T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhân một cái chết

clip_image001

Lệnh tha khỏi trại – tranh của Trần Thanh Châu (Seattle)

Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp Thanh

(Đọan trường tân thanh- Nguyễn Du)

1.

Tháng Ba. Trời vẫn rét ngọt. Những mảng tuyết đổ từ dạo cuối tháng 2 vẫn còn để lại vài cụm trắng xóa trên sân cỏ vàng úa vì buốt lạnh chung quanh nhà. Năm nay, mùa đông tòan cầu khắc nghiệt hơn bình thường. Dịp cuối năm ta vừa qua, Trung quốc đã chịu đựng những cơn bão tuyết khủng khiếp chưa từng thấy hàng trăm năm nay, khiến cả triệu khách lữ hành phải bị kẹt cứng trong các nhà ga, các trạm xe lửa, với tâm trạng bồn chồn, khó chịu vì sợ rằng họ có thể không trở về nhà kịp để đón giao thừa sau cả năm trời đi làm ăn xa. Ở miền Bắc Việt nam, có nơi đến cả trâu bò cũng lăn ra chết vì lạnh. Huống chi người. Nhất là người gìa. Mùa đông năm 1978, tại trại cải tạo Phong Quang, tỉnh Hòang Liên Sơn, tọa lạc gần sát biên giới Trung quốc và nằm ngay dưới chân núi Sa Pa (nghe đồn tuyết phủ trắng đỉnh vào những tháng mùa đông) tôi đã biết thế nào là cái ác nghiệt của mùa đông đất Bắc, cái ác nghiệt của Đói và Lạnh là hai kẻ thù đáng sợ lúc nào cũng phối hợp với nhau trong thế liên hòan để giết lần mòn những người tù cải tạo với trọng lượng hơi của cơ thể không ai hơn được 40 kí lô dù người cân có hào phóng cách mấy. Càng đói lại càng lạnh và càng lạnh thì lại càng đói cồn cào, đói tới mức muốn bỏ cả ngón tay vào miệng mà nhai. Trước mắt tôi, nhiều người tù tuổi tác thi nhau rơi rụng. Thân gìa yếu, làm sao chịu nổi sự hủy họai của mùa đông, cộng thêm với cái đói triền miên tích tụ từ nhiều năm và trên người mang bao bệnh tật không có thuốc men chữa chạy. Mỗi buổi trưa, đứng từ trong phòng giam có những hàng chấn song bằng sắt lạnh cóng, nhìn ra bên ngòai thấy chiếc xe tang màu sắc diêm dúa chở chiếc quan tài “duy nhất” (*) của trại, bên trong là tấm thân xác nhỏ bé gầy gò của một người tù gìa xấu số nào đó vừa chết đêm qua. Cứ mỗi lần như thế tôi lại chép miệng lẩm bẩm một câu nói phát ra từ vô thức: Thế là đã xong một kiếp người. Nhiều lần, co ro dưới 7 lớp quần áo giẻ rách mặc chòang lên nhau vẫn không đủ ấm, và cái đói cồn cào gan ruột, tôi đã nghĩ đến giây phút mình nằm trong chiếc quan tài đó. Chắc là nhẹ nhàng lắm (Thân nhẹ nhàng như mây như lời một bài hát của nhạc sĩ TCS). Vì trọng lượng của tất cả các thứ trên thân xác tôi lúc ấy, bao gồm tóc tai bờm xờm cứng như cỏ khô phủ trên cái đầu vừa trống rỗng (vì trong đó không có một ý tưởng nào chứng tỏ tôi là một cây lau cây sậy biết suy nghĩ như lời định nghĩa của Pascal về con người) vừa đầy ắp (những ham muốn trần tục muốn được ăn no, muốn được mặc ấm) , cộng thêm với bộ xương bọc da đen nhẻm chắc không hơn được 35 kí lô, nhẹ hơn cả trọng lượng của đứa con gái 10 tuổi của tôi bây giờ. Vậy mà cuối cùng tôi vẫn sống để 30 năm sau đứng giữa cánh đồng tuyết phủ trắng xóa nơi một mảnh đất xa lạ mà nhớ về chuyện xưa để ngẫm chuyện nay.

2.

Mùa đông năm nay, cái lạnh khác thường của miền Bắc Việt nam cũng được đánh dấu bằng sự ra đi vĩnh viễn của một người gìa 86 tuổi. Đó là nhà họat động dân chủ nổi tiếng từ trong nước ra đến hải ngọai Hòang Minh Chính. Phần tiểu sử của ông có thể được ghi nhận tóm lược như sau:

“. . . Cuộc đời của Cụ là một chuỗi dài những năm tháng đấu tranh gian khổ, chiến đấu liên tục vì nền độc lập của đất nước. Cụ là một chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho tự do dân chủ hóa đất nước, đến tận hơi thở cuối cùng.
Cụ Hoàng Minh Chính đã đến với chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một thanh niên yêu nước, dũng cảm khát khao vì độc lập cho dân tộc, và Cụ cũng đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một trí thức yêu nước .
Mọi thứ có thể đổi thay, nhưng trái tim yêu nước, lòng tận tụy vì nhân dân của Cụ Hoàng Minh Chính không bao giờ thay đổi.
Trái tim yêu nước và lòng tận tụy vì nhân dân của Cụ, cũng như tất cả những gì mà cuộc đời cụ đã trải qua, rồi sẽ được ghi vào lịch sử. Cụ xứng đáng được ghi nhận trang trọng trong trang sử của dân tộc Việt Nam. Hậu thế sẽ phán xét công bằng.
Cụ đã sống xứng đáng một kiếp người. Cụ đã thực hiện được lời của người xưa “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” nghĩa là giàu sang không sa đọa, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”.
(Trích điếu văn của luật sư Trần Lâm đọc trong tang lễ nhà họat động dân chủ Hoàng Minh Chính)

Tang lễ của ông diễn ra ngày 16-02-2008 tại Hà Nội được nhiều người mô tả là lặng lẽ, tuy số người tham dự lên đến 500 người. Họ là những người cùng chí hướng với ông Hòang Minh Chính, đến từ nhiều miền khác nhau của đất nước, như Hải Phòng, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và Hà Nội. Con số nói trên phải kể là rất đáng khích lệ, so với không khí chính trị nặng nề, khó thở như hiện nay ở trong nước và những nỗ lực ngăn cản, thậm chí can thiệp thô bạo (như việc một người họat động dân chủ ở hải ngọai về nước tham dự đám tang ông Hòang Minh Chính đã bị Công an buộc lên phi cơ rời khỏi Việt nam ngay lập tức) của nhà cầm quyền cộng sản trong nước.

Đọc những tin tức về cái chết của một người họat động dân chủ rất can đảm ở trong nước, lại được xem những hình ảnh về tang lễ của ông trên mạng, tôi nhớ đến mùa đông 30 năm trước đứng bên chấn song cửa sổ buồng giam nhìn những cái chết lướt qua dưới bầu trời xám xịt buồn thiu và câu nói ngẫu nhiên từ vô thức. Thế là đã xong một kiếp người.

Một kiếp người đã xong, nhưng những vấn đề mà kiếp người ấy đặt ra cho những người còn sống, cho các thế hệ mai sau, chắc chắn là chưa thể xong được. Hay đúng hơn, nó chỉ mới bắt đầu.

Tại sao, một con người “. . . đến với chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một thanh niên yêu nước, dũng cảm khát khao vì độc lập cho dân tộc . . .” để rồi sau đó: “cũng đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một trí thức yêu nước . . .”?

Cho đến ngày hôm nay, sau sự sụp đổ không thể tránh khỏi của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa từ Liên xô cho đến các nước cộng sản Đông Âu những năm cuối 80s, đầu 90s, hay trước sự khác biệt quá rõ ràng về mức phát triển giữa hai miền Bắc và Nam Hàn với hai thể chế đối nghịch nhau, tưởng cũng đã quá đủ để người ta hiểu được lý do tại sao một người yêu nước như ông Hòang Minh Chính phải đi lại con đường lý tưởng khác với con đường thời trẻ ông đã theo đuổi. Đó không phải là sự lầm đường của một con người. Mà là sự lầm đường của cả một thế hệ. Sự lầm đường hiện đang được ngụy biện bằng mọi hình thức gỉa dối của ngôn từ. Lịch sử một đất nước luôn có những giai đọan thăng, trầm, những sai lầm trong các quyết định sinh tử liên quan đến tòan thể nhân dân của các tập đòan cầm quyền từng thời đại, nhưng cố tình bao che, ngụy biện cho sai lầm chết người của mình thì cho đến nay, lịch sử Việt nam chỉ ghi nhận được có một trường hợp của đảng cộng sản Việt nam.

Việc nước là việc chung của bao con người, đâu phải của riêng một nhóm, một đảng, một tập đòan. Ý thức được điều cơ bản ấy, ông Hòang Minh Chính đã ra khỏi đảng cộng sản. Những giây phút cuối cùng trong cuộc đời, ông vẫn còn nhắn lại được cho người còn sống qua một đọan băng thâu thanh “. . . Tôi chúc các bạn thành công trong cuộc chiến đấu giành tự do, độc lập và hạnh phúc cho tất cả người Việt Nam.”.

3.

Những cái chết trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, khi người lính đã chọn lựa một con đường mà anh tin rằng đó là con đường đúng nhất để phục vụ tổ quốc, thì mọi sự hy sinh đều đáng được tuyên dương, dù ở bên này hay bên kia của chiến tuyến. Dù sao, chiến tranh luôn luôn chỉ là giải pháp cuối cùng khi người ta không còn lựa chọn nào khác. Và những cái chết trong chiến tranh, vì không thể tránh khỏi, chỉ chứng minh tính bi kịch của thân phận con người.

Nhưng những cái chết năm xưa trong trại cải tạo vùng biên giới, sau khi tiếng súng đã chấm dứt, là sự nhắc nhở đến bản chất vô nhân của một chế độ. Những cái chết hôm nay của những người họat động dân chủ ở trong nước như ông Hòang Minh Chính, nằm xuống rồi mà mắt vẫn mở trừng trừng vì không an lòng với tương lai các thế hệ mai sau, là một sự nhắc nhở đến bản chất tham quyền cố vị để trục lợi của cùng một chế độ ấy.

Chính vì thế mà những người chết còn cần phải được nhắc đến. Vì những cái chết ấy là hệ quả của bao sai lầm chết người, của sự thiếu phục thiện trong việc nhìn nhận lại lịch sử. Nhắc đến những người chết, chính là sự quan tâm thiết thực đến người còn sống. Vì sau mọi tội ác, sự quan tâm cần phải được dành cho người sống sót. Chứ không phải người chết. Càng không phải là kẻ sát nhân.

T.Vấn

Tháng 3- 2008

_________________________________-

* Gọi là chiếc quan tài duy nhất, vì đây là chiếc quan tài được dùng cho tất cả tù cải tạo chết trong trại. Dưới đáy quan tài là một tấm ván có thể rút ra hoặc đẩy vào được. Xác người chết được cho vào quan tài trước sự chứng kiến của mọi người. Sau đó, cho lên xe tang do trâu kéo ra nghĩa địa (thường là khu đất trống ngòai rìa trại). Đến trước một cái hố đã đào sẵn, 2 anh tù hình sự khiêng quan tài ra khỏi xe tang, mỗi người đứng ở một bên đầu hố. Anh tù hình sự thứ 3 (thường là trưởng tóan) rút tấm ván đáy quan tài ra. Xác người chết rơi xuống hố. Sau khi hố chôn người chết được lấp đất đầy, chiếc quan tài rỗng được khiêng trở lại xe tang và cho kéo về lại trong trại, sẵn sàng được dùng cho người chết kế tiếp.

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search