T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhiều Tác Giả: Nghe Đinh Quốc Trực hát, nhớ bạn bè

 

Lời Giới Thiệu: Chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu đang chuẩn bị để tạm kết thúc phần đầu của công việc. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này được nhắc nhớ đến hai người hát Tù Khúc từ trong tù cho đến khi đến được vùng đất tự do, và nay tuy họ đã không còn sống nữa, nhưng tiếng hát bất khuất ngày nào của họ vẫn còn được bạn hữu giữ gìn để chúng vang vọng mãi đến tận đời sau. Một trong hai người đó là anh Đinh Quốc Trực, đã qua đời ngày 4 tháng 11 năm 2005 tại Houston, Texas. Trong lúc đi tìm những dữ liệu cần thiết, chúng tôi đã đọc được bài viết: KHÔNG QUÂN NGOẠI TRUYỆN -NGHE ĐINH QUỐC TRỰC HÁT, NHỚ BẠN BÈ của tác giả Quan Ngự Sử Áo Liền Quần. Thiết tưởng, để viết về một người, không gì trung thực bằng chính những người bạn thân thiết nhất của người ấy. Do đó, chúng tôi xin phép tác giả được đăng lại bài viết về anh Đinh Quốc Trực trong phần tạm kết của chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu (TV&BH).

 

 

KHÔNG QUÂN NGOẠI TRUYỆN

 

NGHE ĐINH QUỐC TRỰC HÁT, NHỚ BẠN BÈ

QUAN NGỰ SỬ ÁO LIỀN QUẦN

Mỗi khi có một người tù “cải tạo” (chữ của Cộng sản) vượt biển đến Hoa Kỳ, tôi thường tìm tới thăm và ngồi nghe kể chuyện tù. Là một người từng sống trong vùng Cộng sản chiếm đóng (Nghệ An), từng chứng kiến cảnh đấu tố tàn bạo trong cải cách ruộng đất, tôi vẫn rùng mình kinh sợ khi nghe những tù nhân kể lại sự trừng phạt man rợ và ngạo mạn của kẻ chiến thắng. Kỹ thuật hành hạ, ngược đãi con người của Cộng sản càng ngày càng tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn, hoàn toàn ngược chiều với dòng tiến hóa văn minh của nhân loại. Những đòn thù hiểm độc liên tục giáng xuống thân phận kẻ thua cuộc không làm sao kể xiết. Những phù phép ban phát đặc ân đầy xảo quyệt mang ra chiêu dụ để làm tai mắt cho cán bộ quản giáo không ngớt thi hành. Kẻ thù đã áp dụng các biện pháp như cưỡng bách lao động, bỏ đói, rét hoặc trói “cánh khỉ” nhốt vào “conex”… mà hầu hết những tù nhân vẫn kiên gan chịu đựng để bảo toàn nhân cách. Có người quắt mắt mắng vào mặt kẻ thù. Tôi vô cùng thán phục những người anh hùng lặng lẽ ấy. Tôi ao ước có dịp được bắt tay họ để nghiêng mình tỏ một lời cám ơn là họ đã làm thơm danh người lính Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh những tấm gương dũng cảm anh hùng ấy, tôi cũng nghe có một số ít người tù làm công cụ cho kẻ thù hãm hại anh em. Tôi cảm thấy thương những anh em bị bạn đồng tù gọi là “ăng-ten”; chứ không dám coi khinh, vì mình chưa trải qua thử thách thì không được quyền phê phán sự yếu hèn của người khác.

Tôi từng được nghe kể về người Tiểu Đoàn Trưởng Nhảy Dù gan dạ Nguyễn Lô qua nhiều người bạn đồng tù với anh. Về nhà văn Phan Nhật Nam, về nhà thơ Cung Trầm Tưởng, về nhạc sĩ Nguyễn Cao Hiến (Đại Úy Biệt Động Quân), về Nguyễn Đạt Thành (em trai anh Nguyễn Đạt Thịnh, chủ nhiệm báo Diều Hâu), về dân biểu Nguyễn Lý Tưởng, về Không Quân Nguyễn Quang Tri, Nguyễn Hữu Thôn, Nguyễn Minh Công, Huỳnh Minh Quang, Đinh Quốc Trực, Phan Trừng… và về vô số tấm gương anh hùng nữa, người nghe chuyện có cảm giác như đang đọc những huyền thoại thời cổ Hy Lạp, chứ không phải là chuyện có thật.

Nhân dịp tham dự buổi sinh hoạt ngoài trời (picnic) do Hội KQ Houston tổ chức tại công viên Bear Creek, tôi được một người anh em giới thiệu Đinh Quốc Trực. Vốn có sự cảm phục từ lâu về nhân cách của anh trong trại tù, tôi bỗng nghe lòng mình dấy lên một niềm vui sướng cùng tột khi may mắn đứng đối diện anh. Vừa bắt tay anh vừa bày tỏ sự quí mến của mình, tôi nhận thấy Trực có một nụ cười hết sức dễ thương và ánh mắt thật nồng nàn. Không phải là nhà tướng số, nhưng với kinh nghiệm giao tế trong cuộc sống, tôi có thể đọc khá chính xác tính khí của từng người đối diện qua cái bắt tay và tia nhìn. Tôi nghĩ rằng Đinh Quốc Trực đúng là mẫu người được anh em nói đến nhiều lần. Những đầy đọa về thể xác và tinh thần của kẻ thù không làm cho người Không Quân đẹp trai Đinh Quốc Trực mất đi phong độ hào hoa.

Tôi kéo Trực ra một nơi xa chiếc loa phóng thanh đang phát ra những tiếng hát “cây nhà lá vườn”. Tôi hỏi thăm chàng về những bạn bè ở trong tù, ai còn ai mất. Giọng nói dịu dàng, hiền lành, chân thật và thỉnh thoảng điểm nụ cười “răng khểnh” cùng với ánh mắt chợt vui chợt buồn pha lẫn niềm tự hào và nỗi uất nghẹn. Càng nghe Trực kể chuyện, tôi càng “ái mộ” chàng hơn. Sự “ái mộ” của tôi đối với Trực sở dĩ mà có là vì trong suốt buổi trò chuyện, tôi không hề nghe Trực đề cao mình, mà chỉ nhắc đến những anh em bạn đồng tù.

Kể từ buổi gặp gỡ ấy, chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc với nhau bằng điện thoại. Ít dịp gặp gỡ nhau mặc dù cả hai chúng tôi ở trong cùng một thành phố, vì Trực đang làm hai “Job” từ sáng sớm tinh sương đến đêm khuya khoắt mới về nhà, đều đặn một tuần sáu ngày và một ngày còn lại dành cho vợ con. Chàng muốn đền bù cho vợ con về mặt tinh thần và vật chất do sự khiếm hụt của những năm tháng đi tù.

Tuần trước (Chủ Nhật 24 tháng 6, 2001) tôi gặp Trực tại nhà hàng Fukim nhân dịp Hội KQ tổ chức bầu lại Tân Hội Trưởng. Sau cuộc bầu cử, Hội đãi tiệc để anh chị em có cơ hội chén thù chén tạc, nhưng Trực phải về sớm để làm nghĩa vụ… đón vợ (chị Trực không lái xe). Trực bảo tôi theo ra xe để chàng tặng cho một món quà. Món quà ấy là CD mang chủ đề “NHỮNG TÙ KHÚC BẤT TỬ” do cậu con trai hòa âm và tiếng hát Đinh Quốc Trực. Tiệc tan, tôi về nhà mở nhạc ra nghe.

Chưa bao giờ tôi chăm chú để hồn mình vào với tiếng ca, tiếng đàn của người nghệ sĩ như hôm nay. Và tôi cũng chưa bao giờ nghe hết một đĩa CD do một người nghệ sĩ trình bầy từ đầu đến cuối. Tiếng ca quyện tròn theo tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt. Tuy nghe âm thanh qua CD, tôi vẫn có thể hình dung được những cử động của người nghệ sĩ. Có thể Trực vừa hát vừa khóc vì nhớ tới những người bạn tù trong những tháng năm bị đầy ải nơi miền quan tái. Tất nhiên, tù ca chắc chắn đượm nét buồn, nhưng các bài ca Trực trình bày thì ấp ủ hy vọng tươi sáng ở ngày mai và đặc biệt không nuôi lòng căm thù. Tôi nghĩ trong lòng người tù thể nào cũng căm hận vì sự ngược đãi của kẻ thù, nhưng khi họ viết ra nốt nhạc và lời ca thì tâm hồn họ đã thoát ra khỏi cõi thế tục. Ở một nơi mà họ chỉ “thấy” bằng tâm linh nào là hoa, là bướm, là chim, là sương mù giăng giăng, là hơi gió nhè nhẹ, là cõi tiên mà một kẻ không có tâm hồn nghệ sĩ không thể tới chốn ấy được. Dưới đây là một bài nhạc do một linh mục sáng tác thay tâm sự những người bạn tù:

“Nếu tình yêu em đếm bằng những ngày và những đêm,
Nếu thời gian em đo lường bằng những phút bên nhau
Anh chắc rằng tháng năm này sẽ xanh xao
Rồi tình mình sẽ phai mau
Bởi đất đỏ mù che tháng Hạ
Cơn lốc dài đang tàn phá thịt da.
Bước trầm tư anh lê gót trên đường mòn,
Có vòng kẽm gai và chà nhọn vây quanh.
Nhìn trời mây trôi thênh thang
Nhìn nòng súng thép hờn căm
Bên đoàn người đang nín câm
Có tiếng chim non bên bờ cỏ dại
Gió nhẹ thì thầm như tiếng em
Anh nhìn xuống bàn tay đã chai
Nhẫn vàng ngày xưa mới thay bằng nhẫn nhôm
Lời Thánh kinh reo vui chen tiếng chuông Giáo đường
Tình yêu suốt đời ta hiến dâng năm nào
Núi rừng cách ngăn đâu để nói mình quên nhau
Nếu mùa Xuân bất diệt nở trong gian lao
Anh lau những giọt mô hôi khổ đau
Trên thân cây cằn đâm chồi hy vọng
Tình yêu mạnh hơn sự chết của Mùa Phục Sinh
Anh chắc anh trở về trên bước chân chim
Gọi tên em và nói rằng Tình yêu không đếm bằng những ngày và những đêm.”

Đó là bài hát mở đầu của CD. Tôi đoán rằng Trực chọn hát bài hát ấy trước hết là vì nó phản ảnh tâm chất con người nghệ sĩ của anh. Dù đang bị nòng súng hờn căm gờm sẵn bên đoàn người nín câm đói lả, sức cùng lực kiệt, trong tai người tù vẫn nghe tiếng chim non bên bờ cỏ dại, tiếng chuông Giáo đường ngân vang một cách reo vui cùng tiếng cầu kinh của con người có tín ngưỡng. Nhẫn vàng bị tước đoạt thì ta thay bằng chiếc nhẫn nhôm. Chiếc nhẫn dù được chế bằng bất cứ chất kim loại gì thì nó vẫn là biểu tượng của sự ẩn nhẫn, chịu đựng và lòng trung thành. Sự trung thành ấy có thể hiểu đối với người vợ, hoặc xa hơn lớn hơn đối với Tổ Quốc Dân Tộc.

Nhà thơ Hồ Đắc Thái và nhạc sĩ Vũ Cao Hiến là hai người bạn đồng tù của Trực. Vũ Cao Hiến phổ nhạc những bài thơ của Hồ Đắc Thái và hát cho bạn cùng cảnh ngộ nghe. Đó là món ăn tinh thần cần thiết cho cơn đói hành hạ thể xác thường xuyên, cho nỗi nhục nhằn vì bọn cai tù lên mặt mạt sát thị uy. Chẳng may trong đám thính giả có một “cây ăng-ten” báo lên cán bộ quản giáo, thì Vũ Cao Hiến bị cùm trong hầm tối sơ sơ sáu tháng trời. Bài hát “BIẾT BAO GIỜ” theo thể điệu Moderato sáng tác hồi tháng 11 năm 79 cũng chứa chan hy vọng mặc dầu đang sống trong chốn tù đầy hiu quạnh:

“Nơi tôi ở đất cằn không mầu mỡ

Thung lũng buồn vây kín cả tương lai.

Thời gian trôi đi, riêng tôi dừng lại, có biết đâu thế giới bên ngoài.

Biết bao giờ trở về nơi góc biển, bơi thuyền đánh cá với đám dân chài?

Hay bước chân vào quán cà phê nghe nhạc, tiếng hát Lệ Thu, khói thuốc ngọt ngào…”

Câu hỏi “biết bao giờ” được láy đi láy lại theo từng nỗi ước mơ, nỗi ước mơ rất bình thường của con người bình thường. Thương thay! Nhà thơ Hồ Đắc Thái và nhạc sĩ Vũ Cao Hiến, theo lời Trực kể, đã mất tích trên đường đi tìm tự do khi ra khỏi tù. Nhưng dù họ không còn trên thế gian này, tiếng hát của Trực cũng làm cho họ sống mãi trong lòng người dân Việt, đánh dấu một thời đại bi thảm của quê hương. Là người tin có thế giới vô hình, cho nên khi nghe Trực hát, tôi nhắm mắt lại để “thấy” nhà thơ và nhạc sĩ đang mỉm cười mãn nguyện ở một nơi chốn thinh không nào đó. Vì thế, tôi nghĩ Trực thực hiện CD này để dành riêng cho bằng hữu cưu mang mối trăn trở quan hoài, chứ không phải để tung ra thị trường như một hình thức thương mại.

Mười hai ca khúc trong CD gồm có: Trên Bước Chân Chim, Tóc Đen, Biết Bao Giờ, Nhớ Không Gian, Chín Tháng Quân Trường, Lời Cho Thành Phố, Bên Giòng Sông Hàn, U-Hoài, Tâm Sự Người Lính Biệt Động Quân, Lời Cho Nguyệt Ánh, Tìm Người Yêu, Xa Vời. Tất nhiên người tù Không Quân vào một lúc nào đó ngẩng mặt nhìn trời, họ phải tiếc nuối một thời ngang dọc của loài Đại Bàng bao lần tung cánh với đồng đội. Tôi chưa từng ngồi tù mà nghe Trực hát “NHỚ KHÔNG GIAN” cũng khiến cho lòng tôi cảm thấy nao nao:

“Giờ này lặng nhìn làn mây trôi
Đã bao năm ta cách biệt nhau rồi
Xin nhắn gửi về không gian nỗi nhớ
Lối bay xưa bây giờ mộng ngăn đôi
Bầu trời kỷ niệm của tôi ơi!
Ánh sao đêm vương mây bốn phương trời
Trên tuyến lửa đàn chim Ưng vỗ cánh
Bước chân đi âm thầm đạn bom rơi
Chiều rừng già hoàng hôn xuống lấp lánh
Đêm Pleiku lạnh giá trong sương khuya
Trường Sơn ơi nơi chôn bao giặc thù
Chiến tuyến khói mịt mù, những chiến công bừng nở.
Phận tù đầy từng ngày dài trôi qua
Núi Ba Sao vây kín trời Nam Hà
Xin ước hẹn ngày mai xuân tươi thắm
Cánh bay xưa trở về vùng trời thân yêu…”

Nghe hết mười hai bài ca trong CD của Đinh Quốc Trực, tôi bước ra vườn, châm một điếu thuốc hít một hơi dài, rồi ngước mắt nhìn trời đêm sâu thăm thẳm, những vì sao lấp lánh bỗng trở nên hoen nhòe. Nhất định tôi không khóc vì thương tội cho những người anh em bị hành hạ, ngược đãi, mà tôi ứa lệ vì tự hào mình có những đồng đội hiên ngang đứng thẳng trước họng súng của kẻ thù. Đinh Quốc Trực là biểu tượng của những con người hiên ngang ấy. Họ âm thầm kiên gan cùng tuế nguyệt, chứ không huênh hoang khoác lác ồn ào khoe thành tích tưởng tượng.

Tiếng hát của Trực khiến tôi nhớ đến Phan văn Lộc (ngoại danh Lộc Thận), người phi công chất ngất hồn nghệ sĩ. Tôi từng đọc thơ tình cho Lộc nghe và Lộc từng hát cho tôi nghe mỗi khi hai thằng mang hai cái tầu Hỏa Long bay xuống nằm túc trực ở phi trường Cần Thơ. Có lúc hai anh em chúng tôi cãi cọ nhau dữ dội, rồi thương yêu nhau vô cùng vì hai đứa đều ôm ấp chung một khát vọng, một lý tưởng dân tộc.

Phong cách của Trực làm tôi nhớ đến Nguyễn Quí Chấn. Hồi đó tôi sắp sửa mãn khóa bay ở trường Moody thì nghe tin có một anh giáo sư đang dạy học tại trường Marie Curie tình nguyện gia nhập vào Không Quân, từ Lackland sẽ lên học bay ở Moody. Tôi chờ đợi để xem anh chàng đó như thế nào, rồi đến khi gặp là có cảm tình ngay. Về sau chúng tôi phục vụ cùng một phi đoàn Hỏa Long. Cung cách ứng xử của Chấn với mọi người đúng là mẫu mực của một anh chàng trí thức, chưa bao giờ lạnh cẳng. Nhiều sáng kiến của Chấn đóng góp cho phi đoàn không nhỏ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy Chấn tự đắc, kiêu kỳ cho mình vượt trội hơn người khác. Chưa bao giờ Chấn lớn tiếng với bất cứ một ai. Cho nên Chấn luôn luôn được cấp trên kính trọng và cấp dưới thương mến. Ngay cả đối với kẻ đã phun nọc độc vào anh, anh vẫn thản nhiên không thèm đếm xỉa đến. Tôi kính nể sự im lặng vĩ đại của Chấn.

Những ngày cuối cùng sắp mất nước, tôi hỏi Chấn quyết định đi hay ở. Chấn đáp: “Sẽ ở lại để chứng kiến khúc quanh lịch sử của đất nước, vì năm 54 moa còn sống ở Pháp nên không biết một tí gì về cái biến cố lúc bấy giờ”. Câu trả lời của Chấn khá giống nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Họ Cung đã nói với tôi: “Người thi sĩ phải là chứng nhân của thời đại dù phải trả bất cứ giá nào”. Tôi tôn trọng quan điểm của cả hai người, một người đàn anh và một người bạn. Khi tôi gặp lại Chấn và anh Cần, hai người đều không tỏ ra hối tiếc vì chọn sự ở lại. Cả hai giống nhau hơn nữa là họ đều cùng có cái nhìn về tương lai, chỉ lấy quá khứ làm bài học chứ không mang trên vai như một gánh nặng. Chấn và các bạn hữu đã đi vòng quanh nước Mỹ để cổ súy chương trình LAVAS. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đi các nơi rao giảng TIN MỪNG, tuy anh không phải là một tông đồ của Chúa. TIN MỪNG ấy là chính nghĩa sẽ thắng gian tà và người Quốc Gia chúng ta đang có chính nghĩa trong tay.

Trong đời tôi không hề đạt được một thành tựu nào đáng kể, nhưng tôi vui sướng với niềm tự hào vì mình đã có những người anh em như Đinh Quốc Trực. Đó là một phần thưởng quí báu mà tôi luôn trân trọng cố gắng gìn giữ. Cám ơn Trực đã tặng những ca khúc để đời…

QUAN NGỰ SỬ ÁO LIỀN QUẦN.

Bài Mới Nhất
Search