T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Sự hình thành và phát triển nhạc Pháp đầu thập niên 1960

image007

Năm 1966, tạp chí Salut Les Copains có sáng kiến chụp ảnh chung các ca nhạc sĩ của phong trào yé-yé (Nguồn ảnh: internet)

Những Nụ Tình Xanh, Đau, Mùa Tình Yêu, Búp Bê Không Tình Yêu, Em Đẹp Như Mơ, v.v. là những bản nhạc Pháp được chuyển thành lời Việt và rất được giới trẻ nghe nhạc trước và sau biến cố 1975 ưa chuộng. Nghe các bản nhạc lời Việt ấy chưa đủ, nhiều người còn đi tìm nhạc gốc tiếng Pháp để nghe. Bước kế tiếp có lẽ là theo sát từng ca sĩ và mua các đĩa nhạc của họ, cũng như tìm hiểu những chi tiết nho nhỏ liên quan đến sự hình thành bài nhạc. Riêng tôi, vì cư ngụ ở Hoa Kỳ, nên nguồn sách báo hay nhạc Pháp hoàn toàn là số không. Rất may mắn là mười năm gần đây, trang mạng YouTube đã đem lại rất nhiều thích thú cho dân mê nhạc, chúng ta không những được nghe hoặc xem các videos ưa thích, mà còn được nghe những bài nhạc hay khác của các tên tuổi lớn trong làng nhạc Pháp và thế giới.

Tuy vậy, tôi vẫn còn một vài băn khoăn. Tôi muốn biết ngọn ngành thể loại nhạc Pháp mà tôi thích đã hình thành ra sao, những ai hát hoặc sáng tác, rồi ca sĩ nào hát trước người khác, ai chịu ảnh hưởng nhạc của ai, ảnh hưởng của nhạc Rock Mỹ và nhạc của nhóm The Beatles, v.v. Những bài nhạc hay không thể tự nó sáng lên bất chợt rồi tắt, mà nó phải theo một trình tự hình thành và phát triển theo nhịp sống xã hội. Và internet một lần nữa lại là gạch nối để tìm kiếm những câu trả lời.Sau một thời gian gõ hai chữ chanson française vào trang mạng Amazon rồi đặt mua các sách vở liên quan, những câu hỏi trong đầu đã dần dần có lời giải đáp. Bài viết sau là một tường trình sơ khởi vềnhững thu lượm ấy. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về sự hình thành và phát triển của nhạc Pháp đầu thập niên 1960, cùng những chi tiết liên quan khác.

Nhạc Pháp đương đại hình thành ra sao?

Để tìm hiểu tiến triển nhạc Pháp từ thập niên 1960 về sau, chúng ta không cần đi sâu về quá khứ để tìm hiểu những ca khúc truyền miệng, chép tay hoặc xuất bản từ giữa thế  kỷ 19 trở về trước, mà chỉ cần điểm lại một vài sự hình thành quan trọng. Một biến cố lớn là sự thành lập SACEM năm 1851 (Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musiques – hiệp hội các nhà viết lời, nhạc sĩ và nhà xuất bản âm nhạc.)  Hiệp hội này bảo đảm tác quyền của các tác giả, tạo cho họ có một thu nhập vững chắc để có thể toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác ca khúc. Âm nhạc Pháp cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 gồm cả nhạc hát ngoài đường phố cũng như trong các phòng trà hay hý viện. Ngoài đường phố hay trong các hội chợ thì có những nghệ nhân chuyên nghề hát, cùng lúc bán những bản nhạc tờ (petit formats) để dân chúng có thể mua rồi hát theo. Các bản nhạc tờ này là nguồn thu nhập chính của nhạc sĩ. Những nhà xuất bản lớn như Beuscher hay Raoul Bréton ký hợp đồng với nhà viết lời và nhạc sĩ, rồi ứng trước một khoản tiền cho một bản nhạc. Một thí dụ tiêu biểu là bài “Mes Mains” viết bởi Pierre Delanoe và Gilbert Bécaud năm 1953, do Lucienne Boyer trình diễn. Nhà xuất bản Beuscher bán được trên một triệu bản nhạc tờ chỉ với riêng bản nhạc này.

Nhạc hát trong các quán ăn, phòng trà hay hý viện cũng rất phát triển. Có hai thể loại chính nở rộ giữa giữa thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, một dành cho tầng lớp giàu có là caveaux và một cho dân lao động, có tên là goguette. Dân chúng tới đây ăn uống và ca hát những bản nhạc quen thuộc. Những ca sĩ tài tử cũng tụ họp ăn nhậu và ca hát những bài nhạc họ hoặc bạn bè họ sáng tác. Từ sau khi SACEM được thành lập để bảo đảm tác quyền, cùng với lệnh cho ca sĩ được phép mặc trang phục trình diễn trong các quán ăn nhậu, những caveaux và goguettes dần dần biến mất và hai loại nơi chốn giải trí khác được hình thành, đó là cabaret caf’ conc’ (café–concerts). Trong khi các cabaret được dân có học thưởng thức, caf’conc’ phổ thông và có tính thương mại hơn. Ca sĩ trở thành các “ngôi sao” với cách ăn mặc đỏm dáng, họ là tiền thân của những ngôi sao của làng nhạc Pháp sau này.

Từ khoảng đầu thế kỷ hai mươi đến thập niên 30, một loại hình âm nhạc khác được hình thành là music-hall. Dân chúng đến đây chỉ để thưởng thức nghệ thuật, mọi hình thức ẩm thực đều bị cấm đoán trong khi nghệ sĩ đang trình diễn. Nghệ thuật cũng không đơn thuần giới hạn trong âm nhạc, mà nới rộng ra các thể loại khác như ảo thuật, xiếc, tấu hài, múa, v.v. Các hý viện tiêu biểu là Les Folies-Bergère, Le Casino de Paris, Bobino, và nhất là L’Oympia. Những ca sĩ tiêu biểu của thời kỳ này là Maurice Chevalier, MistinguettJoséphine Baker.

Đến đầu thế kỷ hai mươi, âm nhạc thế giới chuyển mình với những phát minh liên tục trong việc ghi âm và xuất bản đĩa nhạc, cùng những phát minh của nghệ thuật điện ảnh. Những công ty Anh Mỹ nhanh chóng làm chủ thị trường, chế tạo ra các loại đĩa 78 tua (rpm – revolutions per minute), rồi sau này là 45 và 33 rpm. Tới thập niên 50, trên thị trường quốc tế có sáu nhà sản xuất chính:  EMI (Anh quốc), Philips (Hòa Lan), Decca, RCA Victor, CBS và Warner Bros Records (đều của Hoa Kỳ.)  Pháp tiến chậm hơn rất nhiều, cả trong kỹ thuật ghi âm cũng như kỹ nghệ phát hành.Tính đến thập niên 50, chỉ có hai nhà phát hành lớn là Barclay và Vogue. Hãng Barclay ký được hợp đồng với nhiều tên tuổi lớn trong làng nhạc Pháp khi ấy là Jacques Brel, George Brassen, Léo Ferre, Jean Ferrat, Dalida và Charles Aznavour. Những nhà xuất bản tờ nhạc cũng dần dần mất vị trí độc tôn trong việc tạo tên tuổi ngôi sao, vì đĩa nhạc là nguồn tiêu thụ chính của người nghe chứ không còn là tờ nhạc rời nữa.

Một yếu tố đáng kể khác vào việc phát triển âm nhạc Pháp trong thập niên 50 là sự thành lập những đài radio Pháp ngữ. Ngoài đài chính thức của chính phủ Pháp, dân nói tiếng Pháp còn được nghe nhạc từ ba đài ngoại vi, đó là Radio Monte-Carlo (RMC), Radio Luxembourg, và Europe 1. Khác với đài của chính phủ bị kiểm soát, ba đài ngoại vi phát sóng những bài nhạc tân thời nhất của Anh Mỹ lẫn Pháp cùng tạo ra những chương trình nghe và thảo luận, bình phẩm tin tức nhạc.

Cho đến cuối thập niên 50, nhạc Pháp thịnh hành là loại nhạc có tính cách bác học, lời văn rất trau chuốt, lãng mạn.Có lẽ một phần là vì nhạc Pháp cũng có nguồn gốc từ thi ca, người ta ngâm bài thơ lên thành nhạc. Người Pháp họ coi trọng lời văn trong nhạc ngang bằng, nhiều khi còn hơn cả giai điệu. Những ca sĩ, nhạc sĩ hát thể loại nhạc được gọi là chanson này gồm có Charles Trenet, Léo Ferré, Jacques Brel, Barbara, Juliette Gréco và nhiều người khác. Ta hãy xem trích đoạn ngắn của một bài nhạc tiêu biểu, Que reste-t-il de nos amours? (Còn lại gì cuộc tình ta?), nhạc và lời của Charles Trenet.

 

?????????????????????????????????????????????????????????????

Hình bìa tờ nhạc bài Que reste-t-il de nos amours?

(Nguồn ảnh: internet)

 Que reste-t-il de nos amours

Que reste-t-il de ces beaux jours

Une photo, vieille photo

De ma jeunesse

 [Tạm dịch:

Còn lại gì em, cuộc tình ta,

Còn lại gì em, những ngày tươi đẹp,

Còn lại chăng một tấm hình cũ kỹ

Của một thời tuổi trẻ đã xa]

Chúng ta đang bàn về những năm cuối thập niên 1950. Thế hệ sinh trong hay sau thế chiến thứ hai, còn gọi là thế hệ “baby boomers” cũng đã đến tuổi trưởng thành. Ngoài thể loại nhạc nói trên, họ còn chịu ảnh hưởng từ nhạc Mỹ cũng như lối sống Mỹ, vốn đã có nguồn gốc du nhập vào Pháp từ sau thế chiến thứ nhất lẫn sau thế chiến thứ hai với sự đóng quân của lính Mỹ hay hàng tiêu thụ từ Mỹ. Với các đài ngoại vi như Europe 1, RMC, Radio Luxembourg như kể ở trên, cùng với các tiến bộ trong việc ghi âm và phát hành đĩa nhạc, lớp trẻ được tiếp cận với nhạc Rock Anh Mỹ với các ca sĩ như Elvis Presley, Buddy Holly và the Crickets, Everly Brothers, the Platters, Gene Vincent, Bill Haley, v.v. Lớp trẻ tìm cách thoát khỏi vòng kềm tỏa của bố mẹ bằng cách tụ tập tại các câu lạc bộ như Golf Drouot để tán dóc, ca hát hay nhảy nhót theo nhạc sống hoặc từ các jukebox. Họ rất ưa chuộng nhịp 2/4. Họ mua đàn guitare điện, mua trống, một số còn rủ nhau thành lập ban nhạc nữa.

Trong vô vàn những người trẻ ấy, có một anh rất “beau” trai, chơi guitar rất bảnh, với tên thật là Jean-Phillippe Smet. Tháng 3 năm 1960, anh cho ra đĩa 45 tua dưới một nghệ danh mới, rất Mỹ, là Johnny Hallyday.Tới cuối năm đó, tổng số đĩa anh bán đã được gần một triệu đĩa.Các nhà sản xuất đĩa như Barclay và Vogue như vớ được dịp may bất ngờ, bèn thi nhau đi tìm tài năng mới để hát thâu đĩa bán, kiếm lợi nhuận với thị thường nhạc trẻ mới mẻ này. Sau này, người ta coi câu lạc bộ Golf Drouot nơi Johnny Hallyday hằng lui tới ca hát như là cái nôi của nhạc rock’n’roll’ của Pháp. Và thế là nhạc rock Pháp nói riêng ra đời, nhạc Pháp nói chung đã quay sang một bước ngoặt khác, đập chung nhịp điệu thời đại với Anh và Mỹ quốc, chứ không còn gò bó trong cái khung cổ điển chanson nữa. Tuy nhiên, những nhạc sĩ chanson vẫn tồn tại và tiếp tục sáng tác song song với thể loại nhạc mới, và họ cũng phải biến đổi cách sáng tác cho phù hợp để sống còn. Sau này, nhạc mới được gán cái tên là yé-yé vì sau mỗi câu nhạc họ lại hát “yeah yeah” như cách hát của các nghệ sĩ Hoa Kỳ.

image002

Johnny Hallyday trong một buổi trình diễn ở Golf Drouot

(Nguồn ảnh: internet)

 

Phong trào nhạc yé-yé và những thần tượng của giới trẻ

 Khác với nhạc Rock Mỹ là nhạc phát sinh tự nhiên theo sự phát triển của xã hội và sự trộn lẫn của thể loại bluescùng các nhịp điệu Phi châu và Mỹ châu vào dòng chính, nhạc rock Pháp lúc khởi đầu hoàn toàn do các nhà sản xuất đĩa nhạc tạo nên. Những bản nhạc Johnny Hallyday hát đều là nhạc dịch từ lời Anh sang Pháp.  Bài “T’aimer Follement” là dịch từ bài “Making Love”, “Tu Parles Trop” từ bài “You Talk too Much”, “Viens Danser Le Twist” từ bài “Let’s Twist Again”, “Et J’entends Siffler Le Train” từ bài “500 Miles”, v.v. và v.v. Ca sĩ cũng vậy, họ hoặc bị các ông chủ ép buộc, hoặc tự đổi tên họ thành tên Mỹ để nghe cho nó “oai”. Thế là Claude Moine nay có nghệ danh là Eddy Mitchell, Hervé Fornieri thành Dick Rivers, rồi Richard Btesh thành Richard Anthony. Nhóm Five Rocks, một nhóm nhạc cũng bắt đầu từ câu lạc bộ Golf Drouot, đã đồng ý đổi tên thành Les Chausettes Noires để quảng cáo cho hãng sản xuất vớ (bít tất) Stemm, đổi lại nhóm sẽ được lăng xê tận tình. Cách mà các ông chủ phân chia bài hát cho nhạc sĩ cũng rất đơn giản. Frankie Jordan, một ca sĩ cùng thời, nhớ lại rằng thường thì Johnny Hallyday được giao hát bản đứng hạng nhất trong tuần của các bảng thứ hạng Mỹ (tỷ như tạp chí Cashbox), rồi Richard Anthony lãnh bản đứng hạng hai, còn ông hay nhóm Chausettes Noires cùng các ca sĩ khác thì hát các bản còn lại. Tuy nhiên, phải công nhận những ông chủ các hãng thu âm này đã bắt kịp nhịp thời đại và cống hiến những món ăn tinh thần kịp thời cho lớp trẻ đầy nhựa sống.

Không những tuổi trẻ được nghe và nhảy điệu twist với những bản nhạc rock lời Pháp, họ còn được xem báo tuần những tin tức mới nhất về các thần tượng của họ nữa. Tháng 7 năm 1962, tạp chí Salut les Copains ra đời, nhanh chóng trở thành nguồn thông tin nhạc trẻ. Các tạp chí khác cũng mau chóng nhái theo:  Mademoiselle Âge Tendre dành cho các cô, Nous les garçons et les filles nhái tựa theo bản nhạc trình làng của Françoise Hardy …

image003

Françoise Hardy trên bìa tạp chí Salut Les Copains

(Nguồn ảnh: internet)

Những năm 1960, 1961 là những năm tạo nên các tên tuổi nhạc rock như đã kể trên: Johnny Hallyday, Eddy Mitchell và Les Chaussetes Noires, Dick Rivers và Let Chats Sauvages, Richard Anthony, v.v. Cùng lúc ấy, nhạc chanson vẫn cứ đều đặn tiến với các nhạc phẩm để đời như Non, Je Ne Regrette Rien với tiếng hát Édith Piaf, Santiano với Hughes Aufray, rồi Ne Me Quitte Pas bởi Jacques Brel. Nhưng một trong những bài nổi tiếng nhất có lẽ là Et Maintenant, bài hát được viết và trình bày bởi Gilbert Bécaud, lời nhạc của Pierre Delanoe. Bài hát này sau đó được dịch sang Anh ngữ với tựa đề What Now My Love, với một danh sách ca sĩ thâu âm thật đáng nể, từ Elvis Presley tới Frank Sinatra và trên một trăm ca sĩ danh tiếng khác.

Năm 1962 có lẽ là năm đáng ghi nhớ nhất của phong trào yé-yé khi ba trong số bốn nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Pháp đương đại bắt đầu sự nghiệp. Bắt đầu là Sylvie Vartan với bài Quand Le Film Est Triste(Chuyện Phim Buồn – Lời Việt Nguyễn Duy Biên), tiếp theo là Françoise Hardy với Tous les garçons et les filles (Những Nụ Tình Xanh – Lời Việt Phạm Duy), và sau cùng là Sheila với bản L’école Est Finie. Sự thành công ban đầu của ba danh ca này đã chứng tỏ các nữ ca sĩ có riêng thị trường tiêu thụ của họ, do vậy đã tạo rất nhiều cơ hội cho các ca sĩ yé-yé khác có dịp thi thố tài nghệ, tạo bản sắc riêng cho họ như các ca sĩ France Gall, Annie Philippe, Patricia Carli, Michèle Torr, Stone, Marie Laforêt, Nicoletta, v.v.Cả ba ca sĩ tiên phong Sylvie Vartan, Françoise Hardy và Sheila đều có một sự nghiệp lâu dài trên 55 năm phục vụ nghệ thuật. Tôi rất ái mộ Sylvie Vartan qua các bài hát như La Plus Belle pour Aller Danser, La Maritza, 2’35 de bonheur, Comme un garçon, hay bài nhạc hát chung với ông chồng Johnny Hallyday là bài J’ai un problème. Với Françoise Hardy thì không gì khác hơn là các bài xuất sắc nhất của cô như Tous les garçons et les filles, Le premier bonheur du jour, Mon amie la rose, Comment te dire adieu, Message personnel, hay bài Le temps de l’amour mà tôi đã phân tích trong một bài viết cách đây sáu năm dưới tựa đề Tuyển tập 123 bài nhạc Pháp (1959 – 1989).

image004

Những thần tượng nhạc trẻ 55 năm trước: Françoise Hardy, Johnny Hallyday và Sylvie Vartan dưới ống kính của Jean-Marie Périer (bạn trai khi đó của Françoise)

Nguồn ảnh: internet

Năm 1962 cũng đánh dấu sự ra mắt của nam danh ca Claude François mà những người hâm mộ sau này đặt thêm tên thân mật là CloClo. Anh có rất nhiều bản nhạc được ưa chuộng, do anh sáng tác hay chuyển lời như Marche Tout Droit, Le Téléphone Pleure, hay Même Si Tu Revenais. Bài hát nổi tiếng nhất do anh đồng sáng tác và trình bày năm 1968 là bài Comme D’habitude, bài này sau đó được Paul Alka mua bản quyền và dịch sang Anh ngữ, rồi được Frank Sinatra hát lại dưới tên Mỹ là My Way mà có lẽ chúng ta ai cũng đã nghe qua. Ngoài ông ra, bài này tới nay đã được trên một ngàn ca sĩ thâu âm lại!

image005

(Nguồn ảnh: internet)

 Năm 1963 và 1964 đánh dấu sự “xâm lăng” ồ ạt của nhóm The Beatles từ Anh quốc trên thị trường nhạc Pháp, với các tuyệt chiêu như She Loves You, A Hard Day’s Night, Can’t Buy Me Love, rồi sau đó năm 1965 với Help! Yesterday. Cả châu Âu lẫn Mỹ quốc bị hớp hồn rồi chinh phục bởi những giai điệu, tiết tấu, lối trình diễn sôi động, tân thời của bốn chàng điển trai với lối tóc bum-bê, ăn nói hoạt bát, và lối pha trò dí dỏm. Không lâu sau đó, nhạc Pháp đã có những thay đổi trong cách sáng tác, phối âm phối khí ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ban nhạc này. Một trong những người trẻ đi đầu trong cuộc cách tân này và chịu ảnh hưởng từ The Beatles là Michel Polnareff mà tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau tiểu luận.

Chúng ta đang đi dần đến năm 1965. Sự kiện nổi bật trong năm của làng nhạc Pháp không gì khác hơn là việc nữ ca sĩ yé-yé rất trẻ (18 tuổi) France Gall thắng giải thưởng Eurovision với bài Poupée de cire, poupée de son. Điểm đáng lưu tâm là nhạc sĩ viết bài này không ai khác khác hơn là Serge Gainsbourg, một ca nhạc sĩ khởi nghiệp từ thời chanson những năm 50, nay chuyển mình thành công qua việc sáng tác nhạc cho mình và cho phong trào yé-yé. Không những vậy, ông còn là một người đi tiên phong trong làng nhạc Pháp với lối hát ẩn dụ, thì thào, rên rỉ đầy màu sắc dục tính qua bài nhạc “nóng bỏng” Je T’aime … Moi Non Plus với nữ ca sĩ Anh quốc Jane Birkin năm 1969.

Quay lại với nữ ca sĩ France Gall. Cô là một người đặc biệt trong làng nhạc vì có hai discography tương phản hoàn toàn với nhau. Với riêng tôi, một kẻ sinh sau đẻ muộn, đó là một cú shock không lời giải đáp, cho đến gần đây. Tôi vốn mê nhạc giai đoạn thứ hai của cô, thường phát sóng qua đài phát thanh Sài Gòn thời “tiền-đổi-mới” những năm giữa 80, với những bài như La Déclaration D’amour, Si Maman Si, Ella, Elle l’a, Résiste, Calypso, v.v. Sang Hoa Kỳ định cư tôi tình cờ thấy một đĩa nhạc tuyển của France Gall, hí hửng đem về nghe thì thấy lạ hoắc, vì ngoài bài Búp Bê Không Tình Yêu thì toàn là loại nhạc gì mà người hát và cả nhịp điệu lẫn giai điệu như con nít hát! Sau này khi tìm hiểu kỹ thì biết được là thời gian đầu cô làm việc chung với Serge Gainsbourg, còn giai đoạn thứ hai thì với chồng là Michel Berger, cũng là một ca nhạc sĩ thời yé-yé rồi sau này thử nghiệm rất thành công trong việc kết hợp với nhạc Blues Hoa Kỳ. Cùng với Serge Gainsbourg và Michel Polnareff, ông được coi như là một trong các nghệ sĩ lớn của Pháp nửa sau thế kỷ 20.

image006

Hình bìa đĩa nhạc của France Gall (Nguồn ảnh: internet)

Nhạc Pháp thời vàng son 1960-1965 còn rất nhiều những tài năng nở rộ khác ngoài các tên tuổi đã kể trên, như các nam ca nhạc sĩ như Salvatore Adamo, Frank Alamo, Hughes Aufray, Alain Barrière, Christophe, Michel Delpech, Nino Ferrer, Hervé Vilard, Jacques Dutronc (cũng là chồng ca sĩ Françoise Hardy) và các nữ ca sĩ như Brigitte Bardot (tên tắt thân mến là BB – bà cũng là một minh tinh màn bạc), Marie Laforêt, Nana Mouskouri, Michèle Torr, và còn nhiều nhiều nữa.

Tôi có làm một danh sách ngắn các bài tôi ưa thích nhất, phần lớn là từ năm 1962 đến 1966, vì tôi thú thật không theo dõi sát những bản nhạc Mỹ lời Pháp cho lắm. Một ghi chú nhỏ là một số những bản nhạc sau tôi biết và yêu thích qua các ban nhạc đại hòa tấu Paul MauriatRaymond Lefèvre.

1962

  • Et Maintenant (Gilbert Bécaud)
  • Ne Me Quitte Pas (Jacques Brel)
  • Tout Les Garçons Et Les Filles (Françoise Hardy)

1963

  • Elle Était Si Jolie (Alain Barrière)
  • Fort Chabrol (Le Temps De L’amour) (Françoise Hardy)
  • Le Premier Bonheur Du Jour (Françoise Hardy)
  • Tombe La Neige (Salvatore Adamo)
  • Les Vendanges De L’amour (Marie Laforêt)

1964

  • Les Parapluies De Cherbourg (Nhạc của phim cùng tên, sáng tác bởi Michel Legrand)
  • La Plus Belle Pour Aller Danser (Sylvie Vartan)
  • Vous Les Copains Je Ne Vous N’oublierai Jamais (Sheila)

1965

  • Aline (Christophe)
  • Aux Jeunes Loups (Jean-Claude Annoux)
  • Capri C’est Fini (Hervé Vilard)
  • Chez Laurette (Michel Delpech)
  • Le Ciel, Le Soleil Et La Mer (François Deguelt)
  • Même Si Tu Revenais (Claude François)
  • Mes Main Sur Tes Hanches (Salvatore Adamo)
  • Mon Ami La Rose (Françoise Hardy)
  • N’avoue Jamais (Guy Mardel)
  • Poupée De Cire, Poupée De Son (France Gall)

1966

  • La Poupée Qui Fait Non (Michel Polnareff)
  • La Bohème (Charles Aznavour)
  • Céline (Hugues Aufray)
  • L’amour Avec Toi (Michel Polnareff)

Danh sách trên tạm dừng vào cuối năm 1965 và đầu 1966, vì tôi muốn đánh dấu một mốc theo thiển ý khá quan trọng, đó là sự trình làng một người chơi piano kiệt xuất và một nhà sáng tác và biểu diễn nhạc tài ba, đó là Michel Polnareff, với bài La Poupée Qui Fait Non. Tôi có nói sơ về ông gần đây qua tiểu luận Lettre a France, Michel Polnareff và những chuyện bên lề.Những bài nhạc của ông trong tám năm đầu sáng tác (1965-1972) đầy chất sáng tạo trong cách viết nhạc, cấu trúc bài nhạc, các nhạc khí được sử dụng, v.v. Ông thu âm các đĩa nhạc đầu tay ở Luân Đôn, Anh quốc với các nhạc công ghi âm kiêm nhạc sĩ thượng thặng thời bấy giờ (session musician), trong đó có Jimmy Page, cây guitare điện lừng danh sau này là người thành lập nhóm nhạc rock Led Zeppelin. Ta có thể thấy những sáng tạo này qua những bài nhạc tiêu biểu nhất của Polnareff như Love Me Please Love Me, Goodbye Marylou, L’Amour Avec Toi, Âme Câline, Holidays, Le Bal Des Laze, Une Simple Mélodie, Qui A Tué Grand-maman, Je Suis Un Homme, J’ai Tellement De Choses À Dire,On Ira Tous Au Paradis, La Poupée Qui Fait Non, Tout Tout Pour Ma Chérie, Je Rêve D’un Monde… Hiện đang cư ngụ tại Palm Spring, California, Hoa Kỳ, ông là một trong số các “thất thập cổ lai hy” (sinh năm 1944) còn rất sung sức (active) của cuối phong trào yé-yé. Trong cuốn phim tài liệu với tựa đề Polnareff: Quand l’écran s’allume, các nghệ sĩ, nhà thời trang cùng thời và tiếp nối như Yvès Duteil, Pascal Obispo, Jean-Paul Gautier không ngớt lời ca ngợi tài năng ông, cùng thú nhận chịu nhiều ảnh hưởng từ cách soạn nhạc của ông. Giáo sư Larry Portis thì ghi nhận ông và Jacques Dutronc như là hai ca nhạc sĩ nhạc rock Pháp hiếm hoi mà nhạc của họ có thể sánh vai và không bắt chước một cách thô thiển, máy móc thể loại nhạc Phi, Anh và Mỹ quốc (African-American và African-American-British). Hy vọng tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn về ông trong một bài viết khác.

Nhạc Pháp đương đại, một kho tàng vô giá

Như bạn thấy, nhạc Pháp thật đa dạng với nhiều sắc thái và tài năng âm nhạc.Tôi chỉ mới đóng khung lại trong năm, sáu năm đầu tiên (1960-1965) mà bài viết đã khá dài mà vẫn chưa đầy đủ, chỉ mới chạm vào những điểm mà tôi xem như chính yếu. Còn rất nhiều chi tiết nhỏ về các ca sĩ, bài nhạc mà tôi phải bỏ qua vì sợ làm bài viết rườm rà. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết, quyển sách L’Encyclopédie de la chanson française: Des années 40 à nos jours do Gilles Verlant làm chủ bút chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Tôi có đăng lại ở phần phụ lục danh sách những quyển sách tôi đã mua được gần đây để bạn đọc tiện tham khảo và tìm mua. Không cần mua mới vì một số đã tuyệt bản. Các quyển sách cũ cũng vẫn còn dùng rất tốt. Riêng các bản Kindle còn có giá trị học hỏi vì tôi biết được thêm nhiều từ mới qua tự điển Pháp-Pháp họ cài đặt sẵn.

Ngoài việc viết xuống nhằm cống hiến bạn đọc một tài liệu tiếng Việt về sự hình thành và phát triển ban đầu của nhạc Pháp đương đại, tôi còn mong mỏi các bạn yêu thích sáng tác âm nhạc nói riêng có một chút hứng khởi để tìm nghe và chuyển dịch các bài bạn thích từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, hay sáng tác theo phong cách Pháp. Như bạn cũng biết, những nhạc sĩ ưu tú nhất của nền âm nhạc Việt Nam tỷ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, họ đều có một nền giáo dục bắt nguồn từ tiếng Pháp, nên nhạc của họ ít nhiều đều mang ảnh hưởng nhạc chanson. Riêng nhạc sĩ Phạm Duy và các nghệ sĩ khác như Trường Kỳ, Nam Lộc, Lê Hựu Hà, Tuấn Dũng, Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên, v.v.còn cống hiến thêm cho chúng ta rất nhiều bài nhạc Pháp lời Việt mà hai ba thế hệ yêu nhạc đều yêu mến. Hãy tìm nghe và tìm hiểu nhạc Pháp thế kỷ hai mươi, chuyển dịch lời Việt hay sáng tác theo và phát triển thêm Tân Nhạc theo bước chân các nhạc sĩ Việt Nam và Pháp! Hãy tạo ra những tác phẩm âm nhạc mới cũng hay và đẹp như các bản Những Nụ Tình Xanh, Đau, Mùa Tình Yêu, Búp Bê Không Tình Yêu, Em Đẹp Như Mơ nghe các bạn? Mong lắm thay!

Bài viết này tôi xin được cám ơn và riêng tặng chú T. Vấn của trang mạng T.Vấn và Bạn Hữu , người đã rất ưu ái dành cho tôi một góc nhỏ và khuyến khích tôi viết tiếp những bài mới về âm nhạc, bất kể nhạc Việt hay nhạc ngoại.

Chúc bạn một năm mới 2018 an khang thịnh vượng và nhiều sức khỏe. Chào thân ái và xin hẹn bạn ở một kỳ tản mạn tới.

Học Trò

Tiểu Sài Gòn, ngày cuối năm 2017.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bonnieux, Bertrand; Cordereix, Pascal và Giuliani, Elizabeth. Souvenirs, Souvenirs … Cent ans de chanson francaise. Découvertes Gallimard. 2004.
  2. Calvet, Louis-Jean. Cent ans de chanson française. Archipel. Kindle Edition.
  3. Cachin, Benoit. Polnaculte. Tournon.
  4. Dicale, Bertrand. Dictionnaire amoureux de la chanson française. PLON. Kindle Edition.
  5. Hawkins, Peter. Chanson: The French Singer-Songwriter from Aristide Bruant to the Present Day (Ashgate Popular and Folk Music Series. Taylor and Francis. Kindle Edition.
  6. Lelait-Helo, David. Le Roman de la chanson française (French Edition). Editions du Rocher. Kindle Edition.
  7. Looseley, David. Popular Music in Contemporary France: Authenticity, Politics, Debate. Oxford International Publisher.
  8. Portis, Larry. French Frenzies: a Social History of Popular Music in France. Virtualbookworm.com Publishing Inc.
  9. Saka, Pierre. La chanson francaise: des origines à nos jours. Fernand Nathan.
  10. Verlant, Gilles. L’Encyclopédie de la chanson française. Des années 40 à nos jours. Hors Collection.

Tìm mua các quyển sách trên tại trang mạng Amazon ở link sau:

https://www.amazon.com/hz/wishlist/ls/1QDDCEL8W8T80

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search