T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Yên Sơn: Đọc “Bông Hoa Trên Phím” của Hoàng Quân

clip_image002

Tôi biết đến Hoàng Quân trong một dịp rất tình cờ vào năm 2014. Năm đó, tôi chịu trách nhiệm thực hiện tập Kỷ Yếu Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi. Hoàng Quân đã gửi bài tham gia với lòng tự tin cao độ về khả năng chính tả, văn phạm Việt ngữ của mình. Thấy là một cô nương còn trẻ, thực sự tôi không mấy tin tưởng, cho đến khi quen biết nhiều hơn. Sau một thời gian ngắn trao đổi email qua lại, Hoàng Quân đã cho tôi đọc thêm nhiều truyện ngắn, bút ký của cô… và thực lòng tôi có phần mến phục.

Sau khi tập Kỷ Yếu hoàn thành, sự liên lạc của chúng tôi có phần thưa thớt hơn nhiều. Cho đến một ngày đẹp trời của tháng 6/2015 ở Kingwood, Texas, USA… tôi nhận được tập truyện ngắn “Bông Hoa Trên Phím” của Hoàng Quân ưu ái đề tặng qua đường bưu điện từ một vùng trời Đức Quốc xa xăm.

Cầm tập sách xinh xắn trên tay, tôi mân mê món quà đặc biệt và rất ưu ái. Màu sắc và hình ảnh bìa sách rất thanh nhã với vài đoá hồng nằm cố ý trên phím đàn của một cây ghi-ta cổ điển, ở giữa trang, trên nền một trang giấy học trò đầy nét chữ con gái mềm mại, rất bay bướm, nội dung của các bản thảo lờ mờ ở hậu cảnh. Hình thức tập sách rất lạ, khổ 15cm x 17cm trông gần như vuông vức. Bìa và trang trong nguyên tập sách đều dùng toàn giấy bóng, loại rất tốt. Đây là tập tự truyện của tác giả viết để chia sẻ với bạn bè, với thân hữu. Kể như tôi may mắn khi nhận được tập văn này. Sách dày 146 trang gồm 12 truyện ngắn, trình bày trang nhã, hình ảnh minh hoạ vẽ bằng tay, rất dễ thương, rải rác trong các bài viết.

Lần giở từng trang, đọc từng truyện.

Truyện “Đường Vui Chung Bước” đưa người đọc trở về thời học trò hoa mộng trong thế giới của các cô nương cùng những kỷ niệm tuyệt vời mà ai ai cũng muốn có cơ hội quay mặt ngó về. Giọng văn dí dỏm, dễ thương; nhất là câu chuyện email đọc chữ Việt không dấu.

Truyện “Khi Mười Bảy Tuổi” nói về mốc thời gian chuyển biến của một người con gái, từ thơ ngây hồn nhiên bất ngờ con tim biết rung nhịp đập trước tình cảm trai gái, trước những mộng, những mơ lãng đãng tưởng như tình yêu tạo nên dấu ấn của một thời mới lớn. Giọng văn bình dị, chân thật, rất con gái.

Truyện “Bông Hoa Trên Phím” là truyện tiêu biểu, dài nhất của tập sách. Nội dung cốt truyện nói về tình nghĩa thầy trò và sự đam mê đàn phách của tác giả. Sau bao nhiêu năm Thầy Trò có cơ hội gặp lại nhau trên đất khách quê người vẫn với tình cảm tự nhiên, vẫn với niềm yêu mến âm nhạc tràn đầy. Hoàng Quân cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh nhỏ khác của mình qua sự yêu thích bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Bài thơ Hồ Trường của những nam nhi đại trượng phu thất chí, ai ngờ cũng có thể làm rung cảm tâm hồn của một cô nương đam mê đàn và yêu mến âm nhạc.

“Chuyện Chàng Nàng” gồm những tiểu truyện rất vui, rất tếu, rất đời thường của hai vợ chồng có hai tâm tính khác biệt và nàng cố gắng bổ khuyết một cách dịu hiền để có sự hài hoà, dễ thương. Tôi không ngừng mỉm cười từ truyện này qua truyện khác. Điều này cho người đọc thấy thêm một góc cạnh nữa của Hoàng Quân, đó là óc hài hước của một cô nương lý lắc chứ không quá nghiêm khắc, cứng rắn như tôi vẫn tưởng. Và có lẽ đây cũng là một điểm son, đáng quý.

Truyện “Xương Rồng Trổ Hoa”. Trọng tâm của truyện là chân dung của một người vợ hiền, một người mẹ thảo có những sở thích tỉ mẳn rất đàn bà và ước muốn rất bình thường là sự quan tâm của chồng con. Nhưng gặp phải một người chồng với tâm hồn hời hợt, ít để ý, ít chiều chuộng ví như một cây xương rồng khô héo cần được chăm sóc, tưới nước để có thể có cơ hội trổ hoa như trong câu viết của tác giả, “tôi như cây cỏ tội nghiệp, thích được chăm sóc, được quan tâm như cây cần nước. Có lẽ tôi là cây xương rồng ít được chăm sóc nên èo uột nhưng vẫn sống.” Câu chuyện thật ý nhị, sâu sắc nhưng hơi buồn.

Truyện “Tắt Nắng Buộc Gió”. Nghe tựa đề có vẻ lạ tai, khó hiểu nhưng tác giả đã lấy ý từ 4 câu thơ của Xuân Diệu, “Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất. Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay xa.” Đó là tâm ý của một người lớn tuổi muốn quành lại với thanh xuân, muốn hoà nhập vào trào lưu trẻ hơn… Nhưng quả nhiên, dễ gì tắt được nắng và buộc được gió; dẫu vẫn nghe người thời nay hay đùa, “chúc hạnh phúc cho tới răng long đầu bạc là chúc thọ hơn ông Bành Tổ; vì thời buổi này răng long thì trồng răng mới, đầu bạc thì đã có thuốc nhuộm tóc!” Tâm lý của tác giả cũng bị “giao động theo mùa”; có lúc rất hãnh diện về tuổi tác của mình, có lúc cũng giật mình thấy thời gian qua mau. Thôi thì tắt nắng buộc gió khi nào còn có thể.

“Tuổi Ngọc Cho Nàng Nơi Xứ Người” là một truyện ngắn khác trong tập BHTP. Nội dung là một “lưu bút dài” rất dí dỏm nhưng đầy chân tình của một người bạn (con) trai viết gửi tác giả trước khi lên đường rời khỏi Việt Nam năm xưa. Cả bài văn lẫn bài thơ đều chất chứa một cảm tình rất đặc biệt, khiến mỗi lần đọc lại tác giả đều thấy chạnh lòng, bồi hồi nhớ về một thời đã qua mau.

“Trái Tim Nhiều Ngăn” của Hoàng Quân không phải chỉ dành cho tình yêu nam nữ mà là dành cho mọi thứ tẳn mẳn trên đời từ một bài thơ, một dòng nhạc, một bông hoa, một lời nói… đến bạn bè và những kỷ niệm dấu yêu ngày mới lớn. Lời văn nhẹ nhàng, truyện kể dễ thương.

Truyện “Giấc Mơ Thực Vật” giống như “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Hoàng Quân của chúng ta không muốn làm cây thông ở kiếp sau mà chỉ muốn là nhánh Phong Lan tầm gửi trong lúc ngả lòng, khi bỗng dưng bị mất việc giữa bối cảnh bon chen, kèn cựa của những đồng nghiệp khác phái với nhau. Tâm lý rất chuẩn, chỉ là tôi không bằng lòng cái nhận xét của tác giả khi “vơ đũa cả nắm” đối với thanh niên Việt Nam. Đâu phải ai ai cũng có vẻ ta đây hoặc tự ti mặc cảm!?

Truyện “Thầy Trò, Trường Lớp, Ngày Xưa” kể chuyện về trường Anh Văn đặc biệt của một người Mỹ tên Dave tự nguyện thành lập mà dân Quảng Ngãi gọi là “Trường Ông Đê” hay là “Trường IVS.” IVS là chữ viết tắt của tổ chức International Voluntary Service mà ông Dave là thành viên. Tôi khâm phục trí nhớ của Hoàng Quân, vì đã có thể kể vanh vách tên họ chữ lót của rất nhiều “nhân vật” và bạn học ngày xưa và những cá tính đặc biệt của một số người, nhất là “thầy Kông đẹp giai.” Bài viết sống động vẽ ra một bức tranh sống động, thân thương.

Truyện “Đồng Nghiệp Dị Chủng” là một câu chuyện rất vui, nói tới những “lắt léo” trong ngôn ngữ và cách suy nghĩ cũng như hành xử của tác giả và người đồng nghiệp nam người Đức. Bài viết rất dí dỏm, rất có duyên thể hiện cá tính của tác giả một cách rất cụ thể.

Truyện “Người Ấy Ngày Xưa”. Là truyện ngắn cuối cùng trong tuyển tập. Chuyện kể lần hội ngộ với ba người bạn học nam của gần 30 năm về trước. Trong đó, có anh Luân là người mà tác giả mang ơn đặc biệt vì đã ân cần bửa củi, xách nước giùm cho một cựu “thiên kim tiểu thư” trong hoàn cảnh trái ngang của cuộc sống sau ngày phỏng… tay. Hoàng Quân khéo léo diễn đạt những tâm lý hồi hộp, mừng vui, ngại ngùng khi gặp lại bạn cũ khác phái, mà một thuở dường như cũng… hát Ngày Xưa Hoàng Thị của nhà thơ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Nói tóm lại, tập truyện “Bông Hoa Trên Phím” là tập truyện kể những mảnh đời sống khác nhau của tác giả với giọng văn dí dỏm, hài hước, nghịch ngợm rất có duyên. Cám ơn Hoàng Quân đã chia sẻ và xin trang trọng giới thiệu đến quý thân hữu và độc giả chọn lọc khắp nơi.

Yên Sơn

Viết ở Kingwood, TX nhân ngày đầu năm 2016

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search