T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Nhân Nghe “Tình Ca”

clip_image001

Nhân nghe nhạc phẩm “Tình Ca” do Mỹ Linh trình bày trong đĩa hát “Phạm Duy – Ngày Trở Về Vol 1,” tôi có một số cảm xúc về track thâu âm lẫn bài hát, nhưng vì ý tưởng lan man, nên tôi để các ý tưởng đó thành những tiểu đoạn nhỏ, thay vì xắp xếp lại thành một bài viết hoàn chỉnh. Mong bạn đọc lượng thứ.

***

Trong “Tình Ca”, tiếng hát Mỹ Linh [và hòa âm của Đức Trí – cám ơn ns Phạm Duy đã bổ sung chi tiết này] đã cố hết sức chứng tỏ cho mọi người (một cách gián tiếp) hộ cho nhạc sĩ Phạm Duy mục đích tối hậu của cuộc trở về của Ông: giới thiệu lại những nhạc phẩm bất hủ của ông và đem chúng chính thức trở về nơi ở của chúng, trong lòng nước Việt Nam, trong lòng người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Từ tiếng còi tàu ra đi (hay trở về ?) trong nhạc dẫn nhập, cho tới tiếng hát mạnh, “nồng nàn”, trữ tình của Mỹ

Linh, cũng như của các giọng hát bè nam nữ, tiếng violon réo rắt ở background, cũng như những chữ lập đi lặp lại sau cùng “tôi yêu … tiếng nước tôi”, những yếu tố đó có gì khác hơn là để làm dậy lên trong lòng người nghe một tình yêu tiếng Việt, yêu nước Việt, và yêu con người Việt Nam?

Thính giả qua bài “Tình Ca” này sẽ cảm thấy con người nhạc sĩ Phạm Duy đã mẫn cảm và yêu “tiếng nước tôi” và đất nước Việt Nam như thế nào mới có thể viết lên những ngôn từ và giai điệu réo rắt, mãnh liệt và nồng nàn đến vậy? Từ đó, người nghe cảm thấy rất thuyết phục và hiểu ra cội nguồn tại sao ns Phạm Duy quyết chí trở về quê nhà.

***

Nghe track nhạc này từ tận Cali xa xăm, trong thời đại toàn cầu hóa: máy computer với hệ điều hành Mỹ (Microsoft), dùng blogger (của google) để làm web chữ việt, nghe nhạc từ máy iPod, tôi cảm nhận thêm một ý nghĩa mới mà “Tình Ca” mang đến. Tiếng Việt, hơn bao giờ hết, là một phương tiện thông tin không thể thiếu được để cho mọi con dân Việt trên trái đất có thể tìm đến với nhau, hiểu và thông cảm với nhau. Cho nên, “tôi yêu tiếng nước tôi” là vậy. Bài nhạc viết lên năm 1953 lại hợp thời hợp cảnh hơn bao giờ hết, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ lỗi thời. Không phải là điều ngẫu nhiên mà “Tình Ca” lại thuộc hàng Top Ten các bài hát được nhiều người xem và nghe nhất tại một website chuyên về sưu tập những tinh hoa nghệ thuật của người Việt (Đặc Trưng.) “Tình Ca” đã được 25154 lượt người xem trong khoảng thời gian 6 năm (Xem 10 bài đọc nhiều nhất bên tay phải tại http://dactrung.net/nhac/default.aspx).

***

Trong đoạn 2 của “Tình Ca”, ns Phạm Duy – theo ý tôi “suy diễn” – đã vẽ nên một cảnh tượng hoành tráng bằng cách dùng cung nhạc.

Tôi yêu đất nước tôi,

nằm phơi phới bên bờ biển xanh Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình Nhìn trùng dương hát câu no lành …

clip_image003

(Về cung nhạc, tôi có nói sơ qua trong bài viết Tìm hiểu nghệ thuật sáng tác nhạc qua ca khúc “Hoa Rụng Ven Sông” của nhạc sĩ Phạm Duy)

***

Mỗi lần tôi chịu để tâm ra nghiền ngẫm một bài hát nào đó của nhạc sĩ Phạm Duy (tựa như thiền sinh tìm hiểu một công án vậy,) nhiều lúc tôi tìm ra nhiều cái “ah-ha”, mà nếu thoảng qua, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ ra những điều đó. “Tình Ca” cũng không là ngoại lệ. Dưới cặp mắt của một môn sinh tự học cách sáng tác nhạc (mặc dù chưa có bài nào ra lò 🙂 hết,) “Tình Ca” là một mẫu mực của phương cách sáng tác chân phương, đầy đủ hỷ nộ ái ố, có mở bài, dẫn chứng, kết bài, v.v., nói tóm lại là có rất nhiều cái để học. Tôi xin đơn cử vài điều nhận xét như sau:

1. Cấu trúc bài rất chặt chẽ của cả 3 lời nhạc, đâu ra đấy. Thí dụ trong đoạn một, mở bài là “Tôi yêu tiếng nước tôi,” thì sau đó dẫn chứng liền: không phải chỉ mình tôi yêu mà cả đất nước bốn ngàn năm của tôi ai cũng yêu hết, thoắt cái tôi được thừa hưởng di sản văn hoá ấy, với đủ cung bậc giận hờn, nhớ nhung,v.v. rồi thì tác giả đưa về thực tế: yêu tiếng Việt là yêu luôn cả miệng xinh ăn nói (tiếng việt) của cô láng giềng!

Lời nhạc do đó không những nhẹ nhàng mà còn có sức thuyết phục, kèm theo cái cười ý nhị. Hai đoạn sau nói về đất nước và con người Việt Nam cũng mở bài, thân bài, và kết cục gọn gàng, chỉnh, chặt chẽ như vậy. Tuyệt nhiên không thấy cái lan man, lạc đề, lờ đờ ở đâu cả? Tôi có vài dịp nghe nhiều bài nhạc phổ thơ của các nhạc sĩ khác, nhiều khi họ bê nguyên con vào thành bài nhạc, thành ra nghe như là ngâm thơ, không có cấu trúc rõ rệt, thế có khổ không chứ?

2. Trong bài thực ra có tới 5 nhạc đề khác nhau:

· a.Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời À à ơi ! Tiếng ru muôn đời

· b.Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

· c.Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi (phát triển từ nhạc đề

“b”)

· d.Tôi yêu tiếng ngang trời Những câu hò giận hờn không nguôi Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

· e.Một yêu câu hát Truyện Kiều

Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta Và yêu cô gái bên nhà

Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên…

Thế mà chúng vẫn liên kết với nhau thật liền lạc, do nhạc sĩ khéo léo xắp xếp nhịp điệu xen lẫn nhau, cũng như sau 4 đoạn nhỏ cùng nhịp 4/4 thành nhịp nhanh hơn 2/4, chưa kể nhạc sĩ còn chuyển từ cung thứ sang trưởng, cũng như thay đổi bậc ngũ cung liên tục trong bài. Thực vậy, nếu ta thử đếm chữ thì thấy:

a: 5/7/7/7 b: 3/7/7/2 c: 3/7/7/2 d: 5/7/7/7

e: 6/8/6/8 (lục bát!)

Ta thấy đoạn “d” có tiết tấu y hệt đoạn “a”, chỉ khác cái là dùng nhiều nốt nghịch nhĩ để dẫn ý nhạc đến cao trào. “b” và “c” được đệm và giữa “a” và “d” để khỏi nhàm, thành ra nếu không tinh ý chẳng ai biết “d” có tiết tấu giống hệt “a”. Vì sự giống ở tiết tấu này, bài nhạc rất chặt chẽ và kiên kết.

Tôi thích nhạc của ns PD, có lẽ là vì nhiều khi ông cho ta vài bất ngờ nghe là lạ tai nhưng “đã” và thuyết phục lắm. Thí dụ, trong vài bài hát ông đổi từ thứ sang trưởng “cái rụp” rồi lại quay về thứ ngay lập tức, hoặc vice versa.

Trong, “À à ơi ! Tiếng ru muôn đời“, chữ đời đã được chuyển sang cung trưởng làm câu nhạc bừng sáng lên, sau đó lại chuyển qua thứ: “Tiếng nước tôi.”

3. “Tình Ca” cũng theo đúng luật “hoá giải,” sau bốn đoạn nhạc từ cung thứ

“a” từ từ dẫn đến cao trào với những nốt nghịch nhĩ ở “d”, cuối cùng đã hoá giải hai lần bằng cách chuyển sang trưởng và đổi nhịp, tạo cảm giác khoan khoái nơi người nghe.

Tôi có một dịp để tâm nghiên cứu quyển sách “Đường Về Dân Ca” cũng của nhạc sĩ Phạm Duy (Xuân Thu xuất bản 1990), đã rất tâm đắc và hiểu sơ sơ thế nào là nhạc ngũ cung. Tôi sau đó cũng có viết xuống cho mình cách chuyển đổi ngũ cung theo phương pháp ký âm Tây Phương, hy vọng có dịp sẽ trình bày vơí bạn đọc. Tôi cũng hy vọng có dịp, nhạc sĩ sẽ chỉnh sửa những phần không cần thiết, để có thể tái bản lại “Đường Về Dân Ca” cho giới yêu nhạc và sáng tác nhạc trong nước có một pho “Cửu âm chân kinh” để mà tham khảo.

Học Trò (7/2006)

Bài Mới Nhất
Search