T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Khỏang cách thế hệ

1.

Hội sinh viên Việt Nam ở trường đại học địa phương gởi biếu tôi tờ báo Xuân họ vẫn thực hiện đều đặn hàng năm từ khi thành lập hội tới nay. Cầm tờ báo, tôi ngạc nhiên và thích thú với hình thức trình bày, mà theo ghi nhận của vị giáo sư người Việt Nam duy nhất của trường, “trang báo hôm nay thơm mùi giấy thắm của cụ Đồ xưa, mùi hoa mai, mùi lá bánh chưng . . . và yêu quý nhất là một mùi hương đặc biệt, mà tôi nghĩ dù cho có viết từ trang đầu đến trang cuối của Đặc San này cũng không thể diễn tả được hết ý; cho nên, tôi muốn gọi đó là mùi Tết Quê Hương. . . “

Tôi cũng rất đồng ý với nhận xét của vị giáo sư nói trên: ” . . . việc làm báo Tết ngay tại quê nhà đã là quí, huống hồ các em đang làm báo Tết tại một môi trường thiếu nắng ấm cho đàn én Xuân bay lượn, vuờn hoa mai xưa quên nở vì tiết trời quá lạnh, và giữa một ngôn ngữ ngự trị dường như lạnh nhạt với những lời chúc tụng trao đổi ròn rã kéo dài cả suốt tháng Giêng của người Việt Nam. Như vậy, thì việc làm của các em quả là một việc không có gì quý hơn . . .”

Tờ báo tuy được thực hiện song ngữ (Việt và Anh), nhưng vẫn cho thấy hết những cố gắng đáng kể của các sinh viên, phần lớn đều được sinh ra và gần như hầu hết đều trưởng thành ngòai đất nước, với vốn liếng tiếng Việt, theo lời vị giáo sư hướng dẫn, “do chính các em tự phấn đấu mà có”.

Cầm tờ báo Xuân sinh viên trên tay, trong buổi sáng trời lạnh cắt da xứ người, đọc những hàng chữ tiếng Việt, nhìn khuôn mặt xinh xắn tươi cười của các cô cậu sinh viên, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Cái hạnh phúc của một người gìa, nhìn thấy được hình ảnh của chính mình mấy chục năm trước, thấp thóang đâu đó giữa thế giới tuyệt đẹp (nay chỉ còn trong mớ hồi ức mong manh) của những thanh niên thiếu nữ vẫn còn được thong dong cắp sách đến trường và chuẩn bị cho tương lai.

2.

Và tôi cũng thực sự bị “ấn tượng” (impressed) bởi những suy nghĩ của các cô cậu sinh viên khi đọc một bài viết trong đặc san Xuân nói trên. Họ bàn về lòng hiếu thảo, về thái độ kính trọng những bậc trưởng thượng trong gia đình. Họ khẳng định rằng, những giá trị truyền thống ấy, vẫn phải được duy trì trong những gia đình người Mỹ gốc Việt. Nhưng điều cốt lõi là, theo họ, không phải vì những gía trị ấy (lòng hiếu thảo, sự vâng lời) mà những người trẻ hôm nay phải hy sinh những ước vọng riêng khi xây dựng tương lai cho chính mình. Lựa chọn một nghề nghiệp, chẳng hạn. Không thể chỉ vì cha mẹ muốn con cái trở thành bác sĩ, duợc sĩ, kỹ sư, có nghĩa là họ phải tuân theo để làm vui lòng cha mẹ, dù thực sự họ có một lựa chọn cho tương lai khác hẳn với sự lựa chọn, hay đúng hơn “lời khuyên bảo” của cha mẹ. Sự thành công trong cuộc sống, hai thế hệ, cha mẹ và con cái, có hai cách nhìn khác nhau, nhất là trong bối cảnh hiện nay, sau hơn 30 năm người Việt định cư và bám rễ trên xứ người. Những người trẻ cho rằng, quan niệm của cha mẹ họ về một sự thành công trong cuộc sống (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư . . .) đã hòan tòan “lạc lõng và lỗi thời” (displaced and obsolete). Họ cho rằng cha mẹ họ đã sống quá lâu ở một xứ sở nghèo đói, chậm tiến, lạc hậu, bị tước đọat nhiều cơ hội chứng tỏ khả năng có thể vượt lên trên được những người khác. Ngày nay, tuy đã được sinh sống trong một môi trường tốt đẹp hơn, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn và có nhiều con đường để lựa chọn hơn, họ vẫn bị mối ám ảnh ấy chiếm lĩnh tâm trí, và tìm cách áp đặt chúng lên con cháu mình, với hy vọng chúng sẽ làm cho cả gia đình “nở mày nở mặt với lối xóm bà con”. Tự bản chất của quan niệm ấy (của các cha mẹ), không còn là thóat khỏi sự nghèo đói, chấm dứt cuộc sống cơ cực, vượt lên trên sự nghiệt ngã của số phận nữa, mà chính là muốn được “hơn người”.

Nói cách khác, những người trẻ hôm nay muốn được hòan tòan tự do trong việc chuẩn bị một đời sống cho riêng mình (my life, not yours). Tùy năng khiếu và đam mê, họ có thể muốn trở thành một ca sĩ nhạc Pop, một họa sĩ, một nhà họat động xã hội v..v.. Và họ không muốn cha mẹ nhìn sự “không vâng lời” của họ như là một hành vi bất hiếu, không tôn trọng bậc trưởng thượng, hoặc tệ hơn, coi thường lời khuyên bảo của cha mẹ. Câu ca dao “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” trong môi trường phát triển nhanh đến chóng mặt hiện nay, quả là khó còn giữ được gía trị như nó đã tồn tại từ hàng trăm năm nay.

Bài viết còn đi xa hơn nữa khi viết rằng “Hàng ngàn mạng sống đã bị hy sinh, cả một đại dương máu và nước mắt đã đổ ra để đặt chân được lên mảnh đất này, nhưng có thực sự là chúng ta đã thóat ra khỏi vòng kềm tỏa của độc tài chuyên chế chưa? Bậc làm cha mẹ phải quên đi tính cách nạn nhân của mình. Và phải để cho con cái của họ được tự do sống cho hạnh phúc riêng của chúng. Ở xứ sở này, điều gì cũng có thể xảy ra được. Hạnh phúc có thể có ở bất cứ nơi đâu.” (Thousands of lives were sacrificed, oceans of blood and tears were shed to come here, but have we truly escaped the grasp of tyranny? Parents need to let go of their own victimization. And let their children manifest their own happiness. In this country anything is possible. Happiness could be found in such discrete of places.)

3.

Khỏang cách thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Nó hiện hữu trong từng gia đình, nhất là gia đình Việt nam khi mà 3 thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái) có khi vẫn còn sống chung dưới một mái nhà. Nó hiện hữu ngòai xã hội, nơi nhiều thế hệ già trẻ khác nhau cùng làm việc chung, cùng chiến đấu chung cho một lý tưởng. Sự xung đột do khỏang cách thế hệ ấy gây nên cũng không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ là cường độ của những xung đột ấy và cách thức để hóa giải và thuyết phục. Tôi tin rằng, nhiều bậc cha mẹ ngày nay đang cố gắng hết sức để có thể hiểu được phần nào thế giới mà con cái của mình đang chuẩn bị bước vào. Họ có thể còn chậm lụt về phương diện kỹ thuật, nhưng về mặt nhận thức sự việc, chưa chắc họ đã “lạc hậu” như nhiều người trẻ nhận định. Cuộc sống có những vấn đề mà người ta phải sống qua rồi mới có được những hiểu biết đầy đủ (đọan trường ai có qua cầu mới hay). Cuộc sống cũng có những lúc không thể để cho đam mê dẫn dắt, dù đam mê, ở nhiều trường hợp, là yếu tố chính dẫn đến sự thành công. Do đó, khó có cha mẹ nào có thể an tâm để con cái mình sao nhãng việc học hành để chỉ suốt ngày đam mê với âm nhạc, nghệ thuật mong một ngày sẽ trở thành ca sĩ, nghệ sĩ lừng danh được khắp nơi săn đón, mời mọc như Đạt Phan, một nghệ sĩ hài Mỹ gốc Việt.

Ước vọng thời trai trẻ nào cũng “ngông cuồng”, tưởng mình có thể xoay chuyển vũ trụ với hai bàn tay không, tưởng rằng hễ muốn là được, không thấy hết đọan đường chông gai từ “muốn” đến “đạt được” và bao nhiêu những con người có ước muốn mãnh liệt không kém mình đã rơi rụng dọc đường vì thiếu ý chí, vì ước lượng lầm lẫn khả năng của mình, vì hòan cảnh thời thế, vì môi trường xung quanh để rồi bỏ phí đi khỏang thời gian đẹp nhất của cuộc đời để dành cho học hành. Khi tỉnh ra, thì có thể đã quá muộn, hoặc dù muốn bắt đầu trở lại, thì hòan cảnh đã không cho phép nữa. Khi ấy, mới sực nhớ lại những lời khuyên của cha mẹ mà mình đã từng coi như “lạc hậu” “không thức thời” ngày nào.

4.

Tôi hầu như đồng ý hòan tòan với những suy nghĩ của lớp người trẻ Việt Nam hiện sinh sống ở những mảnh đất ngòai quê nhà. Tôi hiểu được nỗi khó khăn của họ, vừa muốn được sống đúng ước nguyện của mình như đã từng được hấp thụ từ nền gíao dục phóng khóang xứ người, vừa phải đáp ứng vai trò một người con trong gia đình còn mang theo ít nhiều truyền thống quê hương xứ sở mà họ có bổn phận phải giữ gìn cho các thế hệ Việt nam tương lai. Nhiệm vụ kép ấy không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi vẫn không thể đồng tình với quan niệm cho rằng mọi lời khuyên của bậc trưởng thượng trong gia đình đều đã lạc hậu, và có nguồn gốc từ một quá khứ nghèo khổ, nghiệt ngã nơi quê nhà. Nay đến xứ người, muốn bắt con cái phải đi theo con đường mà mình ngày xưa không thể đi được để thỏa mãn một ước vọng thầm kín cho riêng mình, không đếm xỉa gì đến ước vọng riêng của con cái. Trong đó, nặng nề hơn, còn là ý kiến cho rằng cha mẹ đem sự thành đạt (theo quan niệm của mình) của con cái để chứng tỏ sự “hơn người” của mình và là niêm kiêu hãnh khi so sánh với những gia đình khác. Nhận xét ấy không phải là không có cơ sở khi quan sát một số gia đình có con cái “thành đạt” (làm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư . . .) nhưng không phải hầu hết đều xuất phát từ một mặc cảm muốn vượt lên trên mọi người.

Văn hóa trọng văn khinh phú của Việt nam đóng một vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên quan niệm ấy. Từ đó, nền móng cho một tôn ti trật tự có tính cách thứ bậc của xã hội ra đời. Ai cũng muốn ở một địa vị cao trong bậc thang xã hội. Nếu bậc làm cha mẹ, vì những hòan cảnh khắc nghiệt trong thời đại mình sống, vì tư chất kém cỏi, không thể vươn lên được trong bậc thang xã hội, thì thiết tưởng, cũng chẳng có gì sai nếu họ mong muốn (và thuyết phục) con cái họ thực hiện điều họ chỉ biết mơ ước. Vấn đề là tính cách tự nguyện hay không tự nguyện trong “sự hợp tác” của con cái họ.

Ai cũng đồng ý rằng, sự thành đạt của con cái chính là hạnh phúc của người làm cha mẹ. Đó cũng là bằng chứng của sự hiếu thảo, biết ra sức học hành, ra sức làm việc để đền bù lại công lao nuôi dưỡng và sự hy sinh của cha mẹ vì tương lai con cái. Có lẽ, một trong những nguyên nhân của xung đột thế hệ là khỏang cách giữa họ với nhau. Con cái không nhận thức hết được tầm to lớn của sự hy sinh của cha mẹ cho mình và cha mẹ không hiểu hết được nội dung giáo dục của thời đại mới đã khiến cho con người ý thức rõ hơn quyền sống một cuộc sống riêng của mình triệt để hơn bao giờ hết.

Nước mắt chảy xuôi. Đó là phương châm hành xử của người làm cha mẹ ở mọi thời, ở mọi nơi. Nếu những người trẻ hôm nay bớt đi sự quan tâm đến chính bản thân thì sẽ dễ dàng nhìn thấy sự nhượng bộ ấy nơi cha mẹ mình. Tôi tin rằng đó sẽ là cây cầu nối giữa hai thế hệ.

Nhưng vấn đề còn là thế hệ này phải hiểu được thế hệ kia muốn những gì.

Tờ báo Xuân của hội Sinh Viên Việt Nam ở địa phương, ngòai việc đem lại cho tôi niềm vui được cầm tờ Đặc san Xuân Sinh Viên trên xứ người, còn giúp tôi hiểu được phần nào nhiệm vụ của mình, một người làm cha mẹ. Xin cám ơn các em!■

T.Vấn

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search