T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh: NGUYỄN BẮC SƠN, Phan Thiết, những hồi ức muộn

(Phóng bút)

Ra trường Thủ Đức, năm 1968, tháng nào không nhớ, tôi chọn về Phan Thiết, tiểu khu Bình Thuận. Sau này tôi mới biết, chọn thế là sai lầm, vì gia đình tôi, mẹ tôi, ở Phan Rang, Ninh Thuận.

Âu là số phận, an bài.

Tới nay, tôi mới thấy cuộc đời tôi, những ngã rẽ, đều do số mệnh, an bài, từ việc lấy vợ, hai vợ, cho tới việc đi Mỹ muộn màng vào năm 1994. Vì rằng, tôi biết tôi có hai cơ hội đi Mỹ, trước và sau 1975.

Nhưng, đúng là số phận.

Biết nói sao bây giờ.

Nhưng, cũng không sai, khi tôi nói, nếu tôi đi Mỹ trước đây, trong hai lần đó, tôi đã không có thành quả văn chương, như hôm nay.

Tôi có thành công văn chương quá đi chứ.

66 năm cầm bút rong chơi, phom phom trên xa lộ văn chương, nói theo ngôn ngữ nhà văn VÕ PHIẾN, phom phom, thì tôi phom phom quá đi chứ, với đúng 20 tác phẩm gởi ra cuộc đời, ném vào cõi ta bà thế giới.

Ra trường, đi phép về Phan Rang.

Đúng lúc về Phan Thiết trình diện, cũng là lúc, người anh của người  bạn tôi, phi công trực thăng, bay về Phan Thiết. Tôi có mặt trên chuyến bay này.

Khi đến Phan Thiết,  nhìn xuống phi đạo, tôi không khóc, mà tôi nghĩ tới một bài thơ, và bài thơ đã xong trong vài ngày sau, trên phố Gia Long, con phố duy nhất của thành phố biển này.

CHÀO PHAN THIẾT

Chào người

Ta chào Phan Thiết

Chào từ trên cao

Ta chào Phan Thiết, dưới mình ta.

.

Chào người,

Ta chào Phan Thiết

Chào nước mắm thơm nồng

Chào cây cầu chia đôi thành phố

Chào sông Cà Ty, 

Xuôi ra biển.

.

Chào người, 

Ta chào Phan Thiết

Chào lầu Ông Hoàng

Chào Hàn Mặc Tử

Chào bà Mộng Cầm

Và nàng Thương Thương , đâu rồi.

.

Chào người

Ta chào Phan Thiết

Chào mật khu Lê Hồng Phong, 

Tam giác sắt

Và rồi tự hỏi

Đã bao người sống sót

Đã bao người hy sinh

Bao cây cỏ.

Mai này  đây

Ta sống hay phân bón cỏ cây.

.

Chào người

Ta chào Phan Thiết

Chào bà trong Pharmacy

Chào ngày sau viên RUMEX+

Cảm ơn bà cho ta nhớ KIM. +

.

Chào người

Ta chào Phan Thiết

Chào Phan Thiết.

Dưới mình ta.

[+ RUMEX, tên một loại thuốc đau đầu, vì mùi nước mắm khi mới đến.

+ KIM, là KIM HẠNH, cô biên tập viên, mẹ của các con tôi.]

.

Bài thơ này, không hay, theo tôi, dù là cha của nó.

Nhưng sau này, chẳng biết yêu gì, thích gì, nhà thơ Viên Linh đã cho đăng trên tuần báo KHỞI HÀNH của hội văn nghệ sĩ quân đội, rồi chọn đăng lại trong cuốn 100 NHÀ THƠ QUÂN ĐỘI, của cục Tâm Lý Chiến.

Tôi nói lại, bài thơ này xoàng, không hay, nên những ai nói THƠ MÌNH, VỢ NGƯỜI là không được. Tôi sẽ có một bài viết về THƠ MÌNH, VỢ NGƯỜI.

***

Trình diện phòng nhất tiểu khu, tôi có thêm một tuần phép lang thang phố xá.

Chính thời gian này, không nhớ do ai, tôi gặp và chơi thân với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn.

Một đêm đọc thơ được anh em văn nghệ tỉnh lẻ tổ chức tại nhà NBS, mà tôi là khách mời.

Bây giờ nghĩ lại, thật tội cho anh em và thật đáng trách là tôi.

Họ xem tôi quá cao, trong khi, thực sự, tôi đã ra gì đâu, trong thời gian đó.

Bây giờ thì tôi đã khác. Ngon hơn, oai hơn.

Tôi đoán chừng, họ khoái tôi, thương tôi, nể nang tôi, vì cái vẻ văn nghệ nhiều hơn là tài năng văn nghệ.

Tôi đẹp trai, nhan sắc ưa nhìn, dáng người nghệ sĩ, kịch sĩ.

Dù tóc không phiêu bồng, mới ở quân trường ra.

Khi tôi nói, đọc thơ, cũng là lúc, mắt, tay, chân, cùng đọc thơ và nói.

Tôi, như một thỏi nam châm cuốn hút anh em.

Đêm thơ đó, tôi vừa khóc vừa đọc thơ.

Điều này tôi không nhớ. Mãi tới sau này, NBS nói tôi, đêm đó “cậu“ có khóc.

Tôi không trách NBS, sao từ anh xuống “cậu” mau thế. Đó là thói quen của SƠN, của KHÙNG THI SĨ.

Lính CON RÙA (địa phương quân), chiến tranh chính trị, lang thang là chính.

Tôi theo anh em, anh em theo tôi, cà phê thuốc lá búa sua.

Sáng ghé cơ quan nhận lệnh, không có lệnh, tự mình ra lệnh.

Lên nhà thi sĩ TỪ THẾ MỘNG, xây chừng, là gặp lúc chàng về phép.

Đến nhà nhà thơ NGUYỄN NHƯ MÂY, cá hấp cuốn bánh tráng.

Qua nhà nhạc sĩ PHAN ANH DŨNG, uống nước mắt quê hương, mồi là đậu phụng rang.

Mất nước 30/4 là chậm. Đáng ra mất nước từ những ngày lang thang ăn nhậu đó.

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, mọi đàng.

Vào thời gian đó, tôi là chủ xị mọi cuộc nhậu, tôi là đạo diễn mọi cuộc họp mặt văn chương, hội hè. 

Tôi đẹp trai, ăn nói lưu loát, làm thơ như nói chuyện, nói chuyện như làm thơ.

Tôi hiền lành, dễ thương, có chút láu cá. Tôi hiểu anh em, anh em không hiểu hết tôi. Tôi láu cá. Láu cá vui, láu cá chọc cười, láu cá gây tiếng nổ. 

Lê Mai Nổ mà.

Không có tôi, Phan Thiết không có tạp chí QUÊ HƯƠNG, dẫu chỉ ra được 2 số là ngủm. Nhưng tôi biết, hai số QUÊ HƯƠNG đó, tới nay vẫn còn trong tủ sách của anh bạn nhà báo ở LAGI, Bình thuận.

Không có tôi, Phan Thiết không có quán CÀ PHÊ CHÙA tại số 88 đường TRẦN HƯNG ĐẠO.

Ba người cùng chủ xị cho quán ra đời là NGUYỄN BẮC SƠN, NGUYỄN NGỌC HƯƠNG, SƯƠNG BIÊN THUỲ.

Bấy giờ, chúng tôi là ban đại diện nhật báo SÓNG THẦN, nhà có bảng hiệu đàng hoàng: VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN  NHẬT BÁO SÓNG THẦN. 

Đó cũng là thời gian NGUYỄN BẮC SƠN lên mây. Thi sĩ NGUYỄN BẮC SƠN là hiện tượng văn học mà. NBS được nhà văn CHU TỬ trao 30,000 đồng,  giá bằng 4 lượng vàng, như một NOBEL văn chương bỏ túi.

Chúng tôi tiêu chung số tiền đó cho sự ra đời của quán CÀ PHÊ CHÙA.

Ai muốn đến uống cũng được. Có điều, tự phục vụ (self-service).

Vợ con tôi về Sài Gòn, đây là nơi tôi trú thân.

Mỗi buổi sáng, tôi dậy sớm, chuẩn bị lò than và nồi nước sôi.

Mọi khâu khác,  người uống lo.

Rửa chén, ly, phin, cuối ngày tôi làm.

Và, không quên nói tới. Anh em, ai muốn ủng hộ quán hộp sữa, can đường, vài trăm gram cà phê, cũng welcome.

Nhưng sau khi tôi ra ứng cử dân biểu, ông đại tá NTN nhìn tôi như cái gai, ông đẩy tôi lên Đà Lạt, từ đó quán CÀ PHÊ CHÙA sụm.

Tôi có thể viết nhiều hơn thế, nhưng thôi, khi nghĩ tới hai người bạn tôi, hai cánh tay tôi hồi đó, đã ra người thiên cổ, NBS, NNH, tôi không muốn gợi lại những kỷ niệm xưa.

Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi. 

Lê Mai Lĩnh

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search