T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: CÂU ĐỐI TẾT

Anh Đồ Trẻ – Ảnh: Lưu Na

Lần nào cụ Tú đạp xe về ngang Lăng Ông thì trời cũng đã về chiều. Hàng đoàn xe đạp đang chen chúc xuôi ngược về khắp ngã phố thị dưới những dãy đèn đường ngọn vỡ ngọn mờ. Ánh đèn xanh nhạt lẫn với ánh chiều còn sót lại hắt lên khuôn mặt những người dân vẻ lơ láo lạ. Cụ Tú vẫn luôn luôn khoan thai dù đêm có đến nhanh hơn hay người trên đường giục giã. Bao giờ cũng vậy, cụ nhìn vào Lăng Ông và cúi đầu nhẹ một cái. Thói quen này cụ có từ những ngày thơ ấu dù đối với chùa hay nhà thờ, hay đi ngang qua một miễu nhỏ bên đường. Lần mà Văn bất chợt tình cờ khám phá ra thói quen kín đáo này, chàng đã hết sức ngạc nhiên.

– Thưa thầy, con không nghĩ là một ông sư hay một ông cha cũng thích chào nhiều nơi như vậy, kể cả những bàn Thiên chơ chõng Thầy đã chào.

Người Thầy dạy Văn châm cứu ấy đã cười bí mật, những nếp nhăn hai bên mép làm già thêm những sợi râu bạc lưa thưa, nhưng đôi mắt thoáng ấn hiện cẻ tinh nghịch thơ trẻ đôi khi, giọng thì thầm như đang nói lên những lời muốn giữ kín:

– Tôi còn muốn chào cả thế giới, dù là với một lá cỏ dưới chân.

Nói gì tới Lăng Ông, nơi những người dân thành Gia Định có thói quen khi nói lên lời nghiêm trọng là đưa nhau đến chính điện vặn cổ gà, là nơi cụ Tú đi qua hàng ngày, và mỗi năm khi xuân đến cụ lại vào ngồi viết câu đối cho người thiên hạ.

Nhà cụ Tú ở sau chợ Bà Chiểu, trong một ngõ hẻm lầy lội gần Lăng Ông. Túp nhà nhỏ hẹp không đủ cho mươi con chuột phá… được đậy lại dưới những cơn gió lớn. Trong nhà vừa chứa được chiếc giường cây ọp ẹp, vài ghế ngồi ngả tới ngả lui, và cái bàn gỗ mà mọt đã làm lệch mất một chân, phải dựa sát vào vách và kê thêm cục gạch cho vững. Trên vách là những tấm ván sần sùi xám xịt, ghép vào nhau với đủ kích thước và hình dạng, như được hình thành từ người thợ mộc lười biếng và vụng về nhất thế giới. Đôi khi Văn tới đóng lại một cây đà, hoặc leo lên trét lại những lỗ đinh trên mái tôn trước khi mùa mưa tới cho Thầy. Tự chàng phải nhìn thấy những việc ấy để làm vì cụ lơ đễnh với mọi việc, cả việc mở một lời cảm ơn Văn sau những sửa chữa đó, mà chỉ mỉm cười gật đầu nhẹ một cái. Văn cũng đâm lạ với những cái mỉm cười gật đầu ấy. Ngay cả hồi kẻ trộm rút mất hai tấm tôn sau bếp, đến mấy ngày sau cụ mới biết nhưng chẳng hở môi gì cả. Khi Văn khệ nệ vác hai tấm tôn méo mó khác tới đóng lại, cụ chỉ cười:

– Tôi đi châm cứu cả ngày có biết gì đâu. Mà có bắt tận tay rồi cũng phải tha nó thôi, xã hội này vậy đấy. Mình đã không chấp nhận xã hội này thì cũng không cần để cho nó giải quyết những việc của đời sống mình. Hồi trước lắm khi quên để cửa cả ngày có mất gì đâu. Giờ thì dép nhựa đứt quai nó cũng lấy – Như dường cảm thấy biện hộ cho kẻ trộm chưa đủ, cụ lại nói như tự kết án – Vả lại trong khi dân mình nằm lê lết ngoài đường mà mình nằm được trong nhà cũng là có tội rồi đấy…

Văn dựng đứng tôn vào vách, đưa tay lên mặt vuốt lất mồ hôi nhễ nhại, rồi nhìn Thầy nháy mắt nghịch ngợm:

– Cứ kiểu quân tử ăn không cầu no, mặc không cầu ấm, con nghĩ là Thầy đã bắt gặp và bảo tên trộm ấy “Này chú kia, sao lấy có một tấm nhỉ, chắc không đủ xài đâu, tôi cho chú cả hai tấm đấy”. Xong rồi Thầy lên giường tự nhủ: “Thế cũng là may, suốt cả ngày hôm nay mình chưa làm được viện thiện nào cả, đúng lúc đấy”.

Những người lớn tuổi đôi khi gọi cụ với tên là cụ Tú Anh. Nhưng hầu hết mọi người gọi đơn giản và kính trọng là cụ Tú, như cả Việt Nam bây giờ chỉ còn một đại diện duy nhất ấy cho những triệu nho gia của mấy ngàn năm Đông phương. Cụ bước vào xã hội với nghề châm cứu từ mấy chục năm nay, với người bạn trung thành là chiếc xe đạp đón ngang từ thời Tây, lâu nay vẫn kêu to phản đối ầm ỉ mỗi lần cụ nhấc chân hành hạ nó. Hồi trẻ, cụ bị một chứng bịnh tim, đã đi khắp thuốc Tây, thuốc Bắc mà không xong, nên phải nghiên cứu về châm cứu để tự chữa cho mình, mà dai dẳng đến giờ chưa hết. Văn bắt gặp cụ từ năm, bảy năm nay và đã đâm ra mê cái ông cụ ngây thơ làm gì cũng với trọn lòng say mê ấy. Văn theo cụ học môn châm cứu, nhưng chàng thích hơn vẫn là thái độ trân trọng với từng giây phút của đời sống của cụ, cả sự nghịch ngợm của cụ.

– Tôi thực sự chỉ là một lão lang băm, lang vườn thôi. Ngày tôi bước vào nghề châm cứu là với cả một trời ngã mạn sụp đổ. Tôi đã cười mấy lão lang già thời tôi ấy, sao không chịu đi cứu mấy chục triệu người mà cứ lo tỉ mỉ tần mần với dăm cây kim để suốt đời cứu được có mươi người. Cuối cùng thì tôi phải đầu hàng sự bất tài của tôi, sự vụng về của tôi, không dụ dỗ nổi một mụ già ngốc nghếch huống chi cả một dân tộc. Chắc là phải có định mệnh nào đó cho những người làm việc lớn nhỉ, nhất là dưới cái thời ma quỷ này.

Văn không đọc nhiều, nhưng từ khi sống với cụ Tú thì chàng tin là sau những dòng chữ của Khổng Tử chắc cũng ẩn hiện những nụ cười lúc nghiêm trang, lúc ngây thơ và lúc nghịch ngợm mà cụ Tú học được. Cách dạy châm cứu của cụ cũng có vẻ thiếu khoa học, không theo một phương pháp nào cả, phần nào giống những vị thầy dạy võ ngày xưa. Cụ bắt Văn xách kim theo hầu suốt tháng đầu tiên chỉ để nhìn và nghe thôi.

Người xưa có câu là Vạn bệnh nhất châm. Nhưng trước tiên phải học được cái thần của nó và học cả đời may ra mới đạt được. Chỉ tới khi nào mình thấy được là đời sống cực kỳ tuyệt diệu và thiêng liêng mới có thể thành thầy châm cứu xuất sắc được. Bấy giờ chỉ cần nhìn thoáng qua khí sắc, có thể biết được bệnh của năm năm sau, hay tệ lắm thì bắt lấy mạch có thể biết được cả những tư tưởng thầm kín nữa.

– Cứ theo kiểu nói của Thầy, khi mình đạt được cái thần rồi, có thể nắm cổ tay một người mà biết được năm năm sau cô ta sẽ sinh con trai hay gái chăng.

Cụ Tú hơi ngẩn người ra rồi lại cười rất ngây thơ:

– Cái đó Thầy chưa đạt tới được. Mà Hoa Đà, Biển Thước biết có tới được chưa. Nhưng ngày xưa, người ta chẩn mạch phụ nữ bằng cách cột sáu sợi dây vào cổ tay bệnh nhân và thầy thuốc chỉ được cầm sáu sợi dây ấy để chẩn sáu mạch…

Những lúc ấy, Văn lại thấy Thầy mình có một vẻ lẩm cẩm của một thứ chủ nghĩa thần bí để có thể tin cả vào những câu nói đùa của Văn.

Cứ mỗi lần Tết đến, cụ lại vào sân Lăng Ông ngồi viết câu đối. Những năm này, số người viết câu đối không còn nhiều nữa. Người ta không giữ được thói quen trân trọng với vẻ đẹp của giấy mực dưới sự ưu thắng của nón cối và dép râu. Số người mua câu đối càng lúc càng giảm đi với sự lạm phát càng lúc càng tăng của tiền và lòng gian trá. Cho đến năm ngoái, chỉ còn cụ là người duy nhất ngồi viết trong sân những dòng chữ chúc mừng mùa xuân, mà không một ai chịu dừng lại để đọc. Hay là không một ai chịu tin là nước mình có thể hiện đến một mùa xuân mới chăng, dưới những mùa băng giá ấy. Người ta chỉ đi lướt qua và vào gian chính điện để rút những lá xăm xin sớ thêm tiền cho năm mới. Những ngày ấy, Văn mỗi chiều đều vào ngồi chơi với cụ. Hai thầy trò ngồi trên mảnh chiếu nhỏ, bày trước mặt là giấy đỏ, mực tàu, bút lông. Quanh trời còn sót lại những trận gió bấc cuối mùa lướt qua và thả xuống từng trận lá vàng trong sân điện, lá bay rải rác và nằm xuống trên những vuông đá xanh và trên cả giấy mực. Cụ vẫn thản nhiên trước sự thờ ơ của người đi lễ và cây lá, cặm cụi cầm bút đồ từng trên giấy. Có lúc phải đưa tay nhặt bỏ ra ngoài chiếc lá vừa rơi xuống vương vào đầu cọ, nghiêng đầu cúi xuống sát vào nét chữ thổi đi tí bụi rơi vào. Cụ cẩn trọng, dịu dàng từng cử chỉ một như sự động đến những hồn xưa trong chữ. Văn đôi khi tìm những chuyện gì vui đấy để nói đùa với Thầy. Chàng không muốn những cơn xúc động xảy ra làm vỡ đi quả tim vốn bị thương tổn của Thầy. Rồi khi những tia nắng chiều cuối cùng đổi màu trên giấy, hai thầy trò lại lúi húi thu dọn, ôm mớ giấy điều ấy về. Hai mái đầu một trắng một đen ôm giấy mực lừng thững bỏ lại đám người đi lễ trong sân và chợ chiều phía ngoài.

– Con cũng lạ, sao Thầy hay nhiều người viết chữ đẹp thế. Con cứ bị chê là viết chữ xấu hoài thôi, may mà không biết chữ Hán đấy.

– Chữ không cần đẹp. Chỉ cần có cái gì ở trong chữ thôi.

– Con nhớ có lần Thầy bảo người xưa họ học cả phép viết chữ nữa.

– Đúng vậy. Ngày xưa, một người con trai phải là một kỳ vọng của xã hội, nên phải học nhiều thứ lắm. Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Xạ, Ngự, Thư, Pháp, Y, Nho, Lý, Số này nọ. Tôi lỡ bị bịnh mê viết chữ đẹp chứ thật lòng không xem nó là quan trọng. Nước mình ngổn ngang thế này, chữ này mà không làm được gì thì cũng vô ích. Tôi lúc nào cũng băn khoăn là từ nhỏ tới giờ chưa làm được gì tốt đẹp cho dân mình, trong khi nước mình khổ cả trăm năm rồi.

Thế là Văn quyết định tới đón giao thừa với ông cụ, sau buổi trưa ngày ba mươi ngồi với cụ đốt sạch hết câu đối ấy. Hai người cầm que khơi lên những mẩu giấy và đợi nó cháy tan thành tro. Những vuông giấy đỏ với chữ kim nhũ, tờ thì với chữ đen, khi những ngọn lửa đỏ liếm dần tới, đã cong người lên, quằn quại rồi biến dần thành những mảnh tro, đen đen, xám xám, rạn vỡ, nứt nẻ. Văn muốn ngỏ đôi lời nào có thể làm cụ vui dù trông cụ vẫn có vẻ an nhiên như mọi lúc.

– Tối nay con xin phép tới đón giao thừa với Thầy nhé.

– Ừ, được thôi. Đừng nghĩ là tôi buồn đâu. Quen sống một mình lâu rồi đấy. Còn mấy câu đối này thì… cũng vậy thôi. Mình chỉ muốn đem cho người niềm vui và tin tưởng. Nhưng thôi…

– Thế hệ của Thầy có một cái gì làm cho con thích, nhưng chắc rồi cũng chẳng còn ai nữa. Lịch sử có sự tàn nhẫn của nó. Thời này không còn là thời của chữ, mà là thời của súng đạn.

Cụ Tú ngẩng lên nhìn vào mắt Văn, người học trò những năm cuối đời của cụ, vẫn thường chứng tỏ được sự lanh lợi cần thiết, trái ngược với cụ trong đời sống. Ngọn lửa đã thu nhỏ dần, chỉ còn lại vài mẩu giấy đang ngun ngún cháy. Cụ mỉm cười với thế hệ mới kia:

– Thường khi người ta cầm kim vẫn thấy nhẹ hơn đấy.

Văn nhìn Thầy cười rồi cúi xuống tiếp tục khơi những tàn tro giải trí của những thế hệ cũ.

– Vâng, cầm nhẹ hơn nhưng lòng lại nặng đi. Và khi người ta cầm nặng hơn nhưng lòng lại thanh thản an vui. Con học được Thầy những điều này đấy, dù Thầy không nói rõ ràng hết, như trong từng nụ cười, từng cái nhìn, con vẫn đọc được. Thầy không nói, nhưng khi Thầy cầm kim chữa bệnh cho một người, con nhìn thấy trong mắt Thầy cả một tấm lòng thiết tha chữa bệnh cho cả cuộc đời.

Văn lại ngẩng lên nhìn Thầy, giọng chậm hơn:

– Chính Thầy, vâng chính Thầy đấy, đã muốn nói với con là chúng ta phải có trách nhiệm với cả thế giới này, ngay cả với một tiếng trẻ khóc ấm ức ngoài đường. Và điều tốt đẹp nhất của con người là không một phút giây nào lơi ra trách nhiệm đó.

– Thật ra, lúc nào tôi cũng ân hận với ý nghĩ là những trò cầm kim này, cả cái trò viết chữ này chỉ là để an ổn phần nào lương tâm mình, chỉ để vơi đi chút khổ đau của mình. Ít nhất thì mình cũng đang làm gì đó, chứ không phải vui chơi. Và khi nghĩ vậy, mình càng bị dày vò. Đời tôi, tôi đã từng hai lần đứng trước bàn thờ Tổ quốc phát lên những lời thề nghiêm trọng. Thế nhưng cuối cùng lại tự an ủi mình với mấy cái lặt vặt này.

– Con thấy cả đấy, Thầy ạ. Và con biết cách sử dụng đời mình sẽ tới một lúc con bỏ kim đấy…

… Văn mở hộp mứt bày một ít ra đỉa, rồi rót trà mời Thầy. Ngoài trời, đêm xuống đã lâu. Chợ Bà Chiểu chỉ còn vài người bán hoa đang thu dọn vội vàng để về kịp chuẩn bị đón giao thừa. Lác đác vài tiếng pháo trẻ đùa trong xóm. Đường một lúc một vắng hơn. Trong nhà không có vẻ gì là Tết, chỉ trừ trên chiếc bàn gỗ xỉn màu là trà với mứt. Từ nhiều năm rồi, cụ Tú không ưa những dịp vui như vậy dù cụ còn giữ nhiều nền nếp cổ truyền. Có năm nào đó, cụ đã giải thích với Văn. Tết là dịp để để tống hết những hoạt động năm cũ và vạch phương hướng cho năm mới, nhưng đời cụ có làm được gì có ý nghĩa đâu mà phải tổng kết với vạch phương hướng chưa. Nhưng Văn vẫn nhìn thấy trong vẻ cố ý thờ ơ của Thầy phảng phất nhiều vẻ ưu tư…

– Này cậu. Bây giờ hai thầy trò mình nói chuyện giải trí đi.

– Thầy muốn nói chuyện nhĩ châm, diện châm gì chăng?

– Giải trí gì với mấy thứ ấy. Tối nay để cho có vẻ, mình nói chuyện đất nước, dân tộc gì đi. Nói nhiều mà không chịu làm gì thì giải trí chứ còn gì nữa.

Văn nhìn sâu tận mắt Thầy và mỉm cười:

– Con thấy Thầy cũng ưa đùa giỡn với cả những đau khổ của chính Thầy. Riêng năm nay, con thấy Thầy có nhiều vẻ ưu tư hơn năm trước nên đã quên treo câu đối. Con muốn nhắc Thầy hồi sáng, nhưng thôi, vì đoán Thầy cũng muốn vậy…

Cụ Tú cười gượng nhìn ra ngoài trời. Những sạp chợ ngổn ngang còn vướng vất đầy rác của một chiều bận rộn nhất trong năm. Vài vũng nước lầy lội của con hẻm trước nhà lấp lánh ánh đèn đường xanh xao như muốn hiện lại những khuôn mặt lo âu của người kẻ chợ sáng ngày lo tết. Giọng nói cụ Tú cũng yếu hơn, không còn mấy sự hồn nhiên của ngày thường:

– Tôi nhớ đấy chứ. Đối với ngẫu gì nữa… Người xưa bảo là “văn dĩ ngôn chí”, lấy văn để bày tỏ chí mình, mà tôi thực sự có chí gì để bày tỏ đâu. Mấy đêm trước, tôi đã ngồi trước giấy mực, cũng bên bàn này và suy nghĩ tìm câu nào để viết, không phải để ngôn chí, mà chỉ vì thói quen thôi. Sau nghĩ lại thấy giấy mực thiêng liêng quá, đời mình chưa đủ hùng tâm để làm chuyện gì và lòng mình thì chỉ làm tủi hổ thêm giấy mực, nên ngượng với người xưa. Càng suy nghĩ càng chịu không nổi, đến phải gục đầu lên giấy, như muốn là một cử chỉ xin lỗi. Cụ Tây Hồ thấy chuyện không phải thì nói ngay cho dân mình biết, cụ Bội Châu thấy nước nguy thì mộ quân về cứu, còn mình thì tự trấn áp lương tâm bằng mọi cách. Có lúc tôi tự bào chữa, mình già rồi, chẳng làm gì được nữa, để mấy thằng nhỏ hăng máu nó làm, có lúc lại nghĩ chắc chẳng còn ai lo chuyện nước cả, thời này vậy đấy, mình không nên tự dày vò, và cuối cùng tôi quy lỗi về Định Mệnh, rồi Định Mệnh sẽ giải quyết bằng cách nào đó… Nhưng khi ngồi trước giấy mực, tôi mới thấy sợ khi cầm bút, mình có thể chạy trốn tất cả, nhưng không thể trốn được lòng mình và tôi đã nghĩ là mình chẳng cần gì viết cho mình, mình phải ra ngồi giữa chợ, giữa sân Lăng Ông đấy, để viết những câu chúc mừng cho những kẻ còn tin vào mùa xuân sẽ tới. Nhưng cậu thấy đấy, chẳng ai ngừng trước mặt tôi cả. Hay là lòng mình chưa đủ chí thành chăng…

Con nghĩ là chữ nghĩa không tác dụng như xưa nay nữa. Đứng trước những đau khổ thế này của dân mình thì những dòng chữ xưa cũ đó như đã trở nên xa lạ. Dân mình bây giờ là những đứa con đau khổ của lửa và màu, và để không chế giễu những đau khổ đó, lời thật nhất phải được viết từ máu và lửa. Chắc là con không có chữ đẹp nên không ưa cầm bút…

Đêm đã gần giao thừa. Thấp thoáng ngoài sân dăm nhà, người ta dọn bàn nến hương để cúng giao thừa. Tiếng pháo xa gần nổ nhiều hơn và liên tục hơn. Xa tận ngoài đường, không còn một ai đi lại. Văn đứng dậy, bước ra cửa nhìn và hỏi Thầy:

– Đêm nay Thầy cũng cúng giao thừa?

Cụ Tú mỉm cười, theo Văn ra đứng nhìn. Tất cả các nhà đều đang mở cửa, lui cui xếp mâm trái. Dăm đứa trẻ thập thò sau cửa nhìn mẹ đang làm,cũng đã trở nên nghiêm trang hơn ngày thường. Áo quần những đứa bé của hẻm nhỏ lao động dù có sửa soạn lành lặn nhưng cũng thiếu vẻ hồn nhiên tươi mới như chàng khi nhỏ, không che được hết vẻ nhớn nhác lo âu mà xã hội đã đem tới quá sớm cho tuổi nhỏ. Hay phải chăng sự ngây thơ bây giờ dường như không còn ở nơi con người nữa, có chăng là nơi những người già như cụ Tú. Cụ Tú nắm vai Văn kéo vào nhà:

– Các vị Trời cũng không cần đến bàn cúng giao thừa của tôi đâu. Mình vào đi. Tôi sợ nhìn thấy những niềm vui không thật của người khác.

– Thầy có muốn khai bút không. Có thể Thầy sẽ vui hơn khi viết cái gì đó mà Thầy thích… Chẳng hạn như là gì đấy…

Văn đưa tay ra trước để diễn tả vụng về điều chàng muốn nói mà không tìm được lời để diễn tả.

– Tôi đã viết ngoài kia rồi đấy, rồi lại đem về đốt. Nhưng thôi, nể cậu tôi viết vậy. Đúng ra, không viết thì lại băn khoăn.

Cụ Tú mở tủ, bày ra bàn hai vuông giấy đỏ, lọ mực tàu và bút lông. Cụ xếp ngay ngắn những thứ trên bàn, rồi chống tay vào cằm, nhìn vào giấy suy nghĩ. Văn ngả lưng vào ghế, đốt thguốc và nhìn Thầy. Khi cụ Tú ngồi trước bàn suy nghĩ, dáng dấp đầy tự tin và trầm mặc, với giấy mực trước mặt, như một vị Tướng đang đăm chiêu nhìn vào đám sương mù buổi sớm tìm những lối đưa quân vào trận. Cụ cầm đứng ngọn bút lông, chấm vào lọ mực tàu – hình như mấy thỏi mực kia cụ đã ném đâu tự hồi chiều, chỉ còn lô mực tàu ngày thường vẫn xài này thôi. Cụ miết đầu bút lông vào mép lọ rồi lại chấm mực, rồi lại miết vào mép lọ cho mực khỏi đọng. Vầng trán vốn sẵn nếp nhăn cau lại, cụ hết nhìn vào giấy, vào bút, lại ngẩng lên nhìn về phía trước dáng xa xăm. Cụ Tú lại chỉnh vuông giấy đỏ trước mặt, tay trái đưa lên phủi nhẹ trên mặt giấy tinh khôi ấy. Cụ Tú lại thẳng lưng lên, ngẩn người ra suy nghĩ một chập, rồi lại chống cằm nhìn vào giấy, như đang muốn nghe chuyện một ngườu bạn không còn thích nói chuyện nữa. Cuối cùng, cụ nâng tách trà lên hớp một nhấp, đưa mắt nhìn Văn hỏi:

– Tôi chẳng biết viết điều gì mà mình hài lòng được. Chịu thua thôi. Cậu thích tôi viết gì nhỉ. Người nó cứ làm sao ấy…

– Con chẳng biết tới một chữ Hán, làm sao gợi ý cho Thầy được. Con nghĩ là Thầy sẽ vui khi viết, thế thôi.

– Thôi cất đi nhé.

Cụ Tú xếp hai vuông giấy vào góc bàn, đậy lọ mực lại, nét mặt vẫn xa xôi. Cụ kéo khay trà ra giữa, rót thêm trà cho hai người, tay vụng về đổ ít nước ra ngoài. Văn lấy khăn chấm những vệt nước ở ngoài ấy, nhìn Thầy an ủi:

– Con nghĩ là Thầy nhiều chữ, nhiều câu hay lắm đấy. Mà có được nét chữ đẹp như Thầy chắc không còn mấy người nữa. Người xưa có những thú vui tao nhã thật.

Cụ Tú cười gượng:

– Chính vì lúc này tôi nghĩ nó chỉ là thú vui, là trò chơi nên không viết nổi. Thật sự, người xưa không xem là trò chơi đâu. Họ viết bằng máu tủy của họ đấy.

Khi nhìn Thầy ngồi trước giấy mực, con có cảm giác là chính cả nghìn xưa nho sĩ về cầm tay Thầy viết đấy.

– Thôi để lúc khác viết cũng được.

– Thầy có mệt thì Thầy nằm nghĩ, Thầy ạ.

Cụ Tú lắc đầu, nhưng vẫn đứng lêb, dáng như muốn về giường nằm, nhưng rồi lại đi đi lại lại, tay chắp sau lưng. Đôi mắt lúc thì nhìn xuống đầu mũi chân, lúc lại ngẩng lên nhìn xa vời, với mớ tóc trắng lắc lư trên đôi vai gầy guộc. Cuối cùng, cụ lại vào bàn ngồi, bày giấy ra, quả quyết cầm cọ…

– Bây giờ tôi viết đấy nhé.

Cụ Tú cắn môi, cầm đứng bút lông chấm mực, cẩn thận đưa từng nét mực tàu trên giấy đỏ. Túm lông đầu bút theo từng nét mác, nét sổ, lúc nhòe ra, lúc thu gọn lại, như thể tự bút cũng muốn làm đẹp hơn cho chữ. Mắt cụ Tú nhìn thẳng vào từng nét, gởi hết cả ưu tư vào chữ, có lúc lại nghiêng đầu nhìn chữ vừa xong rồi hơi gật gù như có chút hài lòng, bấy giờ mới đưa cọ chấm mực để bắt đầu chữ tiếp. Mái tóc trắng rũ xuống, lòa xòa trên trán, nhưng cụ không để ý đến, cả đến dăm sợi râu bạc phất nhẹ theo hơi gió sớm. Cụ Tú viết quên cả Văn đang ngồi trước mặt. Chàng không dám nói lời nào sợ làm mất hứng ông cụ, chàng ngồi hút thuốc và cũng không dám có cử chỉ mạnh hoặc gây tiếng động, nhưng lòng thì rất vui vì thấy Thầy làm việc với từng động tác nhỏ nghiêm trang, trân trọng với từng nét một như sợ những nét chữ kia có thể chui mất vào giấy nếu có chút gì thô bạo thoáng hiện đến. Khi xong chữ cuối, cụ Tú đặt bút nằm trên bàn, thở phào rồi cười với Văn:

– Xong đấy, cậu biết chữ nào không?

– Thưa thầy, con chẳng biết tới nửa chữ nói chi là một chữ. Nhưng con vui vì con biết Thầy vui.

Giọng cụ nhỏ lại, trầm hơn, đầu hơi ghé tới trước.

– Câu này là “Cộng sản chi họa, quốc phá gia vong, thùy nhân bất hận”, cái họa của cộng sản là nước mất nhà tan, ai người mà không giận – Cụ lại có giọng thích thú như thơ trẻ – Tôi vừa nghĩ ra một trò chơi hay lắm…

Văn hơi ngạc nhiên:

– Hình như đối không chỉnh lắm, Thầy ạ.

– Ồ, văn với chương gì nữa. Tôi chỉ viết sự thực thôi.

Bây giờ thì tôi vui đấy. Tôi sẽ dán ngay trước nhà.

– Đừng đùa với Công an, Thầy ạ.

– Tôi đã sợ đủ thứ cả đời tôi rồi, phải có lúc nào mình dám là mình chứ. Tôi sẽ dán trước nhà trong ba ngày Tết. Mấy thằng công an xã hội chủ nghĩa rất thông thái ấy cứ quen nhìn chữ Hán ra chữ Ả Rập cũng chẳng thắc mắc gì đâu. Mà có gì thì chịu thôi. À, khoan nhé, tôi phải ký tên vào góc, mình phải có trách nhiệm với chữ của mình.

Cụ lại cầm bút lên chấm mực, miết cẩn thận và mép lọ, đưa lên không phác phác vài nét rồi ngoạch mấy nét mạnh vào giấy. Trông cây cọ lông trong tay cụ như hình một ngọn giáo đang múa những đường thảo giữa trận quân bình.

– Xong đấy, người nào biết đọc họ sẽ thấy chữ Tú Anh này rất là xuất sắc, mạnh mẽ. Tôi đã nổi tiếng gần trăm nay cơ mà. Tôi không biết rồng bay phượng múa làm sao như thế này thì tuyệt diệu. Cậu xem chữ chi này cứ như một võ sĩ đang thủ quyền xuống đinh tấn, còn chữ quốc này chẳng khác gì bốn hào lũy súng gươm đang dựng lên bảo vệ cho dân mình, còn nét chấm này nữa, trời ơi, tôi cứ ngỡ như là một giọt lệ long lanh rơi xuống trước những cảnh nát lòng của dân tộc. Không, nhất định là sáng nay tôi sẽ đem dán ngay gian thờ của Lăng Ông đấy. Mặc cho mọi chuyện xảy ra. Thôi, tôi ngủ tí cậu ạ, mệt quá. Dán ở nhà phí đi. Đây đúng là một trò chơi thú lắm đấy.

Cụ Tú về giường nằm, nét mặt hài lòng thấy rõ như một cậu bé vào giường chờ những giấc mơ hàng đêm.Văn thấy thầy có vẻ rất chân thành, cả ngây thơ nghịch ngợm, không có chút gì của tính kịch nhưng vẫn thoang thoảng vẻ gì của kẻ muốn dàn xếp với lương tâm trước khi đi ngủ. Chàng băn khoăn không biết sáng mai, ông cụ sẽ đem dán ở trước nhà hay ở Lăng Ông. Dù cụ Tú không ký tên đi nữa, Ban Quản Trị Lăng Ông cũng sẽ nhận ra ngay nét chữ của cụ, nét chữ mà cả thành Gia Định đã từng tự hào ấy. Văn phải làm gì nhỉ. Trò chơi này kỳ lạ thật. Đi theo cụ Tú dán lên, thế nào công an cũng sẽ “tóm” ngay cả hai thầy trò. Con không theo thì không được, một người trò không có quyền bỏ thầy trong những việc làm như vậy. Nhưng rõ ràng cụ Tú muốn chơi một kiểu rất “ngây-thơ-ông-cụ” mà chàng thấy không ổn ngay từ câu nói đầu tiên. Có thể là cụ Tú sẽ không cho Văn đi theo vì không muốn chia trách nhiệm cho Văn với những gì cụ viết. Dù sao đi nữa, thì cụ cũng bị kẹt. Thế nào cụ cũng bị đập mềm xương. Văn không thấy sợ bất kỳ một kiểu chơi nào cả, nhưng kiểu này thì hơi lạ. Chàng hút hết điếu này tới điếu khác, nhìn những nét chữ bay lượn trên giấy. Nếu cụ Tú dán trước nhà thì may ra những thằng ngốc sẽ không đọc được, không chừng còn nghĩ là lời ca tụng đôi mắt bồ cầu của Bá Hồ. Tới mùng ba gỡ xuống cũng có thể an toàn được. Ở giường, cụ Tú đã ngủ vùi với hơi thở nhịp nhàng, mặt hốc ra, còn giữ được nét thoả mãn ban đầu. Lâu lâu cụ Tú lại nghiến răng nghe trẹo trẹo, hẳn là đang nhẩm đi nhẩm lại câu đối kỳ lạ ấy, mặc cho tên học trò đang vò đầu băn khoăn về sự nghịch ngợm ngày Tết của cụ. Văn lại nghĩ, hay là mình dấu biệt đi nhỉ, hoặc là xé đi càng tốt, sáng ra dám cụ Tú cũng quên mất là đêm qua đã viết gì đấy. Mà có nhớ ra cũng nổi giận tí rồi thôi, chắc cũng chẳng viết tờ khác nữa, vì tìm một cơn hứng bất thường như vậy cũng không dễ. Nhưng Văn vẫn ngồi đấy, hút thuốc và nhìn vào những hào lũy súng gươm mà ông cụ đã dựng trên vuông giấy… Tay vẫn không dám động đến như sợ những nét chữ sắc bén như giáo gươm kia vụn gãy trong tay chàng.

Khi Văn giật mình tỉnh dậy, những tia nắng đã tràn ngập vào phòng. Vuông giấy vẫn còn giữa bàn, lấp lánh nắng trên chữ đen, giấy đỏ. Chàng đã ngủ gà ngủ gật một giấc khá dài, chiếc gạt tàn trên bàn đầy những tro và mẩu thuốc. Trên giường, cụ Tú vẫn đang nằm, nét mặt vẫn những nét hài lòng hồi khuya, nhưng lồng ngực không còn phập phồng như lúc mới nằm. Trên môi cụ Tú vẫn còn giữ được nụ cười, nhưng khí sắc có vẻ gì làm Văn thấy không ổn. Chàng chồm tới, tay trái nắm lấy mạch cổ tay cụ Tú, tay phải đưa áp vào tim cụ Tú. Mạch không còn nhảy nữa, quả tim vốn bị thương tổn kia cũng đã câm lặng. Niềm vui đêm qua đã đến và đã ngưng lại những nhịp đập của tim. Nhưng nụ cười vẫn còn lại…

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search