T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cao Xuân Huy – Sống như một con người, Chết như một con người

 

Lòng đắng sá gì non hớp rượu .

Mà không uống cạn, mà không say?

. . . . . . .  .

Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy  phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

(Hành Phương Nam – Nguyễn Bính)

Khi nhận được những hình ảnh tang lễ và bài viết ngắn về những người bạn túc trực bên cạnh Cao Xuân Huy những ngày cuối cùng từ một trong những người anh em của ông, tôi biết rằng thế là đã xong một đời người. Từ nay, ông đã đi vào quá khứ.


Những người thân yêu nhất của ông đang vật vã trước quan tài

Tuy không tham dự trực tiếp tang lễ, nhưng qua những hình ảnh nhận được, tôi biết rằng cái chết của ông đã gây thương tiếc cho rất nhiều người, mà theo lời ông Phila Tô Văn Cấp, một chiến hữu cùng binh chủng TQLC với Cao Xuân Huy “kể cả những người (xin miễn nêu tên) không thích Huy khi còn sinh thời, nhưng họ cũng đến và qua câu chuyện trao đổi tôi nhận ra họ thán phục Huy và đồng đội của anh.“.



Trên báo chí (giấy cũng như điện tử) và các diễn đàn mạng, tin tức, bài vở viết về Cao Xuân Huy tràn ngập trong nhiều ngày. Tạp chí Da Màu đã dành một chuyên đề đặc biệt để tưởng niệm nhà văn, thu hút được sự đóng góp của nhiều cây bút tên tuổi. Trang Blogs trên Website của đài VOA do nhà văn Nguyễn Xuân Hòang phụ trách cũng đã chạy nhiều bài viết về nhà văn. Có thể nói, trong mấy ngày vừa qua, các bài vở trên mạng của giới viết lách chuyên nghiệp chỉ có một đề tài duy nhất: Nhà văn Cao Xuân Huy .

Đây là một hiện tượng khá hiếm hoi (?) mà tôi được biết. Trước Cao Xuân Huy – nhà văn, cũng có nhiều nhà văn tên tuổi đã qua đời. Trước Cao Xuân Huy – người lính, cũng đã có nhiều vị sĩ quan cao cấp ra đi. Nhưng trường hợp của nhà văn người lính Cao Xuân Huy dường như gây được sự chú ý nhiều hơn, từ cả hai giới truyền thông (bao gồm luôn giới làm văn học nghệ thuật và người thưởng ngọan) và những cựu binh VNCH, đặc biệt là các cựu TQLC .

Tôi cho rằng, hiện tượng trên là dấu ấn cụ thể mà tác phẩm hồi ký Tháng Ba Gẫy Súng để lại. Những gì ông viết trong đó liên quan đến quá nhiều người, dân cũng như lính. Khí phách  của ông (và các chiến hữu của ông) trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, từ ngưỡng mộ đến yêu mến và thương tiếc.

Đối với anh em bằng hữu, ngừơi quen kẻ biết của ông, ông đã sống như một người bạn chí tình nhất. Với sự chí tình đó, ông đã chinh phục mọi người.

Ông đã sống như một CON NGƯỜI, nên khi ông ra đi, mọi người đã tiễn ông như tiễn một CON NGƯỜI.

Cũng là một sự trùng hợp, đọan cuối bài viết của tôi sau khi Cao Xuân Huy qua đời (Ông Gẫy Súng đã lên tàu) và tấm hình cuối cùng trong buổi lễ Hỏa Thiêu ngày 18 tháng 11 năm 2010 mà quý bằng hữu TQLC của Cao Xuân Huy gởi cho tôi lại có cùng một ý nghĩa:

Chuẩn bị đưa quan tài Cao Xuân Huy vào Lò Thiêu

Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là tình thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình. (Ông Gẫy Súng đã lên tàu –T.Vấn)

Trước mặt chúng ta, lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, Cao Xuân Huy đang từ từ bước vào. Trên nắp quan tài, những đóa hoa đỏ thắm tượng trưng cho lòng yêu thương của gia đình. Cao Xuân Huy đã sống như một CON NGƯỜI để giờ này đây ông đi vào cõi Vĩnh Hằng cũng với tư cách một CON NGƯỜI.

Thôi nhé! Cao Xuân Huy! hãy thượng lộ bình an!

T.Vấn

19 tháng 11 năm 2010.

_____________________________________________________________

 

Xin giới thiệu nguyên văn bài viết của ông Phila Tô Văn Cấp, một trong những anh em bằng hữu cùng binh chủng TQLC với Cao Xuân Huy :

 

Tang lễ Mũ Xanh Cao Xuân Huy.


MX Tô văn Cấp

Trần Như Hùng nói tôi sẽ tường trình chi tiết sau, nhưng Hùng đã làm việc đó rồi với đầy đủ hình ảnh, nếu tôi tường trình chi tiết nữa thì cũng chỉ bằng ½ những gì Hùng nói sơ qua nên tôi xin đi qua chuyện khác.

Cao Xuân Huy “tứ hải giai huynh đệ” nên giới truyền thông đến quá đông, tôi nhận diện được rất nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong giới báo chí, kể cả những người (xin miễn nêu tên) không thích Huy khi còn sinh thời, nhưng họ cũng đến và qua câu chuyện trao đổi tôi nhận ra họ thán phục Huy và đồng đội của anh.

Những người ở rất xa, không đến tham dự tang lễ cũng đã có những bài viết rất xúc động về Huy, thân quen đã đành mà chưa một lần gặp Huy, chỉ biết qua câu chuyện Huy bị “gẫy súng” thôi cũng có những lời thật chân tình.

Người bạn tù với tôi hồi ở Vĩnh Quang, hiện đang ở Wichita, T.Vấn, tức Trương Văn Vấn, khi nghe tôi báo tin Cao Xuân Huy đã lên tàu thì hắn liền ngưng tất cả mọi công việc để viết một bài về Huy. Mấy giờ sau, hắn gửi bài viết cho tôi và hỏi đã cho lên web được chưa? Tôi nói chưa, vì theo lời của Trần Như Hùng thì phải chờ cáo phó chính thức của gia đình đã. Đây là một thí dụ điển hình, tôi sẽ gửi lên Cọp Biển bài viết của T.Vấn về người bạn của chúng ta trong khi hắn không quen biết gì Huy. Còn chúng ta, những người anh em của Huy thì sao?

Trần Như Hùng từ Úc qua, tôi không biết Hùng & Huy thân quen thế nào, nhưng Hùng đã túc trực bên Huy, làm tất cả những gì mà chị Huy và hai cháu gái không làm được (vì Huy nằm ở nhà). Huy có quá nhiều người biết, dù thân sơ cũng đến thăm, điện thoại reo liên tục trong khi người bệnh RẤT CẦN sự nghỉ ngơi và tránh tiếp xúc vì không còn sức đề kháng. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị và khó khăn, chị Huy không làm được. Làm sao đây khi họ đến thăm chồng với tất cả tấm lòng? Nhưng cũng có nhiều người “vô tư”, thăm bệnh thì ít mà nói chuyện trời dất thì nhiều! Đây là lúc Trần Như Hùng ra tay can thiệp, biết rằng sẽ làm nhiều người buồn, nhưng “thà mất lòng ông (bà) còn hơn làm phiền người bịnh”.

MX Trần Như Hùng

Huy đau thì phải giảm đau bằng morphine, thứ này làm táo bón, táo bón thì phải xổ, Huy xổ nhiều thì Hùng lãnh, Hùng chùi đít cho Huy. Xin lỗi quý huynh đệ và Nhô cho tôi nói huỵch-toẹt chỗ này, không cần úp mở. Không biết Nhô đã chùi đít cho bố Nhô chưa, những đã chùi cho đồng đội. Tóm lại Trần Như Hùng từ xa đến lo những việc tiền sự và hậu sự cho Huy mà khó có người thay thế dù cho có muốn tiếp sức. Tôi muốn tiếp tay Hùng để nhớ lại trước đây tôi đã nhờ Hùng lo tiền và hậu sự cho TQLC & BĐQ Dương Bửu Long ở bên Úc và mọi diễn tiễn ngoài mong ước của gia đình, nhưng nay thì tôi lại khoanh tay!

Thằng em của Huy Râu là Lý Khải Bình mới là người tiếp sức cho Hùng (cùng dân Ó). Chính Bình đã thu xếp việc thu hình nói về Huy trên đài SBTN, Bình phụ trách toán phủ kỳ và thu kỳ trên áo quan của “quan” Cao Xuân Huy. Bình tiếp tay với Hùng lo thủ tục tái bản “Tháng Ba Gẫy Súng”, và sách đã có, nhưng chưa có thời gian để gửi đến quý huynh đệ đã đặt. Huynh đệ thân hữu nào chưa có thì cũng nên có một cuốn cầm tay. Bìa trước là xác người và cái nón sắt thủng nằm ngửa trên cánh đồng khô có cháy với sợi kẽm gai, bìa sau là hình Huy với áo rằn và lon lá râu ria cươi tươi không chịu được.

Nhìn hình trong buổi tiễn chân Huy lên tàu thì có tới 29 bộ quân phục TQLC, tròn một trung đội, nhưng số anh chị em thuộc gia đình Mũ Xanh mặc thường phục thì khoảng gần 2 trung đội nữa, có nghĩa tiễn CXH có một đại đội.

Một chi tiết rất nhỏ nhưng cái tình thì to đó là của Can Trường Đoàn Trọng Cảo. Anh có quân phục TQLC, nhưng chưa ai thấy anh mặc bao giờ, dù trong đại hội. Có thằng đàn em móc rằng “anh Cảo để dành cho ngày đi tàu suốt”, nhưng anh vẫn cười. Ngày phủ kỳ và cuốn kỳ trên áo quan Cao Xuân Huy thì Can Trường can đảm mặc quân phục tiễn thằng em lên tàu trước.

Đại Đội Phó Trung Úy Cao Xuân Huy lên tàu thì có một đại đội tiễn chân, còn Đại Đội Trưởng Đại Úy Tô Thanh Chiêu không được lên tàu mà đi vào lòng biển “mồ côi một mình” hơn 35 năm trước. Nếu Huy đi với Chiêu ngày đó, ngày cuối tháng 3/75 trên pháp trường cát Thuận An thì cũng thế. Đi cách nào thì cũng giống nhau thôi, nhưng thân nhân, người ở lại mới biết đau hay được an ủi. Bây giờ hai “ông nội” này gặp nhau thì vui như tết, Thủy Thần Mũ Xanh đụng Thủy Thần biển cả chưa biết anh Thủy Thần nào xỉn trước.

Trong “Tháng Ba Gẫy Súng” Huy ghi lại:

“Qua hết cầu tôi gặp đại úy Chiêu, đại đội trưởng đại đội 3, tay cầm chai rượu chát khổng lồ, túi đút chai rượu mạnh. Thấy tôi ông kêu lên:

-Ê Huy, nhậu mày.

Bao nhiêu tủi hờn, căm hận, buồn bực biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Bọn tôi ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu nam cầu Trường Tiền nhậu không có mồi, không nước đá chữa lửa thì chúng tôi nhậu chay. Câu chuyện lại vui như pháo tết …”.

Đoạn văn ngắn ngủi trên đã làm xúc động một nữ luật sư nổi tiếng vùng San Francisco mà khi bố tử trận thì cô còn nằm trong bụng mẹ. Cô đã liên lạc với bác Huy để được nghe thêm tin tức về người bố tên Tô thanh Chiêu. Nhắc lại chi tiết này với hai cháu Dung, dù đang đau buồn vì bố Huy đã đi xa, nhưng hai cháu vẫn còn được nghe bố kể chuyện, hạnh phúc hơn các con của những TQLC khác.

Hội TQLC Nam CA từ hội trưởng đến các anh em khác đã lo trỏn phận sự và cả các chị đã đến để chia nỗi buồn quá lớn với chị Huy. Nhưng điều làm tôi chú ý là anh em TQLC Bắc CA đã xuống khá đông để tiễn chân Huy, kể cả chị Thực, tức nhà văn Ấu Tím. Các anh đến trong yên lặng và ra về trong âm thầm mang nỗi buồn man mác “xa Huy rồi”!. Huy Râu không nói gì thì các anh cũng đâu cần phải phát biểu, chỉ cần nhìn Huy là đủ.

Xa hơn nữa, trên các diễn đàn Mũ Xanh và Cọp Biển, bao tấm lòng gửi đến với Huy, thật đáng quý, đáng trân trọng tấm lòng huynh đệ của các Mũ Xanh. Đang miên man câu chuyện không đầu đuôi, nói bao giờ hết thì điện thoại reo, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh xin cái hẹn trưa mai để kể chuyện về Huy trên Hồn Việt TV, và cũng tới giờ đi làm nên tôi tạm dừng nơi đây và xin kết thúc bằng câu nói của Trâu Điên Cương, tự là Cương-Cụt, từ Bắc CA xuống:

Chết như thằng Huy mà sướng, em mong được như nó”.

MX Tô Văn Cấp

_________________________________________________

T.Vấn© 2010

Bài Mới Nhất
Search