T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Màu cờ sắc áo

 

clip_image002

Màu cờ sắc áo là một khía cạnh tuyệt diệu khác của các cuộc tranh tài quốc tế, mà nổi bật nhất phải kể đến giải vô địch Túc cầu thế giới. Tôi mang tâm trạng “ghét bỏ ” đội tuyển Bắc Triều Tiên, chẳng phải vì họ đá không được có trình độ lắm (đứng hạng thứ 105 trong bảng xếp hạng của FIFA), mà có lẽ vì họ đến từ một quốc gia Cộng sản với viên lãnh tụ “nửa điên nửa khùng” Kim Chính Nhật. Dầu vậy, tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến khuôn mặt đầm đìa nước mắt của một cầu thủ đội Bắc Triều Tiên (Jong Tae-Se) khi trên sân cử hành nghi thức chào cờ và cử quốc thiều Bắc Triều Tiên (trong trận đấu với đội tuyển Brasil ngày 15-06-2010) .

 

clip_image004

Có lẽ đây là lần đầu tiên các cầu thủ Bắc Triều Tiên được mang lá cờ của đất nước họ đến với ngày hội lớn nhất hành tinh như thế này, nên sự xúc động ấy là điều dễ hiểu. Và đáng yêu nữa. Đột nhiên, tôi cảm thấy mình “bớt ghét” đội Bắc Triều Tiên.

Như một điều mặc nhiên, người cầu thủ tranh tài trên sân mang trọng trách đem vinh dự về cho xứ sở, giương cao màu cờ tổ quốc trên diễn đài quốc tế. Không ở đâu người ta có thể chứng kiến tính cách rất đỗi thiêng liêng này bằng những cuộc tranh tài thể thao quốc tế. Trong không khí ấy, người ta sẵn sàng xả thân cho lá quốc kỳ mà người ta có nhiệm vụ vinh danh, từ cầu thủ trên sân đến những cổ động viên ngồi trên khán đài. Màu cờ không chỉ trên những sắc áo, mà còn trên mặt, trên trán, trên tấm thân trần, trên cánh tay phô trương, trên bất cứ vật dụng gì trong tay họ, trong cả những lời hò hét khản cổ suốt trận đấu với tên nước được lập đi lập lại vô tận.

clip_image006

Tâm thức “màu cờ sắc áo” cũng luôn luôn ngự trị ở mỗi phòng khách riêng từng gia đình, dù nơi ấy không phải chỗ để phô trương. 32 đội tuyển có mặt để tranh giải vô địch là 32 quốc gia khác nhau cương quyết ủng hộ cho đội nhà, một sự ủng hộ tuyệt đối, vô điều kiện. Niềm vui và nỗi buồn của các cầu thủ trên sân cũng là niềm vui và nỗi buồn của cả quốc gia mà họ đại diện. Sau mỗi trận đấu, thường sẽ có một quốc gia vỡ òa niềm vui chiến thắng và một quốc gia chìm trong sự âu sầu, ủ rũ vì đội nhà vừa bị đánh bại trên sân. Và nếu là đội mang chiếp Cup vàng vô địch về nước, thì những ngày hội bóng tròn trên đất nước ấy sẽ kéo dài vô tận .

clip_image008

Còn những người thuộc về những quốc gia không có đội tuyển tham dự gỉai vô địch thì sao? Họ cũng đã chọn cho mình một đội bóng ưa thích (1). Phần lớn dựa trên đẳng cấp và nghệ thuật trình diễn thượng thặng của đội bóng ấy. Khi người ta ưa thích, và nếu không có sự xung đột của “màu cờ sắc áo” (tức tranh tài với đội tuyển của nước mình), thì đương nhiên đội ấy sẽ nhận được sự cổ võ, ủng hộ của những fans của mình. Với dân say mê bóng tròn Việt Nam sinh sống trên đất Mỹ, thì đội tuyển Mỹ được xem như đội nhà (tuy không thực sự say sưa lắm. Có lẽ một phần là do sự thờ ơ của đa số dân Mỹ với môn thể thao Vua này)(2).

T.Vấn

Ghi chú:

(1)

clip_image010

Con gái của tôi, khi ngồi xem bất cứ trận đấu nào có đội bóng Brasil, đã ăn mặc như một fan của Brasil: áo màu vàng, nón màu vàng có kẻ chữ Brasil, ngực đeo xâu chuỗi màu xanh lá cây, và cũng hò hét, vui buồn, phấn khích, tuyệt vọng như một người Brasil chính cống theo những đường lăn của quả bóng trên sân. Nó đặc biệt ngưỡng mộ những ngôi sao Brasil như: Ronadinho, Robinho, Kaka v..v.. chỉ vì những siêu sao này trẻ tuổi, đẹp trai và đá bóng giỏi.

 

 

(2)

 

clip_image012

Riêng về vị trí của môn bóng tròn trong thế giới thể thao của người Mỹ, thì cầu thủ lừng danh người Anh David Beckham – hiện đang chơi cho CLB Los Angeles Galaxy ở Mỹ – , khi được hỏi: “Rõ ràng môn bóng đá (ở Mỹ) vẫn còn thua xa các giải NFL-VĐQG môn bóng bầu dục, giải NBA – VĐQG môn bóng rổ, hay giải bóng chày, nhưng anh có thể thấy trong một khoảng thời gian, có thể là 5 đến 10 năm- môn bóng đá ở đây có thể thách thức với các môn khác tương tự như giải NHL – giải VĐQG môn khúc côn cầu, hay giải Golf của Nasco, về mức độ phổ biến? “, Beckham đã trả lời như sau:

Cũng khó nói, vì các môn thể thao này đã tồn tại ở đây rất nhiều năm và rất phổ biến ở Mỹ, bóng đá chưa bao giờ là số 1, hay thậm chí không nằm trong 3 môn thể thao hàng đầu ở đó. Nên tôi nghĩ bóng đá sắp đạt được điều đó. Dù có sẽ phổ biến như bóng chày, bóng rổ hay bóng bầu dục, vì đây là các môn thể thao truyền thống và chúng  ta đều yêu thích truyền thống. Tôi là người Anh nên tôi rất yêu truyền thống, và bóng đá luôn là môn thể thao số 1 đối với tôi và sẽ luôn là vậy. Song đối với nhiều người Mỹ, môn thể thao đầu tiên của họ là bóng chày, bóng rổ hoặc bóng bầu dục, nhưng tôi nghĩ bóng đá vẫn nhận đủ sự quan tâm để trở nên phổ biến và để môn này trở thành môn hàng đầu như các môn thể thao khác tại đây.”

 

 

© T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search