T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Hiến : Bầu cử lê thê bất tận

clip_image001

Những ai sống ở Mỹ và thường xuyên theo dõi thời sự có lẽ có chung một cảm giác là dường như nước Mỹ lúc nào cũng có bầu cử. Là bởi vì cứ hai năm nước Mỹ lại có một cuộc bầu cử: năm bầu cử tổng thống (presidential election) và bầu cử giữa nhiệm kỳ (midterm election). Bầu cử này vừa xong là người ta lại rục rịch chuẩn bị cho cuộc bầu cử tới. Thế nên, trên các trang báo và trên những chương trình thời sự khác, luôn luôn có sẵn những tin tức có liên quan đến bầu cử gây được sự chú ý của người dân.

Tuy nhiên, năm bầu cử tổng thống được người ta chú ý nhiều hơn cả, lôi cuốn khoảng từ 50% đến 60% cử tri đi bầu, trong khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ thu hút được khoảng 40% cử tri. Có lẽ một phần là vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có tính cách địa phương hơn, cử tri chỉ được chọn các ứng viên tại địa phương và tiểu bang của họ, trong khi năm có bầu cử tổng thống mang tính cách toàn quốc và tất cả cử tri đều có quyền chọn ứng viên tổng thống của mình. Nhưng nói như thế không có nghĩa là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ không quan trọng, mà ngược lại, nó quan trọng không kém cuộc bầu cử kia – với tất cả 435 ghế dân biểu, 33 hoặc 34 ghế thượng nghị sĩ tùy năm và 36 ghế thống đốc tiểu bang phải được bầu lại. Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ ảnh hưởng tới nhiều chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nước Mỹ.

Nhưng nói tới bầu cử ở Mỹ, người ta luôn liên tưởng trước hết tới cuộc bầu cử tổng thống. Đây là cuộc bầu cử vừa kéo dài lại vừa tốn tiền tốn của. Thường cuộc bầu cử này kéo dài khoảng từ một năm rưỡi đến gần hai năm kể từ ngày các ứng viên chính thức tuyên bố tranh cử vòng sơ bộ trong đảng. Đó là chưa kể phần đông các ứng viên còn phải chuẩn bị trước đó ít nhất một hai năm: lập ủy ban thăm dò dư luận, gây quỹ tranh cử, viết sách v.v…

Một điều đáng nói nữa là chi phí cho các cuộc tranh cử tổng thống càng ngày càng tốn kém, nhất là trong những cuộc bầu cử gần đây, cứ mỗi lần có cuộc bầu cử mới là nó lại phá kỷ lục về tổng số chi phí các cuộc bầu cử trước đó. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, các ứng viên chi ra tổng cộng khoảng $1,7 tỉ, gấp đôi so với năm 2004. Năm 2012, với hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney, mỗi người chi ra khoảng $1 tỉ. Và năm 2016 tới đây, người ta ước tính riêng bà Hillary Clinton có thể sẽ chi ra từ $1,5 đến $1,7 tỉ, một con số thật khủng khiếp. Với chiều hướng này, những cuộc bầu cử tổng thống tới rất có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Có người cho đây là cái giá của thể chế dân chủ. Nhưng thật sự điều này có đúng không?

Hãy nhìn lại cuộc tổng tuyển cử tại Anh Quốc tháng Năm vừa qua: vừa ngắn gọn lại vừa bớt tốn kém. Cũng là một quốc gia có nền dân chủ lâu đời, hơn nữa, nước Mỹ cũng đã học hỏi được nhiều điều từ người Anh vào thời kỳ lập quốc như về hệ thống luật pháp, bồi thẩm đoàn của toà án, tự do phát biểu ý kiến, v.v… Nhưng nước Mỹ đã không học được lối bầu cử của người Anh trong thời hiện đại. Cho dù hệ thống chính trị của Anh Quốc chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng nếu chỉ nhìn vào một khía cạnh khá nhỏ bé đó là thời gian và chi phí trong suốt thời gian tranh cử của các đảng phái tại Anh Quốc thì quả thật họ văn minh hơn nhiều so với cựu thuộc địa của họ.

Như nhà báo Philip Bump dẫn ra trên tờ the Washington Post, toàn thể quá trình bầu cử của người Anh còn ngắn hơn khoảng cách thời gian giữa ngày bầu cử và ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Hoa Kỳ. Cả một mùa tranh cử ở nước Anh chỉ kéo dài trong mấy tháng, trong khi ở Mỹ thường là kéo dài hai năm.

Những cuộc tranh cử ngắn không chỉ có lợi ở chỗ tránh cho cử tri mất thì giờ soi mói vào đời tư của các ứng cử viên đôi khi không cần thiết, mà còn giúp hạn chế được tổng số tiền chi ra trong thời gian tranh cử. Theo luật bầu cử của Anh Quốc, mỗi đảng chỉ được giới hạn chi tiêu không quá $30 triệu trong năm tranh cử.

Theo tờ New York Times, năm 2010, đảng Bảo thủ ở Anh chi ra khoảng $25 triệu và đảng Lao động chi ít hơn một nửa số đó. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử năm 2012 tại Mỹ, cũng theo tờ New York Times, mỗi ứng viên tổng thống ở Mỹ chi ra khoảng cỡ đó chỉ riêng cho công việc gây quỹ.

Đó là chưa kể tính cách dân chủ đại chúng trong thời gian tranh cử tại Anh Quốc. Theo thông lệ, chỉ mấy hôm trước ngày bầu cử, các ứng viên phải xuất hiện mặt đối mặt trước cử tri để bị đối chất. Trong cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, ba ứng cử viên chính tranh cử chức thủ tướng – David Cameron, Ed Miliband và Nick Clegg – từng người một đã xuất hiện trước một số đông cử tri tại toà nhà Leeds Town Hall, tại đây cử tri có khoảng nửa giờ để trực tiếp đưa ra những câu hỏi chi tiết và cụ thể nhắm tới từng ứng cử viên. Hai trong số những ứng viên này đã bị cử tri gọi thẳng vào mặt là tên nói láo. Ở Mỹ, cử tri có thể nghĩ rằng ứng cử viên của họ cũng là những tay nói láo, nhưng hiếm khi cử tri Mỹ có cơ hội để gọi thẳng vào mặt họ như cử tri người Anh đã làm.

Người Mỹ có thể học hỏi được từ hệ thống tranh cử ngắn gọn của người Anh, được vậy những cuộc bầu cử tới ở Mỹ sẽ bớt tốn kém và có thể làm cho cử tri thêm hứng thú để đi bầu.

Người Anh thường hay than phiền là họ quá mệt mỏi với những cuộc tranh cử quá lâu, thường là kéo dài chỉ khoảng năm tháng. Thử đặt họ vào trường hợp của người Mỹ thì mới biết cử tri Mỹ đã phải chịu đựng như thế nào với những chu kỳ bầu cử hết năm này sang năm khác dường như không bao giờ ngưng.

Không có lý do gì để người Mỹ không thể rút ngắn chu kỳ bầu cử cho thực tế hơn. Có thể không ngắn như của người Anh, nhưng chắc chắn phải ngắn hơn thời gian một, hai năm như hiện nay.

Các ứng viên cần bao lâu để giải thích cho cử tri biết về chính sách của họ? Cần bao lâu để cử tri có thể tìm hiểu về tư cách và khả năng của các ứng viên? Phải chăng cử tri người Anh thông minh hơn người Mỹ nên họ chỉ cần một thời gian ngắn để quyết định? Hay phải chăng ứng viên người Anh biết cách trình bày quan điểm và chính sách của họ ngắn gọn, rõ ràng nên không cần phải tranh cử quá lâu mà vẫn đạt được hiệu quả?

Tất nhiên là không. Có người cho rằng một trong những lý do làm cho cuộc bầu cử ở Mỹ vừa kéo dài lại vừa tốn kém là vì có quá nhiều người dự phần trong tiến trình tranh cử và bầu cử – các cố vấn vận động tranh cử, chuyên gia hoạch định kế hoạch, cố vấn chính trị, nhà báo, bình luận gia v.v…

Mặc dù người Mỹ có thể học được nhiều bài học về bầu cử từ người Anh, nhưng bầu cử ở Mỹ có lẽ sẽ không thể thay đổi trong nay mai. Như đã nói ở trên, số tiền bạc liên quan đến bầu cử quá lớn và có quá nhiều người dự phần, nên có lẽ cử tri Mỹ khó có thể thay đổi được hệ thống chính trị đó và đưa nó quay trở về như thời kỳ đầu khi mới lập quốc.

Trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1788-89, lúc đó Hoa Kỳ chưa có đảng phái chính trị mà chỉ có ứng cử viên đứng về phe ủng hộ hiến pháp mới của liên bang (Federalists) hay đứng bên phe chống lại (anti-Federalists). Các nhà soạn thảo bản hiến pháp của Hoa Kỳ ngay từ lúc đầu đã lập ra chức vụ tổng thống đầy quyền lực, tin tưởng rằng vị tổng thống đầu tiên, George Washington, sẽ đặt ra những tiền lệ để dẫn dắt nước cộng hoà non trẻ này bước theo những dấu chân có sẵn đó.

Nhưng hệ thống chính trị ở Mỹ thay đổi theo thời gian mà các vị này đã không thấy trước rằng người Mỹ sau này còn lập ra các đảng phái chính trị. Các nhà lập quốc nghĩ rằng những vị tổng thống sau này sẽ được chọn bởi quốc hội và các ứng cử viên tiến thân theo từng nấc thang, từ địa phương lên cấp tiểu bang, sau đó lên cấp liên bang. Đơn giản thế thôi chứ không nhiêu khê như hiện nay: ứng cử viên thường ở trong một đảng nào đó, phải tranh cử vòng sơ bộ trong đảng, rồi phải vượt qua cuộc bầu cử sơ bộ và được đảng đề cử để tranh với ứng cử viên của đảng đối lập.

Tuy nhiên, mãi tới thập niên 1950, các cuộc tranh cử tổng thống chỉ bắt đầu sau các hội nghị của đảng vào tháng Sáu và tháng Bảy, và thật sự bước vào giai đoạn tranh cử nước rút là sau Lễ Lao động (tháng Chín). Nhưng đột nhiên sau đó, các cuộc tranh cử bắt đầu sớm hơn ngay từ đầu năm.

Đến thập niên 1970, ông Jimmy Carter tuyên bố tranh cử từ tháng Giêng 1975, và nhờ lợi thế ra tranh cử sớm nên ông thắng và tuyên thệ nhậm chức hai năm sau đó. Đến lượt các ông – Ronald Reagan, George H. W. Bush và Bill Clinton – tuyên bố tranh cử vào mùa thu trước năm bầu cử. Ông George W. Bush tuyên bố vào tháng Sáu năm 1999 và ông Barack Obama là vào tháng Hai năm 2007. Như vậy, các cuộc tranh cử của các vị tổng thống Mỹ gần đây kéo dài khoảng từ một năm rưỡi đến gần hai năm, dài hơn nhiều so với thời kỳ lập quốc và chắc chắn là kéo dài hơn nhiều so với những gì mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ tiên đoán.

Nhưng cũng có nhiều người cho rằng một cuộc tranh cử kéo dài là cần thiết, vì các cuộc tranh cử thường gay go và căng thẳng, với một lãnh thổ quá rộng lớn và các đảng chính (Dân chủ và Cộng hoà) lại quá lớn và đa dạng thì không thể rút ngắn giai đoạn tranh cử. Do đó, các ứng cử iên sẽ bắt đầu thật sớm, theo đúng luật lệ cho phép.

Và một cuộc tranh cử kéo dài cũng là cơ hội thử thách về tài lãnh đạo cũng như ý chí bền vững của các ứng cử viên – và cho nhiều triệu người dân có cơ hội dự phần, góp một tiếng nói vào cuộc tranh cử. Có thể một cuộc tranh cử cũng nên kéo dài để người dân có đủ thời gian suy nghĩ chín chắn để chọn người ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo quốc gia mà tài năng và đức độ không thua kém so với những tiền nhân như George Washington hay Thomas Jefferson.

Vũ Hiến

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search