T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: láng giềng gần…

clip_image001

Tranh : Trần Thanh Châu

Tình hàng xóm của người Việt khá mặn nồng, vì qua thực tế nông thôn tối lửa tắt đèn có nhau, những khi cơ nhỡ chuyện lớn thì ít, nhưng muỗng muối, trái chanh trong hoàn cảnh chợ xa như người thân ruột thịt còn ở mãi đâu đâu, làm sao giúp nhau kịp thời như những người hàng xóm. Vì thế dân gian còn lại cho chúng ta ca dao, tục ngữ như , “bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “người dưng có ngãi ta đãi người dưng, chị em vô ngãi ta đừng chị em”. Tình hàng xóm gần hơn ruột thịt vì hàng ngày có thể giúp đỡ được nhau; cho nhau tiếng hỏi câu chào không làm cho ai no bụng, nhưng lại ấm lòng người. Vì thế, để giữ tình cảm với hàng xóm cho tốt đẹp thì mọi việc phải cư xử cho có tình, có lý trên căn bản tình láng giềng là tôn trọng và không xâm phạm vào quyền lợi cũng như chuyện riêng của gia đình bên cạnh nhà. Điều đó sẽ tránh được cảnh lời qua tiếng lại vì con nít tranh giành một món đồ chơi mà thành chuyện mếch lòng người lớn; chuyện mất gà, mất chó, cũng là chuyện hàng ngày trong xóm giềng, đừng để chuyện không đáng như con gà, con chó mà mất hoà khí xóm làng; chuyện cây khế nhà bác sao trồng cận giậu thế, làm vú sữa em chua, thì chặt nhánh, tỉa cành bớt đi cho hương vị đậm đà…

Nhưng con người là sinh vật khó hiểu nhất thế gian nên tình hàng xóm cũng mưa nắng theo để tốt đẹp như hôm nắng mà lằng nhằng khi mưa giầm gió bấc. Vì vậy có một người hàng xóm ít nắng mưa thì thuận lợi hơn ở cạnh nhà ông nhà văn, bà nhà thơ…

Hãy nghĩ xem, nhà mình sống cạnh nhà hàng xóm làm nghề đạo chích. Thử hỏi có lúc nào bạn không lo ngay ngáy trong lòng, được ai mời bữa giỗ đã chịu lỗ bữa cày, nhưng rượu thịt nào bù đắp nổi hao tổn tinh thần với nhà hàng xóm chỉ đợi mình đi ăn giỗ là ra tay – free dọn nhà! Chắc vì lẽ đó mà ngày xưa, mẹ của Mạnh Tử đã phải dọn nhà nhiều lần bởi lối xóm không lành mạnh, không tốt cho con trai của bà. Thế mới biết, sống cạnh nhà một người hàng xóm tốt tính, lại tốt bụng nữa thì bạn được ăn yên, ngủ ngon biết dường nào. Khi có việc phải đi xa, lại còn nhờ được hàng xóm để mắt đến nhà mình hộ vài hôm. Cho dù chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm thì cũng là chuyện bên trong cánh cửa; Chuyện ngoài giậu, có hoa quý, trái bói cũng không sợ hàng xóm vặt trộm. Ngược lại, sống cạnh người láng giềng có tâm địa độc ác hay tham lam, bạn sẽ giảm tuổi thọ vì chẳng bao giờ được yên tâm, thân.

Ở tầm mức lớn hơn, Trung cộng và Việt nam là hai quốc gia láng giềng. Nhưng người hàng xóm khốn khổ đó đã ghi lên sử Việt – một ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Một phần tư lịch sử dân tộc Việt với bốn ngàn năm rồi còn gì! Đến đời hậu thế của đôi bên, chính xác từ khi cả hai cùng hoang tưởng với chủ nghĩa cộng sản thì tha hồ ba hoa mồm loa mép dãi với những cụm từ sáo rỗng như “môi hở răng lạnh”; nghe mà lạnh… xương sống. Kỳ thực theo dòng lịch sử hai nước chỉ là những giả dối, đãi bôi, lấy vải thưa mà che mắt thánh – thế giới. Khi cần thiết, răng cắn môi vãi máu; môi mép cũng không vừa, trở mặt với răng như gió trở cờ. Cho dù thể chế chính trị của Việt nam có thay đổi theo dòng lịch sử, nhưng kẻ thù phương bắc thì ai máu đỏ da vàng, ăn nước mắm cũng không bao giờ quên gã hàng xóm khổng lồ của Việt nam như con cò heo ăn tạp. Nên Việt nam mọc giáp con còng để tồn tại chứ biết làm sao! Cò cứ mổ còng cho thoả lòng ăn tạp, chứ con còng có bổ béo gì nhiều, no được bao nhiêu. Nhưng cò hận thiên thu là nuốt không nổi con vật bé nhỏ mà có vỏ… cứng còng. Mấy ngàn năm cò đưa còng lên miệng thì được, nhưng nuốt không nổi lớp vỏ như giáp sắt ấy, chuyên trị bệnh tạp ăn của cò-Tàu.

Trung cộng Và Việt nam như bầu, bí chung giàn. Nhưng chưa bao giờ có chuyện bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Việt nam với Trung cộng như con còng và con cò cùng sống trong một vũng, đầm; chia chung bầu trời vời vợi trên cao… Nếu đã không thương nhau được như bầu, bí thì nước sông cũng không phạm nước giếng mới phải chứ! Đằng này, cá lớn cứ muốn nuốt cá bé.

Trung cộng thì ai chả biết! Lúc nào không nham hiểm, thâm độc như một gã hoạn quan. Chuyện tương tự như Việt nam nhưng nói lên bản chất ăn cướp, thôn tính, lại còn muốn đồng hoá của giặc Tàu thì Tây Tạng cũng là một nạn nhân nghiêm trọng theo dòng lịch sử lân bang với tên đồ tể đó. Chuyện Tây tạng không chỉ đơn giản là thôn tính đất đai và tài nguyên như Việt nam; giặc Tàu còn mang dã tâm đồng hoá; xoá sổ người Tây tạng nữa kìa!

Với Việt nam, các tỉnh biên giới phía bắc với Trung cộng đã nhì nhằng tranh chấp về những cột mốc biên giới trong tình hữu nghị giả bộ từ lâu. Nhưng nay nhà cầm quyền cộng sản Hà nội đã bảo vệ được đảng bằng cách im lặng mất đất.

Thì Trung cộng lấn biển.

Nhưng con cò lớn thì làm sao đủ sống với cái đầm bé tẹo và tính ăn tạp; cò muốn nuốt trọn cả khu vực biển Nam Hoa (South China Sea). Khiến Việt Nam và những quốc gia trong vùng đang có những tranh chấp với Trung cộng như Phi Luật Tân, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Brunei… Những con còng ở biển Nam hoa, hay gọi theo Việt nam là biển Đông đều hết sức bất bình khi Trung cộng đưa ra những công bố lãnh hải của họ tại khu vực này. Sau khi vạch vẽ tùy tiện, hầu như cả vùng biển Đông trở thành cái lưỡi bò tươi ngon để Trung cộng hưởng trọn, chừa lại những phần biển như dải lụa áp sát bờ của những nước nhỏ trong vùng. Trung cộng không thể vạc sâu hơn vào bờ nữa vì thiếu điều đã chạm tới đất liền của những nước nhỏ trong vùng. Riêng Việt Nam là con còng gần con cò tham ăn nhất. Nhưng khó nuốt nhất vì vỏ nó cứng nhất. Lịch sử ngàn năm đô hộ cả ngàn trang nhưng Trung cộng không nhuộm nổi màu bắc thuộc trên mảnh đất mảnh khảnh mà kiên cường này. Đó là chưa nói tới những trang sử vàng của dân tộc nhỏ bé mà đã từng ba lần chiến thắng Nguyên, Mông; đại phá quân Thanh như chẻ tre làm đóm…

Nên toan tính của Trung cộng ở biển Đông trong thế thượng phong là một chuyện. Nhưng đã nhiều lần muốn nuốt biển, nuốt luôn cả đất của Việt nam, thì dường như lần nào, cuối cùng rồi cũng ói ra. Làm sao nói chuyện tử tế được với gã hàng xóm ăn tạp, lại mang lòng tham không đáy. Trung cộng đã đi bước quá đáng ở biển Đông, làm cho các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ mất ổn định mà phát triển. Với riêng Việt nam càng khó thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế khi tình hình chính trị, quân sự của nước sở tại không bình thường cho giới đầu tư quốc tế tin tưởng.

Cũng vì thế, căng thẳng tại vùng biển Đông càng lúc càng ấm lên. Trung cộng tự tiện dùng những vùng đảo san hô ngầm. Chở cát và xây dựng bừa bãi những hạ tầng cơ sở và các khu vực quân sự trồi lên mặt nước. Rồi từ đó lên tiếng công bố đây là lãnh địa của Trung quốc. Điều không có cơ sở nào để trả lời thế giới về luật pháp quốc tế về biển. Nhưng sân nhà của gã khổng lồ nên gã tự cho gã cái quyền làm lớn làm láo trên vùng biển đang tranh chấp chủ quyền, chưa phân định ngã ngũ. Những hành động của Trung cộng gần đây càng khiến cho tình trạng thêm phức tạp, nhất là họ càng lúc càng tăng cường lực lượng quân sự tại đây.

Biển Đông là một nơi giao thông hàng hải được coi là bận rộn nhất hành tinh. Nơi đây giàu tôm cá; giàu tài nguyên dầu thô và khí đốt. Con cò làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn. Nó thà chết ách khi nuốt tất cả cho thoả lòng tham nên tìm đủ cách ngang ngược để chiếm trọn cả một vùng biển, vùng trời…

Nhưng gần đây, các tấm ảnh từ vệ tinh chụp được cho thấy rõ những công trình hàm hồ của họ. Vận tốc xây dựng thật nhanh những cơ sở hạ tầng. Các đoạn phim do vệ tinh ghi được đã khiến Trung cộng hết lừa bịp được ai trên toàn cầu trong thời mọi chuyện tốt-xấu đều được phóng lên mạng. Và lần này, Hoa Kỳ xem ra không thể đứng yên nhìn con cò muốn tự tung tự tác thế nào cũng được.

Quá rõ là chuyện máy bay thám thính P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ hồi tháng 05 năm 2015 đã liên tục bay kiểm soát vùng biển Đông từ căn cứ Clark Air Base, tại Philippines. Khi bị Trung cộng cảnh báo hãy rời khỏi không phận của Trung quốc, các phi công máy bay P-8A đã trả lời rất rõ: I am a United States military aircraft conducting lawful military activities acting outside national airspace. I am with due regard in accordance with international law. Rất chính xác và thẳng thắn. Nói rõ cho Trung quốc biết đây là vùng biển của quốc tế!

Trong khi đó Việt Nam đã lên kế hoạch mua thêm các thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ và Châu Âu để hiện đại hóa quân đội của mình nhằm đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trên trường quốc tế thì Hoa Kỳ không công nhận những gì Trung cộng đang làm và đang nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết, sẽ tiếp tục duy trì tự do giao thông tại vùng biển quốc tế này.

Như vậy con cò Trung cộng bắt đầu cảm thấy khó chịu khi có một con chim ưng xuất hiện trên vùng biển Đông. Con chim này không tạp ăn. Và nó có khả năng không cho phép con cò ngang ngược kia muốn hoành hành kiểu gì cũng được.

Tình hình biển Đông sẽ dấy lên những đợt sóng mới. Nhưng tất nhiên sẽ khác hẳn với những đợt sóng trước đó khi Trung cộng kiên quyết thực hiện sách lược bẻ đũa từng chiếc, chứ không dám bẻ cả bó trong các đối sách với các nước nhỏ hơn trong vùng tranh chấp. Nhưng các nước nhỏ này lại đồng thanh lên tiếng đòi lại phần biển của mình tại Tòa Quốc Tế.

Bộ trưởng Ngoại giao của Trung cộng (Foreign Ministry) Hua Chunying cho biết, Trung quốc luôn công nhận giao thông biển tự do. Nhưng điều này không có nghĩa tàu bè, máy bay quân sự của nước ngoài được phép đi vào vùng biển này.

Đúng là lý luận cộng sản. Vừa ngu lại vừa ngang, chẳng biết (hay chẳng coi lý lẽ) ra gì!

Nhưng người Việt mới là người hàng xóm cận kề nhất với gã khổng lồ có lòng tham vô lượng. Nên hơn bao giờ hết, người Việt phải cân nhắc xem ai là anh em xa; ai là láng giềng gần? Đâu phải lúc nào láng giềng gần cũng tốt hơn anh em xa! Nhất là người anh em đã gởi lại quê ta năm mươi tám ngàn lính Mỹ trong cuộc chiến phiền phức và phiền toái nhất thế giới.

Chuyện dài biển Đông còn tùy thuộc vào triết lý và nhãn quan của mỗi người. Chỉ biết khi đối diện với những hoạt động mang tính hiếu chiến của Trung cộng lộng hành. Các nước nhỏ đâu còn cách khác hơn là dựa vào một thế lực đối trọng khác để có thể đối đầu (offset) với tên khủng bố châu Á.

Ôi, cái tình lối xóm với Trung cộng thà ở kế nhà Bin Laden còn được xem cuộc đột kích thế kỷ; ở cạnh tên thái giám côn đồ chỉ dám ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ lớn hiếp nhỏ và tham lam vô lượng… thật là phiền. Thử hỏi Hoàng sa và Trường sa là đất ngoài lãnh thổ nhưng thuộc Hoa Kỳ thì tên thái giám nham hiểm, độc ác và tham lam kia có dám động tới không?

Phan

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search