T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Keith Gessen: Lời Tựa của bản Anh Ngữ

clip_image002

(Keith Gessen 1975- )

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, sau khi chiếc máy bay thứ nhất của bọn khủng bố đâm vào toà nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (WTC), các tiền trạm y tế khẩn cấp đã được thiết lập ở nhiều nơi trong thành phố New York. Các bác sĩ, y tá hối hả đến bệnh viện tình nguyện nhận thêm ca trực phụ trội và rất nhiều người khác đến để sẵn sàng hiến máu. Đây là những cử chỉ hào phóng bầy tỏ thái độ sẵn sàng chia sẻ khi hoạn nạn. Điều đau lòng xẩy ra sau đó là những cử chỉ hào phóng đó và các trạm đón tiếp nạn nhân đã không còn cần thiết nữa. Có rất ít người sống sót sau khi toà tháp đôi WTC sụp đổ.

Sự thiệt hại khi nhà máy hạt nhân phát nổ gây nên hoả hoạn ở Chernobyl lại hoàn toàn ngược lại với tai nạn khủng bố ở WTC. Ban đầu, tiếng nổ ở Chernobyl chỉ làm chết một công nhân của nhà máy, Valeriy Khodomchuk, và trong mấy tuần lễ kế tiếp sau đó chỉ có chưa tới 30 công nhân và lính cứu hoả chết vì bị nhiễm phóng xạ nặng. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã bị nhiễm độ phóng xạ rất cao – đây là một tai nạn mà – theo một cách nhìn khác – số người sống sót nhiều hơn người chết – và quyển sách này là để nói về họ.

Phần lớn những chất liệu sử dụng trong quyển sách có thể khiến người đọc nhăn mặt vì sự gớm ghiếc. Ở cuộc phỏng vấn đầu tiên, Lyudmilla Ignatenko, vợ một người lính cứu hoả mà đơn vị của anh ta có mặt tại hiện trường sớm nhất, nói về sự huỷ hoại trên lớp da của chồng trong tuần lễ trước khi anh ta qua đời. Lyudmilla đã mô tả một hình ảnh rất ghê sợ mà lẽ ra chúng ta sẽ không bao giờ phải chứng kiến. “Chỉ một nếp gấp trên tấm drap giường cũng đủ làm anh ấy rách da.” Cô kể : “Tôi phải cắt móng tay mình sâu đến độ cấn cả vào thịt bật máu để không vô tình làm chồng bị thương vì nó.”

Có những đọan phỏng vấn nghe xong không thể không thấy rợn người. Viktor Iosifovich Verzhikovskiy, hội trưởng hội những người thợ săn và ngư phủ thiện nguyện của thành phố Khoyniki, kể lại buổi gặp gỡ của anh ta với các viên chức đảng uỷ khu vực vài tháng sau vụ nổ. Họ bảo Viktor  rằng, ở Khu Cấm,  tên gọi được chính quyền Liên Xô đặt cho vùng đất nằm trong chu vi 30 Km của nhà máy hạt nhân Chernobyl, tuy người dân đã được di tản đi hết, nhưng vẫn còn lại súc vật nuôi trong nhà. Những con chó, mèo mà lông của chúng dính đầy bụi phóng xạ, hay đi lung tung ra khỏi Khu Cấm. Cánh thợ săn được lệnh phải tìm và bắn chết hết chúng không chừa con nào. Còn nhiều câu chuyện khác nữa được kể lại, đặc biệt là về nỗ lực “khử xạ” vùng đất nằm trong Khu Cấm – công việc đào đất thật sâu để chôn cây cối, nhà cửa đã bị nhiễm bụi độc – cũng mang màu sắc truyện của Gogol(1) : Những họat động bình thường của con người bỗng trở nên biến dạng một cách khủng khiếp.

Nhưng cuối cùng, chính ngay sự bình thường, đơn điệu trong những lời kể của nhân chứng đã viết nên một bản báo cáo mang tính nhân bản độc nhất. Arkady Filin, người bị cưỡng bách sung vào đội “Thanh Toán”, tức nhóm người làm công việc dọn dẹp, nói : “Tôi biết bà tò mò muốn được nghe về những gì đã xẩy ra. Những ai không có mặt ở đó thì luôn tò mò. Đó vẫn là thế giới của con người. Họ uống Vodka. Họ chơi bài, đi tìm gái.”.  Hoặc, qua những lời của nhóm thợ săn: “Chiếc xe Jeep cán ngang qua con rùa, vậy mà vỏ nó không bị hề hấn gì. Tất nhiên, chỉ khi say chúng tôi mới làm như vậy.”. Ngay đến cả những trường hợp tuyệt vọng nhất cũng vẫn chỉ là một phần của “thế giới những con người”, với những ưu tư, lo lắng của con người. Chồng của Valentina Timofeevna Panasevich, một người ở trong toán dọn dẹp ở Chernobyl, sau khi được mãn nhiệm thì vài năm sau mang trong người căn bệnh ung thư. Khi biết mình không thể tiếp tục cuộc chiến không cân sức, anh dặn vợ: “Khi anh chết, bán chiếc xe với cái vỏ xe dự trữ đi. Nhớ đừng có lấy Tolik.” Tolik là em trai của anh ta. Nghe lời chồng, Valentina không tái hôn với Tolik.

Svetlana Alexievich thực hiện những cuộc phỏng vấn này năm 1996 – thời điểm mà tư tưởng chống cộng vẫn còn thịnh hành với vai trò là một chính kiến trong xã hội hậu Xô Viết. Sự thực hiển nhiên là, vụ nổ ở nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl tuy chỉ là một tai nạn không ai cố ý làm cho nó xẩy ra, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, nó cũng là hậu quả không thể tránh khỏi của thái độ vô cảm đáng sợ trước an nguy của xã hội, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, cộng thêm sự lười biếng, thói bè phái cửa quyền. Giới văn học, khi bàn về thảm hoạ Chernobyl, hầu như hoàn toàn đồng ý với nhau rằng chính nhà cầm quyền Xô Viết phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc nhà máy hạt nhân vốn đã được thiết kế cẩu thả, lại còn bị giao phó cho những người không đủ khả năng chăm sóc, điều hành . Sau khi tai nạn xẩy ra, như lời chứng thực của những nạn nhân được phỏng vấn, lại dối trá, che đậy sự thực bằng cung cách đáng bị đem ra xét xử như  những tên tội phạm. Ngay trong 10 ngày đầu tiên của vụ nổ, khi mà những hạt nhân vẫn còn đang cháy âm ỉ và phóng thích ra môi trường xung quanh lớp bụi phóng xạ độc hại, thì các giới chức trách nhiệm không ngừng lập đi lập lại rằng tình hình đã hòan tòan được kiểm sóat chặt chẽ. Một trong những quả phụ có chồng bị đưa đến làm công việc dọn dẹp ở Chernobyl nói với Svetlana Alexievich : “Nếu tôi biết trước thế nào chồng tôi cũng bị nhiễm bệnh vì bụi phóng xạ, tôi sẽ đóng chặt mọi cửa nẻo và khóa lại bằng tất cả những ổ khóa mà tôi có được.”. Chẳng may, không ai biết được số phận của mình đã được định đọat.

Tuy nhiên, tất cả những chứng từ này cũng làm rõ được một điều: không phải nhà cầm quyền Xô Viết cứ để mặc cho nhà máy Chernobyl cháy mà không làm gì hết. Đây là một điều đáng được chú ý. Một mặt, đó là sự bất lực, vô cảm và dối trá tòan diện.Mặt khác, những nỗ lực đến độ điên cuồng nhằm đối phó với hậu quả vụ nổ. Ngay trong tuần lễ sau đó, trong khi vẫn thẳng tay bác bỏ mọi nguồn tin về mức độ nghiêm trọng của sự việc với thế giới bên ngòai, nhà cầm quyền Xô Viết đã đưa hàng ngàn người đến điểm chết Chernobyl. Họ dùng trực thăng thả những bao đựng cát xuống hòng dập tắt đám cháy từ những lò phản ứng hạt nhân (Các phân tích sau này cho thấy việc làm này gây hại nhiều hơn lợi). Khi lửa tắt, họ leo lên mái nhà máy, dọn dẹp đống đổ nát chứa đầy chất phóng xạ. Máy móc họ mang theo đã bị chất phóng xạ làm cho trở nên vô dụng vì không họat động được. Còn con người thì phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng sau mới bị gục ngã. Đến thời điểm này thì cái chết của con người rất đáng sợ.

Năm 1986, chính quyền Xô Viết ném những nhân viên cứu hộ không được huấn luyện kỹ lưỡng, không được trang bị những phương tiện bảo hộ cần thiết vào lò lửa hạt nhân Chernobyl cũng giống như năm 1941 họ ném những người lính chưa được huấn luyện, không được trang bị vũ khí đối diện với Wehrmacht (2), hy vọng rằng quân Đức sẽ phải ngừng tiến quân đủ lâu để có thì giờ bắn chết những người lính Liên Xô tội nghiệp này. Nhưng, như viên quản đốc viện bảo tàng Chernobyl đã giải thích một cách chính xác, nếu những cố gắng tuyệt vọng này không được thực hiện, thì hậu quả vụ nổ còn tệ hại hơn rất nhiều.

*

Ở Belarus, từ lúc những cuộc phỏng vấn này được thực hiện cho đến nay, hầu như mọi chuyện vẫn như cũ vì có rất ít những thay đổi. Thời điểm năm1996, Aleksandr Lukashenka (3) là nhân vật ít được biết đến trong số “hai nhà độc tài cuối cùng” của Châu Âu. Bây giờ thì Slobodan Milosevic(4) đang phải trả lời những tội ác của mình trước tòa án quốc tế The Hague, còn Lukashenko vẫn còn giữ vững địa vị. Ông ta đàn áp mọi nỗ lực nhằm đòi quyền tự do tư tưởng và các đối thủ chính trị của ông ta tiếp tục “biến mất”. Về vùng đất nhiễm xạ Chernobyl, ông ta khuyến khích những cuộc nghiên cứu có mục đích chứng minh rằng vùng đất này đang ngày một trở nên an tòan hơn và rằng những họat động nông nghiệp cần sớm được phục hồi. Năm 1999, nhà Vật Lý học Yuri Bandazhevsky, là bạn và là đồng nghiệp của Vasily Borisovich Nesterenko  (Trả lời phỏng vấn ở phần III), tác giả bản báo cáo chỉ trích khuynh hướng coi nhẹ an tòan công cộng trong chính sách của chính quyền Belarus và tố cáo Belarus cố ý xuất khẩu những thực phẩm bị nhiễm xạ ra các thị trường ngòai nước. Đến nay, Bandazhexsky vẫn còn bị nhà cầm quyền giam giữ.

Keith Gessen (2005)

 Chú Thích( của bản Việt Ngữ):

  1. Nikolai Gogol (1809-1852)-nhà văn Nga, tác giả Dead Souls ( Những linh hồn chết)
  2. Wehrmacht-Tên gọi lực lượng quân sự phối hợp của Đức Quốc Xã, bao gồm 3 binh chủng Hải, Lục và Không quân.
  3. Aleksandr Lukashenka (1954- )- Cựu ngọai trưởng Mỹ, bà Condoleezze Rice, gọi Lukashenko là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”.Tổng thống Belarus từ năm 1994 cho đến nay.
  4. Slobodan Milosevic (1941-2006)-Tổng thống Serbia từ năm 1989 đến 1997 và từ năm 1997 đến năm 2000 là Tổng thống nước Cộng Hòa Nam Tư.Tháng 2 năm 2002, bị đưa ra tòa án quốc tế The Hague ở Hòa lan để xét xử về tội diệt chủng và các tội ác chiến tranh khác. Ngày 11 tháng 3 năm 2006, Milosevic chết vì bệnh tim trong lúc vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù.

*về Keith Gessen:

Sinh năm 1975 tại Moscow trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 1981, cùng với cha mẹ định cư tại Boston, tiểu bang Massachusetts,  Hoa Kỳ. Mẹ của ông là một nhà phê bình văn học và cha là chuyên viên nghiên cứu máy tính điện tử.

Gessen tốt nghiệp đại học Havard, ngành Sử và Văn chương. Thường xuyên viết bài điểm sách cho New York Magazine, cùng lúc, ông chuyên về nước Nga trong các bài vở viết cho The New Yorker, The Lodon Review of Book, The Atlantic và The New York Review of Book.

Ngòai bản chuyển ngữ sang tiếng Anh tác phẩm “Voices from Chernobyl” của nhà văn Belarus Svetlana Alexievich năm 2005, Gessen còn là tác giả tác phẩm tiểu thuyết “All the sad young literary  men” xuất bản năm 2008,  “Diary of a Very Bad Year: Confessions of an Anonymous Hedge Fund Manager”, một quyển sách nghiên cứu về cuộc khủng hỏang tài chánh, xuất bản năm 2010. . . .

Gessen hiện đang làm chủ bút một số các tạp chí văn học, chính trị, văn hóa định kỳ có tòa sọan đặt ở thành phố New York.

 

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search