T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: chuyện mồng hai tôi kể…

16

Ảnh: Lưu Na

“Tết Việt năm nay thật đã với thời tiết không quá lạnh, tết lại đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên tối giao thừa và ngày mồng một ở chùa với nhà thờ thật đông người…” Anh Hiếu nói thế, rồi lấy gói trà trong túi áo lạnh của anh ra khoe bạn bè là trà đặc biệt của người em bên Việt nam qua Mỹ ăn tết đã biếu anh, anh đem vào quán để nhờ pha bình trà ra đãi anh em…

Những người còn lại thi nhau kể chuyện giao thừa và mồng một ở chùa và nhà thờ. Anh Hưng trả lời bạn bè, “Tôi chỉ biết ở nhà từ năm cũ qua năm mới. Hôm nay đã mồng hai, tôi mới ra khỏi nhà khi ông Hiếu gọi đi uống cà phê, uống trà đầu năm. Cũng may hôm nay là Chủ nhật nên anh em đông đủ, chứ tết nhằm ngày thường thì ai cũng phải đi làm. Tết nhất bên này chán chết…”

“Ông Hưng làm quái gì mà cứ ru rú ở nhà mấy ngày tết, gọi mãi cũng không thèm bắt phôn?” Một người khác hỏi.

Anh Hưng trả lời: “…thì cãi nhau, rồi chán, chẳng muốn đi đâu nữa…”

Anh Thảo, là em anh Hiếu, người từ Việt nam bay qua Mỹ ăn tết với gia đình anh Hiếu. Nên cả bàn cà phê cười ngất từ khi đến quán, chào hỏi nhau, vì ai cũng gọi anh Thảo là… Việt kiều! Riêng tôi để ý đến chuyện anh Thảo nói với anh Hưng,

Anh Thảo nói: “Anh Hưng còn cãi nổi sao? Em thì từ lâu lắm rồi, em không cãi bà xã em nữa. Cứ chịu hết nổi thì em đi đâu đó vài ngày, đi việc làm ăn thì hay, bằng không rong chơi, thăm thú bạn bè. Bởi em thấy cãi lại thì đỡ tức được lúc đó, nhưng sau đó mới nặng nề… thấy giận mình, giận vợ sao không nhường nhịn nhau… nhiều khi vợ chồng lớn tiếng với nhau, nhưng sau đó bình tâm nghĩ lại thì chuyện chẳng đáng chút nào.”

Anh Hưng nói: “Thì chú Thảo làm ăn thương mại, có đồng ra đồng vào nên dễ dàng hơn chúng tôi bên đây đi làm hãng xưởng. Chú lại ở Việt nam, lúc nào chả gặp được bạn bè để giải khuây. Trong khi chúng tôi bên đây lệ thuộc vào việc làm, về nhà thì không hàng xóm, chẳng bạn bè; căn nhà xứ ôn này lại bưng bít như nhà tù, lại chạm trán bà tù trưởng chỉ thích soi mói đời tư người khác, chuyện bé xé ra to… đến Phật cũng cãi chứ huống chi người trần…”

Anh Thảo nói: “Nhưng anh Hưng có bao giờ cãi thắng chị nhà không? Vợ chồng em khắc khẩu nên cãi nhau từ ngày chưa cưới. Đó là tiền đề của mâu thuẫn, bây giờ là hậu quả thôi! Qua bao nhiêu năm em nghiệm ra cái vô lý của đàn bà cãi chồng là càng đuối lý càng ngang bướng nên chuyện bé xé ra to; trong khi đàn ông cũng không bình thường là khi chắc thắng thì lại hạ giọng, lại nhường nhịn, ra vẻ ta đây! Vậy sao không nhịn từ đầu cho vui nhà vui cửa, khỏi thấy khó coi sau khi cãi nhau, nhất là cãi vả vì những chuyện không đáng…”

“… thì đấy mới là nguyên nhân của cãi vả.” Anh Hưng nói tiếp: “Vì cái gì đàn ông thấy không đáng thì đàn bà cho là quan trọng, và ngược lại đấy chú Thảo à! Này nhé, tôi với nhà tôi bắt đầu cãi nhau từ hôm đưa ông Táo về trời. Tôi chỉ nói đùa với bạn tôi qua điện thoại thôi: Hôm nay người Việt đưa ông Táo về trời, còn người Mỹ đưa ông Obama về vườn. Thế là nhà tôi sầm mặt, nói năng như mắng vào tôi: Ông chỉ giỏi ngồi lê quán xá, a dua a tòng với đảng Cộng hoà, suốt ngày chỉ thích chiến tranh, đi đánh hết nước này đến nước khác cho hao tài tốn của nước Mỹ chứ ích gì. Mà nào có thắng ai đâu, chỉ mất người mất của… Rồi nhà tôi kết luận: Một bọn rách việc, nhàn cư vi bất thiện…

Tôi làm sao chịu nổi sỉ nhục như thế chứ? Tôi từng đi lính Việt nam Cộng hoà. Tôi tin không người lính nào khi cầm cây súng trên tay mà không có lý tưởng. Tôi quạt lại ngay, dù mẹ tôi nói thế tôi cũng cự chứ nói gì vợ: Đàn bà biết gì…!

Thế là ông Táo về trời, ông Obama về vườn, tôi về nhà mẹ tôi!”

Cả bàn lắng nghe chuyện anh Thảo với anh Hưng nên cả bàn cười no. Câu chuyện lôi cuốn hơn khi đi vô chi tiết. Anh Thảo giận vợ rộng tay với mấy đứa em chồng. Theo ý anh, tuy tết nhất tới, anh chị làm ăn được thì giúp đỡ em út trong nhà là phải. Nhưng tuy là em ruột của anh thì cũng phải làm mới có, không thể lơ mơ, lông bông ăn chơi, rồi năm hết tết đến thì níu áo chị dâu vì biết chị dâu thương anh trai mình nên ỷ lại.”

Tôi ngồi nghe chuyện như cái máy ghi âm chuyện cổ tích đời thường vì thật sự không biết là anh Thảo đúng hay vợ anh đúng vì lý lẽ của ai cũng đúng. Hình như cái sai trật ở những người em ỷ lại, mà người ỷ lại thì đời nào cũng lắm, nên người tự lập mới đáng qúy, mà cái gì qúy thì thường bị hiếm. Nhưng suy nghĩ đó đâu dám nói ra vì chưa nói đã biết sẽ bị mắng là lý luận vòng vòng… nên chuyện mồng hai tôi kể cho anh Thảo và anh Hưng nghe, cũng như kể cho hết bàn cà phê bạn hữu nơi tôi ở…

Các anh ạ! Chuyện đàn bà vào tuổi giã biệt kinh kỳ thì hết anh em ta đều là nạn nhân của người yêu dấu. Nhưng đó mới là vế đầu, vế sau là đàn ông có tuổi cũng thay đổi đến bản thân không kịp nhận thức. Đó là những chuyện riêng, chuyện nhà mà các anh vừa kể. Nếu bình tâm lại để nhớ ra thì khi còn trẻ, các anh không kể chuyện nhà với bạn bè vì chủ đề chính trên bàn cà phê, bàn nhậu của cánh đàn ông chỉ là chuyện tiếu lâm về phụ nữ và chuyện kiếm tiền. Bây giờ ngồi kể nhau nghe chuyện vợ chồng nhà tôi… có khác nào các anh cũng giã biệt sức chịu đựng, lòng bao dung rồi không? Đàn ông về già thường nhỏ nhặt, chấp nhất, ích kỷ hơn khi trẻ mà dân gian thô thiển cứ nói quấy nói quá đi là trở già khó tính…

Tại sao hồi trẻ lại nhường nhịn nhau được mà về già lại hay cãi cọ, lớn tiếng với nhau, đơn giản là thời gian đánh lừa mỗi người đều suy nghĩ đã sống chung bao năm nên hiểu nhau. Nhưng bình tâm ngồi nhớ lại thử xem, có phải khi còn trẻ thì trò chuyện với nhau nhiều hơn nên thật sự hiểu nhau hơn; còn về già thì ít nói, mà lại hay hờn. Theo thời gian mỗi người đều tự cô lập mình trong ý nghĩ riêng tư để cuối cùng là hết hiểu nhau mà cứ nghĩ là đã hiểu hết về nhau…

Tôi có đọc một câu chuyện và nhớ được để suy nghĩ là như thế này,

Một vị hiền triết dẫn theo nhóm đệ tử ra sông tắm giặt. Khi đến bờ sông, họ nhìn thấy một gia đình đang quát tháo nhau ầm ĩ… Ông nhìn họ một lát, rồi hỏi những đệ tử của mình: “Các con có biết vì sao người ta thường la hét mỗi khi nổi giận không?”

Các đệ tử suy nghĩ một lúc, một người nói: “Người ta la hét vì mất bình tĩnh.”

Thầy hỏi tiếp: “Nhưng vì sao phải la hét người đứng trước mặt con? Con hoàn toàn có thể nói với người đối diện một cách nhẹ nhàng hơn cơ mà?”

Các đệ tử đưa ra vài câu trả lời khác nhau nhưng không câu nào đủ sức thuyết phục.

Sau khi nghe tất cả các đệ tử tỏ bày suy nghĩ của từng cá nhân, vị hiền triết mới giải thích: “Khi hai người đang bực tức nhau, đó là khi tấm lòng của họ đang ở cách nhau rất xa. Họ buộc phải hét lên để vượt qua khoảng cách đó để có thể nghe được nhau nói gì. Và điều gì sẽ xảy ra đối với hai người đang yêu nhau? Họ không la hét hay quát tháo mà trò chuyện rất nhẹ nhàng. Khi đó tâm hồn họ ở rất gần nhau, giữa họ không tồn tại khoảng cách, hoặc nếu có thì rất nhỏ… Điều gì sẽ xảy ra khi họ yêu nhau hơn nữa? Họ không cần nói, chỉ thì thầm, thủ thỉ nhưng tình cảm của họ ngày càng trở nên sâu đậm. Cuối cùng, thậm chí họ không cần thì thầm, họ chỉ nhìn nhau và hiểu tất cả. Nghĩa là càng yêu nhau nhiều, con người ta càng trở nên gần gũi và thấu hiểu.”

Vị hiền triết nhìn các đệ tử rồi trầm ngâm: “Khi các con tranh cãi cùng với sự tức giận là các con đang đẩy nhau ra xa. Vì thế đừng bao giờ nói những lời làm người khác tổn thương. Đến lúc, khi khoảng cách trở nên quá lớn, các con sẽ không thể tìm thấy đường về…”

Tôi đọc câu chuyện đó rồi so sánh với đời thực, các anh ạ! Khi chúng ta cảm thấy khó chịu hay tức giận một ai đó trong cuộc sống, là khi chúng ta không hài lòng và đang phán xét họ. Nếu chúng ta dùng tấm lòng khoan dung của mình để thấu hiểu và cảm thông cho họ thì sự việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Mâu thuẫn, xung đột hay tranh cãi sẽ không xảy ra mà chỉ còn lại niềm vui và sự yên bình… Sự độ lượng, tha thứ cho người khác tô đẹp tâm hồn của chính mình, vì chẳng ai cảm thấy thoải mái và dễ chịu nếu cứ hận thù và nghĩ tới lỗi lầm của người khác.

Cảm ơn anh Hưng là người đầu tiên tuyên bố là tôi đúng, dù chỉ một nửa. Một nửa đây là tôi đúng về lý thuyết; nửa còn lại là mấy ai còn nhớ lý thuyết khi cơn nóng giận trào sôi từ trong lòng trào ra như nham thạch núi lửa, ai mà cản nổi. Bởi thế người ta lại trí trá là duyên có khởi thì duyên có tận để xoa dịu lòng mình nhiều hơn là học và tập thiền tịnh để ức chế những cơn nóng giận ngùn ngụt dâng tràn như nham thạch khi núi lửa đã phun.

Càng luận lý càng xa, chi bằng gần là già rồi thì chín bỏ làm mười cho nhau, khi quỹ thời gian còn lại đã không nhiều thì nên mở hơn là thắt cho bớt uổng công đi chùa với nhà thờ rồi bỏ ngoài tai Kinh thánh với Phật sách, như người uống trà thường cảm ơn người mời trà; chỉ người thèm trà mới biết ơn người trồng trà…

chuyện mồng hai tôi kể…

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search