T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Y Vân & Thy Vân: Bến Thương

“. . .Một con đường sắt / trăm con tàu…”
Câu hát ấy nghe được trong bài “Đêm tái ngộ” của Y Vân. Một cô bạn tôi nói rằng cô yêu nhạc Y Vân vì những câu hát nói về “con tàu và sân ga” như thế. Tôi nói như vậy thì cô yêu những… sân ga chứ đâu phải là yêu nhạc Y Vân. Cô bạn cười, nói rằng có nhiều bài nhạc nói về sân ga nhưng cô yêu những bài của Y Vân hơn cả. “Bài ‘Tiễn em’ của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng chẳng hạn,” cô nói, “cũng hay vậy, nhưng có vẻ… Tây quá.”

Y Vân & Thy Vân: Bến Thương

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

*Chú Thích: Kể từ entry Những Ngày Tàn Mơ trong loạt bài Dòng Nhạc Kỷ Niệm, sẽ không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục DNKN tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

*

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

 

©T.Vấn 2019

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (31) – Y Vân

Đọc Thêm:

Y Vân và ảo ảnh cuộc đời
   (Trích từ quyển “Âm Nhạc Của Một Thời” của tác giả Lê Hữu, xuất bản tháng 6, 2011)

(Xin bấm vào đây để đọc “Âm Nhạc Của Một Thời” của tác giả Lê Hữu, ấn bản điện tử, Tủ Sách TV&BH xuất bản tháng 12/2017)

                                                    Yêu cho thấy bao lâu đài
chỉ còn vài trang giấy
                                                       (“Ảo ảnh”, Y Vân)

Một con đường sắt / trăm con tàu…”
Câu hát ấy nghe được trong bài “Đêm tái ngộ” của Y Vân. Một cô bạn tôi nói rằng cô yêu nhạc Y Vân vì những câu hát nói về “con tàu và sân ga” như thế. Tôi nói như vậy thì cô yêu những… sân ga chứ đâu phải là yêu nhạc Y Vân. Cô bạn cười, nói rằng có nhiều bài nhạc nói về sân ga nhưng cô yêu những bài của Y Vân hơn cả. “Bài ‘Tiễn em’ của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng chẳng hạn,” cô nói, “cũng hay vậy, nhưng có vẻ… Tây quá.”
Tôi chắc không phải chỉ có “trăm con tàu” thôi mà biết bao nhiêu là con tàu đến và đi trong cuộc đời này, không làm sao đếm hết được. Sân ga vẫn nằm đấy, im lìm, hiu quạnh, như cõi lòng trống vắng, quạnh hiu của một người vừa tiễn đưa một người.
Hình ảnh con tàu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay. Chia tay với con tàu, hay chia tay với sân ga, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào còn đeo đuổi cô bạn tôi mãi đến tận bây giờ, như đã đeo đuổi người nhạc sĩ đã viết nên những bản tình ca không hạnh phúc về những lứa đôi yêu nhau mà chẳng được gần nhau.

“Vì đời ai biết ta hơn mình?”
Vắng con tàu sân ga thường héo hắt
Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu

Câu hát ấy ở trong bài “Ảo ảnh” của Y Vân.
Sân ga là “chứng nhân” của bao cuộc hội ngộ và chia phôi, nụ cười và nước mắt, hợp tan và tan hợp.
Một trong những bài phổ thơ hay nhất của Y Vân, “Đêm giã từ”, (thơ của Thể Vân) nói về nỗi buồn sân ga trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.
Mưa buốt lạnh trong đêm / đứng trên thềm ga vắng
hắt hiu ngọn đèn vàng / em tiễn anh
Mưa gió lùa qua hiên / giữa khi mình lưu luyến
thì tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm

Tiếng còi tầu “lạnh lùng” không chỉ “xé màn đêm” mà còn… “xé đôi lòng” (nói như câu hát trong bài “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn, “Ôi, còi tầu như xé đôi lòng!”…).
Anh bước vào toa trong / mắt không rời ga vắng
Trời mưa chỉ làm buồn chúng mình thêm…
Ánh sáng cây đèn úa soi trên thềm
Còn đó chăng / là bóng em và bóng đêm

Còn nỗi buồn nào sâu hơn, tái tê hơn nỗi buồn sân ga “hắt hiu ngọn đèn vàng”, khi tiếng còi tàu xa dần, khi bóng con tàu mờ dần trong tiếng mưa đêm, chỉ còn lại “bóng em và bóng đêm”…
Bài hát đã buồn, qua giọng buồn rã rượi của Thanh Thúy, nghe càng buồn hơn.
Những câu chuyện về “con tàu và sân ga”, về một người đi xa, một người ở lại, thường là những chuyện không mấy… vui, có lẽ vì vậy Y Vân phải viết thêm “Đêm tái ngộ” để cho câu chuyện tình buồn “Đêm giã từ” ấy có một happy ending cho hợp lẽ tuần hoàn của đất trời, hợp rồi tan, tan rồi hợp.
Em đứng đây chờ anh trước thềm ga
hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa…
Anh bước xuống tàu / ngơ ngác vài giây
khi thấy em cười sau ánh đèn soi
Nhìn nhau mà nói không nên lời
Nơi cũ lúc xưa tay rời / thì nay lại tay cầm tay

“Tay cầm tay”, như thế cũng tạm ổn, tuy nhiên sau đó cảm thấy vẫn… chưa đủ, nhạc sĩ bèn phải viết thêm Nụ cười tái ngộ(Trúc Mai hát) để có một kết thúc tròn đầy, có nhân có hậu (như là… tên thật của ông, Trần Tấn Hậu). Bài hát được yêu thích qua những giọng Trúc Mai, Lệ Thanh, Carol Kim…
Ôi, nụ cười thắm trên môi
Tủi hờn xưa đã vơi / những đau thương xa rồi…
Nếu hạnh phúc là giấc mơ / thì đã tròn ý thơ
không còn mong chờ

Sau nước mắt chia phôi là “nụ cười tái ngộ”. Y Vân là thế, là con người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đầy lòng nhân bản.

Bài nhạc buồn nhất của Y Vân không phải là “Đêm giã từ”, và cũng không phải là bài… “Buồn”.
Buồn như ly rượu đầy / không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn / không còn rượu để say

Bài nhạc buồn nhất là bài có cái tựa cũng chỉ một chữ thôi, bài… Thôi(Jo Marcel hát). Nhạc điệu và lời hát nghe sướt mướt, sụt sùi không kém gì bài “Sang ngang” của Đỗ Lễ.
Thôi em đừng khóc nữa làm gì…
Thôi em đừng tiếc / em đừng tiếc / đừng tiếc nữa
đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn…
Thôi, thôi bờ vai đừng rung động
đã hết rồi còn khóc nữa chi em
Nghe “Thôi” qua những giọng Thái Thanh, Hùng Cường, Jo Marcel mà nghe tim thắt lại, nghe ruột gan tái tê, héo hắt …

Bài Mới Nhất
Search