T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Huy Thiệp và cảm nhận lịch sử

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: T.L/ PNVN

Jackhammer Nguyễn

Đối với tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại một cách tiếp cận lịch sử đa dạng, không những thoát ra khỏi kiểu sử học tuyên truyền của Đảng Cộng sản, mà còn đặt những nhân vật lịch sử vào một khung cảnh đời thường hơn, xóa đi cái lung linh đôi khi đến mức thần thánh của sử học Việt Nam nói chung.

Vâng, bạn đọc có thể nói: Ông ta là nhà văn, dính gì đến lịch sử. Tôi không nghĩ như thế.

Tôi đọc hầu hết các truyện ngắn của ông, từ những câu chuyện đường rừng vùng Tây Bắc, đến sự thật đằng sau hình ảnh oai hùng của vị đại tá về hưu, phủ nhận cái gọi là “đường ra trận mùa này đẹp lắm” (câu hát trong bài “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây”, mà Đảng dùng để tuyên truyền tâm lý chiến), của âm nhạc cách mạng chính thống.

Nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí tôi là câu chuyện về vua Gia Long và thi hào Nguyễn Du trong Kiếm Sắc, Vàng Lửa.

Cho đến lúc Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu xuất hiện trên văn đàn, vua Gia Long được các sử gia cách mạng mô tả là một nhân vật “cõng rắn cắn gà nhà”, bắt đầu một triều đại “phản động”. Vàng Lửa và Kiếm Sắc mô tả vị vua là một người đàn ông thông thái, hiểu được mình đang làm gì, hiểu cả những điều mình không thể làm được.

Trong các tác giả Việt Nam hiện đại, cho đến nay, tôi thấy có hai người dũng cảm nhìn lại để đặt những nhân vật lịch sử vào đúng vị trí của họ. Ông Nguyễn Huy Thiệp đã vượt qua cái lằn ranh địch-ta mà sử gia cộng sản vạch ra khi nói về thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam, thời nội chiến Tây Sơn – Gia Long. Đối với sử gia cộng sản, Tây Sơn là phe ta, Gia Long là phe địch, Tây Sơn là tốt, là cách mạng, Gia Long là xấu, là phản động.

Người thứ hai là ông Nguyễn Gia Kiểng, qua tác phẩm “Tổ quốc ăn năn”, nhìn lại về sự bạo tàn của triều Tây Sơn, vốn không chỉ được các sử gia cộng sản đề cao, mà cả những sử gia dân tộc chủ nghĩa Việt Nam khác. Nhiều người rất thích chuyện Quang Trung Nguyễn Huệ đòi lại Lưỡng Quảng, rồi những chiến thắng quân sự thần tốc của ông, mà bỏ qua khía cạnh quản trị quốc gia kém, những chính sách thất nhân tâm,… dẫn đến sự diệt vong nhanh chóng của triều đại này.

Một hình ảnh nhân vật lịch sử khác, qua lăng kính của Nguyễn Huy Thiệp, trở nên một người bình thường, mà vẫn có cái phẩm chất lỗi lạc, đó là thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Huy Thiệp mô tả Nguyễn Du như sau: “Khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ”. Không có một học sinh trung học, sinh viên văn chương Việt Nam nào hình dung ra hình ảnh Nguyễn Du như vậy, cho tới Nguyễn Huy Thiệp.

Tính nhân bản của một nhà văn giúp ông vượt qua được chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Qua góc nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Du và Truyện Kiều như là kết quả của một sự hãm hiếp văn hóa của gã đại Hán trưởng giả, với cô thôn nữ Việt Nam quê mùa. Chẳng phải là Kim Vân Kiều xuất phát từ Thanh Tâm Tài Nhân, người Trung Quốc đấy sao?

Và một khung cảnh Trung Hoa bàng bạc cả một trời Kim Vân Kiều truyện, dù cho sau này người ta tha hồ bình luận Kiều là phụ nữ Việt Nam thế này hay thế kia. Người Pháp, người Anh, người Đức, người Mỹ,… chẳng bao giờ thấy xấu hổ khi ngôn ngữ của họ có quá nhiều từ ngữ gốc Latin cả.

Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc, đăng lại những truyện ngắn của ông. Đó là thời kỳ báo chí lẫn tiểu thuyết, truyện ngắn,… phát triển khá tự do, đi ra ngoài lối tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho đến lúc đó. Trải qua hơn ¼ thế kỷ, những nhà văn cùng thời với ông như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài,… phải sống lưu vong, Nguyễn Huy Thiệp mất trên quê hương và được truyền thông cả hai lề “trái, phải” tưởng nhớ, âu cũng là một kết thúc có hậu.

Sau Nguyễn Huy Thiệp, giới sử gia Việt Nam bắt đầu khe khẽ bảo, hãy nhìn lại triều Nguyễn Gia Long. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường về Việt Nam sống những năm cuối đời. Ông Trường từng là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông chưa bao giờ viết sử dựa trên “quan điểm, lập trường” như các nhà sử học cách mạng cả. Nhiều chuyện đã thay đổi, nhưng quyển sách “Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 Đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường, dù đã được xuất bản trong nước, lại bị đổi tên thành “Nước Việt Nam thời Tây Sơn”. Người ta vẫn sợ hãi cái từ nội chiến và vẫn chưa thấy thảm sát Mậu thân, hay thảm trạng Thuyền nhân xuất hiện trong sách lịch sử tại Việt Nam.

Không rõ vì sao khi cái tin Nguyễn Huy Thiệp mất đến với tôi, trong óc tôi hiện ra khung cảnh một buổi chiều đông trong hiệu sách Gilbert trên một đại lộ ở trung tâm Paris, cách đây hơn 20 năm, tôi nhìn thấy quyển sách L’or et le feu (Vàng Lửa), tác giả Nguyễn Huy Thiệp.

Jackhammer Nguyễn

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Nguyễn Huy Thiệp, bi kịch của một nhà văn nhược tiểu

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Bảy, 16 tháng 2 năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp gửi tôi email như sau:

“Anh Tuấn quý mến,

“Tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Vẫn còn nhớ lần nào anh về, ta cùng đi chơi chùa Bút Tháp, đi Bát Tràng, thế mà thoắt đã gần chục năm trời. Tôi ở Hà Nội, thỉnh thoảng có đọc anh vì Nguyên Hưng đôi khi ghé qua chơi cho sách, thâm tâm cũng có nhiều điều tâm đắc quý trọng. Tết năm nay tôi đi châu Âu, qua Ý để nhận giải thưởng văn học Nonino, gặp gỡ được nhiều người trong giới xuất bản và viết lách mới mở mắt học được nhiều điều. Hoá ra trong 20 năm cầm bút viết văn, mình như gà mù chẳng biết gì đường đi lối lại, một phần vì dốt, vì nghèo, vì nhiều thứ nữa…. Tôi mất liên lạc với Greg Lockhart ở Đại học Canberra, 20 năm trời nay không biết gì về ông ấy, anh Tuấn có thể giúp tôi liên lạc lại với Greg Lockhart được không. Được như thế tôi cám ơn nhiều, tôi cần địa chỉ email và muốn trao đổi với ông ấy về việc dịch và xuất bản sách của tôi ở châu Âu và Hoa Kỳ, điều mà chẳng ai có thể làm được có lẽ chỉ ngoài ông ấy. Năm mới xin chúc anh mạnh khoẻ và mong có ngày gặp gỡ.”

“Thân mến”.

Nhận được email của Thiệp, tôi liên lạc ngay với Greg Lockhart, người đã dịch tuyển tập truyện ngắn của Thiệp, dưới nhan đề “The General Retires and Other Stories” xuất bản năm 1992. Greg có vẻ lạnh nhạt khi biết Thiệp muốn anh tiếp tục dịch các truyện khác. Anh kể tôi nghe, tuyển tập truyện ngắn anh dịch, tuy được Oxford University Press, một tên tuổi lớn, xuất bản, số sách bán được cũng rất ít. Hậu quả là tiền nhuận bút dành cho cả tác giả lẫn dịch giả đều rất thấp. Tôi không hỏi chi tiết là thấp bao nhiêu. Chỉ nghe Greg nhấn mạnh là “thấp”. Thấp đến độ, sau đó, đi Hà Nội, gặp Thiệp, anh cho Thiệp luôn cả số tiền trả cho dịch giả. Có vẻ như Thiệp không biết điều đó.

Thời ấy, người Việt còn biết rất ít thế giới bên ngoài. Nhà văn nào cũng tưởng sách dịch của mình sẽ bán được cả triệu bản và số tiền nhuận bút sẽ lên đến hàng triệu đô. Thiệp cũng thế. Khi nhận số tiền ít ỏi, anh ngỡ ngàng. Tệ hơn, theo Greg, dường như anh có ý nghĩ là bị Greg ăn chận. Quan hệ giữa hai người xấu hẳn. Lần sau, Greg đi Việt Nam, Thiệp không muốn gặp. Điều đó để lại trong Greg một nỗi cay đắng khó phai nhạt. Nói chuyện với tôi, Greg không nén được chua chát.

Nghe Greg kể, tôi biết không hy vọng gì là anh sẽ tiếp tục dịch Thiệp. Tôi bèn đề nghị với Thiệp liên lạc với Tôn-Thất Quỳnh Du, người dịch hai cuốn sách của Phạm Thị Hoài (Thiên sứ và Thực đơn chủ nhật), cả hai đều đoạt giải về dịch thuật tại Úc. Mấy ngày sau, tôi nhận được email trả lời của Thiệp:

“Anh Tuấn thân mến,

“Cám ơn anh về việc Quỳnh Du. Tôi đã gặp Quỳnh Du, tôi rất quý mến Du và cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau. Tuy nhiên, giống như đối với anh, đã rất lâu tôi không có liên lạc gì bởi những điều rất lẩm cẩm và… khốn nạn nữa của… “lịch sử”! Tình hình dịch tôi ra tiếng Anh hiện nay quả là bi đát. Người Việt chúng ta luôn luôn bị đau khổ bởi rất nhiều điều tệ hại, bởi sự ngu dốt và những kỳ thị chính trị. Ngay đến cả những người giỏi nhất cũng luôn luôn sai lầm, ngộ nhận lung tung và thiếu một tinh thần bác ái thực sự với nhau. Ai ai cũng là người khác! Điều ấy làm phân liệt, làm mất đi sự cộng hưởng trong nhiều công việc của từng cá nhân chứ chưa nói gì đến công việc của cả cộng đồng (tôi thì tôi chả tin vào công việc của bất cứ sự nhân danh cộng đồng nào).

Tôi luôn luôn vấp phải sự đố kỵ đê hèn của nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước. Điều này ngay bản thân anh, tôi chắc anh cũng đã nhiều lần gặp phải và chẳng còn lạ gì. Tôi mới có thư cho Greg Lockhart nói về tình hình dịch sách của tôi. Thực ra trong thư tôi chỉ đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ của việc dịch tôi. Tôi cần một người dịch giỏi. Tôi cần một người đại diện xuất bản. Nếu hai người đó là một thì hay. Đấy cũng là một người da trắng nữa (tôi đi ra ngoài và hiểu rằng vẫn có những luật bất thành văn trong nhiều trò chơi công việc).

Tôi cần có những trợ lý trong việc xuất bản, quảng bá tác phẩm và chinh phục các danh hiệu giải thưởng. Ở Ý, tôi gặp V.S. Naipaul, ông ấy bảo tôi rằng: “Thế giới đã an bài, sẽ không có chỗ cho những người không tham dự hoặc tự cho phép mình không muốn tham dự vào cái thế giới ấy…” Trên thực tế, ở tuổi tôi (giống như nhiều người Việt Nam khác) thường cũng chẳng thiết làm việc gì nữa. Chắc tôi cũng sẽ liên lạc với Du. Tôi đang có đề nghị Greg Lockhart cộng tác với tôi và tôi cũng đang chờ sự trả lời của ông ấy. Rất cám ơn anh Tuấn đã cho những gợi ý tốt với tôi.”

“Thân mến”.

Về chính trị, Việt Nam không còn là một quốc gia nhược tiểu. Tuy nhiên, về văn hoá, trong đó, có văn học, Việt Nam vẫn thuộc loại nhỏ và yếu; trên thế giới, ít ai biết và càng ít người quan tâm. Con đường đi ra với thế giới của những người cầm bút Việt Nam vẫn rất lận đận. Cho đến nay, hầu như chỉ có Bảo Ninh, với cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, chinh phục được nhiều độc giả. Còn lại, tất cả đều đứng bên lề của cuộc chơi quốc tế.

Tái bút: Cả hai email trên, Nguyễn Huy Thiệp đều viết không có dấu. Tôi phải đánh máy lại.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Bài Mới Nhất
Search