T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Thêm một lần điểm danh

clip_image002

Hình bìa DVD Hội Ngộ 35 năm khóa NT3 Ra Trường

  1. Trước ngày Hội Ngộ

Như đã thành lệ, cứ mỗi lần tập họp là một lần điểm danh. Ngày xưa, điểm danh là để xem anh nào trốn phố, leo rào đi thăm bồ, đi uống cà phê ngòai chợ. Ngày nay, điểm danh là để xem kẻ còn, người mất. Ngày xưa, hễ có ai vắng mặt, anh em trong hàng quân đều biết kẻ vắng mặt ấy hiện đang ở đâu, làm gì. Ngày nay, câu trả lời đã không còn dễ dàng. 35 năm từ ngày tiếng hô tan hàng, cố gắng vang lên lanh lảnh giữa vũ đình trường lần cuối cùng, anh em đã kẻ chân trời, người góc biển, làm sao biết được kẻ vắng mặt hiện ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết. Lần hội ngộ 30 năm Khóa 3 ở San Jose, CA, tháng 8 năm 2003, chúng ta đã có một cuộc điểm danh. Lần ấy, nhiều người vắng mặt vẫn chưa tìm được lối về trường xưa. Sau đó, nhờ âm vang cuộc hội ngộ đánh động tâm tư nhiều người, đã có một số thất lạc giơ tay xin báo cáo. Bây giờ, con số điểm danh đã lớn hơn rất nhiều so với lần đầu, nhưng danh sách những kẻ bỏ dở cuộc chơi cũng đã dài hơn trước. Biết làm sao hơn được, thời gian đã không còn đứng về phía chúng ta, khiến mỗi lần anh em tụ hội, lại là một lần câu hỏi: Có phải đây là lần cuối chăng? lại được mỗi người tự hỏi thầm chính lòng mình.

clip_image004

Tập họp điểm danh trong Lễ chào Cờ và Truy Điệu

Dù lần cuối hay không phải là lần cuối, thì cũng phải điểm danh. Ai có mặt thì hãy hô to và bước ra khỏi hàng quân trình diện anh em. Ngày xưa, mệnh lệnh ấy đến từ kỷ luật quân trường, ai không tuân theo sẽ bị phạt dã chiến. Ngày nay, mệnh lệnh ấy đến từ trái tim mỗi người, đến từ tấm lòng anh em còn nghĩ đến nhau. Ai không tuân theo, sẽ chẳng có hình phạt nào, ngòai nỗi ray rứt của tâm tư, và là nỗi ân hận nếu quả thật lần điểm danh này là lần cuối cùng cho một người bạn nào đó trong anh em chúng ta.

Ai biết được? Lần này hay lần nào, sẽ là lần cuối .

Tôi sẽ đi từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, đi cả về con đường làng cũ ngày xưa ở Việt Nam để gọi tên từng người, kẻ sống cũng như người chết, kẻ thấy mặt cũng như người không thấy mặt, để mong ba hồn bẩy vía anh nào còn sống mà giấu mặt đâu đó hãy bước ra khỏi nỗi cô đơn của chính mình mà tay bắt mặt mừng, nhận anh nhận em. Các bạn ta hẳn ai cũng còn nhớ bài hát “Mẹ trong lòng người đi“ chúng ta đã từng hát chung với nhau biết bao lần, trong đó có những câu “Trời sinh ra có nhau, phải thương nhau mến nhau, cũng đã có bao phen khổ đau . . .“. Hãy để những câu hát năm xưa hướng dẫn chúng ta trong cuộc điểm danh trước giờ hội ngộ này. Và chúng ta hãy bắt đầu.

Miền Bắc California, cái nôi của tình bằng hữu khóa 3, nơi cuộc hội ngộ 30 năm đã diễn ra 5 năm trước, vẫn còn đầy đủ những anh em xem nhau như ruột thịt: Trần xuân Choai, người lính già không bao giờ chết Nguyễn ngọc Thư, Nguyễn Pháp, Võ văn Màng, Lê quang Líp, Trần văn Bảy, Hùynh văn Phương, Hồ Hòang Hải, Nguyễn văn Mỹ, Trần võ Thúc, Ngô Kim Trọng, cụ già Lương Tri Nguyễn quý Đóan, quả phụ Đòan Chức, quả phụ Nguyễn ngọc Bình vẫn bám trụ vùng San Jose và phụ cận. Riêng Nguyễn văn Tám, trước cư ngụ nơi đây, nhưng nay hình như đã xuôi nam, không có ai biết rõ chàng đang “nghỉ mát phương nao“. Đi xa hơn nữa về phía Bắc của San Jose, có đại gia Hùynh văn Liêm, danh hài Trần văn An, cư sĩ Lê công Nghệ, chuyên gia thuốc lào Phạm Cấn.

clip_image006

Ban Tổ Chức Hội Ngộ 35 năm khóa Nguyễn Trãi 3 Ra Trường

Miền Nam Cali, với số anh em khóa 3 ngụ cư đông đảo nhất, nơi người bạn Trần Hòang vừa từ gĩa cõi đời, nơi sẽ diễn ra Hội Ngộ 35 năm sắp tới, với những khuôn mặt lúc nào cũng nổi bật: Nguyễn đình Chương, Võ phi Công, Trần ngọc Danh, Dương danh Dũng, Võ văn Đông, Đòan văn Hòang, Lê hồng Khanh, Vũ trọng Khảo, Trương ngọc Khoa, Trần ngọc Long, Phạm văn Long, Lê chí Tường, Đặng như Xuân ( Xúyn). Cũng ở Nam Cali, sau Hội Ngộ 30 năm, Nguyễn văn Lầu và Nguyễn văn Nhơn đã trình diện trễ với đầy đủ danh sách vợ con. Nguyễn tất Đạt, Lâm kim Nở, Trần văn Nhựt, Phạm đức Tiến (tức họa sĩ Gúc rất nổi tiếng vùng thủ đô tị nạn) ở vùng này nhưng ít khi xuất đầu lộ diện. Ngòai ra, ở vùng Los Angeles có Nguyễn văn Hải, Trần hữu Thạnh và Hồ ngọc Thọ.

clip_image008

Ban Hợp ca Nam Bắc Cali trong ngày Hội Ngộ

Ở phía Bắc, tiểu bang Michigan có 2 người: Nguyễn lương Bối và Nguyễn văn Hồ, cả 2 người đều có biệt danh đệm là Đen. Tiểu bang New York, thành phố Buffalo có Đỗ phước Hòa, vẫn bặm trợn như “gấu“ và nụ cười nhe hàm răng trắng nhởn như chú Chà Và Kem Hynos của Sài Gòn ngày xưa. Trần thanh Châu (câu lạc bộ) sống một mình xứ Seatle đẹp như Đà lạt, vẫn tiếp tục sáng tác những họa phẩm được nhiều người khen ngợi.

Vùng Đông Bắc cũng là một nơi hùng hậu anh em khóa 3 với những con người rất năng nổ như: Vũ minh Hùng, đương kim hội trưởng hội ái hữu SVSQ/CTCT ở địa phương, Cao xuân Khải, chủ tịch cộng đồng New Hampshire, Nguyễn văn Inh vẫn đẹp lão trong bộ quân phục “đi gác“, với phu la quấn cổ hùng dũng giữa thủ đô Hoa Kỳ 1 ngày tháng 11 năm 2007; Võ trọng Cư, tức nhà thơ Hòang Huy Khánh, đã xuất bản nhiều tập thơ gía trị và đã chiếm một chỗ ngồi đáng nể trong văn học sử Việt nam hải ngọai. Các khuôn mặt quen thuộc của địa phương vùng này còn có Lâm phúc Chân, Nguyễn đức Hùng, Phan quang Sơn (cùi), và Phan bá Thức.

Vùng thủ đô Virginia chỉ có một mình chàng trai Nguyễn Báu, lúc nào cũng sẵn sàng cầy 3 jobs để nuôi con ăn học thành tài và trả nợ nhà, nhưng Báu luôn luôn sinh họat với anh em vùng Pennsylvania. Nơi đây có: Hòang kim Thiện lúc nào cũng hết lòng vì anh em dù người ấy ở bất cứ nơi đâu, Việt nam hay nước Mỹ; Hạ vĩnh Tho, hiện đang sẵn sàng vào bệnh viện nhận quả thận hiến tặng từ đứa con gái 19 tuổi của mình cho nên có lẽ sẽ ngồi nhà xem trực tiếp truyền hình Hội Ngộ 35 năm khóa 3; Phạm ngọc Hiệp, tức nhạc sĩ tiếng tăm Phạm chinh Đông, vừa cho ra mắt CD “Chút hương trần gian“ chỉ để dành tặng bạn bè. Cũng ở vùng này có Trần minh Châu (đầu bạc), tuy mất sức lao động nhưng không bao giờ quên đóng góp tài chánh mỗi khi có dịp, Lương trọng Dục cha già con mọn, Lữ sĩ Phùng Sanh, Ngô văn Nhu, cả Lê ngọc Long (răng nanh) mới liên lạc lại với anh em sau Hội Ngộ 30 năm.

Cô đơn một mình xứ North Carolina là Bùi công Khẩn, xứ Kentucky là Võ thành Nhơn, xứ băng gía Minnesota là Nguyễn minh Ngọc, xứ Utah là Đào công Thanh, xứ Oklahoma Nguyễn đỗ Tiến, xứ Kansas Trương văn Vấn , xứ . . . Phạm văn Do, xứ Chicago (Illinois) có Nguyễn văn Đức, xứ New Mexico là Nguyễn ích Hải, tức Thọt, đương kim SVSQ Trực LĐ/SVSQ/CTCT/K3, đương kim thủ quỹ, tay hòm chìa khóa rất chi li cơ bản và là sự may mắn của khóa 3.

Khu vực sa mạc Nevada, thành phố ăn chơi Las Vegas có Dương phúc Ánh và Tân khóa Sinh Nguyễn văn Ngoan, chuyên viên cự phách về kỹ thuật thực hiện DVD một cách chuyên nghiệp, tác giả bộ DVD Hành Trình SVSQ/CTCT tuyệt vời.

Xứ Tuyết Colorado có 3 chàng ngự lâm pháo thủ Trần văn Song, Nguyễn hữu Huế và người đẹp (lão) Nguyễn tấn Nẫm mới qua Mỹ năm 2007 theo diện HO vớt.

Miền nắng ấm Florida có nhân vật lừng danh Lê công Hảo, dân chơi xứ Thượng thể xác tuy gìa nhưng tâm hồn không bao giờ chịu gìa, Phạm văn Đắc (hình như vừa mới bước lên xe hoa về nhà vợ . . . mới), Nguyễn trọng Hòang ở tận Orlando và Nguyễn văn Khuê (thợ điện tức cậu 010), càng về già càng thích đi giang hồ vặt nay đây mai đó.

clip_image010

Lê Công Hảo và thầy Quỳnh trong đêm Tâm Giao

Đi ngược lên phía bắc Florida là vùng Georgia, nơi đó có nhân vật siêu quậy Ông cố nội FBI Hùng Sến, Thủ khoa khóa 3 Triệu duy Tỏan, nhà thơ Trần trung Hậu tức Trần văn Trung (tà) suốt đêm chỉ bầu bạn cùng thơ và rượu, Nguyễn văn Út (đầu bò) hiện là Mục sư, Lê tấn Nẫm hiền lành, Lý bá Phước họa sĩ, Phạm ngọc Tiễn vẫn còn chải đầu bằng bằng cách soi mũi giày (thay vì gương ) và người trầm lặng Nguyễn vân Tạo (gìa).

Vùng nổi tiếng nhờ lễ hội Mardi Gras hàng năm và nhất là cơn bão Katrina độc ác là Louisiana có chàng lãng tử Đòan văn Mã thề không bao giờ bỏ New Orleans bất kể bão tố mỗi năm lại kéo đến, Trần văn Chiêm sau cơn mưa trời lại sáng, sau khi trốn bão Katrina trở về, chàng đã trở thành ông chủ tiệm Phở có tiếng nơi ấy, con người thầm lặng Hùynh No luôn quan tâm đến tất cả anh em khi họan nạn, Nguyễn tấn Tạo hiện giờ đang trông coi việc xây dựng một Thánh Thất Cao Đài đẹp nhất miền trung nước Mỹ.

Qua tiểu bang Nebraska, có 4 anh em ngụ cư ở đây từ rất lâu là Nguyễn văn Hào, Bùi ngọc Tòan, Trần văn Trung (chùa) và Hòang trọng Đê.

Một trung tâm đông đảo Nguyễn Trãi 3 là vùng Texas với hai thành phố lớn Houston và Dallas. Ở Houston có Nguyễn văn Điều, hiện là đương kim Hội trưởng hội ái hữu cựu SVSQ/CTCT Texas với nhân số rất lớn và nhiều nhân tài, Nguyễn văn Long (già) rất chí tình với anh em khắp nơi ghé về Houston, và Lê thanh Minh. Phía Bắc Houston là thành phố Dallas, vùng đất của ông chủ Hùynh Bridal tức Hùynh văn Thạnh, một đại gia mới nổi của địa phương, Lý phước Hồng, đương kim Hội phó hội Texas và là ông nội lẫn ông ngọai (như Hùng Sến) cùng một lúc, Đặng hiếu Sinh, con người tài ba, tháo vát, nhiệt tình, chủ nhiệm tạp chí Cadao, hội phó Hội Truyền thông báo chí vùng Dallas và nhiều chức danh ăn cơm nhà vác ngà voi khác. Thường xuyên đến với nhau là các vị Châu văn Đẳng (bụng phệ), Nguyễn như Thi (nhạc trưởng), Trần văn Ngãi, Nguyễn văn Tư, Lâm phi Sơn.

Ngòai Hoa Kỳ, những nhân vật đã từng gắn bó với anh em cùng khóa từ những ngày chân ướt chân ráo ở hải ngọai là Diệp văn Oánh ở Úc Châu, con ngưởi luôn đứng đầu sóng ngọn gió cho khóa 3 trên mọi lãnh vực. Ở Úc còn có chàng Võ Tấn Lộc (Matt), người đã một lần chu du Mỹ quốc đi hầu khắp mọi nơi không mệt mỏi. Đặc biệt, ở Úc có cây bút chính luận sắc sảo Trương minh Hòa, tức Slow Hòa, người đã tung hòanh nơi trường văn trận bút cả Úc Châu lẫn Mỹ Châu như chỗ không người, đã từng xuất bản nhiều tác phẩm chính luận ưu hạng, tác giả hàng ngàn bài thơ châm biếm và là người có mặt khắp nơi trên thế giới ảo (báo điện tử).

clip_image012

50 anh em khóa Nguyễn Trãi 3 cùng vị thầy khả kính Nguyễn Quốc Quỳnh trong ngày Hội Ngộ sau 35 năm ra trường.

Ở Pháp có Nguyễn đức Tín gắn bó với anh em cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, đã chu du Hoa Kỳ nhiều lần chỉ để bù khú với bạn bè. Cũng ở Pháp, sau Hội Ngộ 30 năm, Nguyễn chí Hiếu đã mò ra được đường về làng cũ nhờ trang mạng điện tử Hồn Quê qua cái tên người nhạc sĩ trứ danh của khóa 3 Phạm ngọc Hiệp, và mới đây nhất là Đặng văn Hộ.

Ở Hòa Lan, Nguyễn kim Hòang đã an phận một mình trong xứ sở hoa Tulip. Không biết kỳ 35 năm sắp tới Hòang có đi được không như đã từng hăng hái tham dự kỳ gặp mặt 30 năm ở San Jose.

Ở Canada, có Tiêu Khôn Cơ, đương kim Hội trưởng hội AH/SVSQ/CTCT Canada, tuy xa xôi cách trở nhưng không có dịp vui nào vắng mặt Tiêu Khôn Cơ. Đặc biệt, tháng 7 năm 2006, Tiêu Khôn Cơ đã mở rộng cửa đón phái đòan một số anh em khóa 3 đến từ khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ, chứng minh một cách cụ thể rằng xứ Canada tuy lạnh lẽo nhưng tình bạn hữu không bao giờ gía lạnh.

Tổng số anh em khóa 3 sinh sống ở hải ngọai gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Hòa Lan là 113 người. Số anh em này đã từng có dịp gặp gỡ, hoặc các hình thức liên lạc khác với nhau.

Số anh em còn sinh sống ở Việt Nam là 19 người gồm: Lê Hùng Anh, Đặng hưng Tấn, Đặng hữu Thắng, Trần ngọc Minh, Nguyễn hữu Thùy (áo nhái), Phan xuân Lâm, Phạm quang Sơn (Chuột), Lê hà Thọ, Nguyễn công Tốt, Lê Từng, Nguyễn văn Út (gìa), Nguyễn thế Cường, Lý văn Tý, Phạm ngọc yên, Phạm đình Bàng, Nguyễn mậu Bình, Trần minh Luân và Huỳnh tấn Phát. Trong số này, có Lê hà Thọ (hình như) sắp qua định cư ở Atlanta, Georgia và Hùynh tấn Phát đang lo thủ tục qua Mỹ theo diện HO (vớt). Những anh em ở Việt Nam tuy xa cách nhau về địa lý – Nguyễn mậu Bình, Lê hà Thọ ở tận miền Trung, Đặng hữu Thắng, Lê Từng kẻ ở Nha Trang người Tuy Hòa, Phạm ngọc Yên, Trần minh Luân tận miền Tây xa mút mắt, Phạm đình Bàng ở trên Ban mê Thuộc, số còn lại ở Sài Gòn hoặc các tỉnh ven đô – nhưng mỗi khi có cơ hội hoặc những dịp vui, dịp buồn, họ lại cố gắng gặp nhau để tay bắt mặt mừng, mày tao chi tớ dù rằng hầu hết đều đã trở thành những ông nội, ông ngọai. Đặc biệt, hai quả phụ Lâm văn Mầu và Nguyễn văn Sáu vẫn luôn gắn bó với anh em bạn bè cùng khóa của chồng. Mới đây nhất, quả phụ Lâm văn Mầu đã tìm thấy được hài cốt của chồng và lễ cải táng đã có đông đủ anh em cùng khóa của Mầu hiện diện, cùng với sự trợ giúp tài chính cũng như tấm lòng của anh em ở hải ngọai. Còn sự an ủi nào lớn hơn cho chị Hồ thị Hoa, người vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi nấng hai con trai của Mầu nên người từ 30 năm nay.

clip_image014

Bàn thờ 18 Nguyễn Trãi 3 quá cố trong buổi lễ Chào Cờ và Truy Điệu

Số anh em đã qua đời với sự xác nhận chính thức của gia đình hay bạn bè là 18 người: Nguyễn ngọc Bình, Lâm quang Thiện, Trần Hòang, Trương quang Lý, Nguyễn văn Sáu, Lê văn Nho, Nguyễn Tài, Nguyễn hữu Thụy, Phạm anh Tuấn, Lâm văn Mầu, Lê xuân Quới, Nguyễn văn Xuân, Lê văn Nuôi, Lê văn Phú, Đòan Chức, Hòang Trai, Trần văn Thành, và Sử xuân Vĩnh Lộc. Trong số này, Lê văn Nuôi và Trần Hòang qua đời sau Hội ngộ 30 năm, có nghĩa là bàn thờ kỳ này tại Hội Ngộ 35 năm chúng ta phải làm lại di ảnh để có thêm hai người mới. Cũng thời gian sau Hội Ngộ 30 năm, con của Trương quang Lý qua làm việc bên Úc đã tìm cách liên lạc được với các bạn bè của cha mình. Và một cô gái (hay bà già) nhận là người tình năm xưa của Trần văn Thành, tìm cách liên lạc với các bạn của người yêu cũ, nhất quyết không chịu tin rằng Trần văn Thành đã qua đời, dù các bạn cùng khóa đã tìm mọi cách xác nhận rằng Thành không còn trên thế gian này nữa. Ai muốn được đọc những bức thư (tình ) thống thiết của cô gái này xin hãy về tham dự Hội Ngộ 35 năm tại Nam Cali, sẽ được đương kim SVSQ Trực LĐ Hải Thọt cho xem.

Từ lần điểm danh trước cách đây 5 năm, chúng ta có hơn 30 con chim lạc bầy không biết tông tích ở nơi đâu, thì nay con số này chỉ còn 15, gỉảm đi một nửa, hy vọng đến Hội Ngộ 40 năm tại Texas (?), sẽ không còn con chim nào bị lạc bầy nữa. Và đây là danh sách 15 trẻ em bị thất lạc, ai biết được chúng đang ở đâu xin lên tiếng cho biết: Trần văn Bên, Lê Nhung, Nguyễn kim Điền, Trần đức Minh, Trần công Minh (đầu bạc), Trang văn Sáng, Phan ngọc Sơn, Vũ văn Bạch, Phan thống Nhứt, Phạm tấn Bằng, Phạm quang Thương, Chu trần Giai, Nguyễn văn Tùng, Nguyễn hữu Phước (chàng hảng) –hiện đang cư ngụ ở Úc châu – và Nguyễn thiểu Sơn. Trong số 15 anh em nói trên, Nguyễn hữu Phước có đến gặp Diệp văn Óanh và Đặng hiếu Sinh dịp ĐH Sinh và gia đình chu du Úc Châu tháng 5 năm 2008, Chu trần Giai hiện sinh sống ở Mỹ, thành phố New York, đã từng chu du nhiều tiểu bang, nhưng chúng ta không có địa chỉ của CTGiai; Lê Nhung thì nghe có người nói sống ở Mỹ, tiểu bang California nhưng không liên lạc với anh em; Phạm quang Thương thì hình như có người gặp ở Houston; Nguyễn thiểu Sơn thì sau 30 tháng 4 năm 1975 có vợ làm việc ở bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn; Trần công Minh có tham dự một vài cuộc họp mặt với anh em hồi năm 1991 ở Sài Gòn, nay thì bặt tin.

clip_image016

Diệp văn Óanh, Nguyễn hữu Phước và Đặng hiếu Sinh tái ngộ lần đầu tiên sau 35 năm tại Úc

Làm bài tóan cộng: 113 hải ngọai, 19 ở Việt nam, 18 qua đời và 15 không biết ở đâu, chúng ta có con số nguyên thủy từ ngày đầu tiên anh em gặp gỡ dưới mái trường mẹ là 165 người.

35 năm, biết bao tang thương dâu bể, biết bao những mất mát không thể hàn gắn, nhưng điều vui mừng nhất là chúng ta vẫn còn nhớ tên nhau để gọi những tiếng chim gọi đàn.

Có con chim nào nghe được tiếng kêu ấy mà nỡ ngỏanh mặt làm ngơ không ?

(Tháng 3 năm 2008)

  1. Ngày Hội Ngộ

Ngày Hội Ngộ 35 năm Khóa Nguyễn Trãi 3 đến , rồi lại qua đi thật nhanh. Ngày vui qua mau. Không ai bảo ai nhưng chắc chắn đó là ý nghĩ luẩn quẩn trong đầu của 50 anh em khóa 3 và gia đình vào giây phút phải bắt tay nhau tạm biệt. 50 anh em khóa 3 về tham dự Hội Ngộ 35 năm khóa 3 Ra Trường tại Nam Cali những ngày đầu tháng 8 năm 2008 so với con số 64 của lần hội ngộ 30 năm tại San Jose, Bắc Cali tháng 8 năm 2003, tuy có ít hơn về số người nhưng không vì thế mà niềm vui hội ngộ bị nhỏ đi. Bản Tin thường kỳ của BCH/TH/NK 14 có phần tường trình chi tiết của niên trưởng NT2 Trần Thanh Kiều Diệp, TTK/BCH/TH đã chứng minh điều đó. Xin được trích lại ở đây:

Tin Đặc Biệt về Đại Hội 35 Năm Mãn Khóa 3/SVSQ /TĐH/CTCT/ĐàLạt.

(Trích trong Lá Thư Tổng Hội số 14 của BCH/TH/NK 14)

Trong 2 ngày 02 và 03 tháng 8 năm 2008 , Đại Hội 35 năm Mãn Khóa khóa Nguyễn Trãi 3/SVSQ/TĐH/CTCT đã tưng bừng diễn ra tại Orange County, miền Nam California với sự tham dự của Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh, nguyên Chỉ Huy Trưởng và gia đình, anh Tổng Hội Trưởng Nguyễn Văn Mục và các thành viên trong Ban Chấp Hành Tổng Hội. Về tham dự Đại Hội còn có quý vị cựu SQ cơ hữu, Hội Trưởng Nam Cali NT2 Trần Văn Hòa và Gia Đình NT Nam Cali. (Ghi chú của Khóa 3: chúng tôi ghi nhận thêm sự hiện diện của NT2 Nguyễn văn Trinh, đại diện khóa NT2 đến từ thành phố Houston, Texas.). Đặc biệt thành phần đông đảo nhất là các cựu SVSQ khóa 3 khắp nơi cùng phu nhân, các con và các cháu nội ngoại (thế hệ 3) .

clip_image018

Thầy Nguyễn Quốc Quỳnh, BCH/TH/NK 14 và các niên trưởng quan khách trong lễ Chào Cờ và Truy Điệu tại tượng đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

Vào lúc 11.00AM Thứ Bảy ngày 02/8/08 sau tiếng hô chững chạc và hùng tráng của Sĩ Quan Quân Lễ NT3 Trần Xuân Choai trong Quân Phục Đại Lễ, Toán Quốc Quân kỳ của Hội Nam Cali đã hiên ngang tiến vào địa điểm cử hành Lễ Tưởng Niệm được tổ chức tại Công Viên Chiến Sỹ Việt Mỹ thuộc Thành Phố Westminster, Orange County, Nam Cali. Thầy Nguyễn Quốc Quỳnh, NT1 Nguyễn Văn Mục-THT- và đại diện các khóa cùng quý vị quan khách đã dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc và Thánh Tổ Nguyễn Trãi. Trong tiếng nhạc truy điệu trầm buồn, các cựu SVSQ khóa 3 trong Quân Phục Tiểu Lễ mùa hè Worsted đã lần lượt đọc Tiểu Sử 18 người bạn đã hy sinh hoặc qua đời trong mọi hoàn cảnh. Sau đó lần lượt các Cựu SVSQ khóa 3- trong đồng phục áo sơ mi trắng quần đen và cà vạt xanh nhạt có in huy hiệu của Trường-cùng gia đình đã lần lượt thắp hương Tưởng Niệm những bạn bè từng một thời xẻ chia cay đắng ngọt buì nay đã không còn nữa .

clip_image020

Tóan Quân Quốc Kỳ Liên Khóa cựu SVSQ/ĐH/CTCT

clip_image022

NT3 Vũ Trọng Khảo chuẩn bị chào cờ và truy điệu

Vào lúc 6:00 chiều Chủ Nhật 3/8/08, trong buổi Dạ Tiệc được tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Thành Phố Westminster, Nam California, Đại Diện khóa 3 Trương Văn Vấn và Trưởng Ban Tổ Chức NT3 Phạm Văn Long đã long trọng khai mạc Đại Hội đặt dưới sự Chủ Tọa Danh Dự của Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh. Sau phần nghi lễ NT3 Vũ Trọng Khảo – vẫn còn đẹp trai và trẻ trung trong bộ Quân Phục Dạo Phố mùa hè Worsted, với giọng Bắc ngọt ngào -đã long trọng tuyên đọc Tiểu Sử và Vinh Danh Thầy Nguyễn Quốc Quỳnh. Tiếp theo đó, Thầy Quỳnh trong Y phục Ông Thọ màu đỏ kèm hai bên có hai NT3 trong Y Phục Ông Thọ màu xanh đã lần lượt nhận Hoa và Quà Chúc Thọ từ các SVSQ khóa 3, các nàng dâu, cùng các con và các cháu nội, ngoại. Đại Hội vô cùng hãnh diện và tự hào về tình cảm của Thầy dành cho Gia Đình Khóa 3, mặc dầu tuổi già sức yếu và vừa bị ngã một tuần trước ngày Đại Hội, Thầy vẫn có mặt trong ngày Đoàn Tụ của những đứa con-học trò – mà Thầy đã một thời đặt nhiều tâm huyết.

clip_image024

Lễ Chúc thọ thầy Nguyễn Quốc Quỳnh với 3 thế hệ khóa Nguyễn Trãi 3

Phần Văn Nghệ đã được sắp xếp chu đáo với ban nhạc và các ca sĩ Nam Cali. Đặc biệt ca sĩ Mai Lệ Huyền và gia đình ca sĩ Ngọc Lễ -Phương Thảo đã đến giúp vui trong tinh thần gia đình. (Ghi chú thêm của khóa 3: Trong phần văn nghệ, anh em khóa 3 về dự Hội Ngộ đã được dịp nghe lại tiếng hát vàng của khóa 3 là Nguyễn Kim Hoàng đã từng làm xôn xao núi rừng Đà Lạt 37 năm trước, cộng thêm với tài năng gây vui nhộn của Lê Nguyên Hùng trong một màn “múa đôi“ và “hát đôi“ với nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền.).

Ban Chấp hành Tổng Hội xin gởi lời chúc mừng đến toàn thể anh chị em khóa 3 với lòng trân trọng và thán phục về tài tổ chức cũng như về Lễ Vinh Danh Và Chúc Thọ Thầy Quỳnh -Niềm hãnh diện chung cho các khóa cựu SVSQ Trường Đại Học CTCT Đà Lạt .

(NT2 Trần thanh Kiều Diệp –TTK/BCH/TH NK 14)

Dù Bản Tin số 14 của BCH/TH dùng từ “đại hội“ để chỉ những ngày vui hội ngộ của khóa Nguyễn Trãi 3 nhưng anh em khóa 3 vẫn thích dùng từ “Hội Ngộ“ để nói về những ngày vui của mình. Ngoài ra, trong đêm Tâm Giao ngày 02-08-2008 tại phòng hội khách sạn Ramada, thành phố Garden Grove, 50 anh em khóa 3 cùng với gia đình đã hưởng được những giây phút thật đầm ấm trong không khí gia đình cùng với vị cha già Nguyễn Quốc Quỳnh. Tất cả đã được nghe tâm tình của nhau, đã chia sẻ với nhau nhiều niềm vui nỗi buồn từ ngày ra trường 35 năm về trước. Đặc biệt, với sự trợ giúp của Nguyễn Đức Tín ( lúc ấy có mặt ở Việt Nam), một nhóm anh em Khóa 3 và gia đình ở Việt Nam cũng tụ họp nhau lại tại Sài Gòn, gọi điện thoại nói chuyện qua speakerphone, với Thầy Quỳnh, với các bạn bè hiện diện. Đó là một cuộc hội ngộ kỳ thú, dù là chỉ qua điện thoại.

clip_image026

NT3 Phạm văn Long nhận bằng tốt nghiệp từ vị Chỉ Huy trưởng

clip_image028

NT3 Trần Minh Châu tay chống gậy tay chào để nhận bằng tốt nghiệp

Cũng trong đêm Tâm Giao, thầy Nguyễn Quốc Quỳnh đã trao đến từng anh em có mặt một bản sao Bằng Tốt Nghiệp được thực hiện lại rất công phu và đẹp mắt với tên và số quân của mỗi cựu SVSQ/K3. Các anh em ở xa không có mặt, cũng đã được Ban Tổ Chức 35 năm Hội Ngộ gởi đến một bằng Tốt Nghiệp, một Cravat có huy hiệu trường Mẹ để làm quà kỷ niệm.

Không thể không nhắc đến những sinh họat bên lề của ngày Hội Ngộ, những buổi tâm tình thật vui nhộn của anh em và gia đình ở nhà riêng của Trần Ngọc Danh, Dương Danh Dũng. Chính ở không khí thân mật đầm ấm này, cùng với hai ngày lễ chính thức trang trọng, mà kỷ niệm đã được ghi lại qua ống kính của Võ Phi Công, Nguyễn Ngọc Thư và qua bàn tay tài hoa cùng tấm lòng tha thiết vì anh em của Nguyễn văn Ngoan, bộ DVD Hội ngộ 35 năm tuyệt vời đã được thành hình. Nhiều năm sau mở ra xem lại, tôi tin rằng, nỗi xúc động vẫn sẽ mới mẻ như nó vừa xảy ra hôm qua. Một Trần Minh Châu đầu tóc bạc phơ, tay chống gậy, chân run rẩy bước ra nhận lại tấm bằng tốt nghiệp từ tay vị chỉ huy trưởng cũ cũng gìa nua run rẩy không kém. Đây là lần đầu tiên Trần Minh Châu có dịp gặp lại anh em nên nỗi xúc động lại càng làm Châu thêm run rẩy. Một Trần Thanh Châu lúc nào cũng như người say rượu vì men bằng hữu quá đậm với “tửu lượng“ của Châu, người đã vắng mặt trong kỳ 30 năm ở Bắc Cali. Người bạn đời của Thanh Châu, chị Yên, trước đây làm việc ở Câu Lạc Bộ SVSQ/K3, cũng chẳng phải là người xa lạ với những bạn bè của chồng. Một Nguyễn Chí Hiếu, từ xứ Pháp xa xôi, cũng lần đầu tiên gặp lại anh em đông đủ kể từ ngày ra trường, những ngày sống ở Cali là những ngày sống giấc mơ đẹp nhất đời mình. Một Nguyễn Kim Hòang từ Hòa Lan cố gắng đến gặp anh em một lần nữa, vì e rằng sức khỏe ngày một suy yếu của mình không cho phép Hòang nấn ná chờ một dịp Hội Ngộ nào khác. Một Nguyễn văn Inh mang vết mổ còn chưa kịp lành da đến Cali vì Inh tin rằng nếu sợ đau bỏ qua cơ hội này thì vết mổ (còn đau) ấy sẽ hành hạ Inh cho đến hết đời. Những Phan quang Sơn, Nguyễn văn Lầu, Lê Ngọc Long, Nguyễn tất Đạt, Phạm Cấn và Lê Hà Thọ (mới từ Việt Nam qua), những người lần đầu tiên có dịp sinh họat chung với anh em đều đã thấm thía hiểu rằng mình sẽ thiệt thòi biết bao nếu lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội này.

3. Sau Hội Ngộ

Lần điểm danh trước Hội Ngộ, 15 “trẻ lạc khóa 3“ đã được nêu danh. Sau Hội Ngộ, chúng ta đã được sự giúp đỡ của các anh em đồng môn còn sinh sống ở Việt Nam để lần ra tông tích của hai con chim lạc bầy đúng 35 năm Trang văn Sáng và Trần Đức Minh. Ngay lập tức một đường điện thọai nóng mau chóng được thiết lập và cuộc thăm viếng của anh em NT3 ở Sài Gòn mang theo lời chào mừng của hơn 100 anh em Khóa 3 ở hải ngọai đã thực sự làm hai người bạn của chúng ta chóang ngợp. Hiện Hòang Kim Thiện và Nguyễn Đức Tín đang ráo riết vận động anh em để sẽ có một “tiểu Hội Ngộ Khóa 3“ vùng 3 và vùng 4 (Việt Nam) trong mùa hè sắp tới và Lê Nguyên Hùng Sến hứa sẽ hết sức để có một “tiểu Hội Ngộ“ vùng 1 và vùng 2 (Việt Nam) vào tháng 8 năm nay (2009).

clip_image030clip_image032

Hai con chim lạc bầy đúng 35 năm Trần Đức Minh và Trang văn Sáng cùng hình ảnh, thủ bút 35 năm trước và 35 năm sau

Tính đến hôm nay (sau Hội Ngộ 35 năm tại Nam Cali), Khóa 3 còn những con chim lạc bầy sau đây chưa ai biết tông tích: Trần văn Bên, Nguyễn Kim Điền, Phan ngọc Sơn (sữa), Vũ văn Bạch, Phan Thống Nhứt, Phạm tấn Bằng, Phạm quang Thương, Nguyễn thiểu Sơn và Nguyễn văn Tùng. Lời “bố cáo thất tung“ này xin được gởi đến quý anh em đồng môn khắp nơi trên thế giới để xin giúp đỡ nếu có ai biết được tông tích những con chim lạc bầy nói trên.

4. Một lần nữa, như tiếng chim gọi đàn.

“ . . . Chúng ta đã qua một thời binh lửa. Đã có những mất mát vô cùng lớn lao. Đã có những đứa hy sinh trong cuộc chiến. Nhiều đứa cả một thời trai trẻ giam thân trong các nhà tù chạy dài suốt từ Ai Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Từ những nhà tù, đã có những đứa không trở về. Đã có những đứa vượt biển bỏ xác dọc đường.

Chúng ta ai cũng muốn được trở về với cội rễ lòng mình, soi bóng mình còm cõi trong đó, mà tìm lại anh em bạn bè kẻ còn người mất. Người mất thì coi như đã hoàn tất cuộc trở về quê hương đích thực. Kẻ còn thì, đứa lang thang vất vưởng cuộc mưu sinh quê nhà¸đứa ray rức với những hệ lụy của một đời lưu vong quê người. Dẫu quê nhà hay quê người, cũng vẫn là chúng ta. Những thằng ra đi từ ngọn đồi thân thương mùa hè năm ấy.

Sống ở đời ai mà không nợ. Không nợ tiền thì cũng nợ tình. Không nợ ân thì cũng nợ oán (nếu có óan cũng xin được một lời tha thứ cho nhau). Những dòng này được viết để gởi đến những người anh em đã một thời rất thân thương. Những người anh em mà một thời chúng ta chia nhau từng điếu thuốc đen khét nghẹt và những ly cà phê bắp rang mà mỗi đứa chỉ đủ tiền để trả cho phần của mình. Chúng ta đã nợ nhau ân tình những ngày ấy. Cái món nợ mà chúng ta ai cũng đã hân hoan xin được đón nhận. Vì không gì hạnh phúc hơn được nợ nhau một chút tình. Vì sống ở đời, đó là cái nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi gian nan sóng gío. Giờ đây, tha phương cầu thực xứ người, chúng ta không còn hạnh phúc ở bên nhau để có thể mời nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì gọi là lãng mạn nhất, nhưng những cú điện thoại viễn liên thỉnh thoảng vẫn đủ làm ấm lòng người xa xứ. Nơi đây, chúng ta có đủ tất cả nhưng chỉ thiếu một chút tình để được nợ nhau. . .“

clip_image034

Hội Ngộ là cơ hội duy nhất để uống chén rượu bằng hữu

Cuối cùng, Hội Ngộ không phải chỉ là hội ngộ. Vì Hội Ngộ là cơ hội duy nhất được uống chén rượu bằng hữu bên bờ huyệt mộ của riêng mình. Nên Hội Ngộ cũng là sự chuẩn bị rực rỡ cho cuộc Phân Ly. Cuộc Phân Ly cuối cùng để không bao giờ nói đến Hội Ngộ trên trần gian này thêm một lần nào nữa. Phạm ngọc Hiệp, con người tài hoa nhất của khóa Nguyễn Trãi 3, đã soạn sẵn cho chúng ta lời kinh cầu nguyện. Xin tất cả hãy dọn mình sám hối!

“Một đời thăng trầm chúng mình đã đi qua, cách này hay cách khác mà cách nào cũng họan nạn nhiều hơn diễm phúc, khổ đau nhiều hơn vui mừng. Qua đi, qua đi, những cơn mê. Tình này chồng chất lê thê. Được, thua rồi chẳng còn gì. Chỉ còn lại là những kỷ niệm rực rỡ của một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy nữa. Là mầy, là tao, là chúng mình, những thằng láo nháo, đùa nghịch tối ngày. Giờ đây, tạm yên thân nơi xứ lạ quê người, cũng là lúc dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của một kiếp nhân sinh phù du.

Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có hơi ấm ở hai bên: vợ con và bạn bè ngày cũ.

Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa nhỏ nhoi này.” (NT3 Phạm ngọc Hiệ ).

Viết thêm của tác gỉa :

Phần 1 của bài này được viết trước kỳ Hội Ngộ 35 năm của khóa Nguyễn Trãi 3 Tháng 8 năm 2008 ở Nam Cali. Như một tiếng chim gọi đàn gởi đến anh em bằng hữu khắp bốn phương trời, nhất là những con chim lạc bầy. Hội ngộ 35 năm khóa Nguyễn Trãi 3 Ra Trường đã diễn ra với ý nghĩa đẹp nhất của tình anh em bằng hữu giữa những người từng một thời tụ họp nhau lại vì chung một lý tưởng, rồi chia tay nhau nhưng vẫn chung một hòai bão, để rồi lại gặp gỡ nhau vì chung một số phận. Những cái chung ấy đã làm nên chất keo gắn bó chúng tôi lại với nhau. Và rồi đây, cũng những cái chung ấy sẽ giúp kẻ lên đường về nơi miên viễn vơi bớt cảm thức cô đơn ở giây phút phải nói lời chia tay với cuộc đời, với anh em bạn hữu. Có mặt hay không thể có mặt ở giây phút tiễn đưa nhau lần cuối cùng sau mấy mươi năm dâu bể, xét cho cùng, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Vì chất keo bằng hữu luôn ở trên mọi lý lẽ thường tình của cuộc đời.

Phần 4 của bài “Một lần nữa, như tiếng chim gọi đàn“ được viết từ trước kỳ Hội Ngộ 30 năm khóa Nguyễn Trãi 3 tháng 8 năm 2003, tôi dùng để kết thúc bài viết (dài), với một ý định nhất quán: xiển dương tình bằng hữu ở mọi thời điểm, 30 năm trước, 30 năm sau, 35 năm, 40 năm, 100 năm . . .

Dù bài viết mang những chi tiết rất riêng của khóa Nguyễn Trãi 3, nhưng tôi mạnh dạn gởi đến Đặc san Ức Trai, vì theo nhận định chủ quan của mình, anh em 6 khóa CTCT của trường, tuy khác nhau ở thời gian vào trường và ra trường, nhưng vẫn có chung với nhau một chất keo gắn bó: Tình bằng hữu. Chuyện của khóa 3 chắc cũng không khác bao nhiêu với khóa 1, khóa 2, khóa 4, khóa 5 hay khóa 6. Cũng những kẻ mất người còn, cũng những mảnh đời thất cơ lỡ vận, cũng những tiếng mày tao thân ái và những nụ cuời ướt mắt mỗi khi có dịp gặp gỡ, tương phùng, cũng những bất đồng không thể tránh khỏi. Và chắc cũng vẫn những tiếng thở dài khi nhìn về con đường (đời) mỗi ngày một ngắn trước mặt.

NT3 Trương văn Vấn

Bài Mới Nhất
Search