T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Minh Phúc: CHAI RƯỢU TẮC KÈ

Cõi người ta (5) – Tranh: Thanh Châu

Tôi thường gặp bà lão cầm cái nón tơi rách xin ăn trong quán cà phê ghé vào buổi sáng làm vài ngụm trước lúc đi làm. Bà già hom hem, lưng còng như con tôm tích, lọng cọng vừa đi vừa dò dẫm đường bằng chiếc gậy đen còng queo đã lên nước bóng. Bà đâu khoảng bảy, tám chục tuổi, đôi mắt mờ đục, hom hem. Khi  ai cho ít tiền lẻ, bà cẩn thận đưa sát mặt rồi mới gấp làm tư bỏ vào túi. Chiếc áo rách rưới, nhàu nát màu xanh, trên vành túi còn in dòng chữ trắng trông ngồ ngộ. Bà hình như chỉ quanh quẩn xin ăn trong quán từ sáng sớm đến hết buổi trưa rồi sau đó đi đâu không biết với mớ tiền lẻ thường là không nhiều lắm.

Thi thoảng, bà đăm chiêu một mình nhìn đâu đó, không quan tâm gì chung quanh, tinh ý mới thấy lâu lâu đưa tay dụi mắt. Từ trong hố mắt nhăn nheo, sâu hoắm vài giọt nước đùng đục chảy xuống tận dưới má. Không biết lúc ấy bà nghĩ gì?

Nhưng thôi, dù sao cũng chuyện riêng tư bà, dính vào làm chi, đôi khi tôi tự nhủ để bớt áy náy.

Hàng ngày, tôi vẫn gặp bà cầm gậy xin ăn trong quán. Riết thành quen, tôi không chú ý nữa. Thi thoảng, chẳng dư giả gì nhưng có chút ít tiền thừa, tôi vẫn thường dúi cho bà già tội nghiệp.

Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu hôm ấy tôi không tình cờ gặp bà lão mua rượu ở quán cạnh nhà. Cầm những đồng tiền nhàu nát, dơ bẩn chắc ăn xin  được, không nhiều nhặn nhưng cũng đủ mua nửa chai rượu. Mà bà nằng nặc đòi rượu tắc kè!

Cũng muốn nói thêm chỗ nầy một chút! Rượu có năm bảy loại và giá cả cũng khác nhau. Đắt nhất là loại rượu tắc kè vì người ta bỏ ngâm vào đó vài ba con tắc kè bông thật lớn, nghe nói uống vào sẽ giảm được mấy bệnh thấp khớp, nhức xương.Thật giả chẳng biết nhưng tôi cứ sờ sợ khi nhìn vào hũ rượu có ngâm con vật vằn vện nằm vắt ngang qua, chẳng bao giờ dám rớ tới. Nhìn mặt bà dãn ra khi cầm chai rượu đưa lên mũi ngửi rồi cẩn thận đếm từng tờ bạc rách nát cho chủ quán, tôi đọc thấy sự hài lòng, mãn nguyện ánh lên trong ánh mắt đùng đục, nhăn nheo. Đôi mắt chứa đựng một hạnh phúc lớn lao mà tôi khó diễn tả được!

Hoá ra bà lão ghiền rượu và xin tiền uống rượu! Mà là rượu tắc kè mắc tiền không phải ai cũng mua. Tôi không ngạc nhiên nhưng bực mình! Đồng tiền tôi cho bà bỗng trở nên vô nghĩa, dù không lớn. Hừm! Đi xin ăn với bộ dạng nghèo khổ để lấy tiền mua rượu uống hả hê!

Tôi vẫn gặp bà mỗi sáng nhưng không cho tiền nữa. Bà lão chẳng nói gì, chỉ ngần ngừ một lát rồi bỏ đi với đôi mắt thất vọng, buồn xo. Tôi đem chuyện bà đi mua rượu uống kể cho đám bạn ngồi chung bàn và chúng bắt chước tôi, không cho tiền bà. Dăm ba bữa mới thấy bà xuất hiện, chắc là đổi chỗ xin ăn vì chuyện bà nghiện rượu bị phát hiện. Hạng người chỉ biết lợi dụng lòng tốt của người khác xin tiền mua rượu uống thì dứt khoát không lừa được ai, tôi bực bội lẩm bẩm mỗi khi bà ngang qua chỗ tôi nằn nỉ…

*

Sáng nay, mới ngồi vào bàn kêu ly cà phê, tôi chợt nghe tiếng la hét  ỏm tỏi vang lên. Một đám thanh niên choai choai đang vừa chạy vừa trêu chọc, đàng sau chúng là bà lão ăn xin đang cầm chiếc gậy cong đầu đuổi theo, miệng không ngớt chửi rủa. Đôi mắt bà nhăn tít, ánh lên nét nhìn sòng sọc, đỏ quạch, hai hàng lông mày lưa thưa như dựng đứng lên, bàn tay run run đưa qua đưa lại, bất lực trước những lời châm chọc trêu ghẹo của đám trẻ. Không biết sao chúng biết chuyện bà ghiền rượu và đi xin tiền mua rượu uống? Bà lão lập cập cầm chiếc gậy huơ lên không trung, chiếc áo xanh thụng xuống ôm hết thân hình khô quắt, la váng lên:

– Ma quỷ bắt đứa nào nói tao ghiền rượu! Mà tao uống kệ tao, mắc gì chúng mầy! Trời tru đất diệt chúng mầy hết đi !

Đám thanh niên cũng không vừa. Chúng chạy loanh quanh các dãy bàn, hò hét:

– Bà già xin tiền uống rượu. Bà già ghiền rượu! Làm một xị đi bà ơi!

Có đứa còn ngoa ngoét hơn:

– Say chưa bà già! Say thì về ngủ chứ không chạy một hồi té rượu ra quần đấy!

Chỉ một lát đuổi theo đám thanh niên đã thấm mệt, bà lão bất lực ngồi xuống vệ cỏ thở hồng hộc rồi lấy hơi la tiếp:

– Tao say mắc gì chúng mầy! Chúng mầy ác độc lắm! Quỷ ma bắt hết chúng mầy đi, đồ bọn mất dạy!

Tôi bỏ ly cà phê xuống, la cho đám trẻ một hồi. Nhưng thật là tôi cũng không mấy thiện cảm với giọng la lối thậm tệ, đanh đá của bà. Thật không thể tưởng tượng những lời ngoa ngoét ấy lại thốt lên từ chiếc miệng móm sọm nhăn nheo của một bà lão bảy tám chục tuổi. Cuộc đuổi bắt và chòng ghẹo kết thúc khi bà không còn hơi hướm gì để mà chửi rủa. Bà lão sụm xuống, chiếc miệng đen nhẻm chỉa lên trời với hàm răng trống hoác, nhểu nhợt đầy bọt dãi. Bọn trẻ tản đi sau khi có đứa táo tợn đến sát bà cầm cây gậy cong đầu vất vào đám cỏ.

Nhưng lâu gặp lại, tôi quên bẳng chuyện ấy và chợt thấy thương cảm! Dù sao bà cũng quá già, không sống bao năm. Con cháu không ai chăm sóc, vất va vất vưởng thế nầy cũng tội. Ôi kiếp người, biết làm sao được! Đôi khi, nhớ những bữa tiệc rượu thừa mứa, phè phỡn hàng ngày mà tôi bất giác chạnh lòng. Giá như bà lão ăn xin có chút gì đó cho vào bụng trong các món ăn thừa mứa bỏ đi kia. Giá như cho bà uống một vài ly rượu thơm phức đắt tiền mà đôi khi chúng tôi bỏ đi không uống hết. Giá như …

*

… Tôi gặp lại bà lão vào lúc không ngờ nhất. Mà lại ngay chỗ ở của bà. Đó là buổi sáng khi tôi loanh quanh ra nghĩa trang quét vôi lại mộ người thân nhân dịp thanh minh. Ghé vào một túp lều cạnh đống rác tìm người giúp dọn cỏ, trước mắt tôi,  trong khung cảnh nhập nhoạng bốn bề nhờ nhờ tối, che chắn những tấm ni lông nhàu bẩn là cái lưng còng đang sì sụp dưới tấm ảnh một thanh niên đã ố vàng dựng trên mấy miếng gạch vụn nham nhở. Không khí ảm đạm và im ắng thế nào ấy nên tôi định quay lui nếu như không nghe giọng đùng đục, nhừa nhựa yếu ớt vọng ra:

– Ai đó? Cậu … Cậu muốn hỏi ai?

Tôi ấp úng:

– Không không … Tôi chỉ định tìm người … quét vôi … À ! Cho mộ ông nội tôi …

Không ngờ gặp bà lão ăn xin ở đây, với chiếc lưng còng đang  mệt nhọc kéo lê đôi chân nặng như chì bước cao bước thấp. Giương cặp mắt đùng đục săm soi nhìn tôi hồi lâu, bà  nhớ ra:

– Cậu … Cậu có phải là người thường uống cà phê sáng ở quán …Nếu không chê tôi thì cậu để đó tôi quét. Chiều lại coi rồi trả tiền …

Hoá ra, bà lão ngụ ở căn lều cạnh nghĩa trang nầy và thi thoảng cũng có người mướn nhổ cỏ, quét vôi cho các ngôi mộ. Thực tình, tôi cũng muốn giúp bà kiếm tí tiền còm nhưng ngại quá. Bà đã già, lưng còng thế kia, mắt mũi kèm nhèm, lại uống rượu …liệu có làm được chuyện tôi giao?

Như đoán được ý định của tôi, bà lão trấn an, giọng nhỏ nhẻ:

– Cậu cứ tin tôi, cho tôi làm… Hôm nay, tôi …không còn đồng nào ..

– Thế bà ghiền rượu lâu chưa?  Tôi buột miệng.

Tôi chợt nhớ đến việc mua rượu của bà, vô tình bật lên câu hỏi mà không ngờ tai hoạ sắp ập đến mình. Đang khẩn khoản nhờ tôi cho quét mộ với gương mặt hiền lành tội nghiệp bỗng như có luồng điện mạnh chạy ngang qua, bà lão bỗng rùng mình, mặt sắt lại, cặp mắt đỏ dần, sòng sọc tím tái giận dữ nhìn tôi:

– Cậu nói gì? Uống ruợu, ghiền rượu? Ai uống, ai ghiền …

Chưa nói xong câu cuối bà đã quay ngoắt vào trong bỏ mặc tôi ngỡ ngàng nhìn theo, không hiểu chuyện gì xảy ra. Hay bà mắc chứng tâm thần cũng nên, hôm nay quả đen đủi. Nghĩ thế, tôi dượm bước ra ngoài tránh mặt bà lão hung hăng không muốn mà gặp nầy.

Nhưng không kịp. Bà lão từ nhà bước ra, lập cập cầm chiếc gậy dứ dứ vào mặt tôi. Bao nhiêu uất nghẹn, giận dữ như trào lên đôi mắt, khoé miệng và hàm răng đen nhẻm của bà. Tôi đứng như trời trồng nhìn chằm chập vào bà, không tin vào mắt mình. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi có xúc xiểm gì bà như đám thanh niên mất dạy hôm trước?

Chưa ra đến cửa, bà đã không đi đứng gì được nữa, đổ sụm xuống như người không xương. Hoảng quá, tôi vội bế bà lên. Trước khi gục xuống, bà nói như người hụt hơi:

– Cậu … Cậu ..đi đi … Tôi … không cần … ai hết ! Cậu …ác lắm …

Tôi biết bà đang giận nhưng không hiểu điều gì xúc phạm qua câu nói vô tình. Như để chuộc lỗi, tôi đỡ bà nằm xuống nghỉ mệt trên chiếc chiếu rách trải vội xuống đất vì căn lều không có chiếc giường nào. May sao, hồi lâu bà lão tỉnh lại. Giương đôi mắt đã trở lại bình thường, bà nhìn tôi thều thào:

– Cậu … Cậu đừng giận… Thực tình … tôi căm thù rượu … Có lẽ không ai căm ghét rượu như tôi. Chỉ nghe đến mùi rượu thôi là tôi đã lên cơn căm giận…Nó phá nát mái ấm gia đình tôi, làm tan gia bại sản số vốn liếng vợ chồng tôi ky cóp. Trước đây, nhà tôi khá giả nhưng chồng tôi sa vào rượu chè mà khánh kiệt, mất sớm, khi đứa con trai duy nhất của tôi mới lên mười. Cháu dễ thương và ngoan lắm. Tôi xem nó là lẽ sống đời tôi .. Nhưng rồi …

Bà ngừng lại như hụt hơi, không nói nữa, chỉ giương cặp mắt đờ đẩn nhìn tôi. Đôi mắt bà rơm rớm và từ sâu trong hố, tôi lại thấy những giọt nước đùng đục chảy ra.

Tôi biết đây là thời khắc mình nên lặng im. Hình như bà lão có tâm trạng gì xót xa, đau đớn mà không nói được. Tôi linh cảm bà sẽ nói điều mà từ lâu bà cố dồn nén, hay muốn quên đi. Quả vậy, sau khi khoẻ đôi chút, bà bảo tôi đỡ dậy, nhìn vào tấm ảnh người thanh niên mà nói như không phải cho tôi nghe:

– …Thằng con tôi bỗng dưng bị bệnh … Bệnh gì tôi cũng không biết nhưng cháu đau đớn trong xương tuỷ, la hét suốt đêm, suốt ngày nầy qua tháng khác. Nhưng cậu tính tôi làm gì có tiền chữa cho cháu. Ở bệnh viện, người ta bảo nó đau khớp hay ung thư xương gì đó rồi đuổi về vì không đóng tiền viện phí …

Rồi bỗng nhiên, bà lão nấc lên, giọng nói bỗng trở nên bi thương thê thiết:

– Có lạ không cậu! Cơn đau của nó chỉ gia giảm chút ít khi cho uống vài ly rượu, mà loại có ngâm con tắc kè mới được. Ngày nào đi xin ăn, có chút tiền, tôi nhịn ăn mua cho nó uống. Có vậy cơn đau mới bớt hành hạ nó…

Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra. Đúng là đời có nhiều chuyện không hiểu hết. Một người thù ghét rượu, chỉ nghe mùi rượu là ác cảm lại hàng ngày cầm chai đi mua, nín nhịn ngửi cái mùi nồng nặc căm gan kia vì cơn đau của chính con mình. Mà bà chịu cảnh oái ăm nầy trong suốt bao năm …

Sau khi ngừng thút thít, bà nhìn tôi với đôi mắt ráo hoảnh, run run:

– …Rồi tôi xin ăn hàng ngày, nhịn cả ăn uống để mua rượu cho con qua cơn đau. Nhưng đâu phải hôm nào cũng được tiền… Có hôm tôi phải pha nước lã vào rượu cho nó. Làm sao mà nó không biết. Nó uống cho tôi vui nhưng tối đến cơn đau xương lại hành hạ. Chỉ khi nào uống đúng loại rượu tắc kè, cơn đau mới giảm. Thương con đứt từng đoạn ruột nhưng tôi biết làm gì, nhìn nó chịu đựng cơn đau. Mấy năm sau, nó mất …Đời tôi như chấm dứt  từ cái chết của con …

Bà lão ngừng nói. Bây giờ tôi mới thấy bà khóc. Tiếng khóc ai oán, thống khổ kể cả xót đau, ân hận vì không giúp được con trong bệnh hoạn hiểm nghèo.

Đợi bà qua cơn xúc động, mãi sau tôi mới lên tiếng:

– Thế con bà mất rồi, bà còn mua rượu chi nữa? Hơn nữa bà nói là căm ghét ruợu kia mà?

Bà lão ngậm ngùi kết thúc câu chuyện:

– Khi con mất, nỗi ân hận không tiền mua rượu hàng ngày cứ dày xéo tôi. Tôi sợ nó đau đớn, cả khi con không còn ở với mình . Rồi như cậu thấy đấy, xin ăn được đồng nào, tôi lại ghé quán mua rượu, chiều ra mộ thăm con, đổ xuống nấm mồ  cho nó. Tôi nghĩ nó cũng đỡ đau đớn khi có được thêm tí rượu …Còn tôi …Cả đời tôi có bao giờ biết mùi rượu đâu…Cho nên khi  ai nói tôi uống rượu, ghiền rượu, tôi như điên khùng lên vì uất ức …

Tôi bước ra căn lều khi bà nói xong câu cuối cùng. Trời chập choạng tối. Nghĩa trang vắng lặng, đìu hiu. Lòng tôi chùng xuống. Những toan tính vặt vãnh hàng ngày vào phút giây nầy trôi qua đầu tôi.

*

Khá lâu, không thấy bà lão ra quán cà phê xin ăn, tôi lần ra nghĩa trang hỏi thăm. Căn lều trống hoác, hình như không còn ai ở đó. Một người phu đào huyệt cho biết bà lão đã mất cách đây mấy tuần, sau cuộc gặp cuối cùng với tôi hôm trước. Bà chết quạnh quẽ, không ai hay biết, đến khi phát hiện thì thân hình đã co quắp, trên tay vẫn còn cầm chiếc gậy đen bóng cong đầu và tay bên kia nắm chặt chai rượu tắc kè đã vơi còn phân nửa.

Buồn nẫu người, tôi ghé quán gần nhà mua rượu uống, người chủ vừa đong rượu vừa nhìn tôi vừa thắc mắc hỏi:

– Sao lâu không thấy bà lão mua rượu tắc kè đến nữa, hả ông?.

Nguyễn Minh Phúc

(Di cảo)

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search