T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thành: Tình Xuân

“. . .Nhạc có lời thì ngoài Giấc Mơ Hồi Hương mà ai cũng có thể nhớ hoặc hát, lại thường hát sai, theo nhận xét của chính ông, các bài khác đều thuộc loại bất hủ, nhưng đòi hỏi trình độ của người hát: Nhặt Cánh Sao Rơi, Nhớ Bạn, Say Nhạc Canh Tàn, Gió Thoảng Hương Duyên, Gửi Áng Mây Hàng, Tình Xuân, v.v… Bao giờ đông đảo người nghe có thể hiểu và yêu được nhạc Vũ Thành thì chúng ta có còn giữ được các tác phẩm ấy không?”

Vũ Thành: Tình Xuân

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Tinh xuan -1 Tinh xuan -2

Tinh xuan -3 Tinh xuan -4

 Tình Xuân – Sáng tác: Vũ Thành

Trình Bày: Duy Trác (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Đọc Thêm:

Vũ Thành nhặt cánh sao rơi – Quỳnh Giao
(Nguồn: Người Việt tháng 11, 2005)

clip_image002

Từ lâu, khi trời vào Thu là Quỳnh Giao lại nhớ đến một số nghệ sĩ đã quá vãng của tân nhạc. Có lẽ vì Phạm Ðình Chương sinh vào Tháng Mười Một và mất vào 01 Tháng Tám. Hay vì Vũ Thành, vĩnh biệt chúng ta vào ngày 15 Tháng Mười? Gần đây hơn cả, có Giáo Sư Nguyễn Phụng, giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.

Trong số này một người có những cống hiến đáng kể nhất mà ít được biết tới chính là Vũ Thành.

Phạm Ðình Chương là người có quần chúng, có rất đông bạn hữu, hàng đêm có nơi thi thố tài nghệ. Vậy mà mới chỉ 15 năm sau, nhiều người đã quên, hoặc nhớ sai về ông.

Ðọc một tờ báo trong nước viết về một CD mới gồm bảy ca khúc của ông và nhắc đến một số bài tiêu biểu với những tiếng hát tiêu biểu “của một thời đã qua”, thí dụ như Hội Trùng Dương với tiếng hát Thái Thanh, Xóm Ðêm với Lệ Thu và Ðôi Mắt Người Sơn Tây với Thái Hiền. Quỳnh Giao bỗng thương Hoài Bắc Phạm Ðình Chương và nền tân nhạc. Người viết có lẽ không được nghe nhạc mà chỉ được nghe kể lại. Phạm Ðình Chương từ biệt chúng ta chưa lâu lắm mà đã được nhớ lại như vậy, nói gì đến Vũ Thành?

Ca khúc Phạm Ðình Chương qua tiếng hát Thái Thanh thì phải là Người Ði Qua Ðời Tôi, phổ thơ Trần Dạ Từ. Tiếng hát Lệ Thu với Phạm Ðình Chương thì Nửa Hồn Thương Ðau là tuyệt chiêu. Hội Trùng Dương là một trường ca chỉ có thể hát với cả một ban hợp ca, ban Thăng Long với hòa âm của Phạm Ðình Chương là nhất.

Còn Ðôi Mắt Người Sơn Tây? Người hát ca khúc phải là đàn ông, và hát hay nhất không ai bằng Hoài Bắc. Cháu của ông là Thái Hiền mà có hát Phạm Ðình Chương thì Quê Hương Là Người Ðó, thơ Du Tử Lê, mới là bài hay nhất. Hay mà có khi chưa hợp với khẩu vị chính trị ở nhà…

Còn Vũ Thành? Ở nhà nhiều người không biết đã đành. Ngoài này, có người lầm ông với Vũ Thành An.

Vũ Thành sáng tác không nhiều, khoảng hai chục bài, trong đó có nhiều bài là nhạc không lời nên bị lỗ. Muốn trình bày các nhạc khúc ấy, như Cạn Một Hồ Trường hay Thụy Khúc – sáng tác cuối cùng trước 1975 – thì phải cả một ban nhạc. Tiền đâu và ai nghe?

Nhạc có lời thì ngoài Giấc Mơ Hồi Hương mà ai cũng có thể nhớ hoặc hát, lại thường hát sai, theo nhận xét của chính ông, các bài khác đều thuộc loại bất hủ, nhưng đòi hỏi trình độ của người hát: Nhặt Cánh Sao Rơi, Nhớ Bạn, Say Nhạc Canh Tàn, Gió Thoảng Hương Duyên, Gửi Áng Mây Hàng, Tình Xuân, v.v… Bao giờ đông đảo người nghe có thể hiểu và yêu được nhạc Vũ Thành thì chúng ta có còn giữ được các tác phẩm ấy không?

Nhắc đến Vũ Thành nhiều người hồ nghi không biết trong khi ấy, bên kia sân khấu, bên trong hậu trường của thời xưa, đồng nghiệp của ông thì ai cũng nhớ đến Vũ Thành với sự quý mến. Ông khó tính với âm nhạc và với chính mình nhưng cực kỳ nhã nhặn và liêm chính với người và việc.

Bên dân sự, Vũ Thành là trưởng phòng văn nghệ của đài phát thanh Sài Gòn và có thể hái ra tiền khi đưa nhạc thương mại lên cho bằng trị giá của tấm phong bì gửi gấm. Nhưng ông từ chối tất cả, sống rất đạm bạc vì lòng ông vuông vức như một khuông nhạc kẻ sẵn. Ngoài đồng lương công chức, ông gẩy đàn và thổi sáo cho các ban nhạc để kiếm thêm tiền.

Bên quân đội, ông là trung tá trưởng ban quân nhạc của phủ tổng thống. Thời chinh chiến, thiếu gì người muốn khoác áo kaki cầm kèn làm vì để khỏi cầm súng? Ðừng tìm đến Vũ Thành, vô ích.

Nỗi đam mê cho chính ông là viết nhạc thì Vũ Thành viết rất ít, cân nhắc từng lời với từng giai điệu. Mỗi ca khúc của ông lại là một phiến kim cương lóng lánh. Vũ Thành là người trong ba năm liền đã đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật, bộ môn âm nhạc, mà chẳng nói ra nên giờ này không còn mấy ai nhớ.

Ông thành công nhiều hơn trong nỗi đam mê cho nghệ thuật: có Vũ Thành, đài phát thanh Sài Gòn có các ban nhạc nổi tiếng của Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Văn Phụng, có những chương trình Phạm Duy, Anh Ngọc, Nguyễn Ðình Toàn, những tiết mục giờ này nhiều người còn nhớ, như Văn Học Nghệ Thuật của Trần Dạ Từ, Phan Lạc Phúc, như Trước Ðèn Ðọc Sách của Mai Thảo, những vở kịch có giá trị của Vi Huyền Ðắc hay Ðinh Xuân Hòa. Sài Gòn một thời trở nên thanh nhã cũng nhờ những người khó tính như ông.

Công phu nhất là những nỗ lực của Vũ Thành để gây dựng được các dàn nhạc đại hòa tấu, giúp Việt Nam góp mặt với năm châu thế giới. Có ảnh hưởng lâu dài và rộng rãi nhất chính là nỗ lực hòa âm và phối khí các ca khúc trình bày cho người nghe hơn là cho người xem.

Sáng tác một ca khúc, nhạc sĩ chỉ cần một dòng nhạc và lời ca. Khi trình bày, người ta cần cả phần hòa âm cho ban nhạc và cho người hát. Một số nhạc sĩ đã có thể vừa viết ca khúc vừa soạn lấy hòa âm, như Phạm Ðình Chương, Hoàng Trọng hay Cung Tiến. Nhiều người khác thì chuyên viết hòa âm, như Nghiêm Phú Phi hay Hồ Ðăng Tín hoặc Lê Văn Thiện, Lê Văn Khoa. Trong số này, Vũ Thành là người soạn hòa âm với kích thước công phu nhất vì chiều sâu văn hóa lẫn nghệ thuật âm nhạc.

Hơn bốn mươi năm về trước, Vũ Thành đã xin ngân sách chính phủ và cùng bằng hữu chọn ra 200 ca khúc hay nhất của Việt Nam để viết hòa âm cho các ban nhạc trình bày. Nhờ vậy mà trình độ tân nhạc thời ấy lên đến tột đỉnh. Kho tàng ấy có khi chẳng còn. Khi Anh Ngọc được ra khỏi nước, hành trang của ông là một số cuốn băng ghi âm các ca khúc đã được Vũ Thành hòa âm thời ấy. Muốn biết thế nào là nhạc hay lời đẹp, Quỳnh Giao nghĩ rằng ta hãy cố tìm và nghe lại các ca khúc này.

Vũ Thành là người âm thầm làm cho tác phẩm của người khác trở nên hay hơn. Ông là người muốn nhặt cánh sao rơi cho cả một thời.

Sau 1975, ông sống như người ẩn dật tại miền Ðông Hoa Kỳ. Sao đã rơi tan tành, chỉ còn những mảnh vụn tứ tán ông không thể nhặt được nữa. Lúc cuối đời, ông lâm trọng bệnh, tai đã hỏng, mắt bên phải bịt dải khăn đen vì không điều chỉnh được hướng nhìn, thanh quản bị hư, ông vẫn thều thào nói về nhạc và chỉ nói về nhạc.

Vũ Thành là tay guitar cứng cỏi và cũng là cây sáo điêu luyện từng ngồi “ghế đầu” của dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam. Truyện Kim Dung có một đoạn cảm động trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Hai người, một đàn một sáo, cùng tấu lên một khúc cuối trước khi lìa đời. Vũ Thành rất thích truyện ấy và tin rằng Kim Dung am hiểu sâu sắc về âm nhạc.

Quỳnh Giao thì tin rằng Vũ Thành đã một mình một đàn một sáo tấu lên một khúc cho đến khi sao rụng rồi thong dong bước qua cõi khác. Ðau buồn nhất là cho những người còn lại.

Không còn nhớ đến cánh sao rơi, đành chơi với mấy mảnh thủy tinh vụn…

clip_image004

Chuyện âm nhạc với Quỳnh Giao: Tiêu Tương Dạ Vũ… Thành

Phải chăng tiếng lòng – Than trong đêm thâu khúc tiêu cầm theo gió…

Trong Hoài Hương Dạ Khúc, Vũ Thành viết như vậy. Mà vì sao lại là khúc tiêu cầm?

Sinh thời, ông là người hâm mộ Kim Dung. Ông mê Kim Dung chẳng những vì truyện võ hiệp ly kỳ mà còn vì những tình tiết tuyệt vời về nhạc ở trong truyện.

Vũ Thành đặc biệt ưa thích nhân vật Mạc Ðại Tiên sinh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Vị chưởng môn phái Hành Sơn là nhân vật cô đơn. Cầm đầu một môn phái ông cứ lủi thủi một mình, lưỡi kiếm mong manh tựa lá liễu thì luồn trong cây hồ cầm. Thân hình gầy gò tiều tụy, Mạc Ðại Tiên sinh chỉ biết một loại nhạc là nhạc buồn. Danh hiệu của ông nói lên điều ấy: Tiêu Tương Dạ Vũ… Ðêm mưa trên dòng Tiêu Tương.

Mưa đã buồn, mưa đêm càng buồn, mà mưa trên dòng Tiêu Tương thì chỉ làm mình thêm đứt ruột.

Kim Dung không cho biết tâm sự buồn của Mạc Ðại Tiên Sinh là gì.

Vũ Thành có đồng cảm chăng mà lại ưa nhân vật ấy? Khi thổi sáo trong ban nhạc, ông lấy tên Tiêu Lang. Anh chàng thổi tiêu. Trong các bài viết về âm nhạc, ông lại dùng bút hiệu Tiêu Tương Dạ Vũ! Phải chăng vì cùng một nỗi u uẩn?

Quỳnh Giao nhớ đến Vũ Thành khi đang xem bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Lần đầu xem phim bộ và lần đầu thấy là đáng xem!

Bộ phim công phu dựng khá sát truyện, với phong cảnh hùng vĩ, trang phục đẹp, diễn viên kỳ quái… Càng xem lại càng nhớ Vũ Thành khi thấy cảnh Khúc Dương Trưởng lão và Lưu Chính Phong, sư đệ của Mạc Ðại Tiên sinh, hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trước khi chết.

Xem chưa hết phim (bốn mươi tập, mỗi tập hơn 40 phút!) đã phải mở sách đọc lại đoạn ấy. Ngày xưa, Vũ Thành cứ khẳng định rằng Kim Dung thông hiểu âm luật trong cách mô tả của ông. Hai người không gặp nhau để Vũ Thành có thể kiểm chứng rằng điều ấy đúng hay sai.

Mạc Ðại Tiên sinh đeo trên lưng cây hồ cầm là đàn tì bà. Tiếng đàn của ông nghe ảo não thê lương, Kim Dung viết thế. Khúc Dương Trưởng lão đánh cây dao cầm, loại đàn cầm bảy dây nổi tiếng trong văn học Trung Hoa. Ðệ nhị cao thủ phái Hành Sơn là Lưu Chính Phong thì thổi tiêu, là sáo thổi dọc.

Vì kết bạn âm nhạc với một trưởng lão Ma Giáo, Lưu Chính Phong xin rửa tay gói kiếm để trọn tình với bạn, nhưng các nhân vật danh môn chính phái cho là không trọn nghĩa. Hai người cùng chết bên nhau dưới tay Ðại tung dương thủ Phí Bân của phái Tung Sơn.

Và Phí Bân bị Mạc Ðại Tiên sinh gảy đàn phóng gươm giết chết, máu phun như mưa…

Ðoạn văn tuyệt diệu nhất của Kim Dung về buổi tuyệt mệnh trong nhạc của Khúc Dương và Lưu Chính Phong làm người yêu nhạc phải rùng mình.

Khúc “Tiếu Ngạo Giang Hồ” được tấu lên trong đêm vắng giữa rừng hoang. Âm điệu hòa bình trung chính của tiếng cầm gióng đôi với tiếng tiêu thanh cao u nhã làm rung động lòng người. Hai nhạc khí đối đáp tâm tình hai người, tiếng đàn dần dần lên cao vòi vọi còn tiếng tiêu lại trầm xuống, mà không dứt. Tựa hồ như gió thoảng qua mà liên miên bất tuyệt khiến người nghe không khỏi bâng khuâng trong dạ.

Kim Dung viết tiếp là tiếng đàn đột nhiên choang choảng ra chiều sát phạt. Một hai tiếng tưởng như chọc vào màng tai khiến người nghe phải kinh tâm động phách, còn tiếng tiêu vẫn dịu dàng uyển chuyển. Lát sau, tiếng đàn lại uyển chuyển khi lên bổng khi xuống trầm. Ðột nhiên, đàn và tiêu cùng biến đổi, tựa hồ bảy tám cây đàn cùng tấu với bảy tám ống tiêu.

Trong một nhạc khí mà phát ra nhiều âm thanh khác nhau…

Chỗ thần diệu này của Kim Dung là đoạn văn Vũ Thành yêu thích. Vũ Thành viết nhạc, chơi đàn và thổi sáo lại còn soạn hòa âm nên hiểu được khả năng diễn tả của các nhạc cụ. Chúng ta cũng có thể hiểu nếu được học và chịu khó nghe…

***

Khúc Dương và Lưu Chính Phong kết bạn với nhau nhờ âm nhạc mà vì giáo phái bất đồng nên đành chết bên nhau. Sau đêm oan nghiệt ấy, Lệnh Hồ Xung được hai người trăng trối với món quà ly biệt là tập nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ðến cuối truyện, Lệnh Hồ Xung lấy cây dao cầm ra và đưa ngọc tiêu cho Nhậm Doanh Doanh. Hai người một chính một tà đã đồng tấu khúc nhạc xưa trong đêm tân hôn của họ. Bên ngoài, đại đa số quần hào không hiểu âm điệu nhưng nghe cũng cảm thấy tinh thần khoan khoái… Người đọc cũng vậy.

Âm nhạc là một nhịp cầu vượt qua được mọi ngăn cách.

Quỳnh Giao có cảm nghĩ ấy khi nghe một nhạc khúc cũng xa lạ với mình như khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trong truyện.

Ðó là El Condor Pasa, (bấm vào để nghe) nhạc khúc cổ vào thế kỷ 18 của dân Incas thời xưa, trên đất Peru ngày nay. Khúc dân nhạc này được ban Los Incas soạn lại và được đôi bạn Simon và Garfunkel giới thiệu cho thế giới năm 1970 trong đĩa nhạc sau cùng mà họ thực hiện với nhau trước khi chia tay (đĩa Bridge Over Troubled Water).

Cũng lại là một nhạc khúc chia tay!

Trong đĩa Simon và Garfunkel, chính ban Los Incas phụ trách phần nhạc của El Condor Pasa, với cây sáo sáu lỗ thổi dọc như ống tiêu Lưu Chính Phong là cây quena, hòa cùng đàn charango mười dây căng thành năm cặp. Thùng đàn charango này xưa làm bằng cái mai của con trút, con amarillo, có phải con xuyên sơn thử không thì Quỳnh Giao không biết, phải hỏi những người ưa uống rượu thuốc ngoài chợ như Lệnh Hồ Xung!

Tiếng quena vi vu lãng đãng trên đỉnh trời xanh trong khi tiếng charango trầm buồn cảnh núi rừng bên dưới và chuyển sang dồn dập tưng bừng như một vũ điệu muôn màu. Nhạc khúc gây liên tưởng đến một đám rước, một đám rước buồn.

Có thể là một đám cưới.

Cô dâu ngồi trong kiệu ngửng lên trời xanh, mong như cánh chim được về chốn cũ, nhạc ngũ cung man mác buồn gợi nhớ đến Tình Quê Hương của Việt Lang. Nỗi buồn day dứt của tiếng sáo lại tương phản với âm thanh dậm dật của đám rước vô tâm bên dưới.

Dưới tên “If I Could”, ca khúc của Simon và Garfunkel bỏ hẳn đoạn hai và tan trong u uẩn, chứ theo nguyên bản thì đàn và sáo cuối cùng hòa nhịp trong nỗi du dương hiền hòa. Một kết thúc có hậu như truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Nếu có dịp, xin lắng nghe El Condor Pasa, và nhớ đến khúc hợp hôn của tiêu và cầm, sự hoàn thành viên mãn cái tâm nguyện của hai người bạn Khúc-Lưu.

Khúc tiêu cầm của Vũ Thành đã có nơi trở về…

Quỳnh Giao
March 21, 2006

Bài Mới Nhất
Search