T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự : Tên võ mồm và võ đường Thần Phong

than phong

Ảnh (Nguồn : www.facebook.com/thanphongquyen)

(chút nhớ quên nơi tháng năm buồn vui phi trường, nhân kỷ niệm 50 năm Võ đường Thần Phong /căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất 1966-2016).

Tạp văn

Thường ra trong cuộc sống, nếu ai say mê một thứ gì đó, mà lại có cơ hội gần bên và tiếp xúc luôn mãi với những điều chuyện liên quan đến sự say mê của mình, thì nhiều thuận lợi để đạt đến kết quả mong muốn. Ngược lại, cho dù đã qua nhiều gặp gỡ thường xuyên và luôn được tác động, như sự gọi mời để tham gia vào một sinh hoạt nào đấy, nhưng chẳng cảm nhận được chút kích thích nào để mà tích cực tham dự, thì cũng cầm bằng như không. Có lẽ điều sau rơi vào trường hợp của tôi với các môn võ thuật và trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, là bộ môn Thái cực đạo, ở võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất trước đây. Vì vậy, mặc dù có chút cơ duyên qua nhiều năm tháng lui tới nơi này để tham dự ít nhiều vào các sinh hoạt Thái cực đạo, từ sau ngày mãn khóa Thủ Đức cuối tháng 11 năm1969, về phục vụ tại Văn phòng Chiến Tranh Chính trị Bộ Tư Lệnh Không Quân, cho đến ngày vỡ ngũ đau xót tháng 4/1975, tôi vẫn chỉ là một tên võ mồm bên cạnh rất nhiều anh em huynh đệ là những võ sư thứ thiệt, quyền cước nội lực thâm hậu với chiều dài thành tích lẫy lừng một thời.

Liên quan đến chuyện quyền cước thì từ thuở mới lớn, tôi cũng đã có nhiều lần tấp tểnh lân la đến với võ thuật, nhưng rồi xôi hỏng bỏng không, chẳng đi tới đâu cả. Hồi năm 1959 học đệ thất ở Nguyễn Khuyến, tôi có theo mấy ông bạn cùng lớp, đến tập võ Việt Nam với thầy Tám Kiểng ở sân Phan Đình Phùng, phất phơ được chừng đâu hai ba tháng gì đó thì bỏ ngang. Rồi tiếp theo là tháng ngày hè năm đệ ngũ, ngoài những buổi hẹn nhau đi đá banh trong sân cỏ Hàng Không dân sự Tân Sân Nhất, nhiều hôm tôi còn nhập bọn với lũ bạn cùng xóm dọc đường rầy khu cổng xe lửa số 6 Phú Nhuận, đạp xe đến vạt vườn cao su Nguyễn Văn Thoại, gần ngã tư Bẩy Hiền, để học những miếng võ tự do từ mấy ông bạn tình nghĩa giang hồ choai choai truyền dậy lại cho. Mấy ông mãnh này vốn là dân trong xóm ngõ, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nên đã sớm vào đời bươn chải và chẳng biết do đâu mà trôi dạt đến tá túc tại nhà ông võ sư Mustaya dưới Bà Quẹo. Nơi đây, theo truyền miệng thì như thể là một lò võ, chiêu nạp đủ mọi thành phần. Võ sư Mustaya gốc người chà và, khá tên tuổi một thời ở làng võ Sàigòn, và còn được biết đến là một người nuôi dê, bò để lấy sữa tươi bán ra thị trường. Các đấng bạn tôi cũng được tập tọng chút ít quyền cước bữa đực bữa cái vào lúc chiều tối, nhưng chính yếu vẫn là việc phải trông coi và đưa đàn dê, bò của thầy ngày ngày đi gặm cỏ loanh quanh miệt vườn cao su ở vùng đó.

Chưa hết, cũng thời khoảng ấy, tối tối tại khoảnh sân cuối xóm, như một sân thể thao công cộng, chỉ có mấy thứ dụng cụ đơn giản quen thuộc, gồm vài bộ tạ xi măng đúc, cột xà đơn, xà kép…,và sau khi các bậc đàn anh lứa tuổi lớp trên đã tập luyện cơ bắp xong, còn bỏ công hướng dẫn lũ lau nhau mới lớn chúng tôi, cũng thường xuyên tụ tập ở nơi này, về dăm đường quyền cước mà các huynh đã học được ở đâu đó. Dù tay chân còm cõi khẳng khiu, tôi cũng đã cố công huỳnh huỵch nhiều buổi với bao cát, qua các cú direct, indirect hay vê kíp, uppercut… của môn đánh bốc. Tôi còn biết về những thế đinh tấn, trung bình tấn, trảo mã tấn… và trầy trật tới lui mãi với bài Thiếu lâm Bắc Phật phái gia quyền. Rồi thì chẳng nhớ được sau đấy bao lâu, tôi không còn thiết tha gì để thập thò đến đây nữa và tí chút võ vặt cũng gửi dần theo gió cho mây ngàn bay đi đâu mất tiêu. Tuy vậy, nhờ ít ngón đòn vặt này mà nhiều lần tôi đã đủ sức ăn thua, bươu đầu sứt trán ngang ngửa với mấy tay nhóc trạc tuổi ở xóm người Nam phía ngoài đầu hẻm, thường hay chặn đường gây sự, trêu chọc lũ Bắc kỳ di cư chúng tôi những khi đi học về ngang qua đây …

Thế rồi những năm tháng sinh viên, có một nơi chỗ tôi hay ghé đến hàng tuần là võ đường Hoa Lư Đakao của Vovinam Việt võ đạo, gần cạnh bên Hội quán Cây Tre, một địa chỉ cũng quen thuộc dạo đó. Tôi có mấy người bạn thân thiết là những võ sư huấn luyện viên ở đây. Không khí luyện tập thật hăng say và sôi nổi hào hứng của võ sinh qua những tiếng hô hét vọng ra từ bên trong phòng tập chẳng khuấy động trong tôi được chút gì. Tôi chỉ học lỏm và nhớ tên gọi của vài đòn thế, dăm ba động tác, để dùng khi nói hay viết về đề tài võ đạo, mỗi khi các bạn tôi nhờ vả điều này.

Riêng với Thái cực đạo, tôi cũng biết qua loa đôi chút từ năm đệ tam, khi đổi về học ở trường Lê Bảo Tịnh gần nhà, sau cuộc đảo chánh1.11.1963. Chẳng là một ông bạn thân cùng lớp với tôi có theo tập Thái cực đạo tại trường võ bên đường Chi Lăng Gia định và khi ấy đang mang đai xanh. Vì ở gần nhà nhau nên tôi thường ghé chơi luôn và chiều bạn, nhiều tối cũng vẫn cùng lên sân thượng, làm theo sự chỉ dẫn của ông bạn tôi các động tác, tay thì như thế này và chân thì đứng như thế kia, để có người cho anh chàng ôn lại đòn thế đối luyện, song đấu…Lúc bạn tôi chuẩn bị thi lên đai nâu, có anh Kim Phúc Nam, một huyền đai và là huấn luyện viên của bạn tôi ở phòng tập, hay ghé đến để hướng dẫn thêm. Có lần anh hỏi tôi sao không cùng đi tập tại võ đường cho vui.Và rồi bẵng đi một thời gian sáu bẩy năm sau, tôi gặp lại anh ấy ở Võ dường Thần Phong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất. Chuyện trò thì biết rằng sau khi nhập ngũ vào Không Quân, anh được thuyên chuyển về đây làm võ sư huấn luyện viên. Thấy tôi phục vụ tại đơn vị cũng đồn trú trong căn cứ mà công việc như là sẽ còn có dịp lui tới võ đường, anh cười và lại nhắc đến chuyện tập Thái cực đạo.

Kể ra việc tôi hiện diện ở căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, để rồi có cơ hội lui tới Võ đường Thần Phong và được gần gũi các anh em võ sư tại đây, cũng do một sự đưa đẩy ăn may rất bất ngờ, hoàn toàn nằm ngoài mọi suy tính của tôi nơi những tháng ngày đó. Và nói cho cùng thì cũng như thể là chuột sa chĩnh gạo, thánh nhân đãi kẻ khù khờ vậy thôi chứ thật ra tôi chẳng có tài cán gì, chữ nghĩa học hành thì lơ mơ lỗ mỗ nửa vời, lại còn là một anh mù dở vì cận thị muốn lòi cả mắt.

Khởi đầu, sau khi chiến cuộc Mậu Thân 1968 xẩy ra rồi lệnh Tổng động viên được ban hành. Giữa lúc gặp khủng hoảng tinh thần và những chao đảo riêng tư đủ loại trong tâm tưởng của thời tuổi trẻ giữa không khí chiến tranh, như phần đông lứa tuổi tôi hồi đó, tôi đi trình diện nhập ngũ Khóa 3/69 Thủ Đức. Trong thời gian thụ huấn ở quân trường, nghe lời rủ rê từ ông bạn Nguyễn Hữu Thiện (anh chàng hiện trong nhóm phụ trách tờ Lý Tưởng Không quân bên Úc Châu và trong nhóm đã biên soạn cũng như ấn hành quyển Quân sử Không Quân năm 2005) là hàng xóm thân thiết và vẫn cùng lang thang cà phê mỗi tối ngoài đời trước đó, giờ lại ở cùng Trung đội, nằm cạnh giường với nhau, tôi cũng nộp đơn xin về Không Quân ngành Không phi hành, ngay khi có thông báo. Đúng vào giai đoạn Quân chủng này đang bắt đầu bành trướng cần nhiều nhân lực, nên sau ngày mãn khóa, khoảng 100 ông tân chuẩn úy khóa tôi được chuyển sang đây để cung ứng cho các thứ ngành việc. Tôi và Nguyễn Hữu Thiện ở trong nhóm hai mươi tên được chọn về Chiến Tranh Chình Trị, cũng không biết do đâu hay có phần chắc là từ kết quả lần khảo sát trắc nghiệm tâm lý ở Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ Quang Trung hồi mới vào lính.

Tình tiết sự việc chưa dừng lại ở đó. Sau khi chúng tôi trình diện và qua đợt khảo sát giấy bút văn chữ mấy ngày liền để xem giò cẳng đám quân mới, trước khi phân bổ đi các nơi, ông sếp Trưởng phòng phụ trách Kế hoạch & Chính Huấn tại Văn phòng Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư lệnh Không quân đã chọn tôi ở lại phòng ông. Khi làm thủ tục thì bên Khối Quản trị nhân viên cho biết việc xin đích danh không được chấp thuận. Tất cả các Tân sĩ quan mới về trình diện đều phải rút thăm chọn đơn vị để bảo đảm sự công bằng, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu.

Nhẽ ra mọi sự đã khác đi rồi vì khi bắt thăm tôi có một chỗ ngoài Sư đoàn 1 Đà Nẵng. Cũng thấy vui vui vì những tưởng sẽ bắt đầu chuyến giang hồ phiêu lưu lớn trong đời.Tuy nhiên vì được phép hoán đổi các lá thăm với nhau một cách thoải mái nên sau cùng tôi nhận một trong mấy chỗ tại văn phòng Chiến Tranh Chính Trị ở Bộ Tư Lệnh, do sự trao qua đổi lại lòng vòng này. Chỉ vì người miền Trung thì bốc được thăm đơn vị ở Saigon, Biên Hòa hoặc một chỗ dưới sư đoàn 4 Cần Thơ hay ngược lại…nên cuối cùng của việc bàn tính rồi trao đổi các lá thăm đều thuận lợi cho tất cả chúng tôi. Và nữa, dường như trong số mấy người có lá thăm về các đơn vị nằm trong phạm vi căn cứ Tân Sơn Nhất, ai cũng ngán ngại việc ở Bộ Tư lệnh gần mặt trời nên đều đùn đẩy tránh né nơi này, vì thế mới lọt sàng xuống nia đến tôi.

Cũng chưa hết, khi trở về văn phòng Chiến Tranh Chính Trị chính thức nhận đơn vị, Thiếu tá Hoàng Song Liêm (ít lâu sau ông lên Trung tá, hiện ở Virginia) Trưởng phòng Tâm Lý Chiến muốn xin tôi vì phòng này vẫn còn thiếu người và cũng để có thêm thợ viết cho Tập san Lý Tưởng, tờ báo quen thuộc của quân chủng Không quân (tôi có nhiều bạn hữu thân tình ở đây _ về sau tôi là Thư ký Tòa soạn của Lý Tưởng vào giai đoạn năm1974 cho đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi số báo đặc biệt với nhiều hình ảnh, bài vở về hoạt động di tản, cứu nạn và tiếp tế của Không quân trong những ngày tháng ba bi thảm, bắt đầu cuộc thương khó ấy của quê hương, qua cuộc triệt thoái bi kịch khỏi Cao nguyên, nhất là dọc theo suốt lộ trình đau thương trên đường số 7_đang bắt đầu lên khuôn). Do đã chấm từ đầu nên Thiếu tá Bùi Hoàng Khải (sau đó ông cũng lên Trung tá và đã mất ở Hoa Kỳ) trưởng phòng Kế Hoạch & Chính Huấn giữ tôi ở lại phòng này. Bên cạnh các hoạt động khác, Thể dục Thể thao và Võ thuật cũng là một trong những phần việc do phòng phụ trách.

Rồi từ nơi đây, tôi bắt đầu làm việc tại đoàn Công tác Chính Huấn do Đại úy Trần Như Đẩu làmTrưởng đoàn (ít lâu sau anh lên Thiếu tá, hiện anh cùng gia đình định cư bên California). Nhiệm vụ của đoàn Công tác Chính Huấn là phụ trách việc tổ chức những đợt học tập chính trị và thực hiện các buổi sinh hoạt chính huấn tại các đơn vị Không quân (trong đoàn có Toán Chiến sĩ ca gồm nhiều ông nhà binh nhưng gốc gác nghệ sĩ ngoài đời như anh Ngô Mạnh Thu, nhạc sĩ du ca_ cùng đám nhạc trẻ với Nguyễn Trung Cang, Minh Phúc, Vũ Bắc Sơn, Nguyễn Quốc Trí… và anh em Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, con trai nhạc sĩ Phạm Duy). Ông Trưởng đoàn của tôi vốn là pi lốt trực thăng nhưng mê chuyện quyền cước võ thuật hơn việc cầm xì tích điều khiển máy bay và ở phi đoàn dưới Cần Thơ thuyên chuyển về.

Tất cả khởi nguồn từ đó và trong suốt diễn tiến ấy, chỉ một chút nào khác đi thôi, thì hôm nay coi như chẳng có gì để nói giữa tôi và võ đường Thần Phong. Anh Trần Như Đẩu đã mang đai đen nhu đạo lúc còn ngoài dân sự và là một trong những huyền đai Thái Cực đạo khóa đầu tiên tại Võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất hồi mới mở năm 1966, rồi sau đó có thời kỳ phụ trách võ đường này. Cũng vì thế, ngoài nhiệm vụ ở đoàn Công tác Chinh Huấn trên văn phòng Chiến Tranh Chính Trị, anh lại tiếp tục lui tới nơi đây thường xuyên để liên lạc và phối hợp những sinh hoạt về Thái cực đạo, đặc biệt rất hào hứng, bận rộn ở mỗi mùa tranh giải hay các kỳ thi lên đai, đẳng hoặc một chương trình biễu diễn võ thuật. Những lần xuống võ đường Thần Phong như thế, anh thường rủ tôi đi cùng. Gần nhau hàng ngày nên chúng tôi trở nên thân tình như huynh đệ và do vẫn luôn cùng đi với anh, tôi có thêm giao tình với nhiều anh em dưới võ đường như các anh Kim Phúc Nam, Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Lợi, Trịnh Việt Trí, Nguyễn Văn Châu, Trương Văn Nhiều, Nguyễn Ngọc Diệp… của Thái cực đạo hay Nguyễn Lục Phú, Đỗ Thành Hưng…bên Nhu đạo, là những huấn luyện viên cột trụ của võ đường.

Con đường vào Không quân của tôi như thế đấy. Tuy vậy nhiều bạn hữu vẫn cứ tưởng do một sự can thiệp giúp đỡ nào chăng. Có lẽ cũng vì họ biết về khoảng thời gian dính dáng với Không quân của tôi trước đây.Từ dạo cuối năm 1966, khi mới bắt đầu học ở trường Luật, qua sự giới thiệu của một hiền huynh thân tình trong Không quân, nhóm tuổi trẻ viết lách tay ngang bọn tôi (có Trần Nguyên Sơn_Nguyễn Đình Tạc, Hoàng Bá Thủy_Trần Bất Bạt, Khải Triều, Phan Lạc Giang Đông, Tô Duy Khiêm, Nguyễn Mai, Chu Vương Miện, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Hải Chí, Phan Trước Viên…) quy tụ thêm khoảng hơn hai chục cộng tác viên thân hữu khác nữa đủ mọi thành phần, được giao cho làm Bán nguyệt san Quần Chúng, tờ báo do Trung tá Lưu Kim Cương bảo trợ_ khi ấy ông là Chỉ huy trưởng Không đoàn 33 ở Tân Sơn Nhất (Không đoàn 33 sau này được cải tổ và tăng cường để thành lập sư đoàn 5 Không quân). Sau vài tháng lủng ca lủng củng hoạt động không mấy suôn sẻ, nhóm giải tán và chỉ còn tôi cùng anh Khải Triều, Chu Vương Miện tiếp tục ở lại trong Ban biên tập mới gọn nhẹ hơn, có thêm hai anh bên Đại học Văn Khoa là Đỗ Đức Thịnh và Bùi Đức Uyên (gần đây là chủ tịch hội cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An), do anh Cao Thế Dung (rất quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ trước đây) làm chủ bút. Ngoài phần bài vở chủ lực của ban biên tập về các chủ đề văn chương chữ nghĩa, nội dung tờ báo hàng kỳ còn có những sáng tác thơ văn của nhiều cây bút khắp nơi. Tôi còn nhớ những danh tính như Huy Trâm, Đỗ Ngọc Trâm, Cung Tích Biền, Từ Kế Tường… ở Sàigòn, và một số đông thuộc miền Trung như Hoàng Đình Huy Quan, Hạc Thành Hoa, Trần Đình Sơn Cước…cùng những bài biên khảo, tiểu luận, nhận định, bình luận thời sự của các tác giả Trần Văn Kha, Phạm Kim Vinh (Trương Tử Phòng), Phạm Nam Sách, Phạm Cao Dương…Phụ bản và minh họa thì có họa sĩ Cao Bá Minh. Sau này khi tướng Lưu Kim Cương đã tử trận tại tuyến phòng thủ phi trường Tân Sơn Nhất, chỗ vòng đai tiếp giáp khu nghĩa địa quân đội Pháp cũ, gần ngã tư Bẩy Hiền, trong lần đặc công cộng sản âm mưu đột nhập phi trường vào tháng 5/1968, (ông được truy thăng cố Chuẩn tướng vì mới vừa vinh thăng Đại tá dịp Tết trước đó mấy tháng) tờ báo vẫn tiếp tục duy trì đều đặn cho đến mãi khoảng năm1972 mới đình bản hẳn.

Thời gian Bán nguyệt san Văn học Thời đàm Quần Chúng bộ mới đi vào hoạt động, Ban biên tập mấy anh em chúng tôi được Trung Tá Lưu Kim Cương mời vào văn phòng ông để chuyện trò thăm hỏi thân mật. Không bao giờ can thiệp vào bất cứ vấn đề nào, nhưng ông luôn muốn biết chúng tôi có khó khăn và cần thiết gì để giúp giải quyết. Thường khi đã có giấy phép ra báo, mà ông đã lo xong từ đầu (không phải là điều dễ dàng vào thời gian đó) và như thế với số bông giấy được cấp, cùng với những quảng cáo định kỳ của vài cơ sở thương mại trong phi trường Tân Sơn Nhất do văn phòng ông đã lấy giúp, thì chi phí điều hành tờ báo không là điều khó khăn cho lắm. Trong buổi gặp gỡ, ngoài chuyện văn chương báo chí, ông cũng say sưa nói về các công việc và sinh hoạt tại đơn vị, với thật nhiều những dự tính cùng bao nhiêu hoài bão thiết tha hằng ấp ủ. Biết tôi còn đang đi học và có tham gia vài sinh hoạt sinh viên, ông ngỏ ý muốn có được một thành phần sinh viên học sinh tháp tùng các chuyến công tác Tâm lý chiến dân sự vụ, hoạt động định kỳ quanh khắp mọi khu vực dân cư thuộc vòng đai phi trường để tăng cường vấn đề dân vận, yểm trợ cho nhu cầu an ninh phòng thủ.

Là dân nhà binh qua những tác phong chuyên nghiệp, vóc người to khỏe, mái tóc luôn được hớt cao và có tiếng là nguyên tắc, nhưng ông lại thật cởi mở và rất nghệ sĩ tính. Ngoài nhóm anh em chúng tôi, ông cũng còn dành những thiện cảm qua sự giao tiếp và cư xử ân cần với rất nhiều người khác trong giới văn nghệ sĩ, báo chí_ như trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, từ hồi hai người này còn trên Đàlạt và nhất là thời kỳ họ trình diễn tại quán cà phê Văn ở đường Gia Long Saigon, khu sân phía sau trường Văn Khoa cũ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng còn là một trong những người khách quen thuộc nơi những buổi gặp gỡ văn nghệ của Trung tá Lưu Kim Cương tại câu lạc bộ Không quân Tân Sơn Nhất. Lúc ấy tên tuổi mới bắt đầu xuất hiện thôi và nhạc sĩ này lại đang trong tình trạng bất hợp lệ quân dịch, việc đi lại đây đó là điều không dễ dàng. Vì thế những giai điệu da diết u hoài trong nỗi tưởng nhớ khôn cùng, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ra khi nghe tin … anh nằm xuống như một lần đã đến đây đã vui chơi trong cuộc đời này…đã bay cao trong vòm trời đầy….và…xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…tôi đoan chắc đó là những cảm xúc chân tình òa vỡ từ một ân nghĩa sâu đậm dài lâu.

Bên cạnh những hoạt động chính yếu của đơn vị, sinh hoạt văn nghệ báo chí, thể dục thể thao và võ thuật cũng là những điều Trung tá Lưu Kim Cương rất lưu tâm.Tôi biết Võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất thành lập năm 1966, thật đẹp đẽ khang trang và được sự yểm trợ mạnh mẽ trong bước đầu về mọi mặt, từ điều kiện vật chất đến chuyên môn của các võ sư Thái cực đạo Đại hàn, có nhiều công sức vận động và là sự để ý đặc biệt của Trung tá Lưu Kim Cương, cùng trong thời gian ông là Chỉ huy trưởng Không đoàn 33. Từ nơi này, bên cạnh các môn võ khác như Nhu đạo, Hiệp khí đạo, Hiệp khí nhu thuật …được hình thành tiếp theo,Thái cực đạo Không quân đã khởi đầu và rồi phát triển mạnh mẽ không ngừng trong khắp Quân chủng với các võ đường lần lượt được mở ra sau này tại các đơn vị. Đáng kể hơn nữa là những thành tích lẫy lừng nơi các Giải đấu quân đội hay Giải vô địch toàn quốc, mà võ đường Thần Phong luôn luôn là chủ lực và giữ vai trò nòng cốt ở mỗi lần tham dự các Giải này. Và cũng từ võ đường Thần Phong, rất nhiều con người đã thành danh, hiểu theo một nghĩa nào đó, cũng như tự định hình một cách thế sống theo tinh thần võ đạo thật đẹp. Điều này còn được tiếp nối và duy trì cho đến mãi tận sau này ở hải ngoại, cũng với tên gọi và tinh thần Thần Phong.

Nhiều người vẫn còn nhắc nhớ về những sinh hoạt sôi nổi quen thuộc, tràn ngập thành tích của các võ đường Thần Phong ở Hoa kỳ sau năm 1975, qua nhiều thời kỳ do công khó của các võ sư xuất thân từ võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất ( Trần Như Đẩu, Nguyễn Văn Lợi, Phan Văn Đức, Trương Nguyên Thuận, Trần Văn Lạc …) hay các võ đường Thần Phong bên Australia, hiện vẫn luôn hoạt động thật sôi nổi cùng với bao chiến tích vẻ vang nơi sàn đấu của các thế hệ võ sinh tiếp nối nhau, mà võ sư Phan Cao Trí là một khuôn mặt nổi bật, đã đóng góp nhiều công lao sức lực từ những ngày gầy dựng phôi thai lúc ban đầu để có được thành quả như hôm nay. Ông này cũng là huyền đai Thái cực đạo Không quân trước đây và là một trong những ông bạn ngày xưa ở khu cổng xe lửa số 6 Trương Minh Ký Phú Nhuận. Khi xem những hình ảnh và video clip về các sinh hoạt của hệ thống võ đường Thần Phong Australia, tôi thấy được biết bao nỗ lực bền bỉ và không mệt mỏi của người bạn tài năng suốt mấy mươi năm qua. Và tôi vẫn còn nợ về lời hứa sẽ có một lần sang Australia với bạn hữu anh em.

Tôi cũng nhớ mãi nhiều kỷ niệm với võ đường Thần Phong và nhiều con người Thần Phong nơi những tháng ngày ấy, mà nay có người đã không còn như thiếu úy Lâm Hal (đã thuyên chuyển về chỗ tôi và vào cuối tháng 4/1975 đang chuẩn bị đi làm sĩ quan tùy viên cho Trung tướng Tư lệnh Không quân_ chết trong trại tù cải tạo), Phan Văn Đức (về trận đấu sống chết ở một mùa giải_ qua đời tại Hoa Kỳ), Nguyễn Văn Vạn (bị tử hình vì sự điều tra rồi kết án đầy khuất tất ở Việt Nam trong vụ trọng án của con trai)…Tôi đã có cơ hội gặp gỡ hoặc biết được tin tức một vài huynh đệ như anh Trần Như Đẩu, Nguyễn Lục Phú, Trịnh Khải Hoàng bên Cali, Kim Phúc Nam ở Virginia, Trần Văn Lạc vùng San Antonio, Nguyễn Văn Lợi, Trương Nguyên Thuận, ở Houston đây hay Phan Cao Trí mãi tận Australia…rồi còn nhiều người khác nữa nhưng không biết giờ này ra sao, những Lê Văn Châu và Châu xẹp, Nguyễn Ngọc Diệp, Trương Văn Nhiều, Đỗ Thành Hưng,Trịnh Việt Trí… Hoàng Thụy Thông, Đào Phúc Thế, Võ Hồng Sinh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Lộc…và những anh em còn lại tôi không còn nhớ được tên, trong thành phần Thái cực đạo Không quân tham dự Giải Vô địch Thái Cực đạo toàn quốc mùa cuối cùng 1973-1974 mà thành tích vang dội thật lẫy lừng.

Ngày gặp lại nhau bên Cali gần đây, sau mấy mươi năm bặt tin, anh chị Trần Nhu Đẩu đã vô cùng cảm động mừng vui và dành cho tôi sự chào đón thật vồn vã ân cần quá. Trong thoáng chốc, tôi bỗng thấy mình như đang ở giữa những tháng ngày Thần Phong Tân Sơn Nhất buổi nào, chứ không phải tại một nơi chỗ trên đất khách quê người. Khi sang định cư tại California, ngoài việc tiếp tục các sinh hoạt của Thái cực đạo, anh Trần Như Đẩu còn giới thiệu và phát triển mạnh mẽ Hồng gia La Phù sơn mà anh là một trong những chưởng môn nhân chân truyền, đã được lão võ sư sáng lập môn phái Nguyễn Mạnh Đức, truyền thụ cho mọi tuyệt kỹ, sau khi anh đi tù cải tạo về và có cơ duyên tìm đến thụ giáo. Bây giờ đã ngoài bẩy mươi, tuy vẫn còn mạnh khỏe nhưng anh đã trao truyền lại mọi chuyện võ thuật quyền cước cho thế hệ tiếp nối và thanh thản lui về vui với những chậu bonsai quanh khắp mảnh vườn sau nhà, cũng là niềm say mê khác của anh từ lâu.

Còn anh Nguyễn Văn Lợi, một trong những võ sư kỳ cựu buổi đầu của võ đường Thần Phong, ở tiểu bang khác chuyển nhà đến vùng North Houston, nghe biết tôi cũng ngụ cư tại Houston, đã lái xe xuống để tìm thăm ngay. Như những người bạn thân thiết cách xa bao tháng năm được tái ngộ, suốt mấy giờ đồng hồ, chúng tôi bồi hồi ôn nhớ từng con người với từng kỷ niệm qua bao điều chuyện buồn vui, cũng không thể nào thiếu những tháng ngày võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất ấy. Sau những năm tháng sôi nổi trải dài với từng lứa võ sinh tại các võ đường và các thành tích trên sàn đấu, ngược xuôi Boston, California…bắt đầu từ những năm 1976 khi đặt chân đến Hoa Kỳ được ít lâu, cho mãi đến lúc phải dừng lại vì quy luật tất yếu của tuổi tác và sức lực ở thời gian gần đây, anh mới chính thức cởi bỏ bộ võ phục quen thuộc một thời gắn bó.

Trên Kingwood, cách Southwest Houston chỗ tôi vài chục dặm đường, tôi cũng được biết về võ đường Thần Phong của anh Trương Nguyên Thuận, dân phi hành nhưng đã có huyền đai từ ngày theo tập Thái cực đạo tại võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất, hiện vẫn hoạt động rất đều đặn. Thỉnh thoảng tôi gặp anh Trương Nguyên Thuận ở đây đó trong các sinh hoạt khác nên chưa nhận ra nhau.Vào một ngày Chủ nhật, nhân dịp gia đình anh Trần Văn Lạc, cũng xuất thân từ võ đường Thần Phong lớp sau, ở San Antonio ghé xuống Houston, anh chị Nguyễn Văn Lợi rủ thêm anh chị Trương Nguyên Thuận rồi nhắn tôi cùng đến gặp gỡ nhau tại một quán ăn nhỏ trong khu vực siêu thị Hong Kong 4. Tôi chưa biết hai anh Trương Nguyên Thuận và Trần Văn Lạc trước đây, nhưng chỉ trong ít phút, câu chuyện về Thần Phong đã làm chúng tôi gần lại nhau rất thân tình. Khi đứng lên chia tay ra về và trong lúc đi lấy xe, tôi hỏi vui lão võ sư về chuyện quyền cước Thái cực đạo, anh Nguyễn Văn Lợi mỉm cười đứng lại rồi phất tay và nháy mắt ra hiệu cho cậu cháu ngoại trai khoảng sáu bẩy tuổi gì đó đang đi bên cạnh. Hiểu ý rất nhanh như đã từng quen thuộc, chú chàng mình liền cung tay xuống tấn thủ thế và rồi liên tiếp ra các đòn tay trái phải, đánh đỡ để đối luyện với ông mình vô cùng thuần thục. Tôi liên tưởng đến những hình ảnh ở võ đường Thần Phong ngày xưa và bất chợt đưa tay phải như muốn tấn công, cậu bé thật nhanh nhẹn chuyển ngay sang thế thủ cũng như sẵn sàng phản đòn. Màn biểu diễn chớp nhoáng chấm dứt, tôi bắt tay cậu bé thật chặt để bầy tỏ sự tán thưởng và hiểu được nụ cười rất tươi của anh Nguyễn Văn Lợi. Có vẻ như anh đã có một cao đồ đầy hứa hẹn để chuẩn bị cho việc nối nghiệp rồi thì phải.

Xin được cám ơn các anh em huynh đệ võ đường Thần Phong về những tình cảm yêu mến đã dành cho, tuy rằng tôi không phải là một người của Thần Phong thực sự đúng nghĩa.

Qua những gặp gỡ như thế, trong tôi như vẫn còn đọng lại nhiều hình ảnh của võ đường thật gần gũi quá, đi từ những ngày còn ở chỗ cũ cho đến khi dọn xuống nơi mới khang trang rộng lớn hơn, nằm gần hướng cổng đi sang trại Hoàng Hoa Thám, vốn là PX (Post Exchange) của quân đội Hoa Kỳ, được chuyển giao vào năm 1973 và sửa sang lại để làm võ đường.

Tôi nhớ những lần anh em tụ họp quây quần đông vui tại võ đường hay nơi này chỗ nọ trong mấy quán ăn dưới khu gia binh, nhưng sôi động nhất vẫn là những lần tại nhà anh Trần Như Đẩu, như buổi khao quân sau mỗi mùa giải chiến thắng hay vào những dịp cuối tuần hoặc lễ nghỉ trong năm.

Và nữa, cho dù chỉ là người đảm nhận việc điều khiển và giới thiệu chương trình, tôi cũng không thể nào quên cái cảm giác cùng hòa trong không khí hào hứng và tâm trạng nao nức bừng bừng khí thế của từng anh em võ sư, võ sinh nơi những buổi biểu diễn Thái cực đạo, tại võ đường hay ở các đơn vị _ qua các bài quyền từ trình độ căn bản rồi cao dần cho đến tam đẳng, thật uyển chuyển mà đầy uy lực_ những màn công phá bằng đòn chân, đòn tay đủ loại mục tiêu, từ cố định ở dưới thấp cho đến trên cao, có hay không có điểm tựa… với đủ thứ vật liệu gạch, ngói, gỗ ván…cùng với phần song đấu đẹp mắt, phô diễn các đòn thế tuyệt kỹ, giới thiệu một công phu luyện tập. Anh em nói rằng khi nghe tôi giới thiệu phần biểu diễn của mỗi người, ai cũng cảm thấy như có sự thôi thúc thật tự hào và vô cùng bình tĩnh, vững tin _nên động tác nào, đòn thế nào thực hiện cũng rất lớp lang bài bản và hoàn hảo trọn vẹn. Và những lần biểu diễn như thế luôn luôn được khán giả dự xem vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Một hình ảnh rộn ràng sôi nổi của ngày hội vui khác nữa là mỗi lần thi lên đai, đẳng mà võ đường Thần Phong phụ trách tổ chức. Lần sau cùng tôi còn nhớ được đã diễn ra tại võ đường mới khoảng giữa năm1974, suốt gần một ngày trời với hàng trăm võ sinh tham dự. Ngoài võ sinh của võ đường dự thi lên đai và đẳng, còn có các võ sinh từ những lớp võ khác bên ngoài, do những võ sư Thần Phong phụ trách huấn luyện, như võ đường Thần Phong bên Khu Hàng không dân sự, một võ đường ở quận Tư, hay võ đường của Lâm Hal trong khu cư xá nhân viên Trại Cải huấn Chí Hòa mà tôi có dịp ghé thăm, tuy phạm vi nhỏ hẹp nhưng các giờ tập vào chiều tối vẫn đều đặn hàng tuần. Khu vực rộng lớn của võ đường Thần Phong hôm ấy, tấp nập và nhộn nhịp người ra vào từ sáng cho đến đầu giờ chiều khi kết thúc buổi thi, không khác một ngày có thủ tục tuyển mộ tân binh ngoài cổng Phi Long. Dù chỉ có nhiệm vụ nhỏ nhoi trong phần điều hành và giới thiệu từng đợt võ sinh ra sàn thi, ngày hôm ấy tôi cũng bơ phờ không kém các võ sư trong Ban giám khảo, các võ sinh dự thi. Nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các em lứa tuổi còn nhỏ, lúc đạt được kết quả sau khi kết thúc phần thi, tôi cũng cảm thấy vui lây và quên đi mọi mệt nhọc.

Trong suốt chiều dài thời gian đó, thấy tôi hay ra vào võ đường Thần Phong và thường xuất hiện trong những sinh hoạt Thái cực đạo như thế, nhiều người hẳn cứ ngỡ rằng tôi phải là một con người Thái cực đạo đầy mình. Và ai cũng ngạc nhiên khi biết ra tôi chỉ là một anh võ mồm, chưa một lần hét lên tiếng. …Y…Ya… a…a…quen thuộc trên sàn tập và hai tay thì chẳng một vết chai sần nào cả. Một trong những người như vậy, có Trung tá Nguyễn Văn Thành Chỉ huy trưởng Trường Vũ thuật và Thể dục Thể thao quân sự, cũng là Chủ tịch Tổng hội Võ thuật quân đội lúc đó. Ông biết tôi vì nhiều lần tôi đi cùng anh Trần Như Đẩu lên văn phòng Tổng hội trên Thủ Đức hay ghé đến nhà ông ở trong con hẻm gần đầu đường Võ Di Nguy Phú Nhuận nối dài, cũng có một võ đường Thái cực đạo nhỏ ngay bên cạnh nhà, do ông đảm trách huấn luyện. Ông vẫn hay nhắc tôi nếu ngần ngại việc tập với anh em nhà thì đến chỗ ông, để mau sớm có được huyền đai đệ nhất đẳng, cho ra vẻ con nhà võ một chút, hầu dễ bề ăn nói khi xuất hiện. Ông còn hỏi tôi không lẽ chỉ muốn có huyền đai danh dự để khỏi đổ mồ hôi.Tôi thì cứ luôn ậm ừ cho qua chuyện. Có lẽ thời gian này, việc mải mê phất phơ loanh quanh chút chữ nghĩa vặt với mấy tờ báo bên ngoài vẫn còn đang cộng tác hay các tờ báo Không quân trong căn cứ như Lý Tưởng, Chính Huấn chỗ văn phòng tôi phục vụ hoặc tập san Quân huấn của Khối Huấn luyện hay tờ Cánh Thép bên Khối Chiến Tranh Chính Trị sư đoàn 5 Không quân do Trung úy Hoàng Như An, một hiền hữu của tôi phụ trách_ đã có sức lôi cuốn và là hấp lực nhiều hơn, vì tôi có thể dễ dàng múa may đôi chút mà thỉnh thoảng lại rủng rỉnh thêm tí tỉnh ngoài lương tháng con nhà lính, đủ cho những sáng cà phê hay la cà đây đó từng cuộc rượu bia nhỏ khi tan sở buổi chiều, tụ tập bù khú cùng bạn hữu, anh em.

Tôi không có được sự siêng năng lui tới võ đường Thần Phong để tập lấy một môn võ nào cả như Lê Công Danh, dân hướng đạo bên cư xá Hàng Sanh, bạn cùng khóa đợt về Không quân với tôi, đã từ chỗ chưa biết gì rồi có huyền đai đệ nhất đẳng Thái cực đạo mà vẫn còn tiếp tục học thêm về Aikido. Tôi cũng gặp nhiều sĩ quan dù lớn tuổi nhưng luôn đều đặn đi tập dưới võ đường Thần Phong như Thiếu tá Lộc, Đại tá Đinh Thạch On,Tư lệnh phó sư đoàn 5 Không quân và còn rất nhiều những người khác nữa.

Còn một kỷ niệm khó quên hơn cả là lần dự tranh Giải vô địch Thái cực đạo toàn quốc mùa giải năm 1973-1974. Đây cũng là mùa giải cuối cùng và mang tính quy mô lớn lao, do Võ đường Mãnh Hổ thuộc Phủ Tổng Thống và Hải quân Đại tá Trần Thanh Điền, Chánh Võ Phòng của Phủ, đảm trách việc tổ chức và điều hành.

Về phía Thái cực đạo Không quân, ngoài các hảo thủ dầy dạn kinh nghiệm đấu trường đã có sẵn ở võ đường Thần Phong, cộng thêm một thành phần những anh em võ sĩ ưu tú khác được tuyển lọc, tăng cường thêm và xin lệnh gọi về tập trung từ các đơn vị, Không quân thành lập hai đội A và B thật hùng hậu để tham dự, gồm toàn những huyền đai thượng thặng. Đội A do anh Trần Như Đẩu làm trưởng đoàn và tôi phụ trách đội B. Võ đường Thần Phong và anh Trần Như Đẩu, trong thời gian này thật nhiều tất bật lo toan vất vả đủ thứ công việc, nhưng cũng thật nhiều niềm vui vì được đón nhận những nguồn khích lệ lớn lao. Tôi chỉ phụ giúp những công việc vòng ngoài. Anh em đấu thủ được hưởng tiêu chuẩn cơm trưa phi hành trong suốt thời gian tập trung tranh giải. Nhiều mạnh thường quân thân hữu ân cần dúi cho ít tiền để thêm vào số ngân khoản khiêm tốn được chuẩn cấp. Nhiều người khác đã mau mắn nhận lời và sẵn sàng tài trợ một trong các bữa ăn cho đoàn ngay tại nhà mình hay ở các tiệm ăn trong những ngày đi giao đấu, như nhạc sĩ trẻ Minh Phúc trong đoàn Công tác Chính huấn trên văn phòng (hiện đang ở bên Cali)… Ngày ngày, dưới sự hướng dẫn của những võ sư huynh trưởng lão luyện tại võ đường Thần Phong, tất cả anh em tuyển thủ lao vào luyện tập ráo riết, từ việc nâng cao thể lực dẻo dai cho đến kiện toàn kỹ thuật đòn thế, quyền cước… rồi tính toán sắp xếp từng thứ tự đội hình trước khi xuất quân.

Ròng rã hằng nửa tháng trời, từ ngày bắt đầu đưa anh em đi làm thủ tục tham dự chính thức với Ban Tổ chức như cân đo, lập danh sách, bắt thăm chia bảng đấu vòng loại… ở võ đường Mãnh Hổ đường Hồng Thập Tự bên hông dinh Độc Lập, rồi tiếp theo là những buổi chinh chiến sáng chiều theo lịch đấu, thật nhiều bơ phờ cam go khổ nhọc nơi vòng đấu bảng này, theo thể thức loại trực tiếp, tại khắp các sàn đấu_ từ võ đường Oh Do Kwan ngoài xa lộ của võ sư Nguyễn Bình, quay về Hwa Rang Kwan của võ sư Đặng Huy Đức ở khu Phát Diệm Trần Hưng Đạo Saigon…đương đầu và chiến thắng lần lượt từng đối phương một,vượt qua tất cả mọi thách thức. Để rồi sau cùng cả hai đội Thái cực đạo Không quân A và B cùng nhau đĩnh đạc bước vào vòng chung kết tại thao đường Nguyễn Trãi Chợ lớn.

Chắc chắn rằng mấy đêm giao đấu vòng chung kết giải vô địch Thái cực đạo toàn quốc năm ấy là những ghi nhớ để đời cho mỗi một anh em đấu thủ cũng như gia đình Thái cực đạo Không quân. Đương nhiên đã tiến vào đến đấy rồi thì mức độ quyết liệt và những áp lực, thách thức cũng càng tăng cao hơn bao giờ hết. Thế rồi thật vô cùng ngoạn mục và tiếp nối những chiến thắng như chẻ tre từ các trận vòng loại, cũng lại là từng chiến thắng qua từng trận đấu vô cùng gay go căng thẳng nơi vòng bán kết, tứ kết_ cuối cùng hai dội Không quân A và B gặp nhau trong trận chung kết. Sợ rằng cùng là anh em nhà nên sẽ nhường nhịn nương tay và làm mất đi sự hào hứng sôi nổi của một trận chung kết như chờ đợi giữa hai đối thủ khác nhau, Ban tổ chức đã gặp chúng tôi để bầy tỏ điều lo ngại đó. Anh Trần Như Đẩu và tôi tập họp tất cả anh em và nhắc dặn rằng, đây là thời điểm quan trọng nhất được chờ đợi để nêu cao mầu cờ sắc áo và chứng tỏ uy lực cũng như sức mạnh của Thái cực đạo Không quân. Phải tận lực giao đấu với nhau hết mức như trước một đối thủ thực thụ. Tuy vậy tuyệt đối cố gắng để tránh không gây ra những nguy hiểm cho nhau.

Và quả nhiên thật tuyệt vời quá, vì đã nhẹ nhõm về tâm lý nên từng cặp các anh em bước ra sàn đấu rất ung dung thoải mái, nhưng vẫn không kém phần quyết liệt và đẹp mắt. Mỗi một trận đấu là một màn trình diễn ngoạn mục. Các đòn thế sở trường tuyệt kỹ được tung ra cho bằng hết, qua sự di chuyển mau lẹ nơi từng vị trí, từng nơi chỗ khác nhau. Từ các đòn tay nhanh gọn, dứt khoát và chính xác cho đến các đòn chân cho thấy sự khổ luyện, từng ăn điểm rất nhiều trong những trận đấu trước đó, được anh em phô diễn thật hoàn hảo. Tôi không còn nhìn kịp các cú đá thẳng, đá móc, đá xoay hay đá vòng cầu của từng người.Tôi cũng không còn nhớ và phân biệt chính xác về các tên gọi kỹ thuật…Ap Chagi, Dollyo Chagi, Yeop Chagi, Bandae yeop Chagi…Lúc ấy, ngồi bên dưới khán đài, tôi chẳng còn nhìn ra được đâu là Lâm Hal (cao kều và sở trường các đòn chân), đâu là Hoàng Thụy Thông (anh chàng trai trẻ cao gầy, nhỏ nhẻ dễ thương như một thư sinh nhưng vô cùng dũng mãnh trên sàn đấu, là con trai út của cố Đại tá Hoàng Thụy Năm, thuộc Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến Việt Nam Cộng Hòa), lúc nào là Nguyễn Văn Vạn (dân quận Tư, vóc người cao lớn, da ngăm đen và luôn nở nụ cười tươi khoe hàm răng trắng mỗi khi vào trận, có lối đánh rất tỉnh táo lì đòn, dễ hớp hồn đối thủ) cũng như Võ Hồng Sinh, Đào Phúc Thế (hai con người thấp bé hơn đồng đội một chút nhưng di chuyển công thủ nhanh như sóc), hoặc Nguyễn Văn Lộc (cũng rất chắc khỏe, còn có thêm tên gọi Lộc lì, rất càn lướt, đồng đều cả đòn chân lẫn đòn tay)…và ai ở đội A, ai thuộc đội B.

Trận đấu chung kết Giải vô địch Thái cực đạo toàn quốc giữa hai đội Không quân A và B chấm dứt với phần thắng thuộc về đội A, trong tiếng vỗ tay vang dội chào mừng và tán thưỏng nhiệt liệt của số lượng khán giả rất đông đảo có mặt dự khán buổi tối hôm ấy.

Ban tổ chức trao cờ và cúp vô địch cùng huy chương hạng nhất, nhì cho đoàn Thái cực đạo Không quân A và B ngay trên sàn đấu. Trong tôi lúc ấy, tự nhiên cũng lâng lâng một cảm xúc thật khó tả vì như có điều gì đó thật trang trọng quá.

Từ trong đại sảnh thao đường ra đến ngoài sân, người hâm mộ và thân hữu Không quân ùa đến vây quanh vòng trong vòng ngoài để chia vui và chúc mừng. Ai cũng muốn xiết chặt bàn tay với các nhà vô địch, đang tươi cười rạng rỡ trong niềm hân hoan vui sướng tột cùng. Tôi đón nhận cái bắt tay rồi từng nhịp vỗ vai thật vồn vã và nụ cười tươi của Thiếu tá Sĩ Phú, một trong những ông anh ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư lệnh Không quân. Hẳn rằng anh đã bỏ một buổi tối đi hát ở phòng trà ngoài phố, đến đây từ sớm để cổ võ và ủng hộ gà nhà.

Ánh đèn Flash của máy chụp hình lóe lên liên hồi mãi mới dứt. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười vui mà không nói được gì. Các chàng trai chiến thắng vô cùng bận rộn tíu tít, bị tràn ngập giữa những người thân yêu và bạn bè, trong một bầu không khí cuồng nhiệt sôi nổi đầy phấn khích. Chẳng công trạng gì nhưng tôi là người phải ôm giữ chiếc cúp vô địch suốt từ lúc đó cho đến khi lên xe về tới võ đường trong căn cứ.

Chiến thắng này tiếp nối liên tiếp những mùa giải bất bại của Thái cực đạo Không quân từ những năm tháng đã qua với nhiều thế hệ võ sư, đấu thủ lớp trước. Và thêm một lần nữa, võ đường Thần Phong Không quân Tân Sơn Nhất chứng tỏ hùng hồn về vai trò trụ cột và vị trí tiên phong của mình, cũng như củng cố uy tín sẵn có trong sinh hoạt Thái cực đạo và sự nể vì nơi các đơn vị bạn.

Mấy hôm sau đoàn Thái cực đạo chúng tôi lên trình diện Trung tướng Tư lệnh Không quân để báo cáo thành tích và nhận những lời hỏi han ân cần cùng những lời chúc mừng khen tặng nồng nhiệt.

Anh em được tưởng thưởng chuyến đi Đà lạt thật vui vẻ sảng khoái bên nhau gần một tuần lễ, quên đi những ngày nơi đấu trường khổ nhọc vất vả vừa qua, trước khi chia tay về lại công việc thường nhật của mình ở đơn vị và cùng hẹn một mùa giải kế tiếp.

Thế rồi, cái ngày 30 tháng 4 đau đớn nghẹn ngào ấy ùa đến phũ phàng và cay đắng quá. Không biết cúp vô địch và cờ luân lưu lẫy lừng lần ấy và bao nhiều cờ cúp kỷ niệm chiến tích của những mùa giải khác nữa trước đó, vẫn luôn trưng bầy trang trọng nơi võ đường Thần Phong, đã ra sao và đi về đâu. Làm sao kể cho hết những vô vàn mất mát đau thương của cả dân tộc, đất nước và của quân đội, quân chủng, chứ sá gì những mất mát nhỏ nhoi của võ đường Thần Phong. Và dù chỉ nhỏ nhoi thôi trong sự mất mát lớn lao chung, nhưng ở đấy cũng đã là nơi cất giữ niềm tự hào và hãnh diện của gia đình Thái cực đạo Không quân.

Mấy mươi năm sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhiều lần tôi đi ngang qua trên con đường cũ trong căn cứ, đã được biến đổi thành một trục lộ giao thông, bắt đầu từ chỗ cổng Phi Long Lăng Cha cả ngày nào, rồi chạy dọc dài hết khu vực trại Hoàng Hoa Thám Nhẩy dù năm xưa, mãi cho tới khúc quanh ra hướng Bà Quẹo. Dẫy nhà phố xô lệch của thời bể dâu mọc lên ở hai bên con đường đã dấu khuất đi tất cả mọi hình ảnh, bóng dáng thân quen nơi căn cứ Tân Sơn Nhất tháng ngày thân yêu ấy. Tôi không còn nhận ra được nơi đâu là ngã ba ngày xưa vẫn quẹo phải để đi đến Bộ Tư lệnh Không quân và đi tiếp một vài khúc quanh nữa thì tới võ đường Thần Phong cũ. Dường như dẫy nhà chỗ võ đường Thần Phong mới, hồi ấy nằm đâu đây phía bên trái con đường này, bây giờ đã được thay bằng một khu nhà xưởng gì đó, xám ngoét và im lìm xa lạ. Mỗi lần như vậy, bất chợt tôi đều nghe như đâu đây đang vang vọng những âm thanh quen thuộc của từng chuyến bay gầm rú lên xuống ngoài phi đạo xa kia lẫn trong những tiếng. ..Y…Ya…a…a… lanh lảnh từng chập thật đều giọng và hùng tráng.

Năm tháng qua đi để lại biết bao điều nhớ quên được cất dấu, nằm im lìm theo chiều dài của ký ức.Thế rồi bất chợt vào một khoảnh khắc nào từ đâu đó, bỗng dưng có điều gì gợi nhắc như thể viên sỏi ném khẽ vào ao hồ trí nhớ, cũng đủ làm xao động rồi ùa về và hiển hiện lại trước mắt thật nhiều điều chuyện, với những bóng dáng thân quen ở từng nơi chỗ của mỗi một quãng thời gian xưa cũ xa vời vợi.

Bâng khuâng và ngẩn ngơ xao xuyến quá những tháng ngày buồn vui phi trường ấy, tràn ngập bao nỗi nhớ quên, trong đó có nỗi quên nhớ nơi võ đường Thần Phong Tân Sơn Nhất và thật nhiều những huynh đệ anh em.

Houston tháng 3/2016.

ngọctự.

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search