T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chiến sĩ Trận Vong

Ngựa về gục khóc trường giang lạnh

Gươm súng đưa chàng theo núi sông

(Khúc Minh)

George Patton, viên tướng lừng danh trong Đệ Nhị Thế Chiến của quân lực Mỹ, đã áp đảo toàn diện quân Đức quốc xã ở Châu Âu, cũng là người nổi tiếng về những lời hiệu triệu với quân sĩ của ông trước những trận đánh quyết định. Ông nói: “Người lính phục vụ hữu hiệu nhất cho Tổ Quốc mình không phải bằng cách chết cho tổ quốc, mà là chiến đấu hết sức mình để cho những người lính bên phe đối phương phải chết cho tổ quốc của họ.”

Chiến tranh luôn luôn đồng nghĩa với chết chóc và hủy diệt. Vì đó là nhiệm vụ của người lính. Bạc như dân, bất nhân như lính.

Như Patton đã nói, người lính phải làm hết sức để tiêu diệt kẻ thù, đem thắng lợi về cho tổ quốc mình. Nhưng trong chiến trận, cả bên thắng lẫn bên thua, đều có những tổn thương, mất mát. Và cái chết của những người lính trên trận địa – dù bên thắng hay bên thua – đều đáng ngưỡng mộ như nhau. Họ đều đã nằm xuống cho tổ quốc của họ. Họ đều đã đi vào cuộc chiến theo tiếng gọi của đất nước mình, dân tộc mình.

Vì thế, dân tộc nào cũng có ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong để tưởng nhớ đến những người con của mình đã nằm xuống trên chiến trường.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã phân hóa nước Mỹ không chỉ giữa thế hệ chiến tranh cùng thời, mà còn gây tranh cãi ở cả thế hệ tiếp theo vốn rất mù mờ về những nguyên nhân khiến nước Mỹ đã đem hơn 2 triệu con em mình đi chiến đấu ở một vùng đất xa lạ tên gọi là Việt Nam. Trong số đó, hơn 58 ngàn đã trở về nhà trong những chiếc quan tài có phủ quốc kỳ. Khi chiến tranh chấm dứt, có hơn hai ngàn năm trăm chiến binh Mỹ tuy được báo cáo là chết hoặc mất tích trong chiến trận nhưng vẫn chưa tìm được xác hoặc chứng cứ xác định sự hy sinh của họ. Sau hơn 30 năm nỗ lực tìm kiếm, đến nay vẫn còn 1,870 người (MIAs) chưa được xác nhận .

Mặc cho những tranh cãi kéo dài, mặc cho những vết thương gọi là Hội Chứng Việt Nam vẫn còn mở miệng trong tâm thức thế hệ chiến tranh nay đã chuẩn bị về hưu, mặc cho nỗi ám ảnh về sự thua trận của một nước Mỹ hùng cường trước một đối thủ không cân sức, nước Mỹ vẫn tưởng nhớ đến những đứa con của mình đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh ấy. Họ là những người đã hy sinh mạng sống của mình để đáp lời kêu gọi của Tổ Quốc. Nếu sự có mặt của nước Mỹ trên mảnh đất Việt Nam 30 năm về trước là một sự sai lầm, thì sự sai lầm ấy thuộc về các chính trị gia cầm quyền và họ phải chịu trách nhiệm với lịch sử. Đối với người lính, không hề có cuộc chiến tranh sai hay đúng, bởi vì xương máu của họ, sự sống của bản thân họ cùng với gia đình, không thể bị đem ra đánh cược trên một bàn cờ đúng sai thua được.

Tương tự như vậy là cuộc chiến tranh ở Iraq hiện nay. Một lần nữa, nước Mỹ lại đứng trước một cuộc chiến tranh hao tổn nhân lực, vật lực tuy không thực sự xẩy ra ngay trên đất Mỹ. Hàng ngày, các màn ảnh truyền hình truyền đi trực tiếp những cảnh bom đạn, chết chóc trên mảnh đất đầy bạo lực này. Đã có hơn 2,400 lính Mỹ nằm xuống nơi đây, trong đó, có cả một người Việt Nam trẻ tuổi tình nguyện gia nhập lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ (Andrew Dang, 20 tuổi, gia nhập quân đội ngày 13 tháng 4 năm 2003, tử trận tại thành phố Faluja, Iraq, ngày 2 tháng 3 năm 2004). Tuy không hoàn toàn đồng ý với quyết định của chính phủ Bush đưa quân tham chiến ở Iraq, nhưng dân Mỹ luôn trân trọng sự hy sinh của con em mình. Những người mãn hạn nhiệm vụ, sống sót trở về vẫn được đón tiếp như những anh hùng. Những người nằm xuống vẫn được đón tiếp bằng nước mắt, sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ.

Đó là đạo lý của một quốc gia, một dân tộc, một tập thể.

Còn với những người Cộng sản thì sao?

Sau ngày 30 tháng 4 , các nghĩa trang của quân đội miền Nam, nơi chôn cất những người lính đã nằm xuống cho một lý tưởng mà họ theo đuổi, đã bị những người Cộng sản chiến thắng san bằng, cào rỡ để dựng trại lính, xây nhà hoặc trồng tỉa.

Đó là những hành vi độc ác, thiếu văn hóa và không mã thượng. Truyền thống lâu đời của người Việt không tệ mạt như vậy. Chỉ vì những người theo Chủ nghĩa Cộng sản đã mù quáng đi theo một học thuyết khộng tưởng, vô luân, cổ vũ cho hận thù giai cấp nên đã không thừa nhận những giá trị nhân bản nền tảng cho sự tồn tại của thế giới con người. Họ cũng không thừa nhận và tôn trọng cả sự kiện là trong lúc còn chiến tranh, nhiều lần họ chứng kiến quân đội miền Nam – phe thù địch của họ – chôn cất tươm tất những đồng đội của họ đã ngã xuống tại chiến trường theo đúng truyền thống nghĩa tử là nghĩa tận của văn hóa Việt Nam.

Sự hy sinh của người lính trên chiến địa, dù ở bất cứ phe nào trong cuộc đối đầu, đều rất đáng được tôn trọng và ghi nhớ.

Sau chiến tranh, chế độ cầm quyền ở Việt Nam còn sử dụng số hài cốt lính Mỹ mà họ tìm thấy được như những món hàng mặc cả với chính phủ Hoa Kỳ, không đếm xỉa gì đến nỗi đau của thân nhân cha mẹ vợ con những người lính ấy, họ vẫn ngày đêm trông chờ được nhìn thấy dù chỉ là một đốt xương, chút kỷ vật quen thuộc để yên lòng rằng, quả thật người thân của họ đã không còn sống trên trần gian này.

Cũng những con người biến chất vì hận thù giai cấp ấy, bây giờ chính thức lên tiếng rêu rao về con số 300 ngàn bộ đội mất tích, tử thương trong chiến tranh đến nay vẫn chưa tìm được nơi họ đã nằm xuống hoặc những nấm mồ chôn vội vã với những dấu mốc cắm sơ sài nên đã hoàn toàn mất dấu. Tất nhiên, nỗi đau của thân nhân 300 ngàn tử sĩ nói trên cũng giống như nỗi đau của bất cứ một con người nào trên thế giới này có con em chồng cha chết trận. 30 năm qua, những người thân của họ cũng đã sẵn sàng tốn công tốn của để đi tìm, nhưng ngược lại với những người cùng cảnh ngộ bên Mỹ, họ không hề nhận được sự trợ giúp nào – hoặc nếu có thì rất nhỏ, không đáng kể – về phía chính quyền, những người đề xướng ra cuộc chiến tranh ấy để con em của họ phải hy sinh.

Thân nhân của những tử sĩ trong quân đội miền Nam lại càng thêm phần chua xót. Họ đã không còn một chính quyền để giúp họ trong công cuộc tìm kiếm chút dấu vết còn lại của người mất tích. Thậm chí, cuộc sống hàng ngày của họ còn bị đe dọa, hạn chế vì có con em chồng cha đi lính rồi hy sinh cho quân đội miền Nam.

Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người ta cũng không được phép quên chồng cha con em của mình đã hy sinh trong cuộc chiến. Đạo lý con người, dù thuộc bất cứ nền văn hóa nào, cũng không cho phép người ta được coi nhẹ bổn phận ấy. Chính vì thế, mà chủ nghĩa cộng sản phi nhân vô thần phải bị cáo chung.

Nỗi đau của chiến tranh thì vô tận. Bởi vì lịch sử nhân loại được viết bằng máu và nước mắt của con người trải qua nhiều thế hệ, với những lỗ hổng chỉ được lấp đầy bởi hằng hà sa số xác người nằm xuống trên chiến địa. Bao lâu còn lịch sử nhân loại, sẽ vẫn còn những cuộc chiến tranh, vì đó là hoạt động tất yếu và cách thức chứng minh sự tồn tại duy nhất của mọi quần thể chủng tộc. Và tất nhiên, đội ngũ những oan hồn tử sĩ chập chờn trong cõi vô hình sẽ ngày một thêm đông đảo.

Không tôn trọng và tưởng nhớ những người lính đã nằm xuống cho sự tồn tại của một tập thể, một quốc gia, một dân tộc, thì tập thể ấy, quốc gia ấy, dân tộc ấy chỉ là một đàn thú hoang tụ tập nhau lại nhằm mục đích đi kiếm mồi mà thôi.▄

T.Vấn

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search