T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Thiện Thanh: Mùa Đông Của Anh

“. . .Nhạc tình nói chung dễ được mọi người đón nhận vì nó phản ảnh đúng thực trạng xã hội. Riêng cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thì như chúng ta biết đã nỗi tiếng qua những bản nhạc lính do anh sáng tác trước năm 1975, nhưng trên phương diện „Tình Ca“ anh cũng chẳng chịu nhường bước những nhạc sĩ khác. . .”

Trần Thiện Thanh: Mùa Đông Của Anh

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Mua dong cua anh 1

Mua dong cua anh 2

Mua dong cua anh 3

Mua dong cua anh 4

Mùa Đông Của Anh- Sáng tác: Trần Thiện Thanh

Trình Bày: Thanh Lan (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

(Trích)

Dòng Nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh

 Tạp ghi của Lê-Ngọc Châu

(Nguồn: Calitoday)

Thắm thoát mà đã mười hai (12)  năm trôi qua kể từ khi nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh vĩnh viễn chia tay chúng ta, ra đi ngày 13-05-2005!

Tôi nghe biết đến ca sĩ Nhật Trường khi còn học theo học bậc trung học tại Việt Nam, khi mà  chiến tranh tại quê nhà lúc đó ngày càng khốc liệt hơn và từ đó tôi mới nghe và thấy nhiều bản nhạc viết về đời lính, về tình yêu của lính do anh cũng như nhiều nhạc sĩ khác như quý nhạc sĩ Y Vân, Lam Phương; Hoàng Thi Thơ, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Anh Việt Thu, Lê Minh Bằng, Trúc Phương , Phạm đình Chương, Duy Khánh, Tuấn Khanh và Hoài Linh…sáng tác. Có thể nói, trong số những nhạc sĩ kể trên thì những người thường viết nhiều bản nhạc liên quan đến đời lính chiến thời bấy giờ theo thiển ý tôi là quý nhạc sĩ Lam Phương, Y Vân, cố ca nhạc sĩ Duy Khánh. Và cũng theo nhận định riêng thì có lẽ người viết, sáng tác nhiều nhạc phẩm nhất trên lãnh vực này phải nói là cố nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh.

Tôi nghĩ, có lẽ một phần vì chính anh là người lính tâm lý chiến, mặt khác theo ý riêng của tôi, vì là người trong cuộc nên niềm cảm hứng và tâm trạng lúc nào cũng tiềm tàng trong tâm hồn nên anh mới sáng tác nhiều bản nhạc liên quan đến người lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Và hôm nay, trong khuôn khổ bài này, xin giới thiệu dòng nhạc của cố ns Trần Thiện Thanh qua vài tác phẩm tiêu biểu liên quan đến tình yêu và người lính VNCH do anh sáng tác cũng như đôi khi do chính anh trình bày, từ cái nhìn của một người hâm mộ nhạc của Anh (nhưng thiếu khả năng về nhạc) để chúng ta có dịp cùng tưởng nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa này.

Trước 1975 anh đã cho ra đời nhiều bản nhạc tình liên quan đến tuổi học trò và người lính VNCH vì hoàn cảnh đất nước chiến chinh, vì cộng sản Bắc Việt thời đó luôn tìm cách thôn tính miền Nam nên đành phải xếp bút nghiêng lên đường thi hành nghĩa vụ không ngoài mục đích bảo vệ miền Nam VN tự do cho đến ngày VNCH mất. Cũng dễ hiểu thôi vì tuổi học trò là lứa tuổi hồn nhiên với nhiều mơ ước, lứa tuổi đong đầy kỷ niệm với những mối tình thật thơ mộng… Tuy nhiên điều làm cho tôi thích là vì Anh đã khéo léo gợi lại kỷ niệm, tình yêu vừa lên men thưở còn là học trò mà trong mỗi chúng ta ít nhiều đã có lần trải qua. Xin mời quí vị nghe tâm sự của NT qua những lời hát nhẹ nhàng nhưng đong đầy ý nghĩa của tuổi thơ với bản nhạc Tâm sự người lính trẻ:

Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa
Từ khi ta cách trở, kỷ niệm chưa xóa bao giờ
Cầu xin tóc em còn màu xanh
Xin má em vẫn hồng, và môi em vẫn nồng
Đại đương tình yêu dâng cao sóng
Xin về ngập tràn lòng chúng mình chờ mong.
Tình kia vừa nhen tin đôi lứa 
Xin hẹn một lời dù chỉ một lời thôi!

Có những lúc vì hoàn cảnh chinh chiến không cho phép, chàng trai đã để người yêu hoài công đợi chờ. Người con gái Việt Nam, bản tính vốn thùy mỵ nên nhẹ nhàng trách móc:

Anh dặn em cuối tuần, chờ nhau nơi cuối phố. 
Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh. 
Chiều thứ bảy người đi, sao bóng anh chẳng thấy. 
Rồi nhẹ đôi gót hài, chiều nghiêng bóng dài, áo em dần phai. 
(7 Ngày đợi Mong)

Cố nhạc sĩ TTT đã thay cho những người lính để nói cho người “khác phái” biết rằng lính không phải là những người trai chai đá. Lính cũng có con tim và cũng biết rung động như bao chàng trai khác, hãy nghe nhạc sĩ Nhật Trường (NT) bày tỏ:

Ai nói với em lính không sầu nhớ
Không có trái tim đắm say mộng mơ …

Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương

                        (Ai Nói Với Em)

Anh cũng đã giải thích hộ cho những người bạn vì lý do này hay lý do khác đã mang nghiệp lính như chính mình nếu có lúc dừng chân ngồi viết thư cho gia đình, người yêu với bao nồng nàn chất chứa:

Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước dâu em.

Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.

Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay

Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

            (TìnhThư của Lính)

Chúng ta ít nhiều cũng có bạn bè, người quen lối xóm hay thân nhân “thi hành bổn phận” người công dân thời VNCH mục đích bảo vệ miền Nam Tự Do trước “âm mưu thôn tính” của những người tuy cùng giòng máu từ phương Bắc nhưng theo chủ nghĩa cộng sản. Đời binh nghiệp dầm mưa dải nắng, rày đây mai đó. Hãy nghe NT diễn tả:

Giờ này anh ở đâu?
Pleiku gió núi biên thùy
Giờ này anh ở đâu?
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ này anh ở đâu?
Cà Mau tiếng sét U Minh rừng
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?

(Anh ở đâu)

Đời lính bôn ba nơi chiến trận, số phận có thể nói như chỉ treo mành. Nhật Trường có lẽ nhận thức được 1 điều là sợ làm khổ vợ con hay người yêu vì thế chọn kiếp sống “độc thân” cho nên đôi khi dù muốn… nhưng rồi lại thôi, gói trọn tình yêu hết sức chân tình và cân nhắc:

Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới
Anh thảo rồi, anh lại xé em ơi
Bởi không muốn thấy người yêu nhỏ bé
Một sớm nào, thành góa phụ ngây thơ
Nên đơn cưới, một tờ đơn xin cưới,
Anh viết rồi, rồi anh lại xé em ơi
(Góa Phụ Ngây Thơ)

Vì mang trách nhiệm của ngưới lính lo gìn giữ an ninh trật tự cho hậu phương cũng như lo bảo vệ quê hương thời đó nên lắm khi người lính chỉ được nghỉ phép ngắn hạn. Chúng ta đã biết Trúc Phương qua bản nhạc 24 giờ phép. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (TTT) đi xa hơn một tí, đã diễn tả ngày phép của người lính tình tứ hơn. Hãy nghe TTT thầm thì, mơ ước qua bản nhạc Không Bao Giờ Ngăn Cách:

Anh về với em,

như chim liền cánh như cây liền cành.
Như đò với sông,

như nước xuôi giòng vào lòng biển xanh.
Em ơi trăng còn sáng nên tình yêu vẫn còn mang,
Em ơi sương còn xuống nên tim côi mong sưởi ấm.
Ta xa nhau lâu rồi,

ta mong nhau lâu rồi, gần nhau đêm nay thôi…

Nhớ khi còn đi học, nhà trường thường thực hiện chiến dịch „Em hậu phương, Anh tiền tuyến“ hay ủy lạo người lính VNCH hy sinh cuộc đời để bảo vệ và duy trì an ninh cho đồng bào, để chúng tôi nói chung được an tâm học hành. Lũ con trai chúng tôi thì đâu biết thêu may gì nên đóng góp trên nhiều lãnh vực khác như vẽ tranh, mua quà gởi tặng. Riêng mấy cô, mấy chị phái nữ thì thi đua thêu vá gởi tặng những người anh lính chiến không hề quen biết. Tình cảm đong đầy giữa hậu phương và người lính đang xông pha nơi chiến tuyến đã được TTT gói gấm trong bản nhạc sau đây. Qua lời nhạc anh đã phản ảnh rõ nét tình cảm của người em gái hậu phương và đặc biệt, tâm tình của người yêu âu yếm gởi cho người tình miền xa:

Có người con gái, đông về đan áo ấm ra xa trường
Ước mơ không nhiều, mong niềm vui bé đến phương trời xa
Ai đi trong giá lạnh chẳng nghĩ chuyện người đan áo
Một vừng trăng xẻ bóng chia đôi
Áo đan chưa rồi, lỡ mưa đông về giá lạnh người đi.
Mỗi mùa đông đến, đem từng cơn gió rét run vai gầy
Những ai âm thầm gom đầy nhung nhớ viết lên thành thơ
Trong tâm tư áo dệt bằng những giòng lệ yêu dấu
Tặng người yêu lạnh giá đêm thâu
Đã thương nhau rồi, mấy ai không ngồi đan mộng từng đông.

(Chuyện Tình Người Đan Áo)

Ước mong quê hương không còn chiến tranh cũng là tâm trạng của ns Nhật Trường (NT). Nhưng sự mong ước của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không ủy mỵ và ru ngủ như đã được thể hiện qua một số nhạc sĩ phản chiến thân cộng thời bấy giờ. NT đã tế nhị hơn khi diễn tả tâm trạng mình, tâm trạng của một người lính VNCH. Anh đã nhẹ nhàng thố lộ cùng người yêu

Hẹn em khi khắp nơi yên vui
Mùa xuân ngày đó riêng đôi mình
Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai
Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi
Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang

            (Đồn Vắng Chiều Xuân)

Và ước mơ quê hương thanh bình có lẽ cũng là mơ ước chung của những người lính thời đó như anh để cho các đôi tình nhân gặp lại nhau và có dịp sống lại khoảng đời đã mất. Hãy nghe Trần Thiện Thanh tâm sự qua bản nhạc “Lời tình viết vội“:

…. Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong …
Mai đây thanh bình trở lại đời vui thắm thêm
Anh xin vì em đáp lời nhung nhớ…
Nâng niu hồn em bằng trăng đắm say…
Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng…
Trên vùng yêu đương kết nụ tầm xuân…

Tình ca là một chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Rất nhiều nhạc sĩ đã viết ca khúc liên quan đến tình yêu, có thể do óc tưởng tượng phong phú hay diễn tả chính tâm trạng của mình, chẳng hạn như Tình Ca Ngô Thụy Miên hoặc những bản nhạc tình do các nhạc sĩ tên tuổi Lam Phương, Phạm mạnh Cương, Nguyễn hữu Thiết ..v.v… sáng tác.

Nhạc tình nói chung dễ được mọi người đón nhận vì nó phản ảnh đúng thực trạng xã hội. Riêng cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thì như chúng ta biết đã nỗi tiếng qua những bản nhạc lính do anh sáng tác trước năm 1975, nhưng trên phương diện „Tình Ca“ anh cũng chẳng chịu nhường bước những nhạc sĩ khác.

Người nhạc sĩ đa tài TTT cũng đã mượn ý Xuân để diễn tả tình yêu và Anh đã làm nên bản nhạc tình thật dễ thương. Anh chàng ôn lại kỷ niệm xưa, tỏ tình và kín đáo dặn dò:

Chuyện xửa chuyện xưa. Chuyện từ Xuân trước, Xuân nay chưa nhòa.

            Anh nói  em nghe, thương em từ lúc hoa chưa mặn mà.

            Cầu cho mùa Xuân, nồng nàn lên má em tôi đợi chờ.

(Đám cưới đầu Xuân)

Tình yêu đôi khi là trái đắng. Vì yêu nên lắm khi đôi uyên ương hờn giận, trách nhau là chuyện không tránh được. Chúng ta hãy nghe Nhật Trường tìm lời an ủi người đẹp, tuyệt vời lồng vào đó lời thú tội của anh chàng chỉ muốn chung thủy với người yêu, làm sao mà nàng không rung động được khi nghe:

Ô hay, mắt ngọc lại buồn hay sao??
Khi anh đã nguyện một đời yêu em
Dù cho nét son môi phai mờ
Dù cho mắt xanh kia hững hờ
Và dù năm tháng phôi pha.

(Chờ Đông của NS Trần Thiện Thanh)

Vâng, khi đã vướng vào đường tình, khi đã yêu thì người ta hay mơ mộng. Họ nhớ thương và đếm từng ngày giờ trôi qua, nhất là khi đôi uyên ương hẹn hò gặp gở để rồi mang nỗi thất vọng ê chề nếu người yêu lỗi hẹn, không đến!. Tâm trạng này đã được TTT diễn tả như sau:

Hẹn chiều nay mà sao không thấy em
Gió hiu hiu, lòng bỗng nghe lạnh thêm.
Chiều mù sương hay mù khói thuốc anh?
Em không lại anh nhủ lòng sao đây?

(Chuyện Hẹn Hò )

Tình yêu làm cho “anh chàng” xây nhiều mộng ước thầm kín. Mong tìm nơi để xây tổ ấm cũng là chuyện thường tình. Hãy nghe ước mơ và tâm trạng của Nhật Trường được giấu kín trong bản nhạc với tựa đề Lâu Đài Tình Ái:

Anh sẽ vì em làm thơ tình ái. 
Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài. 
Đợi chờ một đêm trăng nào tới, 
đợi chiều vàng hôn lên làn tóc, 
đợi một lần không gian đổi mới, 
đón hai đứa chúng ta mà thôi…

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không những viết tình ca học trò của mùa Hè nắng ấm, cũng không chỉ viết để ca ngợi tình yêu khi Xuân về hoa nở. Nhật Trường còn viết nhạc diễn tả tình yêu vào Đông. Hãy nghe tác giả tự bộc lộ tâm trạng:

Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới.
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc …
Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian

(Mùa Đông Của Anh)

Một đặc điểm khác, Ns Trần Thiện Thanh đã kết hợp được tình yêu quê hương và mượn giòng nhạc, lời hát để gởi gấm cảm nghĩ của Anh. Cái hay của người nghệ sĩ tài ba này là anh diễn tả nét đẹp quê hương qua lời nhạc nhưng cũng không quên lồng vào khung ảnh đó hình bóng dễ thương của người yêu, của người con gái miền Nam chất phát:

Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần

Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn

Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều

Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm    

Qua bến Bắc Cần Thơ
Nhớ kỷ niệm xưa nông xuồng đêm trăng tỏ
Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon

                   (Chiếc Áo Bà Ba)

(Trích)

  • Lê-Ngọc Châu 
  • (Nam Đức_Tháng 05.2017, nhân ngày giỗ 12 năm của cố Nhạc sĩ  Trần Thiện Thanh)
Bài Mới Nhất
Search