T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyện bây giờ mới kể

 

Buổi sáng ngày 12 tháng 11 năm 2011, ngày giỗ một năm của nhà văn Cao Xuân Huy, như đã hẹn trước, tôi ngồi bên máy tính, mắt liếc nhìn hộp thư, chờ đợi câu chuyện của người bạn, câu chuyện mà anh hứa hẹn sẽ dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Vừa nhấp ly cà phê đầu ngày, tôi vừa rà sóat lại những bài viết cho chuyên đề “Giỗ một năm nhà văn Cao Xuân Huy” vừa cho lên mạng. Một âm thanh quen thuộc phát ra từ chiếc máy tính trước mặt. Câu chuyện mà người bạn tôi hứa hẹn đã đến. Không nén nổi sự tò mò do chờ đợi, tôi mở ngay cái Attachment kèm theo thư.

Câu chuyện quả có gây cho tôi sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa, có liên quan đến người quá cố Cao Xuân Huy, được đọc ngay vào ngày giỗ một năm của ông. Theo lời người bạn của tôi, anh và Cao Xuân Huy đã yêu cùng một cô gái, nhưng ở hai thời điểm cách xa nhau hàng mấy chục năm. Với CXH, là thời gian ông vừa cởi áo học trò khóac lên người bộ quân phục, nơi chốn là thành phố Sài Gòn. Với người bạn tôi, là thời gian những năm sinh sống nơi xứ người. Thêm một chi tiết nữa, CXH và người bạn của tôi, là bạn thân từ những ngày còn đi học.

Chuyện hai người bạn yêu cùng một cô gái, chẳng có gì bất thường. Nhưng cả hai, CXH và người bạn của tôi, dù đến với cô gái ở hai thời điểm cách rất xa nhau, lại lỡ chuyện nhân duyên với cô vì cùng một lý do: Rượu.

Tại sao câu chuyện đến bây giờ mới được bạn tôi kể lại? Theo anh, cách đây khỏang 3 tuần lễ, tình cờ anh đọc được một bài viết của nhà văn Nam Dao, viết về Cao Xuân Huy lúc ông mới qua đời, như trích đọan dưới đây:

Nhớ Cao Xuân Huy, ông em rể “hụt”.

Gọi phone, tôi biết thứ năm, ngày mai, là ngày hỏa táng Huy. Huy cũng gọi tôi là anh, xưng em, cũng họ Hồng Bàng như với Hoàng Khởi Phong. Và tôi như Phong, chẳng hề cảm thấy mình xứng đáng làm anh. Làm anh thế nào được với một người trung thực, thẳng thắn như Huy nhỉ? Khó lắm.

Với Huy, tôi là ông anh rể: “hụt”. Kỳ qua Cali tháng 2 năm này 2010, lần đầu tôi hỏi “tại sao” cái chuyện “hụt”. Đó là thời Huy mới vào lính. Huy kể: em về, thấy là xông tới liền, nhưng “nó” đẩy em ra, bảo em hôi mùi rượu, và nếu yêu rượu hơn thì…cứ đi ngay. Thế là em đi! Nói xong, Huy cười, nhưng không cười cái cười dửng dưng. Em tôi, MC, có chồng hụt là Huy, cũng đã ra đi tháng 8 năm nay. Thôi, gặp nhau ở nơi nào đó thì…cứ kể lể và hôn, có muốn hôi mùi rượu cũng khó, rượu tiên mà, có phải rượu người đâu mà hôi.

. . . . . . . . . . . . . . . . . .

Nam Dao 15-11-2010 ( trích)

Đọc xong, anh bạn tôi hụt hẫng. Người được nhắc đến trong bài của Nam Dao “chê Cao Xuân Huy hôi mùi rượu” rất gần gủi với anh, có lúc anh tưởng sẽ đi với người ấy suốt quãng đời còn lại, cũng đã qua đời trước CXH khỏang 3 tháng. Bây giờ thì anh đã hiểu được câu nói của Cao Xuân Huy khi anh gọi điện thọai hỏi thăm bệnh tình bạn những ngày gần cuối: “Tao biết tin vợ mày mất. Nhưng tao không điện thoại . . . Tao còn biết…một chuyện của mày nữa. Nhưng tao không nói”.

Cao Xuân Huy biết chuyện của bạn mình và cô bạn cũ từ lâu, nhưng không hề nói cho bạn tôi biết. Mãi đến những ngày sắp thở hơi cuối cùng, cũng chỉ nói với bạn được đến thế. Và mãi đến gần một năm sau ngày mất của CXH, người bạn tôi mới tình cờ khám phá ra bí ẩn của câu chuyện.

Suốt 3 tuần lễ nay, người bạn tôi chìm đắm trong những hồi ức của câu chuyện tình cũ, do một bài viết tình cờ đọc được, đã sống lại như những bức ảnh chiếu chậm. Những người liên quan đã ra khỏi cuộc đời này, chỉ còn sót lại mình anh. Anh nghĩ rằng, câu chuyện cần được kể lại, trước khi thời gian thiêu hủy chút trí nhớ còm cõi, trước khi anh theo gót chân những người bạn của mình.

Chuyện có đáng để kể lại hay không, không còn là điều anh băn khoăn nữa. Anh chỉ cảm thấy mình phải kể câu chuyện giữa hai người bạn, về những ngẫu nhiên của cuộc đời đã có lúc chia sẻ với nhau nhiều thứ, kể cả nguyên nhân khiến hai người không đạt được ước nguyện chung sống với cùng một con người.

Tuy nhiên, như anh đã thố lộ với tôi, anh muốn đợi đủ 3 năm mãn tang cả hai người bạn từng một thời rất thân thiết (Cao Xuân Huy và người nữ trong cuộc), trước khi câu chuyện này đến với mọi người. Nhưng, anh cũng ý thức được sự mau lãng quên của người đời, và 3 năm là một quãng thời gian đủ dài để cho rất nhiều điều không nghĩ tới có thể xẩy ra.

Thôi thì, để cho nhẹ lòng, hãy cứ kể câu chuyện. Và, như một cử chỉ tôn trọng cuối cùng dành cho hai người quá cố, anh xin tôi tạm hõan nêu tên tác gỉa chuyện kể dưới đây cho đến khi đủ thời gian 3 năm tang chế của hai người.

Xin mời quý độc giả đọc câu chuyện do người bạn của tôi kể lại dưới đây, để kết thúc chuyên đề “Giỗ Một Năm nhà văn Cao Xuân Huy” của T.Vấn & Bạn Hữu.

T.Vấn

13 tháng 11 năm 2011

 

Tình gác chân mây

Sau bao nhiêu năm không hẹn mà gặp, thằng bạn cà phê lạc bước đến Trúc gia trang trong một ngày vắng gió đìu hiu. Hai thằng ngồi ngoài sân, nhìn những chiếc lá vàng khô rải rác trên đám cỏ úa, cùng u hoài những ngày tháng qua mau. Chẳng biết làm gì hơn là khui chai rượu tao ngộ, chén tạc chén thù. Trời chiều ngả bóng. Bất chợt, thằng bạn nhìn vườn nhà hoang sơ, hoang vắng. Ngắm hồ cá như ao thu lạnh lẽo nước trong veo, cá đâu đớp động dưới chân bèo. Nó bèn hoài đồng vọng về sóng nước, và kể chuyện lấy vợ trên đảo trên đường vượt biển. Vì đảo tị nạn thiếu chiều dài, thế nên chuyện tình của nó cũng có hơi ngắn…Qua khói thuốc, men rượu, tàn một điếu thuốc là…hết, là xong. Dễ hiểu và ngắn gọn vậy thôi.

Dễ hiểu hơn nữa là từ ngày quen biết cũng trên dưới mười năm. Cứ theo tôi biết nó chẳng có mối tình nào ra hồn để vắt vai. Nhìn mái tóc muối tiêu, muối có nhiều hơn tiêu của bạn, chợt cảm hoài tuổi trẻ bao năm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương. Để có một ý nghĩ thoáng nhanh: Hay là hãy hư cấu và hoang tưởng qua vài ba trang giấy về một cuộc tình có giông bão, lạc vào đảo hoang này kia, kia nọ. Nhưng sau đó vài ngày, tôi đành buông bút thở ra vì thiếu cảm hứng, vì mình đã…vượt biên, vượt biển hồi nào đâu.

Hay là ngúc ngắc với…chuyện tình của mình?. Tôi cho rằng chẳng lạc đề, lạc lõng gì cho lắm, cũng là chuyện kể. Ừ thì kể. Nhưng tôi phải cõng nó theo. Vì đến khúc nào, đoạn nào có quán nhậu, có hơi thuốc lá. Tôi sẽ bỏ nó xuống, bế nó lên ghế để hai thằng gật gù đối ẩm. Ra cái điều tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu ấy thôi….

***

Và dưới đây là chuyện tình của người viết:

Từ ngày nhà tôi nằm xuống, cơm hàng cháo chợ đã quen thói, thường là quán nhậu và uống nhiều hơn ăn. Nhà tôi mất được hơn hai năm, nỗi sầu vạn cổ cũng nguôi ngoai để lúc này, tôi đang đèo bòng một, hai cuộc tình thuộc diện ngọn cỏ gió lùa cho qua ngày đoạn tháng.

Từ chuyện ngồi độc ẩm, hút thuốc lá vặt…Tôi lại nhớ đến nó:

Chuyện là như “ráo” đầu ở trên…Một ngày đi làm về nghe bà chị họ báo tin nó mới qua đây được hai, ba tháng và hiện đang có mặt ở thành phố tôi đang lưu vong. Thế là tôi xách xe đến nó ngay. Vì biết nó thích thuốc lá Lucky Strike bao đỏ. Ghé vào chợ tính bắt một cây cho thơm râu. Nhưng khổ nỗi thời buổi ấy ít ai hút thuốc lá không đầu lọc, nặng như búa tạ. Cật lực đi hai ba nơi mới thu vén được bẩy, tám bao lẻ. Tới nơi thấy nó ngồi bảnh chọe trên giường kiểu thiền định, thiền quán. Trước mặt là cái gạt tàn thuốc và đang thổi khói. Nó, mắt ve ve ra cái điều: “Thằng này được”. Ngu lâu đần dai cách mấy “được” đây hiểu theo nghĩa là “Tao đến đây. Mày phải tới tao. Chứ mắc mớ gì tao phải tới mày”. Vẫn cái mửng khinh đời, khinh bạc, có một chút nào Lương sơn bạc. Ừ thì nó lẵng nhẵng như vậy đấy.

Thế là tôi khuân nó về nhà phùng trường tác hí. Tối đến, hai thằng gác đùi lên nhau nói chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như rẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách. Rồi chuyện xưa chuyện nay được mang ra vật vã. Trong đó có chuyện ăn thịt chó ở gần Viện Hóa Đạo. Nhưng ấy là chuyện sau…

***

Vợ mất, ngồi đồng trong quán bên này tường, đang loay hoay với trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu đây…Bất giác nhìn qua bên kia tường thấy một mợ mặt mũi quen quen. Quen lắm. Như gặp ở đâu đó rồi thì phải. Bèn nhẩy bổ qua làm…quen. Rồi cũng đến lúc phải vác về nhà là có chuyện và cũng chỉ là chuyện đời thường của đàn ông, đàn bà giải tỏa những ứ đọng, ẩn ức lâu ngày. Tiếp đến, cả hai tỉ tê chuyện đen như hũ nút là đám cưới với giấy giá thú. Nhưng khổ một nỗi, tuổi của “hai trẻ” cộng lại cũng ngấp nghé…trăm năm đầu bạc. Thấy không xong. Nhưng vẫn chưa xong vì hốt nhiên tôi hốt hoảng bật ngay dậy và…chớ phở ra rằng “khuôn mặt quen quen ấy. Quen lắm. Như gặp ở đâu đó…”. Hóa ra ấy là khuôn mặt của mấy bà, mấy cô với mắt, mũi, miệng từ cùng một “lò đúc” thẩm mỹ viện dưới phố…đúc ra. À ra thế đấy.

***

Lại mò ra quán uống suông, chờ thời…Vẩn vơ, vơ vẩn thế nào để cái đầu đẩy đưa, đưa đẩy về mươi năm về trước: tôi đưa vợ con qua miền đất ấm tình nồng và ghé nhà nó ăn vạ. Nó ới dăm đệ tử tới. Mỗi tên xách một va ly bia. Tôi bỗng lạnh cẳng, giời ạ, tính đổ đồng mỗi thằng làm gần một va ly bia như thế kia thì từ chết đến bị thương. Thấy tôi xanh mặt như đít nhái, vợ nó kể lể: nó ực tàn canh chi đao. Bị cớm nhúm một lần, về chưa yên chỗ lại nốc tiếp. Một tối, lái xe về chịu hết nổi, táp vào lề đường đánh một giấc qua đêm. Tỉnh giấc, thấy nhà minh mờ mờ sương khói ngay trước mặt. Chỉ cách mấy chục thước phù vân, phù du.

An vị chủ khách xong, cả bầy ngồi dưới sàn nhà hồ trường. Nó ngửa cổ dốc tuốt vào cổ họng nguyên một loong bia và ư hử…Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giày cỏ, gươm cùn Ta đi đây. Hỏi đi đâu mà khó vậy. Nó cho hay cuối tuần này vượt đèo lội suối qua tiểu bang khác mần trò “ra mắt sách”. Làm mấy cữ, tôi kềnh ra lúc nào cũng chẳng hay. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy cái kính cận gẫy làm hai. Nó, mắt ve ve, miệng cười cười ra cái điều là hôm qua nó ngỡ cái kính của tôi là…cái ghế. Rồi biến mất…

Lát sau, nó khuân về mấy thùng sách thơm nức mùi giấy, mùi mực. Khui ra mới hay là Tháng Ba Gẫy Súng. Tôi lầm rầm: “Ủa, cái thằng chữ nghĩa đâu ra lắm quá mạng. Chửi thề còn bạo nữa”. Nghĩ lại xưa nay nó có sủa bậy hồi nào đâu. Nhớ những ngày ở quán cà phê Pasteur. Đến không gặp tôi và để lại tờ giấy nhắn tin. Đọc lòi mắt chẳng thấy một mảng văn chương nào. Bèn hỏi chữ nghĩa đào đâu ra nhiều quá thể. Nó, thằng mặt hóm, mắt ve ve, miệng cười cười là sẽ còn viết tiếp khúc sau để làm…phiền bạn bè.

Nó mang trên người khuôn mặt hỗn độn, thêm bộ râu hỗn loạn như gốc rễ tre gộc. Tất cả tạo nên những hỗn mang như quãng đời tang thương ngẫu lục của nó trước 75. Nói cho ngay, nó đúng là cái thằng không có tướng mà lại có tính. Tính nó…say xỉn. Nếu có vén mồm nhăng cuội thêm thì nó vốn dĩ quan hai Thủy Quân Lục Chiến, diện bộ hoa rừng vào trông cũng hung lắm chữ đâu có đùa. Còn tôi, quân nhân biệt phái, trần sư cụ một bông mai vàng. Vuốt mặt nể mũi cũng phải nể mặt nó một chút chứ. Ừ thì nó và tôi lằng nhằng như thế đó.

***

Vẫn cuối tuần ngồi quán, và ực. Từ kinh nghiệm “lò” thẩm mỹ viện, tôi tìm ra triết lý củ khoai “Trong chốn nhân gian này, không có đàn bà xấu mà chỉ không…đẹp thôi”. Từ đấy, tôi ung dụng tự tại đi kiếm dì cho mấy cháu. Trong khi tha nhân dẵm lên con lộ, lối mòn xưa cũ qua cô hàng cà phê, cô hàng nước. Đường đời muôn vạn nẻo, lớ quớ thế nào tôi gánh trọn…cô hàng phở. Mà cô này có hơi mát mát, tốc tốc, thế mới hốc. Đường mưa ướt đất, ghé thăm nhà, nhà trống ba gian chỉ hai đứa mình thôi nhé. Ngồi trong bếp nhìn cô múa may bếp núc và lại với …phở nữa. Khi không chân tay tôi ngứa ngáy khó chịu đến thừa thãi. Cô mặc bộ quần áo ngủ bóng láng và mỏng tang như không có gì mỏng bằng. Cô đi đi lại lại, khiến tôi rối như canh hẹ với chuyện giống đực giống cái. Sau đó nuốt vội cả hành chần lẫn nước béo. Xong bữa, tôi gần như chết nửa đời người khi nghe cô rủ đi…ciné. Tôi thẫn thờ ra xe như thằng chết rồi. Cô quay vào lấy…cái áo gió. Phải gió gì đâu, thằng tôi ngao ngán nhìn đất trời chẳng lạnh lẽo gì cho áo với khăn. Vào trong rạp, trong bóng tối đồng loã, tôi mới thấy cái thằng tôi đã già lão lúc nào chẳng hay. Cơm nhà quà vợ đã lâu nên lúc này tôi ngồi như Từ Hải…chết đứng.

Hồi tưởng lại những ngày còn đi học, bàn tay năm ngón dắt đào nhí vào ciné không ngoài chuyện nắng nhiều hơn mưa, khô nhiều hơn ướt. Và lúc này đây, lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng…để thấy rằng từ ngày gặp cô, mưa nắng thất thường với mưa nhiều hơn nắng. Cũng trong cái vòng luân hồi với ướt nhiều hơn khô. Nói cho cùng, cũng vô tư thôi.

Ngồi quán phở, kêu bia, gọi tô “xí-quách” lai rai. Thấy nó ngồi rách đít nên chẳng nỡ quên nó với…ra mắt sách. Trước 75, sau đám cưới, tôi cũng…ra mắt vợ mới tinh hảo ở tiệm…thịt chó gần Viện Hóa Đạo. Một lũ bạn cũ trường xưa, bạn cà phê cà pháo đủ mặt quần hào. Con đường Trần Quốc Toản là đất của tửu địa, đất vạn đại dung thân của hồ trường. Bằng hữu được thể uống nghiêng đình đổ quán, uống cho lệch đất nghiêng trời. Trong lúc nghiêng ngửa, nó và thằng bạn giáo khoa thư của tôi gà tức nhau tiếng gáy. Thế là rủ nhau ra trước cửa quán quần thảo nhau tí thôi. Nhưng cũng để thành một giai thoại bỏ túi trong đám bạn bè gần xa khi tửu lạc vong bần mỗi khi nhắc đến nó. Cái thằng có tướng lại…không có tính.

Tính gì thì tính, cái số của tôi đúng là số thánh không cho ăn lộc. Rằng người ta tuổi ngọ tuổi mùi, còn tôi lận đận một đời tuổi thân. Nôm na với cô hàng phở, nếu họa may có…đám cưới. Ít nữa chán ăn “phở” thèm “cơm nguội” cũng bá thở. Nên thôi. Thôi thì cũng đành lê la ngồi quán tiếp. Lại vương vương hoài cố nhân đến nó. Đến đám cưới ông anh của bà chị họ. Nhà chật người đông. Tửu khí ngất trời, rượu lai láng ngập đất, khói thuốc lá không có chỗ ẩn thân. Say tít cù lỳ, tôi…dấn thân ngay vào giường cô dâu chú rể làm một giấc qua đêm. Bốn giờ sáng hôm sau tỉnh dậy quê hết biết nên nhờ nó chở về bằng cái xe Honda của tôi. Qua đường Trần Quốc Toản, đất của tửu địa xưa cũ. Nó lạng quạng chúi nhũi vào hàng rào dây thép gai bên lề đường. Để chẳng thể không đưa cái xe Honda vào truyện nếu sau này có dịp...

***

Ngồi quán…Buồn tình ngồi nói chuyện đầu gối với nó…Nó là người của trường văn trận bút, tôi nhận bá vơ là khách văn chương, vốn liếng dằn túi nhăm chữ toẻn hoẻn chẳng bõ nhét răng. Thế nên cũng bon chen tí ti chữ nghĩa với nó để “Lãng quên đời” với rượu kia ai chế ra mày, uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu. Vẫn chưa xong, bất chợt lất phất qua thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mưa. Số là tôi đang ngóng đợi…em về trong đáy cốc đâu chưa thấy, thì tôi gặp ngay bà chị họ có mặt ở trên. Tôi khoe mẽ dạo này hay đi xoa mạt chược kiếm chút cháo bào ngư cho bia bọt. Bà chị bỗ bã cho hay em gái một thằng bạn cũng là dân mạt chược với tôi trước 75. Cô em gái bạn tên M.C. hiện đang eo óc bên kia khung trời Quebec, và đang đợi những mùa thu qua đi.

Thế là tôi bắc chiếc cầu Ô thước với chim bay, quạ bay. Điện thoại qua, tôi mới biết sau 75, chồng cô là không quân, bay qua đây trước rồi…bay tít mù luôn. Điện thoại lại, tôi biết thêm qua đây cô đi bước nữa. Số ruồi, gặp thằng sáng say chiều xỉn. Hai mẹ con cô nhiều lần phải trốn dưới gầm cầu thang để tránh những cơn say. Thế nên cô cho thằng chết tiệt…đi luôn. Hiểu theo nghĩa là…xéo. Hiện đang vắng gió đìu hiu trong những ngày nhạt nắng.

Bỗng khi không tôi nghĩ thằng “cựu” chồng cô hơi lạc quan tếu với:

Được tiền thì mua rượu
Ruợu say rồi cỡi trâu
Cỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau

(Trần Tế Xương)

Vì thằng sáng say chiều xỉn không chịu hiểu là người đọc thơ đều là kẻ lạc đường. Bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò với thơ. Có ai đọc thơ để thấy chữ đâu! Để thấy cái không thấy đằng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người bắt gặp, cũng chỉ thấy cái đó là thực, là không mà có, chữ nghĩa là có mà không. Nhưng ấy là chuyện…hậu sự.

Thế nhưng chuyện là chuyện của thằng chết tiệt. Nào phải là của tôi. Chuyện tôi lúc này là người xưa đang trở về. Tuần sau, tôi lạc đường vào tình sử bằng vào chuyến bay gần nhất.

***

Ngồi trên máy bay, tôi cứ lặng lờ với những gì M.C. kể tôi nghe:

Dấu ấn vẫn là lần điện thoại đầu tiên. M.C. nghe giọng tôi là nhận ra ngay người cũ. Vì tôi ngọng nghịu cứ đá ngược lên tận mái ngói với “tr” thành “ch”. Quặn cả mồm miệng với “x” ra “s”. Khi không có người ở mãi tận đẩu đầu đâu nhớ đến cái khiếm khuyết hỡi ơi của mình nên tôi cảm thấy gần gũi ngay. Xa gần hơn nữa là M.C. tỉ tê những ngày tới nhà xoa mạt chược. Mỗi lần M.C. chạm mặt tôi đều không cưỡng lại được với những xao xuyến, nao lòng không đâu dù rằng tôi đã có vợ. Mặc dù giấu kín những tràn ngập giông bão ấy. Nhưng mỗi bữa cơm, thức ăn trong bát tôi cứ đầy hơn. Đầy đặn hơn nữa là mới đây, M.C. đi sờ mu rùa, thầy dậy mây vãn bay đi, ngày vẫn trôi qua, thế nào cũng gặp lại người cũ…một ngày gần đây.

Thời gian càng đến gần, gần tới Quebec. Máy bay chao qua một bên và nghiêng cánh, tôi càng chao đảo tợn. Như Từ Thức về trần với những đổi thay của năm tháng, mặc cảm tuổi tác với…gần…ngũ tuần tri thiên mệnh. Nhân dáng bên ngoài cùng những cảm xúc bên trong, đang lẫn lộn giằng co, níu kéo. Đi trong hành lang phi trường, tôi đếm những bước chân thật chậm, như muốn kéo dài thời gian của những giây phút tình cũ không hẹn mà đến. Nửa muốn trốn tránh hiện thực. Nửa muốn hội nhập. Cuối cùng thực tại là bắt gặp một M.C….như không có thật từ đằng xa. Qúa xa nhưng cũng thật gần. Hai đứa nháo nhào vào nhau qua nụ hôn dài của mong chờ, chờ mong. Loáng thoáng tôi bắt được hai chữ ngớ ngẩn, thân yêu và rời rạc…”em”…rồi…”anh”. Tôi như vượt thoát được chặng đường chuyển tiếp, ngại ngùng nhất của ngôn ngữ tự bao năm. Rồi thì nụ hôn cuối mùa cũng đến lúc phải ngừng lấy hơi, để thở. Để dắt díu nhau đi vào thành phố…đi lên đi xuống may còn có em.

Về đến nhà, trời đã nhá nhem, M.C. sửa soạn cơm chiều. Vừa đứng ở cái bồn chén vừa nói bâng quơ. Từ đằng sau, tôi ôm ngang hông và hôn nhẹ vai trần, bờ gáy, vành tai. M.C. run rẩy “Coi chừng con nó về, đợi tối đi anh…”. Và rồi…nao lòng. Rồi không…cưỡng lại được của những ngày tháng cũ. M.C. quay lại ghì siết tôi qua nụ hôn tràn ngập giông bão…

Đến giờ cơm. Chiếc bàn vuông phủ khăn trắng. Hai ngọn nến khi mờ khi ảo. Hai nụ hoa mãn khai vừa chớm nở muộn. Cùng khoảng không gian nhỏ bé đầm ấm của tình tự mà đã tự lâu lắm rồi tôi không tìm thấy. M.C. chúm chím cười, giọng nói rất Bắc kỳ đặc, khóe mắt long lanh. Tôi như hóa thân vào vũng lầy nhạt nhòa của Nguyễn Tất Nhiên, cô Bắc kỳ nho nhỏ…trong đám đông…giữa đám đông…Giữa có hai ngọn nến,…lung linh,…lung linh…

M.C. vào phòng tắm…Tôi nằm trên giường hút thuốc nhìn trần nhà. Trong bóng tối mờ nhân ảnh của chiếc đèn ngủ, lắng nghe tình ca Ngô Thụy Miên qua tiếng rào rạt của nước chẩy trong phòng tắm. Tiếng tích tắc đều đều…đợi chờ, chờ đợi của chiếc đồng hồ qủa lắc,…lắc qua,…lắc lại…Không gian lắng đọng. Thời gian ngừng nghỉ. Thấm mệt vì đường dài, tôi thiếp đi. Tôi thiếp đi trong mộng mị nhưng vẫn nghe loáng thoáng đâu đây có tiếng khép cửa. Tiếng sột soạt của vải vóc. Và rồi M.C. nhào lên giường và bao chùm lên tôi như cơn bão lốc. Run rẩy, xiết chặt. Háo hức, đam mê. Những chứa chan của bao ngày tháng, vỡ tung, bù đắp.

Trong dồn dập, giọng M.C. đứt quãng trong khát khao: “Em muốn có con với anh…”.

***

Loắt ngoắt về đến nhà đã lâu, lêu bêu ngoài quán chợ cũng nhiều. Một ngày chạm mặt với bà chị họ, sợi dây liên lạc giữa nó và tôi bấy lâu nay. Bà cho biết nó vừa ghé đây để tụ họp với anh em Thủy Quân Lục Chiến. Ngay cả với đồng môn Nguyễn Trãi sau này. Nhưng cớ sự gì nó không tới gặp tôi. Tôi vặn óc nghĩ không ra…Hay là nó quên. Mà quên thế quái nào được vì nó biết tỏng tôi là thổ công ở thành phố này. Quán nào tôi chẳng biết, tiệm nào tôi chẳng hay. Ấy là tôi còn nguyên một tủ rượu đang đợi nó như đã hứa hẹn nhiều lần. Hay nó muốn giở cái tuồng tam cố thảo lư cũ rích. Dám lắm ạ. Nhưng sau đó tôi cũng quên tuốt cho nhẹ mình nhẹ mẩy. Vì thỉnh thoảng qua điện thoại, lần nào cũng vậy. Và tôi hình dung nó đầu dây bên kia… Nó, thằng mặt hóm, mắt ve ve, miệng cười cười vẫn thường ới tôi như gọi sang sông: “Sang đây nhậu. Tao cho mày say xỉn luôn”. Ừ thì…cho đến chót đời, nó vẫn lẵng nhẵng như thế đấy.

Chẳng hiểu sao dạo này tôi ít lai vãng đến hàng quán. Có thể vì cuối tuần dành cho điện thoại đường dài, thường thì ba, bốn tiếng một lần. Một lần tôi ngỏ ý với M.C. rằng…Rằng nói mẽ thì tôi chưa già nhưng có hơi lớn tuổi nên không muốn đèo bòng con cái nữa với lão bạng sanh châu. Tuần sau. Điện thoại bình thường với giờ giấc định sẵn nhưng không ai có nhà. Đến tối khuya, khuya lắm, M.C. gọi lại cho biết mới ở bệnh viện về. Hốt hoảng hỏi chuyện gì vậy. Trả lời…cắt rồi. Khi không tôi thấy mình bâng khuâng, bâng quơ vô cớ…Bỗng dưng thấy thương…thấy buồn. Buồn, thương lẫn lộn vào lúc nửa đêm về sáng.

***

Và vẫn đi đi về về bằng vào những chuyến bay như kẻ lạc đường, bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò. Đụng đến chữ “hẹn hò”, lại vịn cớ “liên hệ” đến cái xe Honda đảo qua ở trên: Chuyện là tôi đang ngồi ở cà phê Pasteur. Vừa về phép đến kiếm tôi, nó bắt tôi đi ngay với nó. Tôi đèo nó đi và hỏi chuyện lỉnh kỉnh gì vậy. Nó vặc tôi đến hẵng hay. Tôi nhủ thầm: Cái thằng khỉ! Gì mà khó vậy! Đến gần trường Nguyễn Bá Tòng, vào quán nước nó mới rề rà. Quán này là nơi chốn hẹn hò đợi “em”, em tan trường về đường mưa nho nhỏ…

Nó nghiêm và buồn rằng: Mới vào lính, lần đầu về phép. Nó mượn cái xe gắn máy của thằng bạn cùng xóm đến đây chờ em. Ghếch cái xe ngay trước cửa quán. Nó cũng ngồi ngay cửa ra vào cách cái xe sáu, bẩy thước. Mắt mũi nó chằm bằm chiếu tướng vào cái xe vị sợ chôm chỉa. Được đâu nửa tiếng, nó như nhập đồng thiếp. Nghe tiếng xe nổ máy, và có một ông tướng nào đấy nhẩy lên xe vọt đi. Mươi giây sau nó mới bừng tỉnh giấc mơ hoa là mất bố nó cái xế. Chỉ cái xe Honda của tôi với ý đồ là nó đang rình thằng…quái xế.

Nghe thủng chuyện xong…Tôi vừa ngó chiếc xe của mình, vừa nhìn xa xa là trường Nguyễn Bá Tòng. Và xa gần rằng với nó. Cái thằng chẳng có mối tình nào ra hồn để vắt vai, chòm chèm toàn những chuyện tình dấm dớ với nửa hồn thương đau, hay nguyên một mùa thu chết. Thế nên tôi chẳng rỗi hơi hỏi han đến tên “em” của nó cho mệt xác. Nói cho ngay, hết trung học ngồi ở quán cà phê dài người. Chán rồi đi lính. Ừ thì hãy thử nghĩ mỗi năm được về phép bảy ngày thấy một cô gái chưa kịp làm quen đã hết phép. Thì còn chỗ trống nào, nhồi nhét hai chữ yêu đương. Hai chữ này với nó dường như…sinh lầm thế kỷ.

Trở lại với M.C., gần gũi nhau đâu đó cũng gần ba năm. Hai lần đem con về ở với tôi để tụi nhỏ làm quen với nhau. Cũng để tránh cái mục con em, con anh đánh con chúng ta. Nói cho vui ấy mà vì M.C. còn đẻ đái gì nữa. Cùng lúc, đồ đạc trong nhà đã mua sắm đâu vào đấy. Thiệp cưới đang sửa soạn in. Danh sách thân bằng quyến thuộc, bằng hữu đã ghi vào sổ nợ đời. Nhân dịp này nhờ anh bạn tử vi lấy cho mỗi người một lá số. Nhớ mài mại anh giải rằng tôi tuổi thân, mạng mộc, thân có thiên di. Còn cô tuổi sửu, mạng thủy. Thân hay mạng cũng chả nhớ nữa: có thiên việt, thiên khôi với thư, kinh, đường, phú. Nhưng cả hai đều có chung hồng loan, đào hoa chiếu mệnh. Riêng cô thì đào, hồng, hỷ, hội ở cung phu, bị mấy sao quái quỷ gì ấy như thiên riêu, thiên hình hay tam thai, tam hợp thế nên mệnh khắc số…Anh bạn bàn thêm, cô tuổi trâu, mạng thủy, thế nên đôi chân in dấu số phận. Dấu vết số phận lấm tấm như lệ ứa, đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt” nửa đời người…

Rồi anh lắc đầu nếu ngày mai có làm đám cưới cũng không thành.

***

Chuyện này qua chuyện kia, tôi lại lạng quạng lạc đường về bài thơ Ngẫu Hứng mới nghe qua thấy lờ quờ với “Cỡi trâu thế mà vững, có ngã cũng không đau”. Để thấy cái không thấy đằng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người bắt gặp một cách khác nhau. Và tất cả như vận vào người tôi. Như định mệnh đã an bài . Cùng những ân hận, dầy vò nhớ đời. Hay nói khác đi, cái không thấy đó, tôi sẽ bắt gặp với ngã mà đau. Trong những ngày sắp tới…

Đó là ngày lễ Tạ Ơn, tôi bay lên đấy trưa thứ tư và chiều là tới. M.C. bận cửa hàng ở dưới phố, thằng em út M.C đón tôi về. Sau vãng lai mấy lần, thằng em tự tiện xem tôi như “anh rể” kiêm bạn vong niên. Hảo bằng hữu phải thết bằng hảo tửu, thằng em “vợ” khuân về một bình rượu to tổ chảng ngâm mấy con của nợ gì đó của người da đỏ. Đại thể lăng ba vi bộ với Kim Dung qua Ngủ bảo tửu ngâm rít, nhện, bọ cạp, v..v.. mà Lệnh Hồ Xung uống tràn cung mây. Tôi cũng…xung lên và hồ hỡi, hồ trường mềm môi. Cho đến lúc tôi chẳng còn là tôi nữa. Khi thằng em bàn giao về cho bà chị, tôi vừa khật khưỡng xiêu vẹo túy ông chi y bất tại tửu, vừa ứ hự em ơi, lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi say với ai…. Và bật ngửa người ra nằm ụ một đống cả đêm lẫn ngày. Nửa tỉnh nửa mê có ai đó đang lau mặt cho tôi, Loáng thoáng đâu đây có tiếng thở ra như một tiếng dài thật nhẹ…ngai ngái mùi ngô non. Rồi dựng tôi dậy thay áo, áo quần mùi tanh tưởi của rượu thừa thịt dư. Thêm một tiếng thở dài và…dài hơn.

Như vận vào người với đời vắng em rồi say với ai…Tôi bật văng ra ngòai một chuyện tình ít gió nhiều mây. Tôi vội vã đi tít mít, đi văng ra khỏi cửa…Thôi cũng đành. Đấy cũng là lần cuối cùng. Tôi chẳng bao trở lại thành phố đi lên đi xuống may mà có em nữa…Mặc dù chỉ một lần với tình gác chân mây.

***

Tôi chẳng bao trở lại thành phố ấy nữa. Bẵng đi trên dưới hai mươi năm có lẻ. Cứ ngỡ đã đi vào quên lãng với thế sự du du hề, một cuộc bể dâu. Thời gian cứ qua mau. Một ngày bóng ma của quá khứ trở về trong một ngày nhạt nắng với nhân kiếp phù sinh hề, một thoáng bạch câu…Qua một bài viết…

Một ngày mò mẫm máy vi tính. Tôi bắt gặp một bài viết ngắn trên mạng lưới đã có gần một năm. Nhưng tôi mới chỉ đọc cách đây hơn một tuần. Và người viết là ông anh cả của M.C. Người đã chăm lo, đỡ đần M.C. trong những ngày chân ướt chân ráo tới Quebec.

Nhớ Cao Xuân Huy, ông em rể “hụt”.

Gọi phone, tôi biết thứ năm, ngày mai, là ngày hỏa táng Huy. Huy cũng gọi tôi là anh, xưng em, cũng họ Hồng Bàng như với Hoàng Khởi Phong. Và tôi như Phong, chẳng hề cảm thấy mình xứng đáng làm anh. Làm anh thế nào được với một người trung thực, thẳng thắn như Huy nhỉ? Khó lắm.

Với Huy, tôi là ông anh rể: “hụt”. Kỳ qua Cali tháng 2 năm này 2010, lần đầu tôi hỏi “tại sao” cái chuyện “hụt”. Đó là thời Huy mới vào lính. Huy kể: em về, thấy là xông tới liền, nhưng “nó” đẩy em ra, bảo em hôi mùi rượu, và nếu yêu rượu hơn thì…cứ đi ngay. Thế là em đi! Nói xong, Huy cười, nhưng không cười cái cười dửng dưng. Em tôi, MC, có chồng hụt là Huy, cũng đã ra đi tháng 8 năm nay. Thôi, gặp nhau ở nơi nào đó thì…cứ kể lể và hôn, có muốn hôi mùi rượu cũng khó, rượu tiên mà, có phải rượu người đâu mà hôi.

Huy ơi, cái thách đố của Huy năm nào là hôn chị TMT, tôi chưa làm được, đừng…cười Huy nhé, không phải là tôi không muốn mà là vì tôi nhát lắm, chỉ mạnh miệng dọa. Tôi tin Huy thì không, Thủy Quân Lục Chiến chứ chơi à, nhất lại là ở nơi không phải địa ngục trần gian này. Trên thiên đường, muốn làm gì thì tự do xông lên nhé, Huy nhé. Ông anh rể “hụt” vỗ tay, và đẩy Huy tới, như khi Huy đẩy tôi về phía chị T (quên không nói, chị ấy tha cả 2 đứa mình cái tội “nhả” đó rồi).

Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện văn, trừ 2 lần, khi Huy nhận tiếp tục làm báo Văn Học, và khi tôi buột miệng, “Tháng Ba gãy súng” là một tác phẩm sáng nhất ở hải ngoại. Huy cười, hồn nhiên, bảo “giỡn anh! em đâu có là nhà văn!” Đó là lần đầu chúng tôi bất đồng ý kiến. Thôi, Huy là gì cũng thế, còn tôi, tôi có cái hạnh phúc làm một ông anh rể, dẫu “hụt”, của Huy, Huy ạ.

Chúc ông em rể “hụt” một chuyến thong dong, và hẹn gặp lại, nhưng thư thư một chút nhé.

Nam Dao 15-11-2010

***

Tôi cảm thấy hụt hẫng…chơi vơi…

Và không biết làm gì hơn là ra bàn thờ, thắp nén hương lòng cho một người nằm xuống.

Em đi bỏ lại con đường

Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em

(Bùi Giáng)

Tôi lặng lờ ra vườn ngồi, đất trời mang mang, u ẩn trong một cõi đi về. Hương khói còn đấy, đốt lò hương cũ cho những ngày tháng qua mau thì chẳng quên nó. Những ngày cuối đời cùng những năm tháng còn lại, tôi vẫn thường hay điện thoại thăm hỏi. Để chẳng bao giờ quên, như một dấu ấn. Một trong những lần cuối cùng hỏi về bệnh tình của nó. Nó bật ra hai chữ hỡi ơi…: “Thảm thiết”. Rồi râm ran: “Tao biết tin vợ mày mất. Nhưng tao không điện thoại”.

Ngập ngừng và rì rầm: “Tao còn biết…một chuyện của mày nữa. Nhưng tao không nói”.

Ừ thì biết nói gì đây, có nói cũng khôn cùng.

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search