T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Phương Tấn, Nàng Thơ Với “Di Bút Của Một Người Con Gái”

clip_image004

Đầu thập niên 60, thầy Nguyễn Phú Long, hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Duy Hiệu ở Vĩnh Điện, Quảng Nam – dịch giả Nguyễn Kim Phượng – làm thơ với bút hiệu Hoàng Thị Bích Ni.

Nhà thơ Luân Hoán, nòi tình với thi ca từ thuở học trò cho đến nay xấp xỉ tám mươi, với bút hiệu nàng thơ Châu Thị Ngọc Lệ xuất hiện trên tờ Ngàn Khơi, Thời Nay… mượn địa chỉ của một người đẹp có thật tên Đoàn Thị Bích Hà, ở Đà Nẵng. Có người từ Sài Gòn ra tìm… sợ bể mánh nên lấy bút hiệu khác là Lê Quyên Châu.

Luân Hoán kể lại câu chuyện thú vị đi tìm Nguyễn Thị Liên Phượng. Năm 1962, bài thơ Vàng Lạnh, tặng Luân đăng trên tạp chí Mai. Luân Hoán lặn lội từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện và Tam Kỳ… mong gặp nàng thơ.

Lúc đó Nguyễn Nho Sa Mạc đang học ở trường trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ lấy bút hiệu là Nguyễn Thị Liên Phượng. Sau đó kẻ tình si mới vỡ lẽ đều là bạn thơ với nhau.

“… Mới hôm nao người và em gặp gỡ

Chiều Quảng Nam còn khép kín chân em

Người bước đi qua con đường phố nhỏ

Trời mùa xuân em đứng đón bên thềm…”

(Vàng Lạnh)

Nếu dòng thơ nầy tặng ai thì cũng đành với thú đau thương chết cho tình yêu như Luân Hoán.

Sau bài viết Luân Hoán, Gối Súng Tìm Thơ của tôi, năm 2005 Luân Hoán thực hiện tuyển tập “Luân Hoán, Một Đời Thơ” để kỷ niệm bốn mươi năm từ thời thập niên 60 với thi phẩm đầu tay Về Trời, tôi viết Luân Hoán, Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, cũng là kỷ niệm chúng tôi gặp nhau trong Ban Biên Tập sinh viên sĩ quan của tờ nguyệt san Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Trong văn học Việt Nam trải qua nhiều thập niên với bao bút mực khi những bài thơ ký tên T.T.Kh xuất hiện trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy: “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” (23 tháng 9 năm 1937), “Bài Thơ Thứ Nhất” (23 tháng 11 năm 1937) “Bài Thơ Cuối Cùng” (30 tháng 10 năm 1938) và “Đan Áo Cho Chồng” (Phụ Nữ Thời Đàm, 1938)…

Khác với những nàng thơ đề cập ở trên với một vài bài thơ, nhà thơ Phương Tấn với bút hiệu Thái Thị Yến Phương thực hiện thi tập Di Bút Của Một Người Con Gái.

Phương Tấn họ Nguyễn, sinh năm 1946 tại Đà Nẵng, ngoài bút hiệu chính Phương Tấn, các bút hiệu khác như Nguyễn Tấn Phương, Phương Phương, Hồ Tịch Tịnh, Thích Như Nghi, Người Thành Phố, Chị Ngọc Ngà…

Phương Tấn làm thơ rất sớm từ lúc còn học ở trung học đệ nhất cấp. Thơ được đăng trên các báo: Phổ Thông, Mai, Thời Nay, Bách Khoa, Văn, Đối Thoại, Văn Học, Dân Ta, Gió Mới, Tuổi Ngọc, Ngàn Khơi, Khởi Hành, Hồn Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Cấp Tiến, Văn Nghệ Tiền Phong, Độc Lập, Ngôn Luận, Công Luận, Lập Trường (Huế), Sức Mạnh (Đà Nẵng)… Nhiều tờ báo ở hải ngoại.

Chủ bút các tạp chí: Sau Lưng Các Người (1963), Cùng Khổ (1968), Ngôn Ngữ (1973) .

Trước năm 1975 đã ấn hành các tác phẩm: Rừng (thơ in chung 1963), Vỡ (thơ in chung 1965), Thơ Tình Của Một Thi Sĩ Việt NamTrên Đất Mỹ (thơ 1970), Khổ Lụy (thơ 1971), Trai Việt Gái Mỹ (bút ký 1972), Hòa Bình Ta Mơ Thấy Em (bút ký 1974), Lục Bát Phương Tấn (thơ 2018), Thưa Mẹ (thơ 2019), Lung Linh Tình Đầu (thơ 2020) và Vớt Bình Minh Trong Đêm (thơ 2020). Nhiều bài thơ của Phương Tấn được phổ thành ca khúc: Đinh Trầm Ca, Trần Quang Lộc, Vũ An Nhơn, Phan Ni Tấn, Lưu Duy, Nguyễn Tuấn…

Tập thơ Di Bút Của Một Người Con Gái (DBCMNCG) với bút hiệu Thái Thị Yến Phương, nhà xuất bản Nhân Ảnh (Luân Hoán, Tạ Quốc Quang, Lê Hân), ấn hành năm 2017 & tái bản 2019.

Luân Hoán dùng bút hiệu Châu Thị Ngọc Lệ, Lê Quyên Châu qua tên anh là Lê Ngọc Châu. Với bút hiệu Thái Thị Yến Phương, phần một của tập thơ “Phương Tấn & Thái Thị Yến Phương trò chuyện” ghi lại tình tiết rất thú vị. “Dưới bút hiệu Thái Thị Yến Phương… khi bài thơ đầu tiên mang tên Dâng Hiến đăng trên Tiểu Thuyết Tuần San đã dấy lên tiếng vang và nổ ra bút chiến trên nhật báo Tự Do và một số báo khác ở miền Nam”. Từ đó, 16 bài thơ của TTYP đăng trên các báo Tiểu Thuyết Tuần San, Tinh Hoa và nhật báo, tuần báo khoảng từ năm 1962 đến 1965. Lúc đó cậu học trò mới 16 tuổi, theo Phương Tấn: “Thái là họ mẹ của tôi, Yến là tên một người con gái yêu thơ tôi, Phương là tên thật của tôi…”. Nhà thơ Thái Can vào thời tiền chiến được xuất hiện tronng cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân năm 1942. Sau năm 1954, hành nghề bác sĩ ở Đà Nẵng, trong thơ Thái Can có vài bài nói đến khổ lụy của ca kỹ, kỹ nữ… vì vậy những bài thơ gởi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn dễ ngộ nhận với tên con gái của nhà thơ Thái Can? Có lẽ sự bí ẩn đó cũng là đề tài tranh cãi.

Làm thân con gái, trước đây không có ai vui vẻ tự chọn cho bản thân cái “nghề” cái “kiếp” mà bởi hoàn cảnh nghiệt ngã, bi đát… viện dẫn nhiều lý do đưa đẫy vào con đường buôn phấn bán hương, bán trôn nuôi miệng, gái gọi, bán dâm… mà nhà văn Vũ Trọng Phụng gọi tên trong tác phẩm Làm Đĩ vào năm 1936, hay gần đây với tác phẩm Gái Điếm của Nguyễn Văn Học.

Với thi ca thì tựa đề có vẻ nhẹ nhàng, thoát tục hơn như Di Bút Của Một Người Con Gái. Tôi không thể hỏi bạn tôi lý do, vì sao, tại sao… trường hợp nào với tác phẩm nầy. Nếu tôi là tác giả sẽ tế nhị trả lời bằng nụ cười và im lặng. Thi ca ẩn chứa sự bí ẩn tiềm tàng giữa hư và thực. Không thể lý giải đơn thuần mà cảm nhận từng bài thơ với thực trạng trong xã hội. Nếu thi hào Goeth cho rằng “Thơ là giải thoát” thì TTYP giải thoát cho số phận đoạn trường cô gái bằng ngôn ngữ thi ca trang trải với tha nhân. Hai chữ di bút có thể từ nhật ký, câu chuyện được ghi lại… gây xúc cảm để sáng tạo trong ngôn ngữ thi ca. Phương Tấn lấy bút hiệu với nàng thơ cho thi tập nầy, với tôi hợp tình hợp lý, vì cùng phận đàn bà với nhau, có cùng tâm cảnh có chung mối cảm xúc, cảm thông cảnh ngộ để chia sẻ với tha nhân.

Tập thơ dày 160 trang, gồm 4 phần. Phần I: Phương Tấn & TTYP trò chuyện. Phần II: 16 bài thơ, Phần III: Thơ TTYP, báo chí & dư luận. Phần IV: Vài dòng về tác giả.

Qua dòng thơ của tác giả mô tả nỗi niềm, phẫn uất thân phận của người con gái khi trót sa chân ở chốn thanh lâu:

“Bầy con gái ngực phơi trần

Hồn ca biến loạn môi cười yến oanh

Ôm lênh đênh xác song hành

Mọi hôn rướm máu chanh vanh bãi cồn”.

(Bán Thân Cho Người)

Và, trao thân cho khách làng chơi tìm lạc thú như bầy ác quỷ:

“Bầy ác điểu xưa vào hồn cào cấu

Mủ bong đầy trên da thịt người ơi

Năm tháng còn chi

năm tháng rã rời

Từng sớm từng khuya

chong đèn nằm khóc.

… Buồn mãi buồn chi,

khóc hủy khóc hoài

Tuổi con gái cho người làm lộ phí.

Hồn tăm tối hồn Trương ủy mị

Máu chưa đi máu đọng đầy khe

Nến đỏ nến xanh,

hồn xác lập lờ

Ta chết ngất trong vòng tay ngạ quỷ

Tuổi con gái cho người làm lộ phí

Ta trở về đeo tủi hổ sau lưng

Ta trở về nghe mộng mị bừng bừng

Rồi nằm xuống và ngửa mình dâng hiến”.

(Dâng Hiến)

Bài viết Lầu Xanh, Lầu Hồng của tôi trong Ngẫm Chuyện Nhân Sinh ấn hành năm 2004, trong bài viết đã trích dẫn nhiều nhà thơ tự xa xưa đề cập ở nơi chốn nầy. Nay đơn cử hai nhà thơ được giảng dạy trong học đường: thi hào Nguyễn Du và nhà thơ Nguyễn Công Trứ.

Trong nếp sống cổ kính của Á Đông trước đây, chuyện lầu xanh, lầu hồng xem như vấn đề cấm kỵ, không nên đề cập, bàn bạc trong trong sinh hoạt xã hội, gia đình. Thi phẩm tuyệt tác Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du (1765-1820), hình ảnh lầu xanh, lầu hồng được mô tả khi Thúy Kiều bị bán mình trong nơi đó…

Con nhà khuê các lâm vào hoàn cảnh bi đát phải đối diện:

“Bên thì mấy ả mày ngài

Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.

… Đổi hoa lót xuống chiếu nằm

Khách làng chơi lại ầm ầm tứ vi!.”

Ngón nghề của Tú Bà dạy cho Thúy Kiều, bài học đó được tay nghề sành sỏi truyền thụ cặn kẽ với mưu mẹo quỷ quyệt của Tú Bà và Sở Khanh huấn luyện cho Kiều nghệ thuật ở lầu xanh nhằm tiếp đãi khách hàng:

“Ở trong còn lắm điều hay

Nỗi đêm khép hở nỗi ngày riêng chung

Này con thuộc lấy làm lòng

Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”

“Vành ngoài” là bề ngoài, cách đối xử bên ngoài với khách. Bảy chữ là bảy việc ghi bằng chữ: khấp, tiễn, thích, thiêu, giá, tẩu, tử… nhằm dụ dỗ, mồi chài cho khách xúc động thương xót, thề nguyền, hẹn hò…

“Vành trong với tám nghề” là nghệ thuật “chiêu dụ và lâm trận” với khách làng chơi thùy theo đối tượng mà áp dụng thủ thuật.

Và hình ảnh nơi lầu xanh đã biến con người buôn phấn bán hương như loài thiêu thân:

“Chơi cho liễu chán hoa chê

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời

Khi khỏe mạnh, khi nét ngài

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa”

Nơi chốn đó, nhà thơ Bạch Cư Dị (772-846) đã viết:

“Đào nhất hồng lâu gia

Ái chi khan bất túc”

(Đến một nhà hồng lâu,

Lòng thích xem chẳng chán).

Vào thời điểm đó mà Bạch Cư Dị dã chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ảnh hiện thực xã hội “Làm thơ phải vì thực tại mà viết”, còn bút hiệu Hương Sơn cư sĩ, cuối đời như đạo sĩ mà không ngại ca ngợi chốn thanh lâu, phải chăng đó là thú giải trí thực tế mà nhiều người không nói đến. Ca kỹ, kỹ nữ chốn thanh lâu hầu như không thuần đờn ca hát xướng mà còn chấp nhận thú hưởng lạc của đấng mày râu?.

Trong bài thơ Kỹ Nữ, nhà thơ Đinh Hùng si mê chấp nhận:

“Ta gần em, mê từ ngón bàn chân

Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão

… Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết!

Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn”

Tay chơi hào sảng như nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858), từng lên voi xuống chó nhưng dù “thế sự thăng trầm” ra sao vẫn lịch lãm:

“Nhân sinh bất hành lạc

Thiên tuế diệc vi thương”

(Sống ở đời không biết hành lạc, dù có sống nghìn năm cũng sống như đồ bỏ).

Hay:

“Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù!”

Khi đấng mày râu tìm thỏa mãn với thú tính thì số kiếp Thúy Kiều xót xa cho thân phận:

“Biết thân chạy chẳng khỏi trời

Cũng liều mạt phấn cho rồi ngày xanh”!

Nỗi bi thương Thúy Kiều ngày xưa cũng như người con gái trong thơ Thái Thị Yến Phương:

“Mai thân con gái vào đời

Hồn cao nuối tiếc rã rời thanh xuân

Bạn bè nghem buồn bâng khuâng

Ơi xin giã biệt ngôi trường thân yêu

Tiếc chi một chút mỹ miều

Phận lay bóng hắt buồn thiu giữa đời”.

(Bài Ca Truy Điệu)

Trong thơ, người con gái gọi khách làng chơi là ác điểu, ngạ quỷ bởi hành hạ thân xác cô gái tuổi còn học trò sớm trở thành nạn nhân:

“Nằm nghe thân thể hao mòn

Tang thương quánh đặc cô hồn tuổi thơ

Mang thân mười tám dại khờ

Bầm vai, cổ lệch, bơ phờ người ơi”.

(Lời Cuối)

“Lỡ trăm năm, gắng nụ cười

Buồn đêm đêm với mấy mươi thằng hề”

(Làm Thân Vũ Nữ)

Hậu quả của cuộc đời con gái ăn sương, không có gì xót xa, tủi nhục, ê chề khi tàn tạ:

“Đôi vú mẹ khô sữa

Bú đi bú đi con

Sầu xỏa đầy thêm nữa

Nín đi nín đi con

… Từng đêm từng đêm trắng

Thân xác mẹ phơi ra

Cho bầy người khom xuống

Sâu hoắm cõi ta bà

… Nhỡ một mai con lớn

Mẹ biết nói làm sao

“Cha con đâu hở mẹ”

Ơi buồn sâu buồn cao”

(Mẹ & Con)

Trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung với nhân vật Vi Tiểu Bảo sinh ra tại thanh lâu Lệ Xuân Viện. Bà Vi Xuân Phương giao du ăn nằm với khách vãng lai tứ xứ đến từ các thảo nguyên, núi tuyết. Do đó, khi mang thai Vi Tiểu Bảo, bà chẳng thể biết cha ruột của đứa con là ai nên lấy họ của bà. Mẹ & Con trong bài thơ nầy với nỗi đau bà mẹ như vậy.

Cũng như Thúy Kiều, người con gái cũng đón nhận mối tình để rồi ngậm ngùi trong cay đắng:

“Mai em bỏ phố về ngàn

Tóc mai rừng rú vô vàn bi ca

Phân vân mình với tuổi già

Vóc lưng sương gió hồn pha núi đồi

Ru anh, anh ngủ đi thôi

Còn đêm còn mộng mai rồi rã riêng”

(Còn Đêm Còn Mộng)

Câu thơ Vóc lưng sương gió hồn pha núi đồi với ngôn ngữ và hình ảnh mô tả chân dung tàn tạ về chiều của nhà thơ tuổi học trò quá tuyệt.

Trong nỗi cô đơn đó, chỉ còn xót thương cho thân phận:

“Tôi thương tôi với sầu xưa

Người ơi buồn mấy cho vừa tầm tay

Bay bay khăn trắng bay bay

Cho buồn nỗi nọ cho sầu dạ kia.

Tôi ôm tôi khóc ô kìa

Níu thân con gái níu diều cao lên

Lênh đênh hồn ấy trôi vào

Tôi ca tình ái tôi chào dung nhan

Ngỡ thanh xuân trổ ngút ngàn

Tôi quay lưng lại thiên đàng hả chưa?

Tôi thương tôi, với sầu xưa

Người ơi buồn mấy cho vừa tầm tay”.

(Và Khi Em Nói)

Trong phần III của tập thơ, đọc những bài viết của bạn văn và độc giả đã cảm nhận, chia sẻ từ khi bài thơ xuất hiện trên trang báo đầu thập niên sáu mươi cho đến khi tác giả ấn hành thi phấm Di Bút Của Một Người Con Gái, với sáu thập niên, với tôi thì không còn gì để viết.

clip_image002

Đề cập thêm đôi chút về Phương Tấn sau thời kỳ Thái Thị Yên Phương. Anh là người điềm đạm, ít nói, tế nhị… dáng dấp của nhà thơ, tưởng chừng “ai ho cũng bỏ đi” nào ngờ cũng là võ sư.

Trước đây, khi còn ở Việt Nam ra hải ngoại tham dự Đại Hội Võ Thuật, theo lời Phương Tấn “Hơn 40 năm trước tôi làm thơ, viết văn, viết báo, dạy học… không biết gì về võ. Năm 1969, bạn tôi là nhà báo Vũ Trường xuất bản bán nguyệt san Võ Thuật và cấp thẻ nhà báo cho tôi với chức danh “đặc phái viên miền Trung”. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu võ học, nghiên cứu kỹ thuật của nhiều môn võ, và đặc biệt đọc lại nhiều lần Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim với lòng tự hào về lịch sử võ học Việt Nam. Rồi một ngày thấy mình yêu võ, thích viết về võ và dần dần trở thành “nhà báo chuyên võ”…

Tôi làm báo và viết báo võ trên 40 năm. Chỗ tôi ở lúc nào cũng là nơi gặp gỡ “vô tình” giữa các “anh hùng hảo hán” đủ mọi môn võ… Làm báo và viết báo võ, tôi cũng có nỗi lòng nhưng không biết tỏ bày cùng ai, nhiều hôm có một vị “cao thủ” nổi-hứng-đáng-yêu dùng ngay phòng làm việc nhỏ xíu của tôi tay ra đòn chân đá, miệng liên tục “thuyết giảng”. Nếu có hai hoặc ba vị thì chỗ tôi làm việc biến ngay thành “đỉnh Hoa Sơn” cho các vị “luận kiếm” từ giờ này sang giờ khác. Các vị có vẻ bằng lòng khi thấy tôi há miệng, mắt mở to, đầu gật gù như tâm đắc, nhiều lúc mệt quá nhưng thương các vị, mắt vẫn nhìn nhưng hồn tôi thì bay đâu mất…’.

Từ năm 1992 đến năm 2014, Phương Tấn làm chủ bút 2 tạp chí Sổ Tay Võ Thuật & Ngôi Sao Võ Thuật. Trong quãng thời gian nầy võ sư Phương Tấn đã ấn hành 7 quyển sách về Võ Thuật.

Để kết bài viết nầy, có lẽ ông bạn thơ của tôi nàng thơ Châu Thị Ngọc Lệ qua bao thập niên ấn hành tác phẩm nay bắt gặp ông bạn thơ nơi cố hương với nàng thơ Thái Thị Yến Phương thế nào cũng hồi tưởng một thời xa xôi.

Little Saigon, 4/2020

Vương Trùng Dương

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search