T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Thiên Tứ & Lê Trần: Nhớ Cố Hương (Chiều Hòang Liên Sơn)

Phạm Thiên Tứ & Lê Trần: Nhớ Cố Hương (Chiều Hòang Liên Sơn)

Chiều Hòang Liên Sơn – Tranh: Trần Thanh Châu

“ . . . Đời anh tha hương ngay trên quê hương . . .

Vị đắng của những năm tháng Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú, Gia Trung, Cà Tum, Trảng Lớn, Long Giao, Xuân Lộc … sẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm tư chúng ta. Vị đắng của những năm tháng khoác bộ quân phục của chính mình nhưng không phù hiệu, không cấp bậc. Thay vào đó là những mảnh vá của mồ hôi. Của máu và thù hận. Của đói khát và nhục nhằn.

“Đời anh tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương…” Lời bài tù khúc thở than cho một số phận? cho những mảnh đời đã mất? hay nỗi uất ức vì đã không trọn lời thề năm xưa khi lần duy nhất trong đời chúng ta quỳ xuống long trọng tuyên thệ TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM. Lời thề bất tử cùng với thời gian và cả không gian. Nhưng nước thì đã mất, nhà đã tan, dân đỏ rên xiết giữa đọa đầy của “Tù Ngoài”. Còn chúng ta, trong “Nhà Tù Trong” cúi đầu uất hận.

Đời anh tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương. Bước chân trần thất thểu giữa cát sỏi lưu đầy ngay trên đất Tổ Hùng Vương của những chàng trai tóc bời lộng gió ngày nào đã đề lại những dấu ấn đậm nét trong Lịch sử. Những dấu ấn của một nỗi bất lực khủng khiếp. Những dấu ấn của một trách nhiệm không được chu toàn. Những dấu ấn của những đêm mê sảng vì sốt rét rừng mơ thấy ngọn cờ Tổ Quốc vẫn ngạo nghễ giữa Cổ Thành Uy Nghi.. . “(Trích: Đọan Trường Thất Thanh)

Tù khúc “Nhớ Cố Hương” là tâm sự của bất cứ người tù cải tạo nào. Theo lời anh Lê Trần, những ý tưởng trong bài đã sống trong lòng anh từ nhiều năm, nhưng chỉ đến khi được chuyển từ trại tù miền Bắc về lại miền Nam ở trại Xuân Lộc Z30 B khỏang năm 1982-1983, bài thơ mới có cơ hội thành hình và ngay sau đó, anh Phạm Thiên Tứ chắp cánh cho những ý thơ thành nhạc bay đến những anh em đồng cảnh ngộ, nhắc nhau đừng quên rằng “Đời anh tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương”.

“Nhớ Cố Hương” là một trong những tù khúc được nhiều anh em ở Xuân Lộc biết đến. Sau này, khỏang thời gian những đợt HO ồ ạt đến Mỹ, anh Việt Long, tuy cũng mới vừa chân ướt chân ráo như những anh em khác, đã không bỏ lỡ cơ hội nói lên tiếng lòng chung của anh em giữa không khí tự do hải ngọai. Và qua làn sóng điện Little Sài Gòn Radio những năm khỏang 1993-1996, người hải ngọai đã có dịp nghe bài tù khúc vang lộng tâm sự một thời của những người tù cải tạo qua giọng hát tuy không chuyên nghiệp nhưng đã chuyên chở chính xác và trọn vẹn nội dung bài hát đến với người nghe.

Phần âm thanh của bài tù khúc “Nhớ Cố Hương” chúng tôi giới thiệu ở đây cũng vẫn qua giọng hát của anh Việt Long thâu lại nhiều năm sau. Giọng hát dường như u uẩn hơn vì sau gần 10 năm “tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương”, thì nay, sau gần 20 năm lưu lạc xứ người, tâm sự người tù năm xưa phải chăng là “Giữ gìn chút hương trầm thơm /Mơ về cố hương” như hai câu kết ngậm ngùi của bài tù khúc. (T.Vấn & Bạn Hữu )

Nhớ Cố Hương (Chiều Hòang Liên Sơn)

Nhạc: Phạm Thiên Tứ. Lời: Lê Trần

Trình bày: Việt Long

(Bấm vào đây để xem Video Clip “Nhớ Cố Hương” do cựu tù Nguyễn văn Ngoan thực hiện):

Nhớ Cố Hương (Video Clip)

Chiều xuống rưng rưng

Người tiễn người hết con đường

Người đi hoang mang vấn vương

Bể dâu biết đâu là hướng

Đời anh tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương

Giáo đường dóng kinh mùa thương

Mi người mờ khói hơi sương

Chiều xuống bâng khuâng

Người nhớ người chốn khuê phòng

Thời gian phôi pha sắc hương

Nửa đêm dỗ con bằng bóng

Đời em đau thương ở ngay trái tim buồn quê hương

Xếp lại phấn son lược gương

Ru hồn tượng đá buồn

Em biết không, đêm lạnh Hòang Liên Sơn

Mơ ngày Sài Gòn nắng ấm

Nghe lòng nhỏ tiếng tơ chùng

Người hôm mai nhặt từng hạt sương

Gom vào giờ phút tương phùng

Đời giương cánh buồm trùng dương

Đời vẫn tơ vương, người vẫn tưởng nhớ thiên đường

Đầu sông trông mong cuối sông

Khổ đau nhấp nhô lượn sóng

Hẹn nhau sang sông, dòng thời gian sẽ phai mờ sau lưng

Giữ gìn chút hương trầm thơm

Mơ về cố hương

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search