T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: NHẠC SĨ NGHIÊM PHÚ PHÁT VỚI DÒNG NHẠC MỚI

Kinh Phật nào ngắn nhất?

Đó là khi Đức Phật im lặng.

Ca khúc Phật Giáo nào ngắn nhất?

Đó là khi Đức Phật im lặng.

Chúng ta có thể hình dung ra những câu vấn đáp trên, khi đọc lại Kinh Phật và suy nghĩ về cách hoằng pháp của Đức Phật.

Khi dùng ngôn ngữ, Kinh Phật đã ghi lại những bản kinh dài, kinh vừa, kinh ngắn. Nhưng quen thuộc nhất với giới học giả và quần chúng Tây Phương là Kinh Pháp Cú (The Dhammapada), ghi lại theo thể thơ, có khi chỉ bốn dòng, hay dài hơn. Thậm chí, có một lúc Đức Phật còn nói rằng Đức Phật trọn đời hoằng pháp chưa từng nói một lời… Tuy là truyền thuyết, nhưng hẳn là có ý nghĩa nào đó.

Một trường hợp kiệm lời khác: bản kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 24 tập 600 quyển được cô đọng vào 260 chữ. Truyền thuyết ghi rằng Ngài Long Thọ là tác giả bản tiếng Bắc Phạn (Sanskrit), nhưng bản kinh phổ biến hằng ngày tại các chùa Việt Nam là dựa vào bản Hán dịch của ngài Tam Tạng Trần Huyền Trang.

Như thế, chúng ta thấy truyền thống sử dụng ngôn ngữ là tùy, khi cần nhiều lời là sẽ nhiều lời, khi cần ngắn gọn vẫn là không có bao nhiêu chữ.

Về âm nhạc Phật Giáo cũng thế, khi cần có những trường ca, đã thấy có những nhạc sĩ như Phạm Thế Mỹ, Võ Tá Hân…

Và bây giờ, trong dòng âm nhạc Phật Giáo kiệm lời – nghĩa là ngắn gọn, nghĩa là ít lời, nghĩa là trực chỉ tâm người – đã thấy có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát — người nổi tiếng với âm nhạc Phật Giáo từ khi dạy ở Trường Bồ Đề được Hòa Thượng Thích Quảng Liên bổ nhiệm vào chức vụ phụ trách mọi chuyện về văn nghệ cho hệ thống trường này – từ năm 1965 đã dạy ở trường Bồ Đề và trường Lasan Taberd (của Dòng Lasan, Thiên Chúa Giáo). Cũng nên nhắc rằng, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là người sáng lập Nhóm Hương Thiền gồm một số ca sĩ, nhạc sĩ – nhóm đã trình diễn tại Quận Cam qua ba chương trình nhạc về Phật Giáo.

Khi Hòa Thượng Thích Quảng Liên trao nhiệm vụ hướng dẫn văn nghệ Gia Đình Phật Tử, hỏi rằng làm sao xây dựng dòng nhạc Phật Giáo thích nghi nhanh chóng cho thanh thiếu niên… nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trả lời rằng cần cả trăm năm nữa, văn nghệ của trường Bồ Đề mới theo nổi văn nghệ của trường Tabert.”

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát kể lại như thế, khi trình bày với hai người bạn đạo về những suy nghĩ của ông, rằng cần có một dòng nhạc ngắn gọn, vui tươi, và mang Phật tính thích nghi đặc biệt cho thanh thiếu niên Phật tử hải ngoại, những em tiếng Việt rất là kém. Đó là lý do thời gian gần đây, nhạc sĩ họ Nghiêm đã tập trung sáng tác các ca khúc ngắn như thế.

Thực tế là các phụ huynh, các huynh trường Gia Đình Phật Tử đều thấy: những ca khúc bất tử truyền thống của Phật Giáo đều không dạy nổi cho các em, vì tiếng Việt các em quá kém. Những ca khúc như Lòng Mẹ của Y Vân, hay Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ, và ngay cả các bài nghi lễ truyền thống như Phật Giáo Việt Nam của Lê Cao Phan, hay Trầm Hương Đốt của Bửu Bác… chỉ có vài em hát và thuộc lời.

Tình hình cũng y hệt như thể: chúng ta đã trao tiền vào túi các em, nhưng các em không xài được, vì đã qua cõi khác rồi. Nếu chỉ dùng nhạc Hướng Đạo tiếng Việt hay tiếng Anh, tuy ngắn và dễ thuộc hơn, thì Phật Pháp lại không trao truyền được.

Chỉ có cách, thế hệ chúng ta phải có dòng nhạc Phật Giáo ngắn, dễ nhớ… cho các em hát. Và đã có khoảng hơn chục ca khúc như thế vừa do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát sáng tác, nhưng chưa có cơ duyên phổ biến được. Nhạc sĩ họ Nghiêm đã mở cho Cư sĩ Tâm Diệu và người viết xem các tờ đã kẻ xong khuôn nhạc, viết lời nhạc – như các ca khúc Cúng Hương, Mừng Vu Lan, Tiếng Từ Bi, Hiện Pháp Lạc Trú, Tìm Đâu Lối Vào, Tứ Diệu Đế, Bất Chánh Đạo, Mừng Đản Sanh, Tu Là Chuyển Nghiệp…

Vấn đề là, dòng nhạc Phật Giáo kiểu ngắn gọn lại kén ca sĩ, vì chúng sinh cõi này (nhất là với ca sĩ nổi tiếng) không ưa thích những gì ngắn gọn, những gì cô đọng, những gì dễ hiểu – đó cũng một phần là lý do nhiều Phật Tử không để ý tới Kinh Pháp Cú (chưa cần nhắc tới mấy bài Kinh Im Lặng của Đức Phật).

Thực ra, các ca khúc ngắn vẫn được thế giới ưa chuộng từ lâu, và các thiên tài âm nhạc cũng thường khi không ưa dài dòng.

Trong các ca khúc ngắn nổi tiếng nhất trong giới âm nhạc cận và hiện đại có bài “Her Majesty” (Chúc Mừng Nữ Hoàng Anh), khi ban nhạc The Beatles trình diễn trực tiếp chỉ dài có 26 giây đồng hồ.

Ca khúc “Her Majesty” do nhạc sĩ Paul McCartney sáng tác, ghi âm vào ngày 2 tháng 7-1969, nằm một phần trong đĩa nhạc Abbey Road, phát hành ra thị trường ngày 26-9-1969. Trong Lễ hội mừng Nữ Hoàng Anh 50 năm trên ngai vàng (Golden Jubilee of Elizabeth II) vào năm 2002, đích thân McCartney trình diễn ca khúc này trực tiếp ở cung điện Buckingham Palace. Ca khúc chỉ dài có 23 giây đồng hồ.

Ca khúc này được nhiều người đưa vào YouTube, có thêm vài khung giới thiệu, nên dài thêm vài giây đồng hồ.

Nói như thế để thấy rằng ca khúc ngắn vẫn được cả các giới hoàng gia, trí thức, quần chúng Tây Phương trân trọng. Cũng nên ghi rằng, ban nhạc thiên tài The Beatles còn một số ca khúc ngắn khác, thí dụ:

– Ca khúc Maggie Mae, dài 40 giây đồng hồ, đăng trong đĩa nhạc Let It Be.

– Ca khúc Dig It, dài 49 giây đồng hồ, trong đĩa nhạc Let It Be.

– Ca khúc Wild Honey Pie, dài 52 giây đồng hồ, trong điã nhạc The Beatles, còn có tên là The White Album.

– Ca khúc Mean Mr. Mustard, dài 1 phút 6 giây, trong đĩa nhạc Abbey Road.

Tất cả các ca khúc ngắn trên đều được ghi rõ trong Tự Điển Bách Khoa Wikipedia, và đều nghe được ở YouTube. Nêu lên trường hợp các ca khúc ngắn này để hy vọng làm giảm sự kỳ thị (nếu có) từ nhiều người, từ nhiều ca sĩ, từ nhiều tăng ni đối với nhu cầu ca khúc ngắn.

Một vấn đề là, nếu chúng ta cứ chuyên sáng tác các ca khúc dài và chữ nghĩa khó hiểu, số người nghe tất phải giảm, may ra thính giả chỉ còn một số vị bô lão. Trong khi đó, ngay các em trung niên ở hải ngoại, khả năng tiếng Việt cũng kém rồi; với các em trung niên, thuộc được ca khúc Bông Hồng Cài Áo cũng đã là một kỳ công – và thực tế, không mấy em thuộc nổi.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng, nhạc sĩ hiện cần rất nhiều hỗ trợ để đưa dòng nhạc này tiếp cận với các em Phật Tử — đặc biệt là hỗ trợ từ các nhạc sĩ, các ca sĩ, quý tăng ni tự viện, các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử.

Lời cuối nơi bài này, xin nhắc rằng Đức Phật đã rất nhiều lần nói các bản Kinh ngắn, rất ít lời. Và do vậy ca khúc ngắn cho thanh thiếu niên Phật Tử vẫn nằm trong truyền thống của Kinh Phật.

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

(Trích Bản thảo Khoảng Khắc Chiêm Bao)

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search