T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi

 

 

clip_image002

 

. . . Đó là một ngày ảm đạm, ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Giữa dòng người hốt hỏang trên Quốc Lộ 4 nối liền thành phố Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Việt Nam, tôi đã cởi bộ quân phục mặc trên người, đủ bình tĩnh để xếp chúng lại thật ngay ngắn phẳng phiu, cẩn thận cột giây đôi giầy trận theo đúng quy cách quân trường, rồi đặt chúng nằm cạnh bộ quân phục. Tôi còn nhớ cái bóng của mình đã đứng thật nghiêm, bàn tay trái nắm chặt để ngón cái chạy xuôi theo đùi chân trái, tay phải đưa lên ngang tầm mắt, thật dõng dạc chào một lần cuối những thứ tôi vừa cởi bỏ trên người ở chân cầu Bến Lức khi giọt nắng cuối cùng vừa biến mất phía sau nhà lồng chợ quận.

Trước đó một tuần, khi con đường Quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và những tỉnh miền Tây còn chưa bị Việt Cộng chặt đứt ở khúc Bến Lức, tôi đã từ đơn vị Tiểu Khu Long An “dù” về Sài Gòn thăm nàng. Suốt gần một tuần ở Sài Gòn, tôi không hề có ý tưởng đi tìm nơi chạy thóat qua Mỹ, dù lúc đó ở Sài Gòn, đó là chuyện thường được nhắc tới nơi những quán cà phê. Tôi chỉ nôn nóng tìm cách trở lại đơn vị. Để làm gì, tôi không biết. Nhưng lúc ấy, giữa không khí hỏang lọan của một Sài Gòn đợi chết, mặc dù ở bên cạnh là người tình tấm mẳng của 3 năm Đà Lạt và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt, tôi vẫn chỉ cảm thấy yên lòng khi được ở đơn vị sống chết cùng với những người bạn, người lính của mình.

Ngày thứ Ba 29 tháng 4 năm 1975, bất chấp sự ngăn cản của nàng, tôi lên xe đò Sài Gòn –Bến Lức tại xa cảng miền Tây. Đường số 4 chưa thông, nên không có xe đò nào vượt quá Bến Lức. Đến Bến Lức, tôi cảm thấy yên tâm hơn, vì mình đã ở gần đơn vị một nửa đọan đường. Đêm hôm ấy, tôi ngủ tạm tại nhà một nhân viên thuộc quyền. Cô được tôi bằng lòng cho về nhà kể từ khi doanh trại bị pháo kích thường xuyên. Sáng hôm sau, tôi vội vã chạy ra ngòai lộ để mong có tin tức gì về việc giải tỏa đọan đường bị tắc nghẽn gần tuần nay. Bên này cầu Bến Lức vẫn đông nghẹt người từ Sài Gòn tìm cách đổ về các tỉnh miền Tây.

Lúc 9 giờ sáng, có một chiếc trực thăng đáp xuống ngay bãi đất trống trước quận đường Bến Lức. Tôi thấy Đại tá Lê Văn Năm, cựu tỉnh trưởng Long An và đương nhiệm Trung đòan Trưởng một trung đòan của Sư Đòan 9 Bộ Binh bước xuống từ trực thăng. Một chiếc xe jeep của chi khu Bến Lức ra đón ông đi về hướng Bộ Chỉ Huy Hải quân Bến Lức. Từ đó, tôi không thấy bóng ông đâu nữa. Chiếc trực thăng vẫn còn nằm đó cho đến khi nào tôi không biết.

clip_image004

Khỏang 10 giờ rưỡi sáng, tôi nghe mọi người xôn xao túm tụm quanh chiếc máy phát thanh của một quán cà phê cạnh quận đường. Lệnh của vị Tổng thống cuối cùng của VNCH cho mọi quân nhân buông súng, chuẩn bị bàn giao cho những người bên kia. Mọi người nhìn nhau, không ai nói một câu. Tôi không bị xúc động nhiều lắm, vì đó là điều tôi đang mong đợi, sau một tuần lễ quan sát những gì xẩy ra ở Sài Gòn.

Lặng lẽ, tôi đi vào khu nhà dân bên kia đường, hỏi xin một bộ quần áo cũ. Mọi người nhanh nhẹn và sốt sắng tìm giúp tôi ngay thứ tôi đang cần. Bộ quân phục với chiếc nón có gắn cặp lon mới tinh, tôi xếp ngay ngắn và để lại ở bên này chân cầu Bến Lức.

Giữa đám người hỗn lọan, tôi gặp một vị sĩ quan trẻ làm việc ở TY An Ninh Quân Đội tỉnh. Anh lái chiếc xe Vespa Sprint. Gặp nhau, chúng tôi mừng như bạn quen lâu ngày. Không cần bàn cãi lâu, chúng tôi cùng quyết định “quay trở về đơn vị Long An”, vì lúc đó đòan người đang ùn ùn kéo nhau qua cầu, có nghĩa là đọan chốt của Việt Cộng phía bên kia cầu không còn nữa. Hòa Bình rồi, còn súng đạn đâu nữa mà sợ.

Chúng tôi qua cầu Bến Lức, phóng bạt mạng về hướng Long An. Hai bên đường, xác lính ở cả hai bên nằm la liệt. Cả tuần lễ, mấy tiểu đòan địa phương quân tiểu khu được lệnh giải tỏa khu bị chốt. Về gần đến Long An, chúng tôi thấy từng đòan lính VNCH chân đất, không nón không vũ khí, tay úp lên đầu, đi lũ lượt trên quốc lộ. Rải rác bên ngòai là mấy anh người lính bộ đội mang súng AK đi canh chừng. Họ đi đâu, chúng tôi không biết. Ngang qua chỗ rẽ vào thị xã, nhìn về phía doanh trại thấy người lớn trẻ nhỏ khiêng vác đồ đạc chạy tới chạy lui. Tôi còn một tủ sách và nàng thì còn một giỏ quần áo để quên khi đến thăm tôi hôm đầu tháng 4. Đến lúc này, chúng tôi hiểu rằng mình thực sự không còn “đơn vị” để quay về. Vậy thì điều duy nhất nên làm lúc này là về nhà.

Trời đã chiều. Đòan người vẫn ùn ùn đi về hai hướng ngược chiều nhau. Chúng tôi về tới Sài Gòn thì trời đã xẩm tối. Anh bạn Ty ANQĐ, sốt ruột về nhà, đã bỏ tôi lại trên ngõ Chợ Lớn. Tôi phải đi bộ về nhà nàng ở tận Bà Chiểu. Hai bên đường, dân cứ túa ra đứng nhìn những đòan bộ đội cũng thất thểu không kém tôi đi qua.

clip_image006

Chiến tranh đã chấm dứt. Ít ra, lúc đó, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm với ý tưởng này. Ngày mai ra sao, tôi tạm chưa nghĩ tới.

Dòng người , như dòng đời, cuốn tôi mất hút trong đó. Tôi đi về một phía, và em đi về một phía. Bóng tôi xiêu đổ theo cả một nửa đất nước đổ xiêu cái ngày tháng 4 định mệnh ấy. Ngày ấy, với đôi chân trần rướm máu lê những bước mệt mỏi về lại thành phố Sài Gòn, tôi không biết rằng, rồi đây, cũng đôi chân trần ấy tôi sẽ bước những bước lưu đầy trên khắp miền đất nước: Trảng Lớn, Long Giao, Kà Tum, Suối Máu, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú . . .

T.Vấn

30 tháng 4 năm 2010

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search