T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đi hay Về?

(Ảnh: Trần cao Lĩnh)

● Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngỏanh lại tha hồ mây trắng bay

(Hành Phương Nam – Nguyễn Bính)

Tôi vừa mới từ Việt Nam quay lại Mỹ sau 3 tuần lễ về thăm cùng với gia đình. Bước chân vào nhà, công việc đầu tiên của tôi là với tay mở chiếc máy Computer và lên mạng mở hộp thư riêng dùng cho thân hữu. Đập vào mắt tôi là lời chào mừng tôi “về nhà” của một người bạn. Nhưng anh cứ thắc mắc không biết tôi vừa về Việt Nam rồi đi Mỹ lại hay tôi đi thăm Việt Nam rồi về lại Mỹ.

Vẫn còn cảm thấy ngầy ngật sau một chuyến đi dài, những thay đổi quá nhanh về thời tiết, về thói quen của cơ thể, về giờ giấc trái khoáy, về hình ảnh những người thân và quê nhà mình vừa bỏ lại sau lưng, nhất là về hình ảnh hai đứa con gái nhỏ của tôi nước mắt lưng tròng, đến đứng trước mỗi người bà con ruột thịt của mình – bà nội, bà ngoại, chú, cậu, cô, dì, thím, mợ, anh chị em họ – khoanh tay cúi đầu, nói lời chào từ biệt bằng thứ tiếng Việt giọng Bắc pha Sài Gòn, bằng cách xưng hô chuẩn gốc Việt Nam ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất trước khi gia đình chúng tôi bước hẳn vào khu biệt lập dành cho hành khách làm các thủ tục cần thiết để quay lại Mỹ sau 3 tuần lễ đầy ắp những xúc động, những an ủi, những thân thiết gia đình. Vì thế, mảnh điện thư của người bạn lại làm cho tôi cảm thấy ngầy ngật hơn, bâng khuâng hơn và mệt mỏi hơn.

Về Việt Nam hay Đi Việt Nam? Về Mỹ hay Đi Mỹ?

Liệu có nên coi cách dùng chữ Đi hay Về trong mỗi trường hợp như là sự biểu lộ một thái độ chính trị, một trạng thái tâm linh ước lệ không, hay thực ra, đó chỉ là sự phản ánh một thực tại của những cộng đồng di dân bỏ xứ ra đi định cư nơi quê người vì những lý do chung như chính trị (tỵ nạn) hay kinh tế, xã hội (tha phương cầu thực) hay rất đơn giản, vì những lý do cá nhân như đòan tụ với người thân v..v..?

Với những cộng đồng di dân khác sống trên đất Mỹ, câu trả lời hình như đã có và đơn giản. Người ta không nhìn thấy sự khác biệt về ý nghĩa giữa hai chữ Đi và Về. Ngay cả trong trường hợp cộng đồng người Cuba – mà đa số định cư ở Miami (tiểu bang Florida) từ những năm đầu nửa bán thế kỷ 20 – cũng không hẳn đã khó khăn trong việc tìm câu trả lời liên quan đến Đi (Cuba, Mỹ) và Về (Cuba, Mỹ).

Nhưng với cộng đồng người Việt, (không kể đến số du học sinh từ miền Nam Việt Nam rời nước trước 1975) bắt đầu từ hàng trăm ngàn người may mắn thoát ra khỏi nước trước khi Bắc Việt Nam phất lá cờ thắng trận trên nóc Dinh Độc Lập – Tổng Thống Phủ của Nam Việt Nam – sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, kế tiếp là những làn sóng người bất chấp sự ngăn chặn, bắt bớ của nhà cầm quyền Cộng sản, tìm mọi cách – đường biển, đường bộ – bỏ nước ra đi tìm đến những bến bờ tự do vào những năm 78, 79 và đầu 80, rồi đến lớp người ra đi chính thức do được thân nhân của mình hiện đang sinh sống ở hải ngoại bảo lãnh để đoàn tụ với gia đình. Nổi bật hơn hết là hàng chục ngàn quân nhân, viên chức của miền Nam Việt Nam sau khi được thả ra khỏi các trại cải tạo, với sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, đã cùng với gia đình chính thức lên máy bay rời nước đến Mỹ với danh xưng Tỵ Nạn Chính Trị (chương trình H.O) vào đầu những năm 90 và kéo dài đến những năm cuối của thập kỷ này. Cũng vào đầu thập kỷ 90, cùng với sự sụp đổ hàng loạt của các chính quyền Cộng sản từ các nước Đông Âu đến Liên Bang Xô Viết (gồm 15 nước mà lớn nhất là nước Nga), sự đập bỏ bức tường Bá Linh ngăn đôi nước Đức, những người Việt (mà đa số từ miền Bắc) lúc ấy đang sinh sống ở các quốc gia này với tư cách du học sinh, hay xuất khẩu lao động, hay chính các viên chức ngoại giao, các viên chức chính quyền đi tu nghiệp, đã tìm mọi cách để trở thành công dân chính thức của nước sở tại, hay luồn lách, sống bất hợp pháp trên xứ người. Một số là vì lý do chính trị, không muốn sống dưới sự kềm kẹ , độc tài của nhà nước Cộng sản. Một số vì lý do kinh tế, cuộc sống ở các nước Đông Âu, dù có kém xa các nước Tây Âu hay các quốc gia khác không theo chủ nghĩa Cộng sản – nhưng vẫn khá hơn nhiều so với cuộc sống ở quê nhà trong những năm ấy.

Vì thế, cộng đồng người Việt hải ngọai là một cộng đồng không đơn giản chút nào về phương diện thành phần, về lý do định cư nơi xứ người. Cho nên, để trả lời cho câu hỏi Đi (Việt Nam, Mỹ, Pháp, Úc, Tiệp, Đức, Na Uy v..v..) hay Về (Việt Nam, Mỹ, Pháp, Úc ,Tiệp, Đức, Na Uy v..v.. ) cũng sẽ không đơn giản chút nào.

Trước đây, trong những năm tháng cùng cực nơi quê nhà, ngoài cái đói, cái nghèo, tương lai con cái là một vực thẳm đen ngòm không đáy, chúng ta còn phải chịu đựng biết bao những áp bức, những đe dọa từ phía nhà cầm quyền đặt nền tảng cai trị trên sự căm thù giai cấp. Khi ấy, rất nhiều người trong chúng ta đã ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ở đâu có tự do, có cơm ăn áo mặc, có trường học cho con cái đến học làm người, có bệnh viện chữa trị những khi ốm đau bệnh tật, nơi đó là quê hương. Nói cách khác, khi ấy, thực tại tối đen của cuộc sống trên quê cha đất tổ và bản năng sinh tồn đã tạm bỏ qua một bên khái niệm về quê hương như là nơi có mồ mả cha ông, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi một con người lớn lên, trưởng thành và có những kỷ niệm từ thuở hoa niên dẫu sau này có lang bạc kỳ hồ đến tận phương trời nào, nhưng khi cuối đời vẫn tìm cách trở về cố hương mà gởi nắm xương tàn.

Tôi nhớ một cuốn phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập kỷ 60s với tài tử chính là diễn viên lừng danh người Pháp Alain Delon. Trong phim, Alain Delon đóng vai một anh lính Lê-dương phiêu bạc khắp các chiến trường từ châu Á sang Châu Phi, những nơi là thuộc địa của Pháp. Trong một trận đánh sau cùng của cuộc đời đầy vọng động của anh, người lính Lê-dương bị thương nặng. Biết mình không thể sống được lâu, anh trốn bệnh viện tìm cách trở về căn nhà xưa, nơi có người vợ chung thủy và đứa con trai chưa một lần biết mặt cha vẫn mong anh về. Đoạn cuối của cuốn phim là hình ảnh nhân vật chính đứng trước hiên nhà mình, mệt mỏi, xúc động, mở to mắt nhìn một cậu bé đang ngồi ăn điểm tâm trong bếp. Anh chập choạng bước vào, ngã lăn ra chết giữa căn nhà, ngay chỗ mà trong một đêm cuồng nhiệt năm xưa, anh và mẹ của cậu bé đã dọn chỗ cho cậu bước vào đời. Người lính trút hơi thở cuối cùng trước khi nhìn thấy vẻ hoảng hốt của cậu bé và trước khi nghe được tiếng người vợ từ trong bếp hỏi vọng ra. Khuôn mặt anh thanh thản, mặc dù từ đôi mắt bất động vẫn chảy ra những giọt nước mắt hiếm hoi.

40 năm về trước, tôi không hề nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi nghĩ về và nhớ mồn một từng hình ảnh cuối cùng của cuốn phim, với những xúc động vẫn tươi rói như ngày nào trái tim non trẻ thổn thức xót thương cho một kiếp người lưu lạc xa nhà. Chỉ có khác chăng, ngày nay, tôi nhìn thấy hình ảnh của mình trên khuôn mặt thanh thản của người lính.

Về hay Đi? Về, hay đúng hơn, trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy là ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn nhiều điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình.

Về là hình ảnh của quá khứ, nơi mình đã từng đặt chân đến. Đi là bóng dáng của tương lai, là con đường gập gềnh phía trước chứa đựng muôn vàn ẩn số của cuộc sống.

Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng thành nơi xứ người.

Người lính Lê-dương trong cuốn phim chiếu ở Sài Gòn hơn 40 năm về trước nằm xuống với nét mặt thanh thản. Vì anh đã xác định được nơi nao là chốn quê nhà. Còn tôi, và những người bạn cùng một lứa bên trời lận đận, liệu khi cuối đời, có được cái an bình quý báu là khuôn mặt thanh thản ấy không, hay mắt vẫn cứ mở trừng trừng, tiếp tục vấn nạn trái tim khô đét của chính mình: Về hay Đi? Đi hay Về?

T.Vấn

( Quê Nhà, Quê Người )

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search