T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Quá khứ.. làm sao quên?

(Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh )

Tôi vừa vội vã lách người len lỏi giữa đám đông vừa tính toán chương trình tiệc sinh nhật của Bân chiều nay. Bữa tiệc thật lãng mạng và ý nghĩa chỉ riêng cho Bân và tôi. Bây giờ vào Macy tìm chiếc áo sơ mi màu lá mạ non thật nhẹ và chiếc cà vạt màu green đậm có ánh bạc cho Bân. Xong, chạy đến chợ Việt Nam để mua cua, thịt bò, măng tây, ngò om và vài thứ lỉnh kỉnh khác để làm soup măng cua, bò tái chanh và cua rang muối là ba món mà Bân rất thích. Chắc chắn chiều nay, khi bước vào nhà, Bân sẽ tròn mắt, ngạc nhiên một cách thích thú trước chiếc bàn ăn trải đầy hoa hồng với tiếng nhạc nhẹ nhàng réo rắt, với ánh nến huyền ảo, với thức ăn, với gói quà thật trân trọng … và đặc biệt là dòng chữ Happpy Birthday lung linh nhảy múa trên tường. Và cũng chắc chắn tôi sẽ nhận được một nụ hôn nồng ấm cùng lời thì thầm rất ngọt “cám ơn em, người vợ hiền yêu dấu!!” như Bân vẫn thường âu yếm trao tặng mỗi khi tôi làm một điều gì cho anh.

Mải mê suy nghĩ, cánh tay đang vung vẩy của tôi chạm mạnh vào người thiếu nữ đi ngược chiều với tôi. Cô la lên một cách giận dữ

-Đi đâu mà như ăn cướp vậy. Đụng người ta đau muốn chết hà!!!

Vừa bước quá vài bước tôi giật mình quay lại định nói câu xin lỗi thì chạm phải ánh mắt bối rối của người đàn ông đi bên cạnh và đang ôm xiết vòng eo của cô gái. Hai chân tôi như muốn sụm xuống. Miệng tôi há hốc, bờ môi run rẩy. Bân!!! Bân vẫn nhìn tôi. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, cơn bối rối biến mất. Anh cười một cách thản nhiên. Cánh tay vẫn vòng qua chiếc eo thon rắn chắc :

-Ồ! Thảo đi shopping hả? Thôi … đi trước nhá!!

Tôi bất động nhìn theo Bân đang thong thả bước đi với người phụ nữ khác.

Hai đứa bé phía bên trái đang chạy đuổi nhau đụng vào người tôi. Thật nhẹ. Vậy mà tôi loạng choạng ngã xuống đất. Tôi cố đứng dậy nhưng sao cả thân thể như mềm nhũn không gượng nổi. Có bàn tay nâng nhẹ tôi lên, rồi một giọng nói dịu dàng, ân cần cất lên :

-Em có sao không? Chị đưa em lại ghế ngồi nghỉ một lát nha.

Tôi gật đầu giữa hơi thở đứt quãng quên cả tiếng cám ơn. Ngồi xuống ghế, tôi gục mặt vào hai bàn tay lạnh buốt, ướt rịn mồ hôi. Tôi không muốn khóc nhưng từng giọt nước mắt cứ len lỏi giữa những kẽ tay, mặn chát trên bờ môi. Người đàn bà vẫn ngồi lặng lẽ bên cạnh tôi. Thời gian nặng nề trôi qua một cách chậm chạp. Nhưng dù chậm hay nhanh cũng đến lúc tôi phải ra về. Tôi quay sang chào người đàn bà với tiếng cám ơn lí nhí trong cổ họng. Nhưng chỉ vài bước tôi lại loạng choạng. Thật sự là cả người tôi -ngay giây phút này- không còn chút sinh lực nào cả. Tôi ngồi bệt xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối, cố nén tiếng khóc. Người đàn bà. Vẫn là người đàn bà ấy quỳ xuống cạnh tôi, dỗ dành

-Đứng lên. Chị đưa em về!

Tôi thất thểu bước đi như một cái xác không hồn. Không chút thắc mắc. Không chút phân vân. Khi ngồi lên xe, người đàn bà vỗ nhẹ bàn tay tôi.

-Em muốn khóc thì cứ khóc đi. Nước mắt sẽ giúp em cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Tôi bật khóc tức tửi. Người đàn bà nhìn tôi một chập rồi vói lấy chiếc xách tay, tìm bằng lái xe của tôi, bấm địa chỉ nhà lên chiếc máy navigator.

Hai mươi lăm phút sau, xe dừng trước cửa nhà. Hai mươi lăm phút với cả suối nước mắt giúp tôi lấy lại được chút bình tĩnh. Người đàn bà bước xuống, mở cửa xe cho tôi và không quên dặn dò

-Đây là số điện thoại của chị, em cần giúp gì cứ gọi. Chị biết là em đang rất đau khổ, nhưng điều quan trọng em cần nhớ là phải bình tĩnh và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi muốn làm một điều gì.

Tôi nhìn người đàn bà bằng cả nỗi thắc mắc lớn lao trong lòng. Một người đàn bà hoàn toàn xa lạ nhưng lại bỏ ra hàng mấy tiếng đồng hồ để ở cạnh tôi trong lúc tôi bị rơi vào nỗi suy sụp bất ngờ. “Chị biết là em đang rất đau khổ”. Biết gì? Tôi hoang mang

-Chị … em …

Tôi hoàn toàn không diễn tả được những gì mình muốn nói. Người đàn bà mỉm cười. Nụ cười thật phúc hậu phảng phất chút u buồn :

-Chị nhìn thấy ngay từ đầu và đoán được phần nào sự việc đã xảy ra… chị sẵn sàng giúp em .. cứ gọi chị khi cần. Đừng ngại.

Tôi bước vào nhà, thả người xuống giường. Nước mắt lại tuôn. Tôi khóc mùi mẫn, khóc quên cả thời gian cho đến khi có tiếng điện thoại reo inh ỏi và tiếng nói hối hả vang lên:

-Bà là phụ huynh của bé Vi? đã tan trường hơn một tiếng rồi sao bà không đến đón bé?

Tôi sực nhớ đến con rồi hốt hoảng lấy chìa khóa xe chạy bay ra cửa. Ra đến garage tôi mới biết chiếc xe của mình đang đậu ở parking của khu shopping. Tôi lục lọi trong chiếc xách tay tìm số điện thoại của người đàn bà. Bà sốt sắng trả lời :

-Không sao! chị đang ở khu chợ Việt Nam gần nhà em. Năm phút nữa chị sẽ đến.

… Chiếc xe vừa ngừng trước cổng trường bé Vi đã dằng khỏi tay cô giáo chạy ào ra. Tôi đón lấy đứa con gái bé bỏng mặt mũi tèm nhem nước mắt, ríu rít xin lỗi. Bé Vi vừa đấm vào vai tôi vừa khóc nấc lên :

-Sao mẹ bỏ con. Sao bố bỏ con???

Tôi ôm chặt con vào lòng, ngước nhìn người đàn bà trong nỗi xót xa. Nuớc mắt bà chợt ứa ra. Bà quay đi nhưng tôi vẫn kịp thấy cái mím môi thật chặt để đè nén cảm xúc.

***

Từ buổi chạm mặt với Bân trong Mall -hơn một tuần- anh vẫn chưa trở về nhà. Tôi gọi điện thoại nhiều lần, Bân không bắt máy. Bé Vi nhớ bố, nhắn tin mỗi ngày nhưng Bân không hề gọi lại như anh đã từng làm. Tôi hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Quan hệ giữa Bân và cô gái non choẹt, sexy và ngổ ngáo kia đã có từ bao giờ. Tôi cố nhớ lại nhưng hoàn toàn không tìm thấy một dấu hiệu khác lạ nào ở Bân trước đó. Tôi đã phạm lỗi lầm gì để bị Bân đối xử phũ phàng như vậy. Còn bé Vi nữa, đứa con gái bé bỏng có tội tình gì để anh ngoảnh mặt không thương tiếc. Tôi đã hỏi cả trăm lần câu hỏi đó mà vẫn không tin được những gì cay đắng nhất, nghiệt ngã nhất đang xảy ra cho mình. Tôi đã yêu Bân bằng trái tim chân thành. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để vun bón cho mái ấm gia đình nà, nhưng cuối cùng thì tôi không có gì cả ngoài sự phản bội tàn nhẫn của Bân và nỗi đớn đau chất ngất của ngày hôm nay.

Buổi tối, khi bé Vi đã ngủ say và tôi đang dật dờ nửa mê nửa tỉnh thì có tiếng chuông reo. Tôi mừng rỡ, quýnh quáng nhảy xuống giường, chụp nhanh chiếc điện thoại, hỏi bằng giọng đầy nước mắt :

-Anh hả??

-Không có anh nào hết. Tôi đây!

-Cô là ai?

-Chị hơi ngây thơ đó nha. Phải là ai đó mới xài điện thoại của anh Bân được chứ!

Tôi giận run người :

-Cô cho tôi nói chuyện với anh Bân!

-Ảnh không rảnh nên mới nhờ tôi nhắn với chị … thôi! kiếm chồng khác làm ăn đi, đừng kêu réo, chờ đợi ảnh chi cho mất công. Ha!ha!!!

Tôi như phát điên khi nghe giọng cười khiêu khích đó. Dập máy, tôi quỵ chân xuống sàn nhà, úp đầu vào giường khóc rưng rức. Tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Tôi lại bắt máy với hy vọng người gọi là Bân. Nhưng vẫn là cô gái ấy với những lời chọc phá ác độc. Cứ như thế đến nửa đêm. Tôi vẫn ngu dại để mình liên tục bị “khủng bố tinh thần” cho đến khi tôi bị rơi vào trạng thái sợ hãi đến tột độ. Tôi muốn cầu cứu… nhưng cầu cứu với ai đây? Gọi cảnh sát ư? có nên làm ầm ĩ như thế không? Gọi bạn bè? rồi mọi chuyện sẽ vỡ lỡ ra, tôi còn dám nhìn mặt ai nữa? … Người đàn bà!!! Tôi nhìn đồng hồ rồi run run bấm số :

-Chị .. có phải chị..

-Vâng là chị … chị Dương đây!

-Chị Dương ơi! đến với em được không? em sợ quá!!!

-Em! hãy giữ bình tĩnh… chị đến ngay bây giờ.

Tiếng điện thoại lại reo, tôi chồm lên giường ôm bé Vi chạy nhanh ra cửa như ma đuổi. Giữa đêm khuya tôi ngồi ngay ngạch cửa ôm đứa con bé bỏng trong tay mà tưởng chừng như cả thế giới đang sụp đổ trước mắt mình.

Không bao lâu có ánh đèn xe quẹo vào khoảng sân phía trước garage. Chị Dương -người đàn bà- hối hả bước xuống, giọng trách móc :

-Đêm hôm khuya khoắc em ra đây làm chi, lỡ có chuyện gì thì sao?

-Chị ơi! em khổ quá!

Chị Dương dìu tôi vào nhà. Vừa đặt bé Vi xuống giường lại có tiếng chuông điện thoại. Tôi vói tay chụp lấy, nhưng chị ngăn lại :

-Khoan đã! kể cho chị nghe chuyện gì đã xảy ra?

Tôi vừa khóc, vừa kể … những mẩu chuyện nhập nhằng chắp vá không đầu không đuôi, nhưng chị luôn gật đầu tỏ ý hiểu biết. Khi tiếng chuông điện thoại vang lên một lần nữa chị ra dấu tôi ngồi yên. Chị cầm máy và bước ra ngoài patio. Tôi mệt mỏi ngã vật xuống sofa -sau một tuần thức trắng- và không còn muốn nghe thêm một điều gì nữa.

Buổi sáng, khi tôi mở mắt dậy thì chị Dương đang đứng ở bếp pha cà phê. Bé Vi đang líu lo nói chuyện với chị. Chị nhìn tôi cười nhẹ. Nụ cười đôn hậu và ánh mắt dịu dàng của chị như một an ủi êm ấm mà ngày xưa tôi vẫn nhận được từ mẹ mỗi khi có chuyện buồn. Nước mắt tôi lại ứa ra. Chị kéo tay tôi và nói như ra lệnh:

-Hãy buông bỏ tất cả những gì của ngày hôm qua để bắt đầu một ngày mới vui vẻ. Chuẩn bị đưa bé Vi đến trường rồi chị em mình đi một vòng ra ngoài hồ cho thoải mái.

Bé Vi háo hức khoe với tôi phần ăn sáng nóng hổi trong bao giấy Mc Donald:

-Lúc mẹ ngủ Bác chở con đi mua nè!

Tôi gật đầu và nhìn chị bằng đôi mắt biết ơn. Cả tuần lễ qua tôi mải miết chìm trong nỗi đau khổ riêng thầm không ngó ngàng gì đến con gái của mình. Con bé thui thủi một mình, cứ mỗi lần hỏi bố đâu thì bị mẹ mắng, đến khi thấy nó mếu máo tôi lại ôm con khóc. Mấy ngày gần đây, bé Vi như cảm nhận được một điều gì bất thường đang xảy ra trong gia đình nên không nhắc đến bố nữa, mà mỗi lần thấy tôi khóc nó lại leo lên giường nằm sát bên tôi, vòng tay ôm ngang bụng tôi thỏ thẻ:

-Mẹ đừng khóc nữa. Bé Vi ngoan. Bé Vi thương mẹ nhiều.

Lòng tôi quặn đau trong từng câu nói ngây thơ của con và nghe nỗi khổ đau của mình ngày càng chồng chất lên cao.

***

Tôi và chị Dương ngồi im lặng rất lâu trên chiếc cầu gỗ giữa khoảng không gian thật tĩnh lặng. Thỉnh thoảng chị lại với tay nhặt vài hạt sỏi ném vào lòng hồ. Mặt nước đang im lìm bỗng gợn vài vòng sóng nhỏ lăn tăn. Nhưng chỉ trong chốt lát mọi thứ đều tan biến và mặt hồ lại êm ả lung linh trong ánh nắng. Chị quay sang tôi khẽ nói:

-Cuộc sống của con người đôi lúc cũng bị xáo trộn vì những viên sỏi nhỏ như thế đó em.

Tôi vẫn cúi đầu chìm trong những ý nghĩ hỗn tạp. Rồi như chợt nhớ ra.. tôi quay sang hỏi :

-Tối hôm qua cô gái đó nói gì với chị? cô ta là ai?

Chị trầm ngâm một lúc rồi từ tốn trả lời:

-Là một cô gái thiếu giáo dục.

Tôi nôn nóng:

-Và cô ta là nhân tình của chồng em?

Chị Dương gật đầu.

-Cô ta có nói với chị là Bân quen với cô ta từ lúc nào? làm sao hai người quen biết nhau?

-Chị không hỏi, nhưng qua cách nói chuyện và từ ngữ cô ta dùng chị đoán… cô ta là du học sinh, sắp tốt nghiệp và đang rất muốn được ở lại Mỹ.

-Cô ta đã nói gì với chị!

-Em không cần biết.

Tôi nóng nảy:

-Nhưng em muốn biết.

Chị Dương quay sang cầm tay tôi nhỏ nhẹ:

-Em có biết vì sao chị lại quan tâm đến em dù chị và em là hai người hoàn toàn xa lạ không? …

Mười ba năm về trước chị đã rơi vào hoàn cảnh tương tự như em. Gia đình đang hạnh phúc bỗng một ngày chồng chị mang về một tờ đơn xin ly hôn và yêu cầu chị ký vào đó. Lúc ấy, chị còn yếu đuối và thê thảm hơn em nhiều. Không đi làm. Không biết tiếng Mỹ. Không biết lái xe. Không thân nhân. Không bạn bè. Chị đã quỳ xuống, ôm chân anh ấy khóc lóc thảm thiết và van xin anh đừng bỏ mẹ con chị. Nhưng anh vẫn lạnh lùng quay lưng sau khi hất chị ngã lăn xuống sàn nhà. Đứa con trai chưa đầy mười tuổi của chị đứng sửng người trước cảnh tượng đau lòng đó. Chị quay lại mếu máo bảo “con ơi! quỳ xuống xin bố ở lại đi con”. Nó mím môi trừng mắt nhìn bố và bằng giọng cương quyết nó nói “không”. Từ đó, chị phải lao vào dòng đời vất vả, làm đủ mọi công việc, không kể ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Mười bốn tuổi, thằng bé đã phải đi theo ba của đứa bạn cùng lớp, dọn dẹp, làm vệ sinh cho các văn phòng vào ngày cuối tuần để kiếm tiền phụ mẹ và quyết không thèm nhận tiền child support của bố. Vừa đi làm vừa đi học, vậy mà mười bảy tuổi nó tốt nghiệp trung học với hạng tối ưu. Khi lên bục gỗ để đọc bài văn tốt nghiệp nó đã dành một đoạn dài để cám ơn “người mẹ vĩ đại” không biết tiếng Mỹ, không biết lái xe nhưng vì lòng thương con bao la đã đưa vai gánh lấy gánh nặng oằn vai mà người cha bạc bẽo đành lòng phủi tay bỏ lại cho nó có được ngày tốt nghiệp vẻ vang như hôm nay. Lời cuối cùng dành cho mẹ là một lời hứa “con sẽ cố gắng tốt nghiệp đại học với tấm bằng dược sĩ để đền bù những ngày tháng nhọc nhằn đầy mồ hôi và nước mắt của mẹ. Người mẹ yêu dấu lúc nào cũng sẵn sàng dùng sức lực mỏng manh và đôi tay yếu đuối để che chở cho con”. Cả hội trường đứng dậy với tiếng vỗ tay vang dội cùng rất nhiều mảnh khăn đã đưa lên để lau nước mắt. Một phần thưởng thật xứng đáng đã thêm sức cho chị nối tiếp những gian nan trong cuộc sống. Sáu năm sau con chị hoàn tất chương trình đại học đúng như lời đã hứa. Ngày thằng bé tốt nghiệp dược sĩ bố nó đến với một bao thư trên tay và nói “bố chúc mừng con”. Nó lạnh lùng quay đi -như ngày xưa bố nó đã từng lạnh lùng như thế- với câu trả lời thật chua chát “bố tôi đã chết từ lúc tôi mười tuổi”. Chị không hề dạy con chị oán hận bố, nhưng chính sự đối xử phũ phàng của anh ấy đã để lại trong lòng nó một vết thương không bao giờ lành.

Chuyện kể ra nghe rất đơn giản, nhưng những gì chị đã trải qua thật khủng khiếp. Anh ấy đi rồi chị ngã bệnh liệt giường cả tháng. Con chị, đứa bé chưa đầy mười tuổi bỗng trưởng thành một cách khác thường. Một buổi tối, nó nâng đầu chị đặt lên đùi nó và nói thật chín chắn “Mẹ đừng khóc nữa và đừng thèm nhớ đến bố nữa. Từ bây giờ con sẽ là người đàn ông trong căn nhà này”. Lúc ấy, chị nghĩ rằng đó chỉ những lời bắt chước người lớn của một đứa bé ngây thơ. Nhưng không, nó đã thật sự gồng gánh mọi chuyện trong gia đình như bố nó đã từng làm như thế. Vậy mà có lúc chị tuyệt vọng đến nỗi đã ngu ngốc đi tìm cái chết. Đến khi được cứu sống, thấy con quỳ cạnh bên khóc lóc thảm thiết, mẹ ơi mẹ đừng bỏ con, chị mới tỉnh ngộ và chợt nhận ra rằng, nếu mình quyết định lìa bỏ cuộc đời thì mình còn tàn nhẫn gấp trăm lần bố nó. Thế là chị mạnh dạn đứng lên và sống một cách bình thản cho đến ngày hôm nay.

Với câu chuyện này chị mong em hãy vì bé Vi mà cố gắng đứng lên và bước tới thật vững vàng. Đừng trông mong vào lòng thương xót của người đàn ông bạc tình. Đừng bao giờ để họ nhìn thấy sự yếu đuối của mình. Rồi khi mọi chuyện lắng xuống. Em sẽ nhận rõ một điều, cho dù người đàn ông ấy có trở lại thì hạnh phúc ngày xưa cũng không còn nữa.

Tôi ngửa mặt lên trời, cố nuốt những dòng nước mắt ngược vào trong và thầm nhủ, phải can đảm lên để đối diện với sự thật, để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống sắp tới. Không được buông xuôi. Không được đầu hàng. Bé Vi cần một người mẹ có đầy đủ nghị lực thì tương lai của nó mới được rạng rỡ như con trai của chị Dương.

Tôi tìm bàn tay chị Dương xiết chặt như thầm mong chị tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

***

Một tháng sau, Bân trở về nhà để lấy những đồ đạc cần dùng trong lúc tôi đi làm và bé Vi đi học. Lá thư anh để lại trên bàn như một cú “sút” cuối cùng làm vỡ nát trái tim đã rạn rứt của tôi.

“Anh đã yêu Mỹ Lâm gần một năm nay nhưng không đủ can đảm để nói thật với em. Cuộc gặp gỡ vừa rồi cũng là một điều hay, vì dù sau anh cũng không muốn lừa dối em.

Duyên đã hết, nợ cũng không còn, nên… em hãy trả tự do cho anh”.

Không một lời xin lỗi, không một chút ân hận vì những gì mình đã gây thương tổn cho vợ con, Bân đã bỏ tôi và bé Vi như bỏ một chiếc áo đã lỗi thời không còn thích hợp với anh nữa một cách thật dửng dưng, thật tàn nhẫn.

Tôi hận Bân.

Hận cho đến hết kiếp này.

Chị Dương xé nát lá thư vứt vào sọt rác. Chị nắm chặt tay tôi. Nhìn thẳng vào mắt tôi. Thật chậm rãi, chị nhấn mạnh từng chữ như đóng từng cái kim đinh vào óc tôi:

-Đừng bao giờ tự hành hạ mình bằng những cái thư rác rưởi như thế này. Nếu em muốn có một cuộc sống bình an với con thì phải biết quay lưng với quá khứ. Hãy nhớ, nếu em không tự thương mình thì sẽ chẳng có ai thương em cả.

Tôi gật đầu giữa những dòng nước mắt ràn rụa:

-Dạ! em biết, em biết… em sẽ nghe lời chị.

Miệng tôi nói biết, nhưng trái tim tôi không chịu biết. Nó vẫn thôi thúc những nhịp đập nhớ thương. Nỗi thương nhớ da diết hoà lẫn với nỗi xót xa oán hận khiến tôi như người dở khùng, dở điên, mới cười ha hả đó, quay đi là nước mắt đoanh tròng. Làm sao tôi có thể quên được khi cùng khắp căn nhà này là kỷ niệm, là dấu yêu của một thời hạnh phúc mặn nồng.

Một lần nữa chị Dương lại ra tay can thiệp. Sau khi không khuyên được tôi hãy rời khỏi căn nhà này, chị yêu cầu tôi tháo gỡ tất cả hình ảnh của Bân xuống, xếp bỏ những vật dụng của Bân vào một hẻm hốc nào đó nếu tôi không muốn quẳng đi. Tôi ngập ngừng tiếc nuối, không dám nói không nhưng thật lòng chẳng muốn. Chị Dương nhìn tôi. Cái nhìn vừa xót thương, vừa nghiêm khắc:

-Chị đã từng trải qua những ai bi khổ ải này nên muốn giúp em bằng kinh nghiệm đau thương của chị… nhưng nếu em từ chối, chị sẽ không bao giờ trở lại đây nữa.

Thái độ quyết liệt của chị Dương làm tôi hốt hoảng. Nếu không có chị thì còn ai có thể hiểu được tận cùng nỗi đau của tôi. Tôi gật đầu và hứa sẽ nghe lời chị. Lời hứa ấy cùng sự sợ hãi chị Dương sẽ rời bỏ tôi đã giúp tôi đứng lên và bước tới bằng những bước vững vàng hơn.

***

Hai năm trôi qua, khi tâm hồn tôi bắt đầu nhẹ nhàng, thanh thản thì một ngày tôi nhận được thư Bân.

Những dòng chữ rắn rỏi quen thuộc như có sức hút mãnh liệt khiến tôi nôn nóng muốn mở ra xem Bân viết gì trong đó. Nhưng khi đi tới bàn để lấy chiếc kéo, chưa được mười bước chân, tôi chợt nhớ lời nói của chị Dương ngày nào “đừng bao giờ tự hành hạ mình bằng những cái thư rác rưởi như thế này. Nếu em muốn có một cuộc sống bình an với con thì phải biết quay lưng với quá khứ. Hãy nhớ, nếu em không tự thương mình thì sẽ chẳng có ai thương em cả.”

Tôi nhìn lá thư rồi thầm nghĩ, nếu trong đây là những dòng chữ ăn năn, hối lỗi thì liệu tôi có đủ độ lượng để tha thứ cho Bân không? còn nếu là những yêu cầu hay đòi hỏi vô lý thì tôi có thể đè nén được cơn giận dữ để mỉm cười một cách thản nhiên không? Bân đã chẳng từng bảo “duyên đã hết, nợ cũng không còn…” sao? Vậy thì, dù có một trăm lá thư, có ngàn vạn chữ thì tình xưa cũng đã là “tình có cũng như không”.

Khi tôi kể lại câu chuyện này thì lá thư vẫn còn nằm yên trong chiếc hộc đã được khóa kín. Tôi cũng không hiểu vì sao mình giữ nó lại -như giữ một nỗi buồn rất riêng của mình- Hình như trong tận sâu thẳm của cõi lòng tôi vẫn chưa hoàn toàn quay lưng được với quá khứ. Bởi cái quá khứ ngập tràn nước mắt đó vẫn hoài ẩn hiện trong giấc mơ của tôi. Những giấc mơ tàn nhẫn không một lần cho tôi được thấy mình thăng hoa trong niềm hạnh phúc, dù đó là thứ hạnh phúc không có thật []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search