T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyên Mục Tù Khúc tạm khép lại

Tôi viết những dòng này với một cảm giác thật nhẹ nhõm. Như người vừa trút bỏ được một gánh nặng, không chỉ oằn vai mà còn làm trĩu tim. Không nặng sao được khi gia tài Tù Khúc là di sản duy nhất của chung một tập thể, một thế hệ mà số phận đã gắn liền với chiến tranh, tù ngục và lưu vong. Nay di sản ấy đã có được một nơi cư trú, một địa chỉ cố định cho các thế hệ sinh sau có dịp ghé thăm và tìm hiểu.

Chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu, đến nay đã sưu tầm và lưu trữ được hơn 70 tù khúc. Đó là những ca khúc đã từng vang lên khắp những nhà tù từ Trảng Lớn, Long Giao, Suối Máu ra đến Yên Bái, Lào Kai, Phong Quang (Hòang Liên Sơn), Vĩnh Quang, Tân Lập (Vĩnh Phú), Thanh Phong, Nam Hà, Tiên Lãnh, Ái Tử rồi lại về lại Xuân Lộc, Hàm Tân, với những tác giả, người hát phần lớn không chuyên nghiệp. Bên cạnh hơn 70 tù khúc ấy, còn có phần ghi chép những giai thọai, những chi tiết về nguồn cảm hứng, về địa danh bản tù khúc ra đời. Con số hơn 70 bài đã không kể đến những tù khúc do các anh em cựu tù do đã từng hát nên ghi nhớ, hoặc là chính tác giả, gởi đến chúng tôi nhưng lại không có phần âm thanh (nhạc audio) mà chỉ là bản nhạc ký âm, hoặc đơn giản chỉ là lời bài nhạc. Do mục đích chỉ giới thiệu những tù khúc được ghi lại bằng âm thanh, tức là được hát lên, nên chúng tôi không thể bao gồm những tù khúc chỉ có lời như nói đến ở trên. Thực là một điều đáng tiếc, vì những tù khúc ấy cũng vẫn giữ một vai trò chứng nhân lịch sử trong một đọan đời của một tập thể tù cải tạo nơi một địa danh nào đó trong tổng số hàng trăm nhà tù trải dài từ Nam chí Bắc.

Hy vọng rằng rồi đây, sau khi đã hòan chỉnh thật trọn vẹn những tù khúc đã được giới thiệu, chúng tôi sẽ cố dành thì giờ cho việc giới thiệu những tù khúc không có phần âm thanh dưới dạng nhạc phổ (nhạc ký âm) để những người làm công trình nghiên cứu có thêm được những tài liệu cần thiết.

Trong suốt thời gian thực hiện chuyên mục, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp của nhiều tác giả tù khúc, sự khích lệ, chia sẻ, góp ý của nhiều độc (thính) giả ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những độc giả sinh sống ở Việt Nam – những ngừơi trẻ chưa hề sống qua chiến tranh và tù đày – nhờ theo dõi chuyên mục Tù Khúc này mà đã có được một cái nhìn chân thực về những trại cải tạo, về những con người đã từng sống qua những hỏa ngục ấy mà vẫn giữ được chí khí, khát vọng cao đẹp, xứng đáng mang danh là những chiến sĩ tranh đấu cho tự do. Nhờ sự đóng góp ấy, mà chúng tôi đã sưu tập được một di sản tù khúc phong phú hơn, đa dạng hơn rất nhiều so với dự định trước khi bắt tay vào việc. Nhờ sự góp ý, chia sẻ ấy, mà chúng tôi vững tin rằng đã lựa chọn đúng đắn hình thức giới thiệu những tác phẩm tù khúc. Đó là việc sử dụng mạng lưới internet để phổ biến công trình, khiến mọi người dù ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay hải ngọai, và bất cứ lúc nào cũng có thể có cơ hội truy cập. Biết đâu, trong số những người ở trong nước nghe Tù Khúc, có người trước đây đã từng là quản giáo, cán bộ coi tù cải tạo, nay được nghe lại nguyên vẹn những bài hát mà trước đây mấy chục năm họ chỉ nghe qua những “cần ăng-ten” báo cáo. Mặt khác, hình thức lưu trữ tác phẩm trong thế giới ảo mang đặc tính an tòan, lâu bền, truy cập nhanh chóng và dễ dàng cho bất cứ ai quan tâm, miễn là trang lưu trữ được bảo quản thường xuyên. Về điểm này thì chúng tôi đã họach định và chọn người trách nhiệm có tâm huyết và tin chắc rằng những gì chúng tôi thực hiện hôm nay sẽ vẫn còn tồn tại kể cả sau khi thế hệ chúng tôi lần lượt theo nhau rời khỏi trần gian này.

Đây là một công trình tập thể, có nghĩa là để có được thành quả đáng khích lệ này, có sự đóng góp của nhiều người. Trước hết phải kể đến công khó của anh chị Việt Long – Minh Hòa trong việc thực hiện 2 CDs nhạc tù khúc gồm gần 30 bài, mà nếu không có 2 CDs đó, chưa chắc nhóm thực hiện chúng tôi dám bắt tay vào việc. Kế đến là sự hỗ trợ quý báu của hai tác giả tù khúc Trần Lê Việt và Trọng Minh. Nhờ hai anh mà chúng tôi có được những tác phẩm tù khúc rất tiêu biểu,với những chi tiết, giai thọai cần thiết và quý giá. Cũng nhờ hai anh, chúng tôi bắt cầu liên lạc được với các tác giả khác, trong đó có anh Xuân Điềm và Ban Tù Ca mang tên anh họat động từ nhiều năm nay. Các anh Lê Trần, Phạm Thiên Tứ đã nhọc công moi trí nhớ, ghi lại những chi tiết cần thiết cho một số tù khúc quen thuộc, Ngọc Phi và CD nhạc Vũ Cao Hiến với anh Đinh Quốc Trực, Lê Mai Lĩnh với bài thơ Sắn kỷ niệm của một thời “đỉnh cao của Đói” , anh Tạ Quang Hòang, tác giả quyển hồi ký “Chuyện tù kể từ trại Nam Hà – Nam Hà Tù Khúc” đã sốt sắng góp ý v..v.. Chúng tôi cũng không thể không nhắc đến người cựu SVSQ/K5 /Võ Bị 78 tuổi Nguyễn Ánh Mai hiện định cư ở Pháp đã ghi nhớ để gởi đến chúng tôi một số tù khúc ông viết trong suốt 11 năm tù, nhưng rất tiếc không có phần âm thanh nên chúng tôi đành phải cáo lỗi cùng ông, người lính già nhưng trái tim vẫn sôi sục một bầu nhiệt huyết với non sông, với đồng đội.

Về phần nhóm thực hiện chúng tôi, phải ghi nhận sức làm việc không biết mệt mỏi của Trần Thanh Châu trong suốt 6 tháng động não, động tay để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của chuyên mục với những bức vẽ minh họa nỗi đau của một thời còn hằn sâu trong ký ức, đến Nguyễn Văn Ngoan qua những Video Clip tù khúc vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật. Những người bạn tù của chúng tôi ngày nào chia nhau từ điếu thuốc rê vấn vụng đến thỏi đường đen đậm ngọt tình bằng hữu. Ngày nay, chỉ cần một lời gợi ý, là họ lại sẵn sàng gác mọi thời giờ riêng tư lại cùng nhau chia sẻ công việc chung. Nhờ vậy, mỗi bài tù khúc được trình bày và giới thiệu bằng một hình thức trân trọng cho xứng với nội dung được chuyển tải.

Hơn 70 bài tù khúc thực hiện được chưa phải là đầy đủ so với số lượng những bài tù khúc đã từng được hát trên khắp các nhà tù ngày ấy. Nhưng chúng ta phải tạm bằng lòng với những gì đã làm được. Ít nhất, được như thế vẫn tốt hơn không được gì hết, dù rất nhiều anh em từ rất nhiều năm nay đã mơ ước làm công việc tương tự. Ít nhất là từ nay, mỗi khi cần nghe lại, hoặc tìm hiểu thêm một bài tù khúc nào đó, chúng ta đã có một nơi chứa đựng hơn 70 bài tù khúc để tham khảo, một nơi mang tên “Tù Khúc” rõ ràng và trang trọng, chứ không phải như số phận một vài bài tù khúc được nhiều người biết đến, trước đây đã bị lẫn trong một rừng những bài nhạc có tên “trữ tình, quê hương . . .” trên những trang mạng lưu trữ âm nhạc. Ít nhất là từ nay, tên những tác giả, người hát tù khúc, còn sống hay đã chết, những chứng nhân lịch sử của một đọan đời oan nghiệt, được ghi lại trang trọng ở một nơi trang trọng, để những người bạn tù khi nhớ nhau có một nơi tìm đến nghe lại âm thanh quen thuộc ngày nào.

Vì những điều đó, chúng tôi hãnh diện đã làm được một công việc nhỏ nhoi cần phải làm. Vì những điều đó, chúng tôi hãnh diện viết những dòng chữ tạm khép lại phần công việc sưu tầm, giới thiệu những ca khúc viết trong tù, phần công việc có tính cách mở đường cho những nỗ lực khác, đầy đủ hơn, hòan chỉnh hơn do những anh em có tâm huyết hơn, khả năng hơn nhóm thực hiện chuyên mục Tù Khúc trên trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu.

Xin hãy xem thành quả nhỏ bé này là tài sản chung của mọi người.

Nhóm Thực Hiện

T.Vấn & Bạn Hữu

Tháng 9 năm 2012

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search