T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Độc Thoại về Tại Sao chúng tôi yêu Chernobyl ?

clip_image002

Ảnh (www.m1key.me)

Đó là năm 1986 – hồi ấy chúng tôi đã như thế nào nhỉ? Chẳng hiểu làm sao mà cái ngày tận cùng của thế giới mang đặc tính kỹ thuật này lại có thể tìm ra chúng tôi được? Chúng tôi là những trí thức ở địa phương, chúng tôi quây quần với nhau lại thành một nhóm nhỏ và có cách sống riêng tách rời khỏi những gì xẩy ra chung quanh. Đó là một cách bầy tỏ sự phản kháng của chúng tôi với thực tại. Quy định riêng của chúng tôi là : không đọc báo Sự Thật (Pravda) nhưng chuyền tay nhau tạp chí Ogonyok (1). Lúc ấy họ cũng có nới lỏng phần nào. Và chúng tôi không bỏ qua cơ hội nên hết sức tận dụng. Chúng tôi đọc Solzhenitsyn (2), Shalamov (3), đến nhà thăm lẫn nhau với những câu chuyện bất tận bên bàn ăn. Chúng tôi muốn được thêm một chút gì đó từ cuộc sống. Thứ gì nào? Chẳng hạn – ở đâu đó có những tài tử xi nê – như Catherine Deneuve (4) đầu đội mũ nồi. Chúng tôi muốn có tự do. Trong giới trí thức chúng tôi có người đã quá thất vọng, tìm niềm vui trong men rượu. Có kẻ quyết thăng tiến nghề nghiệp bằng cách gia nhập đảng Cộng Sản. Không một ai nghĩ chế độ này có thể bị sụp đổ. Nếu như thế, chúng tôi nghĩ, nếu chế độ này sẽ trường tồn mãi mãi, thì mặc xác hết thẩy mọi người. Chúng tôi sẽ thu mình lại trong thế giới nhỏ bé của chúng tôi.

Thế rồi vụ nổ Chernobyl xẩy ra. Ban đầu, phản ứng của chúng tôi cũng giống như với những sự cố khác trước đây. Có liên quan gì đến chúng tôi? Hãy cứ để cho chính quyền họ lo liệu. Đó là chức trách của họ mà. Vả lại,  Chernobyl ở xa chúng tôi. Thậm chí chúng tôi không buồn nhìn bản đồ xem nó ở mãi đâu. Ở thời điểm đó thì trong chúng tôi không ai bận tâm tìm biết sự thực làm gì.

Nhưng khi những chai sữa có dán  nhãn hiệu đại loại, “Dành cho trẻ em”, “Dành cho người lớn” – thì lúc ấy câu chuyện đã trở nên khác. Chúng tôi cảm thấy sự biến Chernobyl đang tiến gần đến mình. Tôi chẳng phải là đảng viên đảng Cộng sản, nhưng tôi sống ở đây. Chúng tôi bắt đầu lo sợ. “Sao mà lá cây củ cải tím nó giống lá cây củ cải đường đến thế?”. Rồi trên truyền hình, người ta ra rả bảo: “Chớ có nghe lời truyên truyền khiêu khích của bọn tư bản phương Tây!”. Chúng tôi hiểu ngay tức khắc chuyện gì đã xẩy ra.

Cái ngày diễu binh tháng 5 hàng năm? Không ai buộc chúng tôi phải tham dự – không ai buộc tôi phải có mặt ở đó. Chúng tôi đã có quyền lựa chọn và chúng tôi đã không dám sử dụng quyền ấy. Tôi không nhớ được có cuộc tụ họp của quần chúng nào mà đông đảo, mà vui vẻ như cuộc diễu hành mừng lễ Chiến Thắng lần này. Bởi vì mọi người ai cũng lo lắng, nên họ muốn trở thành là một với bầy đàn, muốn được sát cánh bên nhau. Người ta cần một ai đó để nguyền rủa, chính quyền, giới chức hữu trách, đảng Cộng Sản. Giờ đây tôi nhìn lại những ngày ấy, cố tìm ra chỗ mà giọt nước đổ vào nó đã làm tràn ly. Chỗ nào thế nhỉ? Dường như trước cả khi vụ Chernobyl xẩy ra. Và lúc ấy, chúng tôi không một ai muốn tìm hiểu sự thật. Chúng tôi chỉ muốn biết liệu củ cải ăn vào có bị sao không mà thôi.

Tôi là một kỹ sư làm việc ở xưởng Khimvolokno. Lúc ấy có một nhóm các chuyên gia người Đông Đức đang ở đó để lắp đặt các trang thiết bị mới. Tôi đã có dịp quan sát người nước khác, có nền văn hóa khác, hành xử như thế nào. Khi được biết về tai nạn xẩy ra ở Chernobyl, ngay lập tức họ yêu cầu được chăm sóc về y tế, được có dụng cụ đo độ nhiễm phóng xạ và một nguồn cung cấp thực phẩm bảo đảm. Họ nghe đài phát thanh của Đức nên biết họ sẽ phải làm gì. Lẽ tất nhiên, những yêu sách của họ đã bị bác bỏ. Thế là họ lập tức gói ghém đồ đạc chuẩn bị về nước. Hãy mua vé máy bay cho chúng tôi. Hãy đưa chúng tôi về nước? Nếu quý ông không bảo đảm được sự an toàn cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ đi ngay. Cứ thế họ phản đối, đánh điện về cho chính quyền nước họ. Họ không ngại tranh đấu cho những người thân trong gia đình : Vợ, con, những người theo họ đến sống và làm việc ở đây. Còn chúng tôi? chúng tôi đã phản ứng như thế nào? Ồ, cái đám người Đức ấy, họ đã quá được nuông chiều, nên ngạo mạn – nên dễ bị khích động. Cái đám người chết nhát ấy! Đo cả chất phóng xạ trong xúp cải, trong gói thịt đã xay nghiền! Cứ như thể trò đùa ấy! Còn người của chúng ta thì thật tuyệt, họ mới thực sự là đàn ông chứ. Những trang nam nhi chi chí của dân tộc Nga. Những con người liều lĩnh. Họ đứng lên đối phó với trạm hạt nhân. Họ không quản ngại cả đến mạng sống của mình. Họ leo lên mái lò phản ứng, dọn dẹp các thứ với hai bàn tay trần, hoặc chỉ đeo những chiếc găng tay bằng vải thô (chúng tôi đã thấy chiếu họ trên truyền hình). Còn con cái của chúng ta thì cầm cờ gia nhập những đám diễu hành trên đường phố. Cùng với các cựu chiến binh, những vệ quốc quân già lão. {Suy nghĩ}. Nhưng, xét cho cùng, đó là một hình thức của sự dã man, sự thiếu vắng lòng quan tâm đến chính mình. Chúng ta luôn luôn nói “chúng ta”, và không bao giờ xưng “tôi”. “Chúng ta trình diễn cho họ biết thế nào là chủ nghĩa anh hùng Xô Viết”; “Chúng ta giải thích cho mọi người biết tính cách Xô Viết được tạo nên bởi những điều gì.”. Chúng ta tự khoe mình trước những đôi mắt của toàn thế giới. Nhưng, tôi chỉ là tôi, tôi chứ không phải chúng ta. Và tôi không muốn chết. Tôi sợ lắm.

Thật thú vị khi được tự ngắm mình, tự ghi nhận những cảm tưởng của mình. Những cảm tưởng ấy có được là do đâu và chúng đã thay đổi như thế nào? Tự tôi cảm thấy rằng kể từ lúc ấy, tôi đã chú ý đến thế giới chung quanh mình nhiều hơn. Sau vụ Chernobyl, đó là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên. Chúng tôi đã bắt đầu học nói “Tôi”. Tôi không muốn chết. Tôi sợ lắm.

Đế chế vĩ đại ấy đã sụp đổ, đã vỡ rời ra thành từng mảnh. Trước hết, là ở Afghanistan, rồi kế đến là ở Chernobyl. Khi nó tan rã, chúng tôi cảm thấy mình trở nên cô độc. Tôi sợ phải nói ra, nhưng thực sự chúng tôi yêu Chernobyl. Nó đã trở thành ý nghĩa cho cuộc sống của chúng tôi. Ý nghĩa của những nỗi thống khổ mà chúng tôi chịu đựng. Giống như trong một cuộc chiến tranh. Nhờ Chernobyl, thế giới mới biết chúng tôi hiện hữu. Nó đã mở một cánh cửa cho chúng tôi nhìn sang châu Âu. Chúng tôi là nạn nhân của Chernobyl, nhưng đồng thời chúng tôi cũng là những người đi rao giảng về Chernobyl. Tôi sợ phải nói lên điều đó, nhưng đó là sự thật.

Bây giờ nói về công việc của tôi. Tôi đến đó, quan sát. Ở trong Khu Cấm, người ta vẫn còn sống trong sự sợ hãi, giữa những ngôi nhà đổ nát của mình. Họ muốn chủ nghĩa Cộng Sản trở lại. Trong tất cả các cuộc bầu cử, họ chọn những bàn tay sắt, họ vẫn mơ mộng về thời đại Stalin, thời của bọn quân phiệt. Mà quả thật, ở đó họ sống theo kiểu quân sự : Trạm gác cảnh sát, những người mặc đồng phục, một hệ thống kiểm soát sự đi lại, sự phân chia thực  phẩm, cả một hệ thống thư lại phân chia các vật phẩm cứu trợ. Ngoài những thùng đựng vật phẩm cứu trợ, luôn có hàng chữ ghi bằng tiếng Đức và tiếng Nga : “Không được mua bán hay trao đổi”. Thế nhưng chúng được đem ra bán, được đổi chác ngay bên cạnh đó, ở mỗi cửa hàng bất kể nhỏ lớn.

Tất cả diễn ra như một trò chơi, như một màn trình diễn. Tôi có mặt trong một phái đoàn cứu trợ của người nước ngoài với những vật phẩm họ mang theo nhân danh đạo giáo của họ hay bất cứ thứ gì tương tự. Và ngoài kia, giữa vũng nước đọng, giữa đám bùn lầy lội, trong những chiếc áo khoác và găng tay, chân đi ủng rẻ tiền,  là những người dân của nước tôi. “Chúng tôi không cần gì cả,”, nhưng đôi mắt lại như muốn nhắn nhủ “có cho thì chúng cũng sẽ bị lấy cắp đem đi mất mà thôi”. Và không thể không nhìn thấy ước muốn của họ, muốn có được chút gì đó, một món gì đó, mang hơi hướm nước ngoài. Chúng tôi biết hiện những bà cụ già này sống ở đâu. Bỗng nhiên trong tôi trào lên một ý tưởng đầy giận dữ và rất đáng ghê tởm. “Được rồi, nghe tôi bảo đây nhé. Các ông bà sẽ không thấy thứ này ở Phi Châu. Không thấy ở đâu hết cả. Này nhé, 200 curie, 300 curie.”. Tôi cũng đã nhận thấy mấy cụ già có thay đổi – một số trong họ bây giờ đã rất giỏi đóng kịch. Họ thuộc lòng vai diễn của mình, và biết rơi nước mắt đúng chỗ. Hồi trước, khi những người khách nước ngoài lần đầu xuất hiện, các cụ không biết nói gì, chỉ đứng đó nhìn rồi khóc. Bây giờ thì họ đã biết mình nên nói điều gì rồi. Có thể nhờ vậy, họ nhận thêm được gói kẹo cao su cho đám trẻ, hoặc thêm một bọc quần áo. Và điều này xẩy ra ở ngay bên cạnh một triết lý sống sâu sắc – tức mối quan hệ của họ với thần chết, với thời gian. Và cũng chẳng phải vì mấy cục kẹo cao su hay hộp sô cô la mang nhãn hiệu Đức mà họ từ chối lìa bỏ những căn lều nông dân nơi họ từng sống gần hết cuộc đời của mình.

Trên đường trở về, mặt trời đang lặn. Tôi nói với mọi người : “hãy nhìn kìa, mảnh đất này tuyệt diệu biết là chừng nào!”. Ánh chiều tà chiếu lung linh trên khu rừng và cánh đồng trước mặt, như thể đang nói lời từ giã chúng ta. Một trong những người Đức hiện diện trong đoàn đáp lại bằng tiếng Nga, “Đúng vậy. Vùng đất này thật đẹp, nhưng nó đã bị ô nhiễm”. Trên tay ông ta là một cái máy đo độ nhiễm xạ môi trường chung quanh. Tôi nhận ra rằng ánh chiều tà tuyệt đẹp này chỉ để dành cho tôi. Đây là quê hương của tôi. Và tôi là người sống trên mảnh đất này.

 Natalya Arsenyevna Roslova, Chủ tịch Hiệp Hội Phụ Nữ Mogilev vì Trẻ Em của Chernobyl.

 Chú Thích :

(1) Ogonyok: tên một tuần báo lâu đời nhất ở nước Nga ( từ năm 1899), đến nay vẫn còn phát hành.

(2) Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008) :nhà văn phản kháng Nga, gỉai Nobel về văn chương 1970.

(3) Varlam Shalamov (1907-1982) : nhà văn, nhà thơ người Nga, từng bị Stalin cầm tù ở quần đảo Gulag.

(4) Catherine Deneuve (1943 – ): Diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Pháp.

 

 

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search