T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: CA SĨ NHẠC VÀNG HÁT NHẠC ĐỎ

Bìa một bản nhạc đỏ

Ca sĩ miền Nam hát “nhạc đỏ” miền Bắc sau ngày 30/4 là chuyện thường tình và có thể hiểu được. Người nghe cảm thấy thế nào lại là chuyện khác.
Tôi nhớ, bài hát tôi nghe được lần đầu, khoảng năm 1977, với giọng ca sĩ miền Nam là bài “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền).
Con đường có me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…

Trong số những bài nhạc đỏ nghe ra rả mỗi ngày, tôi chú ý bài hát này vì hai lẽ. Thứ nhất, nhạc điệu chầm chậm, dìu dặt, không như những bài rầm rập, hừng hực khí thế cách mạng. Lời ca lại gần gần với “nhạc vàng” miền Nam, cũng hàng me hàng phượng, cũng tay nắm bàn tay. Nghe, biết là bài phổ thơ lục bát. Thứ hai, giọng hát quen quen, có vẻ là giọng ca sĩ miền Nam, nghe khào khào tựa giọng Khánh Ly. Về sau tôi được biết đấy là giọng Lan Ngọc.
Một bài khác, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), dễ nhận ra giọng cô ca sĩ.
Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng
của hôm nay… và mai sau…u…

Bài hát, tôi nghe vài lần trước đó nhưng không mấy chú ý, cho đến khi giọng hát ấy cất lên. Tôi khựng lại, nhắm mắt, nghe kỹ. Giọng trầm đục ấy, chuỗi ngân, rung cuồn cuộn ấy không lẫn vào đâu được. Đúng là giọng Lệ Thu.
Một bài nữa, “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh), cũng với giọng hát ấy.
Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương

Những bài này tôi đều nghe được trong một “trại cải tạo”, qua tiếng loa phát thanh chiều chiều, sau một ngày lao động cực nhọc của những người tù. Phải nghe ở trong “tình huống” ấy mới thấm thía, mới thấy rõ mọi chuyện mọi thứ ở quanh mình đều đổi thay đến toàn diện, mới thấy mình thực sự mất hết tất cả, chẳng còn gì. Nghe với cảm giác chua xót, bẽ bàng tựa như những ngày đầu sau 30 tháng Tư trông thấy cảnh sinh viên, học sinh tràn xuống đường phố “diễu hành”, giăng biểu ngữ đón chào “bên thắng cuộc”.
Nghe lại giọng hát mình từng yêu chuộng ngỡ đã bặt tiếng im hơi, thoạt đầu có vui vui như bất ngờ gặp lại người thân xa cách đã lâu, tiếp đến là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối xa xôi như đánh rơi vật gì quý báu.
Về sau này, tôi nghe thêm được những giọng quen thuộc của ít ca sĩ miền Nam còn ở lại trong nước, hát nhạc đỏ qua các băng, dĩa nhạc hoặc trên những sân khấu, tụ điểm văn nghệ. Phần lớn nghe xoàng xoàng, gượng gạo, không cho được cảm xúc nào. Cũng dễ hiểu, do không phù hợp chất giọng, không phù hợp tâm trạng, không phải thể loại nhạc sở trường, chưa nói là người miền Nam khó mà “tiêu hóa” nổi những bài bản ấy. Ca sĩ miền Bắc hát nhạc đỏ trội hơn ca sĩ miền Nam, chỉ vì họ từng sống từng trải, từng ăn ngủ, từng chiến đấu và được tiếp lửa từ dòng nhạc “đặc trưng” gần gũi, thân thuộc ấy. Ca sĩ miền Nam thì không, không hề có chút dây mơ rễ má hay “trải nghiệm” nào với dòng nhạc xa lạ này, hát nhạc đỏ không ra nhạc đỏ, không ra nhạc vàng, không tài nào sánh được với ca sĩ miền Bắc vốn chuyên trị thể loại nhạc này. Nếu có hát, có gồng người lên “biểu diễn” cũng chỉ như mặc vào người chiếc áo đi mượn, hoặc như đóng vai kịch vụng về.
Một người bạn tôi nêu nhận xét, “Nghe ca sĩ miền Nam hát nhạc đỏ miền Bắc cũng tựa như nghe ca sĩ nhạc đỏ hát nhạc boléro.”
Bên dưới một Youtube giới thiệu cuộn băng cassette Đường chúng ta đi (1976) gồm những bài nhạc đỏ qua các giọng ca sĩ quen thuộc của miền Nam, người ta đọc được những bình phẩm khen, chê và cả sự cảm thông như “Không hát lấy gì mà ăn. Không hát nhạc đỏ thì hát nhạc gì, chả nhẽ hát… nhạc vàng”. Lại có người cho là chuyện hát hò đó chỉ là miễn cưỡng, do bị ép buộc. Tôi không rõ liệu có chuyện ép buộc ấy như đối với những người tù cải tạo, có điều là cho dù có bị ép uổng thế nào thì người hát vẫn có thể chọn bài để hát chứ cũng chả việc gì phải véo von Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, hay là Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày, hay là Đường ra trận mùa này đẹp lắm… nghe như tiếng bước nhịp chân của người bạn đồng hành trên con “đường chúng ta đi”.
Ca sĩ Thái Thanh có lần cho biết, khi còn ở trong nước chị từng được mời tham gia đoàn hát này, đoàn hát nọ nhưng luôn tìm cách từ chối khéo. “Sau khi mời mãi không được thì tôi ‘được’ họ cấm hát,” chị nói. “Thế thì tốt quá!”
Tất nhiên hoàn cảnh mỗi người có khác, không ai giống ai, và không phải ai cũng có thể dứt khoát nói “không” như Thái Thanh mà vẫn cứ bình an vô sự.

Chiến dịch bài trừ nhạc vàng, 7/1975 (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Cũng bên dưới Youtube ấy, một người miền Nam cho biết khá bất ngờ khi nghe những bài nhạc đỏ cất lên từ những giọng hát mình yêu mến, và bộc lộ rằng “Nghe, có một cảm xúc kỳ lạ, vừa đau xót vừa hạnh phúc, trộn lẫn vào nhau”. Tôi chắc không ít người chia sẻ những cảm xúc ấy.
Cũng không phải là không có những bài nhạc đỏ được người yêu nhạc trong nước đón nhận, tán thưởng qua giọng ca sĩ miền Nam, chẳng hạn “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu & Trần Đình Chính) với giọng Duy Khánh, hoặc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân) với giọng Lệ Thu, từng được bình chọn là một trong ba giọng hát thể hiện hay nhất “ca khúc cách mạng” ấy (hai giọng kia là Trần Khánh và Lê Dung).
Trong số các ca sĩ miền Nam từng hát nhạc đỏ ngày ấy, có những người đã rời bỏ đất nước. Có người đi không về nữa, có người đi rồi về lại, hát lại nơi mình từng đứng hát và từng bỏ đi. Các ca sĩ này có về nước cũng không nghe hát lại những bài nhạc đỏ ấy, và người nghe cũng chẳng hứng thú gì để nghe lại những bài bản ấy. Mọi chuyện đã đổi thay. Nhạc đỏ, nếu không biến mất thì cũng mờ nhạt, họa hoằn lắm được các “nghệ sĩ nhân dân ưu tú” biểu diễn để chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử của “nhà nước ta” như ngày 30/4 nhằm hâm nóng lại khí thế và truyền thống cách mạng.
Nhiều nhạc sĩ của dòng “nhạc cách mạng” dần dà chuyển hướng sáng tác để dọn ra những món ăn tinh thần hợp với khẩu vị người yêu nhạc hơn. Một dòng nhạc mới, nếu không hẳn là nhạc vàng thì cũng… vàng vàng, róc rách chảy vào sinh hoạt ca nhạc ở trong nước
Ca sĩ nhạc vàng hát nhạc đỏ là chuyện nhỏ, chuyện thường so với biết bao “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong thời buổi nhiễu nhương, dở khóc dở cười ấy và càng không đáng để bình phẩm, phê phán này nọ khi mà phê phán người khác là chuyện ai cũng dễ dàng làm được.
Những ca sĩ nhạc vàng từng hát nhạc đỏ ấy hẳn cũng muốn quên đi thời kỳ long đong, khốn khó. Cuộc sống vẫn trôi đi, có nhiều chuyện người ta muốn quên đi trong đời mình, những chuyện không mấy vui hay những điều bất như ý trong cuộc sống. Quên, để mà sống, để mà vươn lên, xắn tay áo hướng về phía trước. Quên, như một cách gạn lọc ký ức, chỉ giữ lại những gì tươi đẹp và đáng nhớ để cuộc sống dễ chịu hơn.
Cũng gần 50 năm kể từ biến cố lịch sử ấy, có biết bao điều cần được giữ lại hay thả trôi theo dòng nước đục khi những thân phận người nhỏ nhoi, bấp bênh phải lặn hụp nổi trôi theo dòng định mệnh nghiệt ngã của một dân tộc.

Lê Hữu


“Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), Duy Khánh hát:
Thơ Tình Cuối Mùa Thu (Phan Huỳnh Điểu – Xuân Quỳnh) – Duy Khánh (youtube.com)
“Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), Lệ Thu hát:
Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng – Trình bày: Lệ Thu – Nhạc Chuẩn Pre 75 (youtube.com)

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search