ngọai quốc như ông đã từng làm với công trình 70 năm Tình ca, trong đó, giọng đọc ấm áp, truyền cảm của tác giả đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chương trình. Nhưng, tác giả cho biết, trước đây ông thực hiện chương trình 70 năm Tình Ca cho đài phát thanh SBS Úc châu với phương tiện kỹ thuật và chuyên viên của họ, nay ông không còn làm việc với SBS nữa nên ông đành chịu bó tay. Mặt khác, do công việc mưu sinh hàng ngày, ông vẫn chưa tìm ra thì giờ dành cho công việc này. Đó là chưa kể đến việc thực hiện một phòng thu với những trang thiết bị cần thiết và khả năng sử dụng chúng (điều mà ông bảo mình đã quá già để… học).

Hy vọng trong tương lai, khi Hòai Nam tìm được thì giờ, và trong số độc giả say mê lọat bài về nhạc Ngọai quốc của ông, biết đâu có người đủ khả năng (cả về phương tiện lẫn kỹ thuật) sẵn sàng giúp ông thực hiện điều mà hôm nay chúng ta mong mỏi .

Trong khi chờ đợi, chúng tôi làm công việc thu gom lại loạt bài nói trên thành nhiều tập sách để độc giả dễ dàng lưu trữ và tham khảo khi cần.

Theo dự định, loạt bài Nhạc ngọai quốc lời Việt của Hoài Nam sẽ gồm khoảng trên dưới 90 bài (cũng tương đương con số 94 episodes của “70 năm Tình Ca trong Tân Nhạc Việt Nam”), giới thiệu những ca khúc điển hình được phân chia theo thời kỳ hoặc thể loại, gồm:

-Những nhạc khúc, ca khúc cổ điển, bán cổ điển và đầu thời kỳ hiện đại.

-Những ca khúc dân gian truyền thống phổ biến.

-Những ca khúc phổ thông (popular songs) của Anh, Mỹ.

-Những ca khúc phổ thông của Pháp.

-Một số ca khúc đông phương điển hình (của Đặng Lệ Quân, Mayumi Itsuwa…)

-Những ca khúc nổi tiếng trong phim ảnh, trong các vở ca nhạc kịch, hoặc nhạc phim được đặt lời hát.

Tập 1 này gồm 27 bài, giới thiệu những ca khúc chọn lọc của thời kỳ cổ điển, đầu thời kỳ hiện đại, và những ca khúc dân gian truyền thống.

Việc phân chia nội dung nhạc Ngoại Quốc lời Việt ra thành nhiều tập chỉ nhằm giúp độc giả dễ dàng tham khảo những bài mình ưa thích. Chúng tôi dựa vào việc phân chia thể loại hay thời kỳ để sắp xếp các tập. Việc sắp xếp này cũng nhằm giúp độc giả dễ dàng tìm các bài hát liên quan (ở dạng âm thanh -audio MP3) hiện lưu trữ ở trang Web T.Vấn & Bạn Hữu.

Xin cám ơn sự theo dõi và ủng hộ của đông đảo độc giả trong và ngoài nước từ nhiều năm nay dành cho trang T.Vấn & Bạn Hữu và loạt bài về nhạc Ngoại Quốc lời Việt của nhà báo Hoài Nam.

T.Vấn & Bạn Hữu

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search