T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: PHẠM DUY TỐN VÀ SỐNG CHẾT MẶC BAY

Ảnh (Nguồn: https://mytour.vn/)

1.
Nếu Phạm Duy được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong, nghĩa là đầu tiên hết thảy, của nền tân nhạc Việt Nam ở thế kỷ XX, thì nhà văn Phạm Duy Tốn cũng được xem là một trong những nhà văn tiên phong, nghĩa là đầu tiên hết thảy, của nền văn học mới Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nhà văn, nhà báo, nhà thông ngôn, chính trị gia Phạm Duy Tốn (1883-1924), chính là cha ruột của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy, tức Phạm Duy Cẩn.

**

Phạm Duy Tốn, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh và một số chí sĩ tên tuổi khác là những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội năm một ngàn chín trăm lẻ bảy, cũng như từng đệ đơn lên chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, xin mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ông cũng cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học ở trường Thông Ngôn Hà Nội, rồi tốt nghiệp cùng năm một ngàn chín trăm lẻ một.

Ông được đánh giá là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng trong những buổi đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam. Các nhà phê bình thường đặt Phạm Duy Tốn ngang hàng với Nguyễn Bá Học, cũng là một nhà văn cùng thời. Văn Nguyễn Bá Học theo lối cổ điển, trang trọng. Văn Phạm Duy Tốn theo lối cải cách xã hội.

Ông viết cho rất nhiều tờ báo thời bấy giờ. Bài báo được xem là thành công nhứt của ông, chính là bài Hoạn Nạn Tương Cứu viết về trận lũ lụt ở Bắc kỳ, vào năm một ngàn chín trăm mười lăm, làm sáu mươi ngàn người thiệt mạng. Bài báo gây xúc động mạnh trong dân chúng ở Nam kỳ, dẫn đến việc thành lập một hội từ thiện, gây quỹ, gởi cho người dân gặp nạn ở miền Bắc.

Ông cũng được xem là người đầu tiên viết về nghề làm báo khi viết bài Trách Nhiệm Người Làm Báo và cho đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn, bàn về vai trò, trách nhiệm và đạo đức của người viết báo. Bài báo được viết theo lối văn nghị luận, khôi hài nhưng nghiêm túc, trang trọng mà thiết tha.

Ngoài viết báo, viết các đoản thiên tiểu thuyết, Phạm Duy Tốn còn phóng tác và sáng tác truyện cười, truyện tiếu lâm.

**

Trong Hồi Ký của Phạm Duy, ông cho biết, gia đình ông vẫn còn lưu lại đủ các tài liệu, bài báo viết về Phạm Duy Tốn. Đọc đoạn này, mới thấy, nhóm làm cách mạng của các cụ, ngày xưa, toàn những tên tuổi “trời long đất lở”: Cụ Phan Chu Trinh đề nghị lập tại Hà Thành một Đông Kinh Nghĩa Thục. Mục đích được vạch rõ, khai trí cho dân. Ít lâu sau, các cụ tới hội để tổ chức nghĩa thục và phân phối công việc. Lần này, vắng mặt cụ Tăng Bạt Hổ và cụ Phan Bội Châu, nhưng thêm nhiều nhà nho khác như Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, và vài nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học. Hết thảy đều cử cụ Lương Văn Can làm thục trưởng. Các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, tự đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường và tức thì thảo đơn gửi Phủ Thống Sứ.

Trong Hồi Ký của Phạm Duy, hình ảnh nhà làm cách mạng Phạm Duy Tốn hiện ra rất rõ. Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Vĩnh, từ những nhà chánh trị, thấy ra kinh tế mới là sức mạnh, nên chủ trương phát triển “thương” trong sĩ, nông, công, thương. Nhưng không có vốn liếng, không có hiểu biết về thương mãi, lại không có người trợ lực nên cả ông Tốn lẫn ông Vĩnh đều tán gia bại sản vì sự ngây thơ và cả liều mạng của mình.

Ông Phạm Duy Tốn quan niệm, khai trí là chưa đủ, muốn dân tộc lớn mạnh, cần phải khai thương nữa. Ông Phạm Duy gọi cha mình và ông Nguyễn Văn Vĩnh là hai cuộc đời hùng tráng và bi thảm khi họ muốn trở thành thương gia giàu có để xây dựng đất nước.

Cũng qua Hồi Ký của Phạm Duy, mới biết, nhà phê bình Thanh Lãng từng cho rằng, Phạm Duy Tốn chính là ông tổ của phong trào viết tiểu thuyết, khi Phạm Duy Tốn cho đăng truyện Câu Chuyện Thương Tâm.

******

2.
Truyện ngắn Sống Chết Mặc Bay của Phạm Duy Tốn là truyện ngắn đầu tay, nổi tiếng nhứt của ông, và đồng thời cũng là truyện ngắn đầu tiên được viết theo lối tây phương của văn học Việt Nam, in trên báo Nam Phong tháng 12.1918.

Truyện chiếm ba cột báo, được Phạm Quỳnh giới thiệu với tiêu đề Một Lối Văn Mới. Sự canh tân của Sống Chết Mặc Bay, không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức thể hiện. Thay vì bắt đầu bằng lời giới thiệu như truyện cổ điển, mở đầu truyện của Phạm Duy Tốn là mô tả trực tiếp những gì đang xảy ra.

******

3.
SỐNG CHẾT MẶC BAY
(Nam Phong, số 18, tháng 12-1918)


**

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X, thuộc phủ X, xem chừng núng thế lắm; hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.

(Lời Bàn: Truyện được viết bằng những câu văn đơn giản, không nhiều thành phần, không phức tạp, chúng mạch lạc, rõ ràng, nên dễ hiểu. Không những thế, truyện cũng xuất hiện rất nhiều câu đặc biệt. Câu đặc biệt là câu mà nó không đủ hai thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ. Câu đặc biệt là câu thường sử dụng trong đời sống hàng ngày. Và các đoạn văn cũng vậy, chúng ngắn, chớ không dài lê thê như ta thường thấy ở một số truyện khác.)

**

Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân; người nào người ấy, lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm.

(Lời Bàn: Truyện là thể loại văn xuôi, nhưng người viết rất có tài, nên khi đọc, nghe rất xuôi tai, không những thế, lại còn lên bổng xuống trầm theo lối biền ngẫu. Các câu văn cứ lần lượt sóng đôi, từng cặp, từng cặp, đối xứng.)

**

Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ đê, nhưng xem chừng ai ai cũng đã mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!

(Lời Bàn: Không chỉ bằng phép liệt kê, mà các từ cảm thán và các dấu cảm thán, cũng được tác giả sử dụng liên tiếp trong toàn truyện, cốt để mô tả tình thế nguy ngập đang mỗi lúc, mỗi tăng; đang mỗi phút, mỗi thêm nguy khốn.)

**

Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn, để bảo thủ lấy tính mạng gia tài, thế thời nào quan cha mẹ ở đâu?

Thưa rằng: Ðang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Ðình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.

(Lời Bàn: Từ giọng văn cấp tập, vội vã, đầy lo lắng và sợ hãi trước sức nước như vỡ bờ của thiên nhiên tràn vào, qua đến hai đoạn này, Phạm Duy Tốn đã làm cho người đọc trở nên buồn thê thiết. Là phụ mẫu chi dân, là cha mẹ của dân, vậy mà lòng nào, nộp thuế, nộp tô, thì bắt con, buộc con, xiết con đóng cho đủ mới thôi. Đóng mà không đủ thì tù tội đến mọt gông, dùng đòn roi tra tấn đến mất mạng. Vậy mà khi tài sản con, nhà tranh vách lá gặp hiểm nguy, thì cha mẹ lại rung đùi ngồi đánh bạc, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hỡi ôi, trong cõi nhân gian, còn có chuyện gì tréo ngoe, kỳ cục, lạ lùng hơn thế nữa không. Con thì còng lưng nuôi cha nuôi mẹ. Ngược lại, cha mẹ chỉ hưởng thụ, ăn chơi, ngày đêm cùng thú vui bất tận.)

**

Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập, mới kê ở gian giữa, có một quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho một tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy. Tên nữa đứng khoanh tay, chực hầu điếu đóm. Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông, trông mà thích mắt. Chung quanh sập bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại cùng ngồi hầu bài.

(Lời Bàn: Đây là một đoạn văn tả rất hay. Đừng tưởng văn tả thì dễ hơn văn phân tích hay nghị luận. Tả thì ai cũng tả được, nhưng tả mà khiến người đọc hình dung ra khung cảnh như đang mồn một trước mặt thế này, khó lắm. Phải có tài kể lắm. Cái hay còn nằm ở chỗ, Phạm Duy Tốn tạo ra được sự đối lập, không chỉ cảnh vật mà còn là cảnh tình. Ngoài kia, con dân thì hỗn độn, nguy nan, thế mà nơi các quan phụ mẫu đang đánh bạc, mọi thứ diễn ra mới êm đềm làm sao, mới thanh nhàn làm sao, mới tao nhã làm sao.)

**

Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi “Ðiếu, mày”; tiếng tên lính thưa “Dạ”; tiếng thầy đề hỏi “Bẩm, bốc”; tiếng quan lớn truyền “Ừ”. Kẻ này “Bát sách! Ăn”; người kia “Thất văn! Phỗng”, lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười, khi nói vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh.

(Lời Bàn: Càng đọc, càng đau lòng. Càng đọc, càng phẫn uất. Càng đọc, càng chán ngán cho cái thể chế phong kiến, vừa bất lực, bất tài với chuyện quốc thái, dân an; vừa là lũ sâu bọ, đục khoét, tàn dân, hại nước. Để người đọc cảm ra được như vậy, dẫn người đọc vào những trạng thái nội tâm như vậy, Phạm Duy Tốn thiệt tài. Những thành ngữ như “đàn sâu lũ kiến” hoặc những từ chỉ toàn dân như “trăm họ”, đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc lại, và chính chúng, đã góp phần tạo nên những cảm xúc rất đỗi của tôi, lúc này.)

**

Ấy đó, quan phụ mẫu cùng với nha lại, đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình ấy. Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội, thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thây kệ.

Ôi! Trăm hai mươi lá bài đen đỏ, có cái ma lực gì mà dun dủi cho quan mê được như thế? Này, này đê vỡ mặc đê, nước sông dầu nguy, không bằng nước bài cao thấp. Ðứng trên đê mà đốc kẻ cắm cừ, người đổ đất, lắm nỗi lầm than, sao bằng ngồi trong đình, đã sẵn kẻ bốc nọc, người chia bài, nhiều đường thú vị!

(Lời Bàn: Câu văn đăng đối, cân xứng, chặt chẽ, lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, hệt như lời hịch. Chỉ khác, hịch thời xưa do vua chúa, tướng lãnh viết ra, nhằm cổ động, thuyết phục, kêu gọi chiến đấu với kẻ thù, còn hịch này do ông Phạm Duy Tốn viết, đưa ra lý lẽ, việc đánh bài là việc rất thú vị, không gì sánh bằng, kể cả có vỡ đê đi chăng nữa. Thiệt là mỉa mai làm sao.)

**

Than ôi! Cứ như cái cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rậm rạp, thì đố ai dám bảo rằng, gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến, mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch!

(Lời Bàn: Có những đoạn, sự bi thương của Phạm Duy Tốn lên tới cực điểm, từ tâm trạng xót xa cho đồng bào mình, ông chuyển thành tâm trạng phẫn uất, từ tâm trạng phẫn uất, ông buột thành câu chửi. Chỉ thẳng mặt, gọi thẳng tên, ông chửi, chớ không hề tránh né.)

**

Mặc! Dân, chẳng dân thời chớ! Con bài ngon há nỡ bỏ hoài ru! Quan lớn ngài ăn, ngài đánh; người hầu kẻ dạ, kẻ vâng. Sướng bao nhiêu, thích bao nhiêu! Lúc quan hạ, bài ù, ai ai là người chẳng ngợi khen tấm tắc! Một nước bài cao, bằng mấy mươi đê lở, ruộng ngập. Vậy mà không hiểu, thời thật là phàm!

Quan lớn ù thông. Người đầu cách, kẻ cuối tay, tranh nhau phô bài để quan lớn rõ, rằng, mình vào được, nhưng không dám, cố kìm ăn. Rằng, mình có đôi, mà không dám phỗng qua mặt. Hèn chi mà quan chẳng ù luôn! Quan ù, ấy là hạnh phúc!

(Lời Bàn: Ngoài kia, tài sản trăm họ ư? Ngoài kia, tánh mạng đồng bào ư? Thật là thứ phàm tục. Thật là loài chẳng biết lo, chẳng biết nghĩ gì đến niềm sướng, niềm thích, niềm hạnh phúc của cha mẹ cả. Đọc mà đau xót quá. Đọc mà căm phẫn quá. Lời văn tả trở thành lời tố cáo. Lời văn kể trở thành bản cáo trạng, bản luận tội, vừa rõ ràng hơn mọi rõ ràng, vừa đầy đủ hơn mọi đầy đủ.)

**

Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

– Bẩm, dễ có khi đê vỡ!

Ngài cau mặt, gắt rằng:

– Mặc kệ!

Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình bảo thầy đề lại:

– Có ăn không thì bốc chứ!

Thầy đề vội vàng:

– Dạ, bẩm, bốc.

Vừa lúc đó thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.

(Lời Bàn: Chỉ một chữ “kệ”, thốt ra từ miệng quan phụ mẫu, là người đọc cũng đã quá đủ để hiểu rồi. Thân ai nấy lo. Sống chết mặc bay. Dửng dưng đến tàn nhẫn, lạnh lùng đến ác độc, chính là bản chất của bọn vua quan. Từ lâu, chúng đã mặc nhiên cho rằng, những thứ mà chúng đang hưởng thụ là vì chúng xứng đáng. Và những đớn đau, sầu khổ ngoài kia, là bởi vì, thứ phàm phu, thứ ngu dân, thì phải nhận chịu như thế mà thôi.)

**

Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:

– Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!

Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:

– Ðê vỡ rồi! Ðê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn có phép tắc gì nữa, à?

– Dạ, bẩm.

– Ðuổi cổ nó ra!

Ngài quay mặt vào, lại hỏi thầy đề:

– Thầy bốc quân gì thế?

– Dạ, bẩm, con chưa bốc.

– Thì bốc đi chứ!

Thầy đề tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút ra một con bài, lật ngửa, xướng rằng:

– Chi chi!

Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:

– Ðây rồi! Thế chứ lại!

Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:

– Ừ! Thông tôm, chi chi nẩy! Ðiếu, mày!

(Lời Bàn: Lão quan phụ mẫu, nao núng cũng không có, chớ đừng nói rúng động. Người đọc đã trải qua biết bao tầng đau xót nãy giờ, nên đến lúc này đây, cũng bỗng cảm như, thấy quen rồi. Tôi bỗng giật mình, khi gõ ra ba chữ, thấy quen rồi. Có phải chăng, bao đời bao kiếp nay, bọn vua chúa, bọn quan lại, nó cưỡi đầu cưỡi cổ dân, đạp lên đầu lên cổ dân mà đi, là chuyện quen rồi chăng? Đến một lúc nào đó, là chuyện đương nhiên rồi chăng? Là chuyện không có gì lạ rồi chăng? Tôi rùng mình trước suy nghĩ này, rùng mình trước câu hỏi này, của chính mình chớ ai vào đây nữa.)

**

Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!

(Bàn gì nữa mà bàn. Nhà cửa trôi băng. Lúa má ngập hết. Kẻ sống không chỗ ở. Kẻ chết không nơi chôn. Lênh đênh mặt nước. Chiếc bóng bơ vơ. Tình cảnh thảm sầu. Kể sao cho xiết. Còn gì nữa mà bàn!)

******

4.
Sống Chết Mặc Bay, tính từ ngày ra đời cho đến nay đã được tròn một thế kỷ. Vậy mà hôm nay đọc lại, vẫn thấy hay, đọc lại, vẫn thấy nóng hôi hổi, hệt như ông Phạm Duy Tốn, ổng viết truyện của thời nay và cho chính người thời nay đọc vậy.

Trăm năm rồi, giá trị hiện thực của truyện vẫn y nguyên.

Thật kính trọng chí khí và nhân cách ông!
Kính trọng tài văn ông!

Sài Gòn 07.04.2024
Phạm Hiền Mây

Bài Mới Nhất
Search