T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Văn Công Tuấn: Tản mạn – Vàng Thu với Thu Vàng

 

 

[  Một  ]

Khó có thể hình dung được, làm sao tôi có thể gặp được tiếng hát Thu Vàng.

Duyên chăng?

Chị ấy ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị (đó là do sau này đọc được) còn tôi tuy sinh ra ở Quảng Nam nhưng thời gian đó ở Sài Gòn. Ra hải ngoại, tôi ở Đức chị ấy ở Mỹ. CDs nhạc Thu Vàng thì không thấy bán trên mạng.

Sau này tôi may mắn gặp được trang Web Saigonocean3 của Lê Hân, anh có post 19 bài nhạc của ca sĩ Thu Vàng hát. Phải công nhận, bài nào Nàng Thu hát cũng tuyệt,vì đó là những ca khúc từng đã đi vào lòng người trong nhiều thế hệ.  Vào Youtube cũng gặp được một số bài của Album Vọng Ngày Xanh. Tôi „kết“ ngay giọng hát truyền cảm này. Một giọng hát rất sang trọng mà cũng rất tự tại và gần gũi, trong trẻo thân mật rót từng lời vào tai.

Từ đó tôi làm quen với người ca sĩ đồng hương và còn đồng dòng nhạc, đồng sở thích yêu nghệ thuật. Cái „gu“ nhạc của tôi như kẻ buộc phải tha hương nên cứ muốn ôm giữ mãi những kỷ niệm quê nhà như bảo vật trong chiếc tủ cổ. Đã hơn 40 năm đất khách quê người rồi còn gì.

Nhớ hôm đó, lần đầu tiên gõ phím tìm chữ Thu Vàng thì ông Google dắt tôi ngay đến bài nhạc Thu Vàng của Cung Tiến, với giọng hát ca sĩ Hồng Nhung. Bài hát điệu Valse thì đúng là nhảy chân sáo, vui trẻ khỏe. Lang thang vớinhững nhịp chân hân hoan.Tôi không có cảm giác: nghe chừng đâu đây màu tê tái. Nói vậy không phải tôi dám chê người nhạc sĩ tài hoa này. Tôi rất thích nét độc đáo của dòng nhạc Cung Tiến. Có nhiều bài tuyệt diệu của người nhạc sĩ tài ba này, Hương Xưa là một ví dụ. Cũng có thể nhạc sĩ muốn diễn tả hình ảnh hai người yêu nhau, họ còn rất trẻ, nắm tay nhau tung tăng đi giữa rừng thu. Cảnh này ở Âu Châu tôi gặp thường lắm.Nhưng vì thường thấy nên nó chưa hềchạm vào ký ức của tôi với mùa thu. Trong cái góc ấp ủ kỷ niệm đó ấy có bài nhạc Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy). Và tôi đã gặp thực sự nó qua tiếng hát Thu Vàng.

Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.

Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.

Không khoe giọng dù giọng chị hát thật khỏe và điêu luyện. Chị đã hát như nói, như tâm sự, như ngồi kế bên kể chuyện đời. Rất chậm rãi, rành rọt từng chữ, từng lời. Rằng “bữa hôm nớ,người thì buồn và chiều thì rơi”. Đơn giản vậy thôi. Tôi hình dung, có thể hôm ấy là một buổi chiều nắng đẹp của mùa thu Âu Châu. Có thể có lá thu rơi giữa đường đi trong công viên, trên đường rừng hay chỉ là đường nhựa, kế đó là một trạm xe buýt vào lúc xe chưa đến. Và rất vắng. Nhạc sĩ không cần nói, ca sĩ không hát, chỉ còn lá vàng rơi và chiều cũng rơi. Nghe thấm quá! Không phải nói không gian mà là thời gian.Cũng không phải thời gian trôi mà thời gian rơi. Cả một khối thời gian đang rơi. Giữa chiều. Chiều rơi!

Đến câu kế, cường độ tăng thêm lên, bước chân như đã đặt hờcao thêm một nấc thang nữa:có ta rơi giữa chiều. Phút trước là vắng lặng, giờ thì cô tịch!

Lá bay, chiều rơi…và ta cũng rơi. Hai chữ „có ta“ này đã có rất nhiều ca sĩ hát, nhưng tôi thấy Thu Vàng hát hay nhấtvà… „rơi“ thơ mộng nhất.

Lá vàng bay, lá vàng bay. Thu Vàng đã như bay theo từng dòng chữ, từng dòng nhạc, từng lời ca.

Lávàng bay! Lá vàng bay!

Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai

[…]

Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm

Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên

Lá vàng êm! Lá vàng êm!

Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên

Lá vàng khô! Lá vàng khô!

Như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá

Chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa (…)

May cho tôi là chiếc máy hát trong xe hơi có nút lặp lại, tôi cho chạy đi chạy lại bài hát này trong suốt đoạn đường dài 150 cây số đi từ chùa về nhà hôm ấy.

Và như thế lá mùa thu của Thu Vàng vẫn cứ rơi.

Hôm nay tôi ngồi đây, tuy mùa xuân đang đến vậy mà những chiếc lá thu rơi vẫn… chưa chấm đất. Tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng lá bay, tiếng chiều rơi, tiếng ta rơi… qua giọng hát trong trẻo của Thu Vàng.

Giọng hát của chị trong và đẹp quá. Xin cám ơn đất trời đã trao tặng cho đời thanh quản và tâm hồn người ca sĩ ấy.

 

[  Hai  ]

Tôi có đọc được đoạn văn này trên mạng. Trích nguyên văn:

Khi được hỏi (và gần như… ép) bởi Phan Đăng rằng sẽ hát một bài gì trước Chúa, Khánh Ly chọn “Diễm xưa” bởi nó đã giúp cô đi một đoạn rất dài trong sự nghiệp.

Tôi thấm thía và hiểu ngay. Tôi cũng rất thích chị Ly hát bài này nhất, vì tôi nghĩ chỉ có chị mới diễn tả hết phần hồn của Diễm Xưa.Tôi đã có dịp nghe chị hát nhiều lần ở Văn Khoa SàiGòn, ở nhà hàng Khánh Ly trước 1975. Rồi sau 75, có lần tôingồi cùng người bạn gái(nhưng chưa là người yêu) trong một quán cóc ở hè phố gần Lê Lợi để chờ mưa tạnh. Chúng tôi được chủ quán, là một người quen với cả hai chúng tôi, cho nghe lén bài này qua một các-xết cũ, dĩ nhiên cũng Khánh Ly. Hôm đó, tôi đã nhìn thấy mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổvà cái tháp cổcủa tôi chính là Nhà Hát Lớn Sài Gòn trong tầm mắt. Vì tháp cổ có thể ở mọi nơi chứ đâu cần phải ở sông Hương núi Ngự. Cũng đâu phải chỉ có cô Diễm ấy mới là linh hồn của Diễm Xưa. Tất nhiên không thể chối cãi, phải đúng chị Bích Diễm mới là Diễm Xưa của anh Sơn, nhưng tôi cũng đang có một “Diễm” của tôi ở trước mặt. Trong một giây, một sát na ấy, cả ba yếu tố “nhạc sĩ – ca sĩ – người nghe” là một khối hợp nhất, là cùng hóa đồng trong một mẫu số chung.

Cũng vậy, trong tâm trạng ấy tôi đã nghe Thu Vàng hát Bông Hồng Cho Mẹ (Nhạc Võ Tá Hân – Thơ Đỗ Hồng Ngọc)

Con cài bông Hoa Trắng, con cài bông Hoa Trắng

Dành cho Mẹ Đóa Hồng, dành cho Mẹ Đóa Hồng

Mẹ nhớ gài lên ngực, Mẹ nhớ gài lên ngực, Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông…

Âm thanh rơi đều từng nhịp, nghe như nhịp mõ. Thành khẩn, tinh khiết chẳng khác gì một đoạn kinh. Mỗi chữ có một nhịp mõ, như thời Kinh đọc trong Lễ Vu Lan hằng năm:

Noi gương đức Mục Kiền Liên

Nguyện làm con thảo

Lòng càng áo não

Nhớ nghĩa thân sanh

Con đến trưởng thành

Mẹ dày gian khổ

Ba năm nhũ bộ

Chín tháng cưu mang

Không ngớt lo toan

Quên ăn bỏ ngủ …

Cứ mỗi chữ là một nhịp mõ. Cuối câu là một tiếng chuông. Boong.

Tôi nghĩ, Thu Vàng đạt được ý của bài hát này, vì Thu cũng như anh Đỗ, đã mất mẹ, như có lần chị đã viết cho tôi như thế. Và tôi, tôi cũng chỉ có bông hoa trắng trên ngực mỗi mùa Vu Lan từ nhiều năm nay.

 

[  Ba  ]

Như đã nói, tôi chưa có cơ hội để gặp ca sĩ Thu Vàng (nhưng sẽ còn có dịp). Do đó tôi không nhìn thấy Thu Vàng từ những hào quang sân khấu, trong ánh đèn màu phòng trà v.v… như từng thấy nhiều ca sĩ tôi mến mộ khác. Lần đầu tôi đã „hội ngộ“ người ca sĩ này ở bên giòng sông Cửu Long.

Hôm đó, vào một buổi sáng chủ nhậtkhá thanh thản bình yên, trời thì mưa nhẹ. Mưa không nhiều nhưng đủ để ướt nhòa cửa sổ kiếng trong phòng ăn. Tôi đã rơi nước mắt khi nghe Thu Vàng hát bài Chiều Về Trên Sông – nghe qua máy. Không biết do tiếng hát của người ca sĩ hay do những tai họa đang xảy ra cho sông Cửu Long, nơi hội ngộ của chín con rồng mà tôi mới đọc được. Cảnh từng đoàn xà lan dùng máy hút trộm cát (trộm mà công khai giữa ban ngày) dưới đáy sông, cảnh lở bờ sụp nhà sụp cửa, cảnh dòng nước từng có thời chảy xiết như vậy mà giờ đã khô cạn, cảnh nước mặn ngập vào sông cá chết kéotai họa đến cho người, cảnh hai cửa sôngBa Lai và Bát Sắc bị tắc nghẽn nên Cửu Long bây giờ chỉ còn bảy cửa chảy ra Thái Bình Dương… Tôi đã từng có thời rất mê bài hát này với giọng hát Thái Thanh. Danh ca Thái Thanh hào phóng rải tung những lời, những chữ bay bổng trên sông nước Cửu Long. Nhưng đó là sông nước của thời an bình xa xưa, thời Cửu Long còn đủ toàn thân hai nhánh sông Tiền sông Hậu với 9 cửa sông. Khi tôi gặp Thu Vàng tôi mới thật sự cảm nhận hết những tình cảm của mình trên dòng Cửu Long. Tiếng hát Thu Vàng như vang lên từ một ngôi nhà tranh ấm cúng bên dòng sông. Khi khói cơm chiều đang vởn vơ trên mái rạ, có mấy đứa trẻ chạy quanh sân đùa nghịch, có ông lão già đang ngậm điếu thuốc rê phì phèo kẽo kẹt nhịp võng đu đưa. Chừng ấy hình ảnh đã hiện ra trong tôi. Có chiếc thuyền của ai lờ lững trôi cùng đám lục bình. Ngôi nhà đứng đó đã chứng kiến hết tất cả cơn trở mình quằn quại của dòng sông hôm nay.

Sau đó chờ có dịp tôi đã viết cho Thu Vàng, tôi hỏi rằng chỉ có người từng gắn bó với sông, từng yêu mến nước thì mới có thể cảm nhận được những tình cảm ấy. Có phải chị đã vậy không? Bởi vì sông nước không chỉ có những ngày vui, những mẻ cá đầy thuyền, những ngày ngụp lặn tắm mát… mà còn có những ngày lụt ngập đầu, những ngày đông giá rét. Nước sông không phải chỉ là H2O mà còn là bầu sữa, là vòng tay ôm trọn bao tình cảm. Phải yêu sông nước lắm thì mới có tình cảm ấy.

Hôm sau tôi nhận được ngay trả lời và xin phép được trích ra đây. Nỗi riêng mà lại tình chung, tôi không thể giữ riêng cho mình được lâu, xin lỗi chị Thu Vàng nhé.

Di., 16. Feb., 01:16

Anh Văn Công Tuấn quý mến.

Cảm ơn anh nhé, Thu rất vui được có người nghe kỹ và nhạy cảm như vậy. Anh cảm nhận rất đúng. Quê ngoại, nội Thu (cả hai cùng một nơi), dù không ở thường nhưng mẹ mất lúc Thu 7 tuổi, ba còn ở quân trường Thủ Đức nên Thu cùng cậu em được gửi về quê nhờ nội ngoại chăm sóc, và những kỳ nghỉ hè hai chị em được về quê cho ba…rảnh nợ.

Quê nội ngoại Th. nằm cạnh con sông là cửa biển nên quanh năm nước mặn, một vùng sông nước bát ngát bên mé trái của khu dân cư và chợ. Giữa khu dân cư và sông là những rặng dừa nước tươi tốt bốn mùa, ngày xưa cho dân những mái nhà, phên liếp… Lúc ấy không cảm nhận được gì, chỉ biết mỗi lần được ba “duyệt” cho về quê là háo hức cả tuần, đến nỗi chiếc xe đò có tên PhướcAn như chiếc thùng, chỉ bằng 1/3 chiếc xe của bây giờ, được Th. đặt tên là” bà tiên Phước An”. Lúc ấy cũng chưa biết mơ mộng, chỉ biết rất yêu vùng sông nước với những đêm trăng chơi đùa cùng lũ trẻ trong xóm cho đến khi có những tiếng súng nổ “chíuchíu…” khô khan, sắc gọn của súng AKphe bên kia, rồi những tiếng nổ dòn của đồn “lính mình” từ trên khu đường sắt, ánh sáng của hỏa châu thay cho ánh trăng với những tiếng cười dòn của lũ trẻ trong xóm.

Được có người nghe cảm nhận từ sâu thẳm thật là hân hạnh và rất quý. Thu cảm ơn anh nhiều nhé.

Thanh Lương và Thu có nói với nhau, khi nào TL. gửi sách đến anh thì TL sẽ gửi CDs của Th. đến anh chị nghe cho vui (thiệt ra là nghe cho… buồn).

Nhờ vậy, giờ tôi lại biết thêm khoảng thời thơ ấu của người ca sĩ. Tuổi thơ tôi cũng vậy, cũng quyện đầy mùi súng đạn, chiến tranh. Chúng tôi cùng số phận, đã chấp nhận tất cả những gì đời dành cho mình, không than van và cũng đã sống rất hồn nhiên. Trái tim của tuổi thơ tôi đã rộn rã đập cùng nhịp đập con tim dòng sông Thu Bồn.

Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà thơ, nhà văn và là bạn thân của Thu Vàng khi trao đổi với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã ví Thu Vàng như cô Tấm. Trúng phóc! Tôi thấy chị Khánh Minh nhận xét rất tinh tế và chính xác, vì Thu ngày thường là cô Tấm áo vải mộc mạc nhưng Thu Vàng bên giàn nhạc lúc lên giọng cất cao tiếng hát thì là lúc cô Tấm sáng rực trong long bào.

Thu Vàng hát những luồng nhạc tiền chiến, nhạc tình cảm nhẹ nhàng. Thu Vàng trân quý từng dòng nhạc xưa. Ai đó nói Thu Vàng đam mê lội ngược dòng (theo dutule.com). Đúng vậy. Chị hát để mà hát, không cầu kỳ, không thương mại, không ồn ào. Lời ca cất lên là để gìn giữ những khung, những nét nhạc từng làm rung động lòng người suốtnhiềuthế hệ. Những ca sĩ đàn anh, đàn chị của loại nhạc này đã dần dần ra đi. Bên cạnh những danh ca như Thái Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao… tôi thấy có khi Thu Vàng hát ngang ngửa, có khi trội hơn lúc lại kém hơn. Mỗi người mỗi vẻ. Nhưng điểm đáng quý ở Thu Vàng là tính cẩn thận, trân trọng với nhạc sĩ, với người nghe. Chị thận trọng từng câu từng chữ, thận trọng khi chọn hòa âm phối khí (không như những ban nhạc ồn ào nhiều kỹ thuật hiện đại nhưng vô hồn). Những ca sĩ mới tuy có giọng hát hay, xuất thân từ các nhạc viện, có chuyên môn, kỹ thuật cao, nhưng tiếc rằng những dòng nhạc tuyệt vời tiền chiến chưa tiếp xúc được với trái tim của họ. Mới đây, nhà văn Hoàng Quân viết Mail than với tôi là chị đã quạu khi nghe một ca sĩ trẻ hát bài Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước mà hát „Mạch tương lai sáng“ trong các câu „Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng; Dáng tiên nga giấc mơ nghê thường lỡ làng“. Cũng không thể trách họ, vì lời bản nhạc này trên bao nguồn thông tin tràn ngập ở mạng internet thì ghi là „Giấc mơ nghệ thường…“. Chữ nghê ắt khác nghĩa với chữ nghệ, mà phải nói hai chữ nghê thường thì mới có nghĩa. Bởi thế sự xuất hiện của một ca sĩ ở tuổi „chớm trung niên“ này là điều may mắn, là phúc cho giới yêu nhạc tình tiền chiến, trước mối họa lời nhạc sai lệch (do không hiểu) hay để mặc nó chôn vùitrong dĩ vãng.

Không phải tôi đã quá lời ca tụng người ca sĩ tôi mến mộ. Không, vì thực tình mà nói, cũng như với mọi ca sĩ khác không phải bài hát bài nào Thu Vàng hát tôi cũng thấy quá hay (vì cũng có bài thì hay vừa vừa, có bài hay ít hơn chút). Việc đánh giá hay dở là tùytừng người thưởng ngoạn. Có khi ca sĩ hát quá hay nhưng người nghe nhạc vẫn không hài lòng vì tâm tình họ đã gắn liền với bài hát ấy trong dĩ vãng, trongký ức. Âm nhạc vốn là mối tương giao giữa người với người trong cái tận cùng sâu thẳm tâm hồn, là lúc vắng bóng Bá Nha thì cái đàn thân yêu của Tử Kỳ trở thành khúc củi. Người thưởng ngoạn nhạc có thể đã từng có lần nghe bản nhạc nọ ở một quán cà phê, mộtphòng trà, một đêm nhạc hội… trong tình cảnh riêng tư nào đó. Tình cảm ấy đã buộc chặt vào tâm tư họ. Ví dụ, tôi thích nghe Thái Thanh hát bài Dòng Sông Xanh và Kỷ Niệm (Phạm Duy dịch và viết); nghe Ánh Tuyết hát Buồn Tàn Thu (Văn Cao); Quỳnh Giao hát Ngọc Lan (Dương Thiệu Tước); Khánh Ly hát Cúi Xuống Thật Gần, Diễm Xưa (Trịnh Công Sơn); vân vân và vân vân. Như hồi ở Sài Gòn ngồi quán cóc đầu hẻm uống cà phê bắp rang mà vẫn thấy ngon hơn cà phê cứt chồn một mình ở nhà hay cà phê của khách sạn nhiều sao.

Hát, nghe nhạc để mà hát mà nghe, nhờ âm nhạc làm chiếc cầu cho cõi lòng mình hòa nhập cùng vũ trụ thanh thản chung quanh.

 

[  Bốn  ]

Anh Phan Tấn Hải trong bài viết về một chương trình nhạc ở khu Little Saigon tựa đề„Đêm Nhạc Thu Vàng & Thân Hữu: Xúc Động, Độc Đáo, Hy Hữu“ có ghi mấy vài ý kiến của khán giả. Xin chép lại vài ý đó như sau.

Nhà văn Trúc Chi được mời phát biểu, nói rằng lần đầu ông nghe Thu Vàng là ở nhà chị Bạch Lan, em ca sĩ Hà Thanh, và biết ngay rằng đây là một giọng ca độc đáo, với theo ông, không chỉ là kỹ thuật và tài năng, mà là “chị Thu Vàng hát bằng xúc động” và người nghe nào cũng nhận ra nỗi xao xuyến đầy xúc động khi đối mặt với nghệ thuật trong giọng ca Thu Vàng.

Nhà văn Trịnh Y Thư khi phát biểu, nói rằng anh có ca ngợi Thu Vàng cũng là góp thêm lá vào rừng, nhưng anh muốn nói rằng Thu Vàng qua giọng ca không chỉ là ca sĩ, mà còn là nghệ sĩ, và đó là điểm rất hiếm gặp.

Tôi giật mình. Nhưng tôi không ca ngợi Thu Vàng như lời ca ngợi suông. Tôi chỉ viết thật và viết cho cõi lòng tôi, cho những tình cảm âm nhạc ấp ủ trong tôi.

Mỗi lần nghe Thu Vàng hát, mười lần như chục, tôi cảm nhận rất rõ cái miên man tận cùng của chính tâm hồn mình:

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Huy Cận: Tràng Giang)

Hơn 40 năm lưu lạc xa xứ, phải chờ đến khi nghe Thu Vàng hát câu nhạc cuối của bản Chiều Về Trên Sông tôi mới hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy viết như vậy: Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu!

Và tôi đã nghe được câu hát ấy nhiều lần lúc lái xe bon bon trên xa lộ ở Đức. Một mình một xe giữa dòng người tấp nập.

Nghĩ mà thương mấy đám lục bình của sông Hậu sông Tiền. Cũng số long đong. Thương lắm!

 

 

Văn Công Tuấn

Đức quốc 4/2021

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

Bài Mới Nhất
Search