T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Người ôm búp bê…

clip_image002

Nó ngồi một mình trong góc quán, tay xoay xoay ly cà phê đen như mõm chó. Mặt nó buồn hơn mưa gió đang sụt sùi ngoài kia.

Trời đất! Thằng quỷ này cũng biết buồn… nên trời đổ mưa ba, bốn ngày liên tiếp.

Thực ra tôi cũng không rõ lý do mình đến đây! Thôi thì tạm tin là đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, nên ghé đây là tiết kiệm nhất vì một ly cà phê chỉ có hai đồng rưỡi mà muốn ngồi bao lâu cũng được. Ngồi đây khác với chui vô Starbuck, vô quán cà phê của Mỹ thì chỉ vùi đầu vào cái laptop của mình là bình an! Đừng nhìn trước ngó sau sẽ dị hợm lắm vì hầu như ai cũng chăm bẳm vào laptop của họ thì tốt nhất mình cũng thế cho thích hợp với không gian chung. Nhưng vô quán cà phê Việt nam, trong khu Việt nam thì khác hẳn. Ngồi đây mới thấy được cách ăn mặc, trang điểm, phong cách của người Việt. Không dám lạm bàn về thời trang của giới trẻ Việt vì tôi có biết gì về thời trang đâu mà bàn; chỉ cảm nhận được con gái Việt ở Mỹ vẫn xanh xao như ngày nào, ốm yếu, nhỏ con; xưa thì cái đói là nguyên nhân, vậy nay bơ sữa cũng không giúp được gì cho sự còi cọc, hay con gái Việt vẫn giữ quan niệm về cái đẹp riêng biệt của phụ nữ Việt thì tôi không hiểu. Chỉ thấy trang phục của các cô là những bộ cánh thường không ăn nhập với vóc dáng. Ngay cách đi, đứng không đủ mạnh mẽ, mạnh dạn như con gái Mỹ để phô diễn hết sự trẻ trung của y phục, kiểu tóc, cách trang điểm. Con gái Việt vẫn e ấp như ngày nào nên người ngồi quán có cảm giác các cô đang bơi trong trang phục hội nhập…

Đến qúy bà thì nửa tây nửa ta, cái giữ không cần cái cần thì không giữ nên đủ thứ chuyện trong mắt để thấy rõ sự khác biệt. Đâu phải không có người Mỹ nói điện thoại oang oang trong siêu thị, nhưng hiếm hơn người Việt mình; đâu phải không có người Mỹ lôi thôi lếch thếch khi đi chợ; nhưng bà kia mặc đồ bộ ở nhà, rõ là khoác thêm cái áo lạnh dày, dài tới đầu gối, là đi chợ được rồi! Tay nắm mặt mừng với bà bạn… cũng y chang!

Và nơi tôi đang ngồi đây, là chỗ của cánh đàn ông. Quán cho hút thuốc nên bàn nào cũng có cái gạt tàn thuốc trên bàn, nhưng dưới đất vẫn vàng tàn thuốc. Cứ ngồi yên rồi sẽ thấy, có người bỏ miếng chanh vắt xong, cọng rau lặt xong, bao giấy xé ra để lấy đôi đũa… những thứ đã thành rác vào dĩa giá mà họ đã gắp xong vào tô phở, tô hủ tíu. Nói chung là người biết gôm rác vào cái dĩa đã hết sử dụng để tiện việc cho người dẹp bàn hay ít nhất cái bàn ăn của mình cũng sạch sẽ – không đầy rác. Những người ấy vẫn tồn tại xung quanh những người khác thích vứt rác bừa ra bàn để phiền người dọn bàn; Và cũng không thiếu người, giờ này, ngồi quán ở hải ngoại mà vẫn gạt mọi thứ xuống gầm bàn. Chúng ta đi mang theo quê hương, là điều tha thiết với mỗi người một vẻ…

Thằng quỷ con ngồi nhìn mưa rất ngộ, nhưng cơ bắp của nó không lãng mạn đến hiểu lầm nó là một nhà thơ. Còn tánh nó thì tôi biết rồi: ít nói, chịu cày, nhường nhịn trong giao tiếp, thích vui chơi, không có gì quá đáng dù cũng không có gì nổi trội.

Lâu rồi không gặp, ngày xưa, tôi với nó làm chung hãng. Sau đó, tôi theo mấy anh em khác nhảy hãng vì cùng việc mà lương cao hơn. Không lâu sau, nghe nó cũng nhảy qua làm cable cho Verizon. Có lần gặp nhau ở khu chợ Việt, hai anh em đi ăn phở với hứa hẹn tràng giang đến không giám nhắc lại. Chỉ nhớ nó lái cái xe truck có logo của Verizon và nhiều cuộn dây cable ở sau trunk. Nó có nói nhắn với anh em nào cần cable cứ cho nó biết!

Lần gặp lại đó, nó vẫn chưa vợ con gì. Thôi cũng mừng cho người bạn chưa phải lo chuyện gia đình. Nhưng bây giờ có lẽ khác rồi! Cái dáng người đàn ông suy tư một mình với ly cà phê, thỉnh thoảng nhìn ra mưa, thả làn khói thuốc đầy muộn phiền kia… chắc chắn là một người không vui trong bụng!

Tôi vác thân đến bàn nó đang ngồi vì nó ngồi trong góc khuất nên không thấy tôi,

“Hey người anh em, đã lâu không gặp. Lúc này sao rồi, còn làm cable không?”

“Trời đất, anh già không thương tiếc! Hồi nãy, em thấy anh đi vô. Nhưng nghĩ là ai giống anh thôi chứ không lẽ anh già dữ vậy…”

“Thì tao nãy giờ cũng cứ ngồi nhìn mày, không biết mày bảo lãnh ba mày qua hồi nào?…”

“Anh đừng có nói hỗn. Bây giờ em lớn tuổi hơn ba em, hồi ổng tử trận rồi!”

“Xin lỗi. Anh quên. Bây giờ mày làm gì? Vợ con gì chưa?”

“Đã lâu không gặp anh, lại gặp hôm mưa gió! Anh đi chợ đi. Em đi kéo nước.”

Nó nói rồi, lủi vô chợ mua bia. Tôi đi chợ dễ òm, chỉ cần nói với chị phục vụ, “Giờ này có gì uống bia. Xin chị một dĩa.” Là xong.

Trời mưa cứ sụt sùi cho trời đất âm u thêm, lẽ ra mưa xuân rất sáng sủa, làm cho hồn người hưng phấn hơn với vạn vật bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Nhưng mưa xuân năm nay còn tẩm lạnh đông bắc chưa tan những mảng tuyết ngoài bãi đậu xe bị người ta giẫm đạp bầy nhầy, đen sỉn. Có sự trùng hợp nào đó giữa hai anh em tôi với những mảng tuyết bầm giập ngoài kia, trong cuộc đời khắc nghiệt này khi ngồi nhắc lại, thăm hỏi bạn bè cũ.

Nó cho tôi biết,

“Em nghỉ làm cable lâu rồi, nhảy vô làm hãng tiếp mấy năm. Tới cậu em bị tai biến, ổng lôi em về đứng cây xăng cho ổng cũng chừng bảy, tám năm nay rồi…”

“Vậy cũng được. Lương khá chứ? Rồi mày vợ con gì chưa? Mày hai chục tuổi là chuyện của hai mươi ăm trước. Chừng nào cho anh em uống rượu?”

“Em đang điên đầu chuyện đó đây! Tính lâu rồi mới gặp anh thì uống bia chơi. Nên em không nói…”

“Khó nói thì thôi, anh em lâu gặp thì hỏi thăm mày chuyện vợ con. Tại tao còn nhớ hồi đó mày nói, hình như hết con gái xấu dọn về Dallas ở hay sao làm mày khó lấy vợ! Tụi con gái chửi mày tơi bời, thiệt là vui hồi làm hãng cũ…”

“Thì chuyện nói chơi là vậy thôi! Anh nghĩ coi, con gái mà con nhà đàng hoàng thì ai lấy em. Đứa chịu lấy em thì… đàng hoàng để đâu cho hết! Nên em nín luôn.”

“Tức là mày vẫn độc thân vui tính…”

“Được vậy đã mừng…!”

“Úp úp mở mở hoài. Thì lấy vợ đàng hoàng không được; cũng cứ đàng hoàng lấy vợ đã sao! Danh chánh ngôn thuận là đàng hoàng rồi! Mày muốn người lấy chồng rồi trở nên đàng hoàng hay người đàng hoàng trước khi lấy chồng, nhưng sau đó…”

“Chuyện của em dài dòng! Em về coi cây xăng cho cậu em vì con cái ông ấy có điều kiện ăn học. Sau khi ra trường thì ai cũng đi làm việc ngon lành hơn coi cây xăng. Em cũng tính an phận mình cho xong, vì làm cable hết ăn rồi! Nhưng bà mợ em giới thiệu cho em người cháu kêu mợ bằng dì, còn bên Việt nam. Mợ muốn em lập gia đình, vì anh biết rồi, ba em mất khi em còn nhỏ quá; má em đi bước nữa. Em sống với ông bà ngoại nhưng thật ra là cậu mợ em lo cho em, đưa em đi vượt biên, chứ ông bà ngoại già rồi thì chỉ thương em thôi…”

“Rồi mày có lấy con nhỏ đó không?”

“Em đâu có nói chơi! Không bằng cấp, không giàu có như em. Nếu là con gái nhà đàng hoàng, có ăn học, thì ai chịu lấy em. Còn mấy đứa ngoài quán xá thì chơi vui thôi chứ mình dại gì. Nhưng với cháu của mợ em thì khác, nói chuyện qua điện thoại với nhau mấy lần, em tin tưởng thành ý nên em về Việt nam gặp mặt. Sau đó em cưới hỏi đàng hoàng, lo bảo lãnh sang đây. Em không nhận sự giúp đỡ tài chánh của mợ em để chứng tỏ thành ý của mình. Mọi chuyện tốt đẹp cho tới bây giờ, vợ em mới xong đại học, thì đòi ly dị!”

“Bà mợ tính sao?”

Ý mợ, muốn đền bù cho em…”

“Vậy ý mày tính sao?”

“Nếu là anh, anh tính sao?”

“Theo anh, bà mợ không có mưu đồ gì hết, chỉ là thành ý muốn giúp mày có gia đình như người ta; muốn giúp người cháu gọi bằng dì được sang đây ăn học. Nhưng cây kim trong gói vải của cô ta đã lòi ra! Cô ấy dùng mày làm phương tiện; và đã đến lúc hết giá trị lợi dụng thì…

Bà mợ áy náy với thiệt thòi của mày nên tìm cách bù đắp. Còn tánh mày thì tao biết, chịu cày, chịu chơi, coi trọng tình cảm. Nhưng tình cảm là quan hệ hai chiều, bây giờ mày thương tới đâu cũng không được gì khi người ta không thương mày. Chỉ là lợi dụng. May mắn là bà mợ mày vừa có tiền; vừa thương cháu hai bên.

Nhưng thôi buông đi cưng. Chuyện hôn nhân không thể cưỡng cầu, có làm khó người ta thì mình cũng đâu được vui. Đừng lãng phí thời gian nữa!”

“Anh có lý! Nhưng em còn tức là sao mình ngu ngốc. Từ hồi em bảo lãnh qua, vợ em cứ chuyên tâm lo ăn học, nói là lo cho tương lai nên không chịu có con. Thì ra…”

“Ông trời còn không tính lại thượng đế phu nhân, nói gì đàn ông con cháu. Tự an ủi mình trong rủi có may để may mắn tới không bị bỏ lỡ cơ hội! Biết đâu mày thật lòng xây dựng gia đình với cô ta, nhưng năm năm, mười năm sau, cô ta trở thành nỗi ám ảnh của mày thì sao? Biết đâu duyên phận của mày đang tới mới đích thực là duyên phận. Dành thời gian cho tương lai không hơn ngồi đó luyến tiếc quá khứ hay sao? Mày bốn chục rồi, không trẻ nhưng chưa già. Còn kịp.”

“…”

Buồn như mưa giăng ngoài trời, cho người bạn một thời khó quên. Tuổi tác chênh lệch đâu có nghĩa gì trong tình bạn. Thương tấm lòng người chân thật cứ không may cho đời buồn hơn vui.

Chợt nhớ câu chuyện không may vì đàn bà. Nhưng riêng tôi lại cảm nhận ý nghĩa khác trong câu chuyện hơn tính gây cười. Tôi kể cho bạn tôi nghe,

“Hey, lâu gặp không có nghĩa là quên nhau. Tao cũng không vui vẻ gì với cú mày bị gạt này. Nhưng tao kể cho mày nghe câu chuyện, không để cười, mà mày tự suy nghĩ thì sẽ thấy nguôi ngoai, tin tưởng vào lẽ phải, phần thưởng cuối cùng trời đất không trao vô tay người phản bội…

Chuyện kể,

Vị giám đốc nhà thương điên dẫn một người khách đến thăm bệnh viện tâm thần đi loanh quanh trong bệnh viện. Khách chỉ một người nằm trên giường, hai tay ôm chặt con búp bê vào lòng, hỏi nguyên do?

Vị giám đốc trả lời: Trước đây ông này yêu một người đàn bà, nhưng bị bà ta bỏ rơi và lấy chồng khác nên y phát điên và cứ tưởng con búp bê là người yêu của mình.
Hai người đi đến một phòng khác, thấy một người điên bị xiềng xích hai tay, đang vùng vẫy bổ đầu vào tường tự tử.
Không cần khách hỏi, vị giám đốc lắc đầu nói: Còn đây là anh chồng đã lấy bà ta…

Tao không nghi ngờ bà mợ có âm mưu từ trước. Vì mợ đã nuôi mày từ nhỏ. Và người thuộc thế hệ cha chú cậu mợ của bọn mình không gian ác theo đà “giải phóng miền nam” như những thế hệ càng về sau này càng khó lường mà vợ mày là một! Bây giờ cô ta đã có đủ tư cách pháp lý để ở lại Mỹ, có bằng cấp, chắc cũng có nhan sắc; lại chưa con cái… Quan trọng nhất là chưa toại nguyện.

Nên mày làm người điên ôm búp bê vài năm đi, thời gian sẽ khôi phục tinh thần để làm lại từ đầu, không tốt hơn làm chồng một người như vậy suốt đời sao? Trong cái rủi của mày có cái may là cô ta lộ nguyên hình sớm, chứ vướng víu con cái thì cả đời mày tiêu tùng với người vợ không dừng tham vọng…

“…”

Cơn mưa còn lóp ngóp bong bóng ngoài parking. Mỗi đứa chúng tôi lên xe riêng của mình nhưng cùng chở về nhà thời đại khó lòng tin nhau giữa con người ở hải ngoại đã buồn. Càng buồn với người cùng màu da tiếng nói nhưng xã hội đổi thay đã làm cho lòng người thay đổi tới mất gốc. Ước gì chỉ một người chứ không phải bạn trẻ nào trong nước cũng thế! Người bạn trẻ thấu hiểu tấm lòng của bạn tôi bằng chân tình đang chờ anh ta ở đâu đó trong đời này! Mong cho họ gặp nhau sớm…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search