T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòang Trọng: Gió Lạnh Chiều Đông

“. . .Suốt một đời tận tụy phục vụ âm nhạc, anh Hoàng Trọng đã viết hàng trăm ca khúc nổi tiếng, nhất là những bài tango tuyệt vời, ví dụ như: “Dừng Bước Giang Hồ”, “Mộng Ban Đầu” … nên giới viết nhạc gọi anh là “Vua Tango”.
Anh là người khiêm tốn, hiền lành, nói năng dịu dàng, nên được mọi người cảm mến và quý trọng.. .”

Hòang Trọng: Gió Lạnh Chiều Đông

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Gio Lanh chieu dong 01

Gio Lanh chieu dong 02

Gio Lanh chieu dong 03

Gio Lanh chieu dong 04

Gió Lạnh Chiều Đông – Sáng tác: Hòang Trọng

Trình Bày: Thanh Lan

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2018

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (14) – Phạm Duy, Hòang Trọng, Ngọc Bích

Đọc Thêm:

Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Hoàng Trọng – Vũ Đức Nghiêm

Cách đây khoảng 60 năm khi còn là học sinh Trung học Chu Văn An, tôi có dịp về Nam Định. Khi đi qua đường Pasteur, tôi dừng chân trước môt căn nhà nhỏ có tiếng nhạc với đàn, kèn, trống rất du dương. Tò mò, tôi đứng lại xem và được biết là gian hàng của Nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Tôi yêu âm nhạc và say mê dàn nhạc trình bày những bản nhạc rất hay của các nhạc sĩ đàn anh như: Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy v v Tôi được biết đây là dàn nhạc của Nhạc sĩ Hoàng Trọng, người tôi rất ngưỡng mộ, nhưng vì bản tính nhút nhát nên chưa có dịp làm quen.

Sau năm 1954, tôi có dịp gặp Nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Đài Phát Thanh Sài Gòn khi Ông làm Trưởng “Ban nhạc Hoàng Trọng” cùng với Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Nhật Bằng …

Khoảng đầu 1973, tôi thường đến thăm anh Hoàng Trọng ở đường Phan văn Trị, Chợ Lớn. Tôi được anh chỉ dẫn về sáng tác nhạc. Mỗi lần đến chơi, cháu Bạch La (tức là “nốt La trắng”, NS Hoàng Trọng đặt tên các con bằng nốt nhạc, ví dụ: Bạch La, Cung Fa …) thường đem cho tôi một ly nước cam pha bằng bột cam “Tang” (mùa Hè ở Sài Gòn được uống một ly nước cam giải khát rất tốt).

Những ngày gặp nhau, anh đưa cho tôi một nhạc khúc và tôi viết lời ca tựa là “Vui Bước Phong Sương”, có những câu:
“Lúc ta đi, chân trời nhuốm hồng
Gió lên rồi, đời xa mênh mông”

Đó là một bài hát tôi được hân hạnh viết cùng với anh Hoàng Trọng.

Những năm 1991-1992, tôi gặp lại anh ở San Jose. Một sáng Chủ nhật, tại “Thánh Đường Tự Do”, Ông Mục sư giới thiệu quan khách là “có Nhạc sĩ Hoàng Trọng đến với nhóm chúng ta”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết mặt chị Thu Tâm, hiền thê thứ hai của anh.

Suốt một đời tận tụy phục vụ âm nhạc, anh Hoàng Trọng đã viết hàng trăm ca khúc nổi tiếng, nhất là những bài tango tuyệt vời, ví dụ như: “Dừng Bước Giang Hồ”, “Mộng Ban Đầu” … nên giới viết nhạc gọi anh là “Vua Tango”.

Anh là người khiêm tốn, hiền lành, nói năng dịu dàng, nên được mọi người cảm mến và quý trọng.

Riêng đối với tôi, nhỏ hơn anh 8 tuổi, nên được anh coi như em, sẵn sàng chỉ dẫn, giúp tôi học hỏi nên tôi thương và kính mến anh như tình anh em ruột thịt.

Anh Hoàng Trọng qua đời ngày 16 tháng 7, 1998 hưởng thọ 76 tuổi. Nhân dịp ngày giỗ 16 năm của anh, tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm như một nén hương lòng tưởng nhớ anh.

Vũ Đức Nghiêm
(15/7/2014 – San Jose, California USA)

(Nguồn: Cothommagazine.com)

Bài Mới Nhất
Search