T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn&Bạn Hữu: Giỗ Một Năm Cao Xuân Huy

Thế mà đã một năm nhà văn người lính Cao Xuân Huy “lên tàu”. 12/11/2010 – 12/11/2011. Thời gian của người chết, như thời gian của người sống, cũng vẫn là tên bay, cũng vẫn là gió thổi. Thoắt một cái, người sống đã không còn nữa. Và người chết thì . . . bị quên lãng.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta hãy cố nhớ khi còn nhớ được. Vì vậy, trang T.Vấn & Bạn Hữu cố nhớ được lần này đến một người lính, đến một nhà văn. Rồi mai đây, nếu có quên , thì cũng là lẽ thường tình ở đời.

Một năm trước, khi Cao Xuân Huy nằm xuống, bao người quen và không quen với ông, bày tỏ sự xúc động.

Anh Đỗ Xuân Tê, trong bài “Người ở lại Thuận An”, nhận xét “Hiếm thấy một người vướng vào nghiệp văn bút, báo bổ tại một vùng đất vốn được đồng hương gọi đùa là ‘gió tanh mưa máu’, nhưng lại được quí mến gần gũi tâm đắc, rồi đến lúc đau yếu nhắm mắt xuôi tay lại được nhiều người nhiều giới chia buồn phúng điếu đưa tiễn bằng lời nói bằng bài viết trên các phương tiện truyền thông hải ngoại tựu chung tỏ lòng thương tiếc sâu sắc một con người mà hồi sinh thời rất can trường trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc nhưng lại ‘hết mình’ trong cuộc chơi với những người vốn biết và giao lưu với ông. . .”

Quả đúng như vậy.

Tôi cho rằng, hiện tượng trên là dấu ấn cụ thể mà tác phẩm hồi ký Tháng Ba Gẫy Súng để lại. Những gì ông viết trong đó liên quan đến quá nhiều người, dân cũng như lính. Khí phách  của ông (và các chiến hữu của ông) trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, từ ngưỡng mộ đến yêu mến và thương tiếc.

Đối với anh em bằng hữu, ngừơi quen kẻ biết của ông, ông đã sống như một người bạn chí tình nhất. Với sự chí tình đó, ông đã chinh phục mọi người.

Ông đã sống như một CON NGƯỜI, nên khi ông ra đi, mọi người đã tiễn ông như tiễn một CON NGƯỜI (Cao Xuân Huy- Sống như một con người, chết như một con người).

Một năm sau, với nhiều người, dường như cái chết của ông còn để lại nhiều dư chấn.

Người bạn trẻ Lưu Na của T.Vấn & Bạn Hữu, kẻ đã gọi Cao Xuân Huy bằng danh xưng “đại ca” với trọn vẹn ý nghĩa của lòng kính trọng, thố lộ: “Vũ trụ bao la muôn vàn tinh tú và những chuyện không giải thích được thì đành. Nhưng em ngồi nhìn những giọt nước mắt những kiếp khổ đau ghi lại trên phim trong sách mà thấy như mình đã thành vô cảm, vì khổ đau và tiếng cười hay những điều kỳ diệu cũng chỉ như bóng mây. Mà rồi khi nhìn chiếc ghế trống nơi bàn ăn, khi thấy thiếu một làn khói bên bàn cà phê, thiếu một tiếng cười trên bàn dóc lác những giọt nước mắt sao vẫn mặn và ấm nóng. Tại sao? Những bức ảnh vàng úa ngơ ngác buồn, em tìm em, tìm đại ca, xem chúng ta là ai ở nơi nào một trăm năm trước. Và một trăm năm sau ai sẽ nhìn những bức ảnh thắm tươi bây giờ để tìm em, tìm đại ca? Chúng ta cứ lấn quấn với nhau vì lẽ gì? Cuộc đời còn lại những gì và chúng ta để lại được gì?” (Lưu Na – Thu Nhớ Người Xa).

Một người bạn chiến đấu của Cao Xuân Huy người lính, ngậm ngùi “ . . . Anh Huy, Oregon mùa này lá vàng  đang rơi ngập sân  càng gợi cho tôi nhớ anh hơn, vì anh đã bỏ chúng tôi đi, với tiếng chuông điện thoại dễ  ghét vào mùa lá vàng rơi đầy, khiến từ dạo ấy tôi tự nhiên đâm ra ghét những tiếng chuông điện thoại không mong đợi, tiếng chuông báo những người bạn áo rằn ra đi . . .”(Nguyễn Hùng: Chút ánh nắng mặt trời  trong mùa thu Oregon).

Trong niềm thương tiếc một người viết, một người lính, T.Vấn & Bạn Hữu trân trọng gởi theo ngọn gió mùa thu chút lòng của những người còn sống, như một lời thăm hỏi Cao Xuân Huy nhân kỷ niệm một năm ngày “ông gẫy súng lên tàu”.

T.Vấn & Bạn Hữu

Ngày Lễ Cựu Chiến Binh 11-11-11

 

*Trang Damau, một năm trước, với chuyên đề “Tưởng Niệm Cao Xuân Huy”, có bài thơ “Súng Gãy Đã Thành Pho Tượng Cổ “ thật xúc động của Đặng Kim Côn, xin mời đọc lại.

Súng Gãy Đã Thành Pho Tượng Cổ

Đặng Kim Côn

Ai dành đâu mà ông lấn trước
Cuối đường thì cũng gặp nhau thôi
Nơi đó, khà khà, khoan quá chén,
Chờ ta cạn với, Tháng Ba đời.

Xuống dưới gặp chưa, thời trận mạc,
Anh em đỏ lại máu sa trường?
Nâng giùm cốc Kon Tum, Quảng Trị
Nhớ gì nơi bỏ lại máu  xương?

Thế nhé, nghỉ đi thằng ông nội,
Chuyện người để lại kiếp người lo.
Vũ khí trong lòng nay đã đủ,
Thôi, cần chi súng tháng ba xưa.

Ông ác! để lại đời nước mắt
Mà cứ tô hô ngoác miệng cười
Súng Gãy đã thành pho tượng cổ
Đầm đìa giấy mực ngược dòng trôi.

11/2010

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search