T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Từ mùa hạ năm ấy . . .

clip_image001

Sao em còn mang áo mỏng,

Có còn mùa hạ nữa đâu

Thế là mùa hạ sắp qua đi. Những ngày cuối cùng nóng cháy của Wichita được đánh dấu bằng một vài cơn mưa đêm nho nhỏ đủ để không phải tưới những thảm cỏ sắp ngả vàng ngày hôm sau. Mùa hạ sắp qua đi. Cũng sắp qua đi những ngày cuối tuần cả gia đình chất lên xe thẳng cánh Highway ra khỏi thành phố. Cũng sắp qua đi những cuộc gặp gỡ hàng năm với bạn bè, những đêm thức khuya bên bàn rượu . Những ngày lao xao lo đón tiếp những người bạn phương xa. Hoàng Kim Thiện, Hạ Vĩnh Tho từ Philadelphia tới (nơi ngụ cư của nhà thơ trầm lặng Phạm Ngọc Hiệp, Trần Minh Châu đầu bạc, Ngô văn Nhu, Lương Trọng Dục và con người nhỏ bé hiền lành nhưng có cái tên rất dữ dội Lữ Sĩ Phùng Mang (Sanh)). Nguyễn Đỗ Tiến từ Oklahoma thỉnh thoảng lái chiếc xe cà tèn vượt 169 miles đến chỉ để uống vài lon bia con chó đỏ (Reddog) rẻ tiền rồi lại quay về. Có những câu chuyện quá khứ được kể không đầu không đuôi nhưng dường như đứa nào cũng hiểu cả. Những chuyện vui, những chuyện buồn. Những câu chuyện về một người bạn cùng khóa nào đó, còn sống hay đã chết, đang lặn lội với cơm áo hàng ngày nơi xứ người hay vẫn còn lận đận lao đao quê nhà. Những người bạn thân và không thân. Nhưng bây giờ nhắc lại, hoặc gặp lại, dường như cảm thấy gần gủi nhau hơn trước. Trần văn Bảy Tâm Giao có những câu thơ thật giản dị, nhưng đọc xong cứ thấy nổi gai ốc:

Chia tay, rồi cũng phải chia tay. Thằng nào cũng lượn qua lượn lại …hết chào, lại chào nữa, vẫn chưa về. Bố Khỉ !!!

Lại còn long lanh những giọt lệ – làm đỏ mắt những nàng dâu

Ôi Thần Thánh thay, lạ nhỉ !

Chúng ta vốn không cùng cha cùng mẹ,

Mà sao anh em ruột thịt lắm khi không bằng?

clip_image003

clip_image005

(Từ trái sang phải): Bà Nguyễn n Thư, Bà Dương p Ánh, con gái Ánh, vợ chồng Vấn và Ánh. Sài Gòn tháng 2 năm 1991).

Các bạn biết không, tôi đang nói về những ngày cuối cùng của mùa hạ nơi tôi ở. Một thành phố có tên trên bản đồ nước Mỹ nhưng quá nhỏ, quá “tỉnh lẻ” để chẳng một ai chú ý đến. Nơi đây chỉ có một mình tôi là khóa 3. Ngó đi ngó lại cũng chỉ một mình ta “cô đơn đứng giữa trời hiu quạnh”. Không phải may mắn như tác giả mấy câu thơ trích dẫn ở trên, vốn cư ngụ vùng phồn hoa đô hội California, nơi đất lành chim đậu, nên có khá nhiều các bạn mình tụ hội chung quanh. Ở miền Nam Cali có Nguyễn đình Chương (cao hơn Nguyễn văn Inh ở Massachusett một chút), Đoàn văn Hoàng (phụ thân vừa mới qua đời), Vũ Trọng Khảo (đờ bờ), Trương Ngọc Khoa, Võ văn Đông, Đặng như Xuýn (đã đổi tên là Xuân, nhưng vì chưa mời bạn bè ăn mừng lễ đổi tên nên vẫn cứ gọi là Xuỷn), Trần Hoàng (Tiều), Trần Ngọc Long (Bụng), Lê Hồng Khanh (Bề), Phạm văn Long (Chó ốm hay Chó đói – ốm hay đói cũng được, vì đói nên ốm hay vì ốm nên đói đều có ý nghĩa cả, phải không mày thằng khỉ gió?), Trần Ngọc Danh, Dương Danh Dũng, Nguyễn Tất Đạt Già (người không hề có nết để mất), Trần hữu Thạnh, Nguyễn văn Hải No-hair (người hát bài Bên cầu Biên Giới hay nhất nước), Võ Phi Công (ra đi từ xứ đồng chua nước mặn Cần Giuộc Cần Đước, đồng hương của nhân tài khóa 3 Trương quang Lý chẳng may vắn số. Nhân tiện, nhắc luôn đến Nguyễn văn Tùng Đớp cũng quê hương Cần Đước, Long An nhưng biệt tích giang hồ 30 năm nay chưa hề một ai nhắc đến), Phạm đức Tiến Chuột (tay họa sĩ chuyên vẽ tranh châm biếm Cộng sản cho một số tờ báo uy tín tại Hải Ngoại), Lâm Kim Nở, Lê chí Tường (trắng trẻo đẹp trai, chuyên viên sửa súng đại liên của Tiểu đoàn 2), Trần văn Nhựt (to con nhưng lành như chim sẻ), và Hồ Ngọc Thọ. Bắc Cali có Trần văn Bảy Tâm Giao (vừa mới làm cú tâm giao khá ngoạn mục tại Dallas, Texas), con người năng nổ Trần Xuân Choai, Cụ Già Nguyễn quý Đoán tức nhà văn Lương Tri (cây bút sắc sảo nhất của Đại Đội D người nhái), Hồ Hoàng Hải, Lê quang Líp, Võ văn Màng, Nguyễn văn Mỹ, Nguyễn Pháp, Trần Võ Thúc, Nguyễn ngọc Thư (già rồi nhưng vẫn nhanh nhẹn như sóc nên vừa rồi bị trời hại gẫy một chân), Ngô Kim Trọng, Huỳnh văn Phương, Lê Nhung, Nguyễn văn Tám (với câu chuyện gặp lại vợ con sau ngày đi tù về ly kỳ cảm động hơn tiểu thuyết mà phải nghe chính Tám kể lại mới thấy hết sự lâm ly), Huỳnh văn Liêm, Thiếu úy Sữa Lê công Nghệ, Trần văn An, Nguyễn văn Lầu. Mẹ kiếp! chúng nó ở với nhau đông thế, còn mình thì . . . “Chả lẽ đời ta mãi thế ru? ”

Thế là sau những năm đầu bon chen để kiếm một chỗ “Nằm” giữa trời đất xứ người, cứ mỗi mùa hè, lũ nhóc tì được nghỉ học là cả gia đình chất nhau lên xe . . . nhà, đi loanh quanh tìm bạn. Người đầu tiên mà tôi “tha hương ngộ cố tri” là cặp bài trùng trời gầm không nhả Đặng Hiếu Sinh (bây giờ nó đang là ông chủ báo có quyền đăng bài hay vất bài của Đoàn văn Mã Ngựa và Trương văn Vấn vào thùng rác) và Lý Phước Hồng Khóc (vẫn còn khóc nhưng là hạnh phúc còn khóc được cho tình bạn) ở Dallas. Bên cạnh đó là những hảo hán một thời ngang dọc những nhà tắm nước nóng Đà Lạt như Lâm phi Sơn Xỉu, Nguyễn như Thi (Nhạc trưởng không tóc), Á khoa khóa 3 Nguyễn văn Tư, con quạ đen (không phải các con quạ đen của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt ) Huỳnh văn Thạnh, Trần văn Ngãi, Châu văn Đẻng (Đẳng, bây giờ nó phát âm chữ Đẳng chính xác rồi. Làm nhớ đến Nguyễn Hữu Thùy “áo nhớ “- áo nhái – không biết giờ làm người “Nhớ” – Nhái – phương nào mà bạn bè không một ai biết đến. Còn Nguyễn Hữu Thụy thì đã “đến được bờ tử sinh” từ lâu rồi. Bố Khỉ! nhắc đến nhà tắm nước nóng Đà lạt lại nhớ đến “con phố thân thương” Phan Đình Phùng có “tổ ấm của Trần Xuân Choai” số nhà 130, nơi mà lần đi phép nào Cậu Võ Thành Nhơn cũng ghé qua thăm hỏi, ghi sổ rồi ra về với cõi lòng thơ thới hân hoan. Cậu Nhơn hiện giờ định cư ở Kentucky với một trí nhớ cũng bền bỉ như “Cậu” của ngày xưa không kém). Xin lỗi các bạn, nếu tôi có lan man từ chuyện nọ xọ chuyện kia thì cũng là một điều dễ hiểu, mong các bạn chịu khó theo dõi, nhưng chắc chẳng khó khăn gì đâu nhỉ, nói đến là nhớ ngay thôi mà. Tôi chỉ làm công việc lắc lắc cái bộ nhớ già nua của chúng ta. Dĩ nhiên, có những bộ nhớ đã hết làm việc như của Nguyễn văn Điều Kam-pu-Chia (nó hiện ở Houston cùng với Nguyễn văn Long già dân gốc Phan Rang, Lê thanh Minh ngủ bây giờ hết ngủ rồi nhưng lại làm người nhái) thì đành chịu

clip_image007

(Từ trái sang phải ): Ng. Tiến, Ng. Tín, Hoàng Thiện, Trương Vấn. Hình chụp năm 1972 tại Doanh trại TĐ1/SVSQ.

thua. Bây giờ lại trở lại câu chuyện với cái tôi đáng ghét. Thế là, tuy “Bạn bè dăm đứa lâu không gặp” nhưng không đến nỗi thảm thương như Trần văn Trung Tà “rượu uống mình ta uống não nề”. Những câu thơ của cái thằng mà ngày xưa (tức 30 năm về trước. Mẹ kiếp! 30 năm chứ đâu phải mới hôm qua) tôi tưởng không biết gì về thơ phú xoáy vào lòng tôi mỗi lần dở Ức Trai ra tìm bạn. Đã 30 năm nay không gặp cái thằng là một trong những đứa không ưa (hay ghét) tôi ngày còn ở Đà Lạt. Bây giờ đọc lại bài thơ bỗng thấy thương nó một cách lạ lùng. Cũng cái hào sảng, cái khinh mạn cố hữu của thằng có biệt danh là “Tà”. Nó hiện ở Atlanta, Georgia cùng với Triệu Duy Toản Thủ Khoa, Hung thần Phạm Ngọc Tiễn, Lê Nguyên Hùng (Sến), Lý Bá Phước cận, Nguyễn vân Tạo già, Nguyễn văn Út (Già hay Đầu Bò?, Lê Tấn Nẫm (không phải Nguyễn Tấn Nẫm giả gái còn kẹt ở VN) và những thằng nào nữa? . Những bằng hữu năm xưa chưa một lần gặp lại kể từ ngày ra trường mùa hè năm ấy (ngoại trừ Hăng-Rết Toản bây giờ vì hết răng nên rất im hơi lặng tiếng.). Muốn lại chất cả gia đình lên xe . . . nhưng:

” mùa hạ đã … ra đi

chân trời xa . . . xa như dĩ vãng …”

clip_image009

Nhân nói đến bạn bè ở xa, kẻ gặp người không gặp, chợt nhớ đến một câu của Nguyễn văn Tư Á khoa rất thấm thía: “… còn rất nhiều bạn nữa mà chúng ta tin rằng sẽ gặp lại nhau trong thời gian sắp tới. Cho đến bây giờ, ai cũng ngoài năm mươi cái xuân xanh và chúng ta mới có dịp cảm nhận được hương vị đậm đà ý nghĩa của câu nói người xưa “Tha hương ngộ cố tri” . . . Hôm giữa mùa hè vừa rồi, lăn lội mười mấy tiếng đồng hồ lái xe đến Houston dự buổi họp mặt hàng năm của anh em các khóa Nguyễn Trãi trong vùng. Buổi tối hôm đó cả bọn khóa 3 kéo nhau về nhà Điều Kam-pu-Chia thức trắng đêm. Buổi gặp gỡ không định trước, tuy không đông như hôm ở Dallas, nhưng khá tầm cỡ. Có Nguyễn Đức Tín (thằng Nam Kỳ lộn giống) từ Pháp bay qua Oklahoma gặp Nguyễn Đỗ Tiến, chạy bộ về Kansas chửi thề với Trương văn Vấn, rồi lên đường phó hội Houston, rồi sau đó lại về hát hò ầm ĩ cả thành phố Dallas của thằng Sinh (khiến nó phát khóc vì . . . cảm động). Có Cao xuân Khải Đại Hàn đến từ New Hamphsire thay mặt luôn cho Lâm Phúc Chân (người được thăng cấp trung úy đặc cách và đầu tiên của khóa 3), thay mặt luôn cho bọn láng giềng giàu có ở Massachusette là Vũ minh Hùng Xướng ngôn Viên, nhà văn nhà thơ thành danh Hoàng Huy Khánh Võ Trọng Cư, Nguyễn Đức Hùng (chẵng ngố chút nào), Nguyễn văn Inh (không lùn nhưng chỉ cao hơn Phạm Ngọc Yên – người chỉ vì chữ Tình mà đành đoạn bỏ trường ngay từ sau năm thứ nhất -), Thợ quậy Phan Bá Thức, Phan quang Sơn (chuột hay cùi?) và những thằng thợ lặn khác để tuyên hứa trước anh em rằng sẽ cố gắng tham dự buổi Đại hội ngộ khóa 3 năm 2003. Cao Xuân Khải uống rượu như Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung làm chủ nhà Điều – tuy không biết uống rượu – cứ ngồi một mắt nhắm, một mắt mở canh chừng (không phải vì sợ Khải say mà là sợ thằng em uống mẹ nó hết rượu). Có Trần văn Chiêm, Đoàn văn Mã đến từ Louisiana (chỉ thiếu Nguyễn tấn Tạo lông- vừa lên chức ông ngoại – và Huỳnh No trầm lặng. Khỉ ạ, lại nhớ đến người-việtnam-trầm-lặng-xấu-trai-nhưng-thích-nhẩy-đầm Trần Minh Luân nay không biết đã nhảy đầm phương nào và tác giả biệt danh nói trên cho Luân là Sì-Lô Trương Minh Hòa hiện ở Úc và là chủ nhiệm tờ báo chống cộng đến chiều Chính Luận bên đó. Ở Úc còn có Diệp văn Oánh nữa). Có Nguyễn Đỗ Tiến Răng Bỏ Người từ Oklahoma. Không thể thiếu Sinh, Hồng ,Thi, Ngãi, Tư, Thạnh, Sơn, Đẳng của Dallas. Tóm lại, buổi uống rượu ầm ĩ này chỉ thiếu Nguyễn Kim Hoàng Két (giọng hét không mệt mỏi với bài “Màu tím hoa sim”) ở Hòa Lan, Tiêu Khôn Cơ ở Canada (bạn nối khố của Khanh Bề) và bọn Hòa, Oánh là chút xíu nữa đã trở thành cuộc gặp mặt có tầm cỡ thế giới của khóa 3 (nói cho sướng mồm thôi mà). Bạn bè lâu ngày không gặp thế là rượu cứ nốc và lời cứ ra ầm ĩ. Nhiều những cái tên 30 năm không nghe, không thấy nay được nhắc đến. Còn ở Việt Nam có Đặng Hưng Tấn, Nguyễn Mậu Bình, Nguyễn Thiểu sơn, Nguyễn thế Cường (cùng với Cúc là thân phụ thân mẫu của 6 đứa con), Phan xuân Lâm, Lê hà Thọ, Trần Ngọc Minh mù, Lý văn Tý chuột, Lê hùng Anh , Nguyễn tấn Nẫm giả gái, Nguyễn Đình Liên Thương phế binh một giò. Đã xuất cảnh theo diện HO có Nguyễn văn Ngoan nhưng không biết ở phương trời nào. Đã vượt biên qua Mỹ từ rất lâu như Lê công Hảo trước đây ở Kansas City nhưng nay lặn đâu mất, Phạm quang Thương lớn tuổi nhỏ người nghe nói ở Houston nhưng chưa bao giờ xuất đầu lộ diện. Nguyễn văn Đức cống ở Chicago lẻ loi một mình với người vợ trẻ và một bầy con thơ nên ngại đi xa. Nguyễn Báu gà ở Fall Church, Virginia hôm vừa rồi xanh máu mặt vì thằng bắn sẻ điên khùng tỉa 13 mạng trong không đầy 3 tuần lễ làm cả nước Mỹ lên cơn sốt. Cũng xanh máu mặt không kém là cụ Phạm văn Do ở vùng Thủ Đô DC. Người thèm vô cùng những cú điện thoại phương xa của bạn bè xưa là Nguyễn Minh Ngọc một mình chịu đựng những cơn bão tuyết giết người xứ Minnesota lạnh lẽo. Cũng lạnh lẽo không kém là Nguyễn Lương Bối ở Michigan. Một người hùng cô đơn khác nữa là Bùi công Khẩn ở North Carolina. Đặc biệt, một nhân vật được anh em nhắc đến nhiều nữa là Chu trần Giái, người chu du qua rất nhiều tiểu bang, đổi rất nhiều số điện thoại, nên giờ này chẳng biết chàng nơi đâu, Bến Hải hay Cà Mau. Một nhân vật nữa, qua Mỹ rất muộn màng vì một câu chuyện ly kỳ rùng rợn có thật ở Bảo Lộc là Trần thanh Châu hiện ở Seatle, Washington. Cũng không thể quên được cụ Đào công Thanh hiện ở Utah có thành phố Salt Lake là thành phố số 1 của nước Mỹ. Không đến nỗi làm người hùng cô đơn thì ở Florida có Nguyễn Trọng Hoàng, Phạm văn Đắc, ở Colorado có Nguyễn hữu Huế Khỉ, Trần văn Song bèo nhèo (biệt danh này phải đến hôm đầu năm vừa rồi khi tôi và gia đình vượt hơn 600 dặm đường đến thăm bọn nó mới nghe lại được từ miệng thằng khỉ cười khành khạch gọi Song) và cả chàng thợ điện Nguyễn văn Khuê (đệ tử truyền nhân của thiếu tá Châu Trưởng phòng truyền tin) nay đã bỏ nghề cầm đồ … điện đi cầm tay các Mỹ Nhân Hắc Nữ mà vẫn vinh thân phì gia. Thế mới biết nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Một nhóm khác nữa được các bạn phó hội Houston

clip_image011

(Từ trái sang phải): Ng. Hải, Ng. Đức,Vũ Khảo, Ut già, Ng, Tốt, Tr. Vấn, Ng. Hồ, Triệu Toản, Trần Thạnh, Ng, Hiếu. Hình chụp tại An Dưỡng Địa Biên Hòa tháng 6 năm 1974

clip_image013

vừa nhắc vừa chửi thề là bọn “việc nước trước việc … bạn” Trần văn Trung chùa (vua quấn thuốc lá ở Việt Nam), Hoàng Trọng Đê, Bùi Ngọc Toàn ở Nebraska miền Trung Tây nước Mỹ. Cũng ở tại đây và tôi đã gặp được hai lần tại Đại hội thánh Mẫu Missouri là ông Tham Sự Hành chánh quận Mỏ Cày Nguyễn văn Hào (lần nào gặp ông Tham ông đều bận lần chuỗi đọc kinh sám hối nên chẳng nói chuyện bù khú gì được nhiều).

Tôi mượn một đoạn văn . . . chương của Lý Phước Hồng (tên có đào Đà Lạt nhí nhất khóa 3): “Những khuôn mặt và hình ảnh của những ngày qua, ngày tháng cũ hiện về như những đoạn phim quay chậm và đứt quãng … Xin tạ ơn thời gian dù ngươi có tàn nhẫn nhưng đã cho ta nhiều cảm xúc của những ngày gặp gỡ. Nhìn những mái tóc bạc hôm nay cho ta được nhớ về những ngày tháng cũ, những mái tóc xanh nơi quân trường Mẹ, rất hiên ngang như Phượng Hoàng con ngạo nghễ nhìn ánh mặt trời (gẫy cánh mẹ nó rồi Hồng ơi!)” để diễn tả nỗi bùi ngùi của những thằng bạn đã “đợi nhau từ ba mươi năm” để giờ đây gặp nhau (tôi lại mượn những lời rất chất phác của Nguyễn Tấn Tạo Lông ở Louisiana) “…tay bắt mặt mừng là chuyện dĩ nhiên rồi, nói ra đây sợ dư, nên việc đầu tiên phải kể là nhận diện, nhớ xem “chàng là ai?”, bạn phải cố bới trong trí nhớ để nói tên cho đúng, rồi nhớ xem hồi đó nó ở Đại Đội nào, phòng nào, gần những thằng nào. Xa hơn, nhớ coi lúc dạo phố nó có cặp tay “bóng hồng” nào không hay ngồi cô đơn trong các quán cà phê dọc theo đường Võ Tánh, hoặc bờ hồ Xuân Hương, hay quán chè dốc đường Phan đình Phùng. Sau đó mới hỏi thăm đến những mục linh tinh khác, như tùy từng thằng khi ra trường có mang theo “vật cổ truyền” hay bàn giao cho đàn em nào đó, rồi chuyện gia đình, việc làm … cũng không quên hỏi xem nó đã lên chức ông nội, ông ngoại gì chưa. Kể ra thì đơn giản như vậy, nhưng tâm tư tình cảm lúc đó thật khó tả ra hết được, cho đúng tâm trạng, lòng lâng lâng vui mừng mà tôi nghĩ thằng nào cũng giống nhau …”.

Khi tôi viết những dòng này, đúng như Hồng và Tạo đã nhận xét, quá khứ và hiện tại trộn lẫn và lần lượt đi qua trong đầu tôi như những đoạn phim chiếu chậm. Phim tuy cũ – 30 năm rồi còn gì – nhưng vẫn rõ nét. Từng khuôn mặt, từng giọng nói, như vẫn còn đâu đó, như mới vừa hôm qua. “… Chúng ta vốn không cùng cha cùng mẹ, mà sao anh em ruột thịt lắm khi không bằng … ” Lời Bảy Tâm Giao còn đó, giản dị mà xoáy vào lòng. Hay nói một cách văn vẻ như Đặng hiếu Sinh về chuyến viếng thăm bạn bè của Hoàng Kim Thiện, Hạ Vĩnh Tho “… từ Philadelphia đáp máy bay xuống Dallas. Sinh và Hồng ra đón tại phi trường với sự nôn nóng không biết hai thằng này có nhìn ra không? … Dừng chân tại Dallas, lấy xe, hai chàng kỵ mã tiếp tục cuộc hành trình dài hơn 200 miles để về Oklahoma thăm Nguyễn đỗ Tiến, rồi lại gần 200 miles nữa về Kansas thăm Trương văn Vấn. Đi đến đâu, đêm cũng không đủ dài để cạn ly hội ngộ . .. “. Tại sao mà lúc này đây, tình cảm anh em lại hình như đậm đà hơn ngày trước, nhớ lại lời Nguyễn Ngọc Thư cận “Thằng Đoàn Chức đi bất ngờ, rồi thằng Nguyễn ngọc Bình cũng bỏ anh em, tụi tao nghĩ rằng không đi thăm nhau lúc này thì còn đợi đến khi nào!”. Mẹ kiếp! đúng rồi! thằng nào cũng trên 50 tuổi, đã đi gần hết cuộc đời (chẳng lấy gì làm vui lắm). “Đường dong ruổi về bến tử sinh” (chữ của thằng Sinh) sắp đến khúc cuối của con đường, chúng ta thèm giờ ra chơi cuối cùng để cười cho thỏa thích, kẻo mai này “một mình về cõi quạnh hiu cũng đỡ nhức lòng”. Sinh ơi, mày hỏi “ba mươi năm bước qua những cảnh đời dâu bể, ai còn ai mất? ” Thì đây, tổng số 165 thằng khóa mình, trừ Phạm ngọc Yên ham vui ra trường sớm, trừ Sử Xuân Vĩnh Lộc chán cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày là mấy ngay từ lúc chưa mang lon Thiếu úy (báo hại Ba nó và anh nó nước mắt chảy dài suốt chặng đường từ Ba Xuyên lên Đà Lạt mang xác nó về một ngày cuối tháng 3 năm 1973), còn lại 163 thằng khỏe mạnh ra trường ngày 21 tháng 4 năm 1973 , tao đã nhắc đến ở trên 117 thằng ở rải rác khắp nơi trên toàn thế giới, 117 thằng anh em đôi lúc còn nghe, đôi lúc còn thấy, đôi lúc còn chén mày chén tao. Nhưng vẫn còn 30 thằng cho đến nay vẫn không nghe nói đến chúng nó hiện ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết: Phạm đình Bàng cao nghều đđ A, Phạm tấn Bằng đđ C, Trần văn Bên đđ D dân Ba Tri, Bến Tre, Phạm Cấn đđ B (người “dấn thân chọn lính làm nghiệp dĩ”), Nguyễn văn Nhơn (dân thuộc xóm khét tiếng du đãng Tôn Đản quận Tư nhưng hiền như cục đất), Nguyễn kim Điền đđ C (hình như đã giải ngũ sớm vì bệnh điên … thời cuộc), Võ tấn Lộc đđ C “chí trai còn nặng nợ tang bồng” nơi đâu hả Lộc?), Phan ngọc Sơn sữa đđ D, Vũ văn Bạch đđ D, Nguyễn chí Hiếu đđ B, Nguyễn văn Hồ (như lời ước của bạn “những khuôn mặt hôm nay vẫn hiện hữu với quê hương dù đã im tiếng súng”, chúng tôi còn đây mà bạn ở phương nào có nghe tiếng chim gọi đàn thống thiết?), Đặng văn Hộ đđ A, Đỗ Phước Hòa Gấu (dân Đà Lạt gốc), Lê Từng (đẹp trai nên nhất quyết lấy “tình yêu làm lẽ sống”, chắc mất tình yêu nên lặn luôn rồi phải không?), Phan thống Nhất nghe nói được bảo lãnh đi Pháp, Tín ơi mày chịu khó dò hỏi xem! , Lê văn Nuôi (dân Trảng Bàng với Inh lùn mà không biết nó ở đâu sao Inh?), Đặng hữu Thắng đđ B (giả gái có đôi mắt đa tình hơn cả Niên trưởng Phương khóa 2), Dương Phúc Ánh phè (tay Bass của ban nhạc khóa 3, hôm tiệc họp mặt của tôi tại Sài Gòn tháng 2 /1991 còn thấy Ánh đến dự cùng với vợ và con gái, nay mày ở đâu rồi?), Nguyễn ích Hải (người duy nhất của khóa 3 viết đến Mẹ và em trong kỷ yếu “… Mẹ ta vui, em ta vui là chính ta vui”, chứ không phải như nhà thơ Thâm Tâm viết trong bài Tống Biệt Hành: “… Mẹ thà xem như là hạt bụi, em thà xem như chiếc lá bay … “), Trần Công Minh đầu bạc đđ B (hôm tiệc họp mặt tháng 2/1991 còn thấy nó, đầu đã bạc lại bạc hơn nữa, tội nghiệp thằng em!), Trần đức Minh (dân Ba Xuyên đó Khẩn, biết nó ở đâu không?), Nguyễn công Tốt đđ Đ (học trò cưng của NT khóa 1 Lê văn Hưng, nhỏ người nhưng họng to), Huỳnh tấn Phát đđ B, Nguyễn hữu Phước chàng hảng đđ Đ, Trang văn Sáng đđ C, Phạm quang Sơn chuột đđ C, Nguyễn văn Út đầu bò hay già (Nguyễn văn Út ở Atlanta làm ơn xác nhận dùm!), Lê ngọc Long răng khểnh, còn Nguyễn văn Tùng đớp, còn Phạm quang Thương lùn mã tử.

clip_image015

Trên đây là danh sách 30 trẻ em lạc, ai tìm thấy xin báo cho cảnh sát liên bang sẽ hậu tạ. Bây giờ tới những thằng đã sớm bỏ cuộc chơi. 16 thằng, kể cả thằng đầu tiên là Sử Xuân Vĩnh Lộc năm 1973 cho tới thằng mới đây nhất là Nguyễn ngọc Bình năm 2001 ở Bắc Cali. Nó bị ung thư gan, với ước nguyện được trở về nằm yên nghỉ nơi quê nhà. Bình đã được toại ý trong vòng tay thương yêu và chăm sóc (công lẫn của) của các bằng hữu khóa 3 (cả ở hải ngoại lẫn quê nhà). Được hưởng hạnh phúc tương tự như vậy là Đoàn Chức năm 1993 (?) ở Bắc Cali (Chức mới qua Mỹ cùng với gia đình theo diện HO, chưa kịp đứng thẳng người hít thở Tự Do thì đã vội nằm xuống). Thằng tử trận đầu tiên của khóa mình là Lâm quang Thiện ở Chương Thiện năm 1973 (phải nghe Nguyễn Pháp kể về cái chết của con người mà Pháp nhận định: “Trầm lặng, khiêm cung và tài hoa”: Ngày chôn Thiện là một ngày mưa, những giọt mưa hòa lẫn với những giọt nước mắt của một người bạn khóc một người bạn quá trẻ đã sớm rời bỏ chúng ta). Lưu xuân Quới (người đã rất kiêu hãnh “xin dành tất cả – tâm não và thể xác – cho cuộc chiến hiện tại”, và Quới đã làm đúng như lời Quới ghi trong Kỷ Yếu. Quới là đàn anh của tôi hồi còn học Petrus Ký Sài Gòn) mất tích ở Bạc Liêu năm 1975. Hoàng Trai (con người ăn nói rất nhỏ nhẹ dịu dàng nhưng cương quyết “sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để phục vụ tổ quốc và hoàn tất trách vụ”) và Phạm anh Tuấn mũi dùi (người: “chỉ xin một đời sống thật khiêm nhường – nhưng hữu ích”) là hai anh em bạn rể (Tuấn lấy em gái của Trai (?) ) hiên ngang nắm tay nhau hoàn thành nhiệm vụ những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở vùng 1 (Quảng Nam – Thường Đức ). Lê văn Nho (vốn đã bị thương trong vụ Sử Xuân Vĩnh Lộc, người “chỉ mong được làm một cái gì thật tốt đẹp tuy rất bé nhỏ – chỉ chừng rứa thôi “) chết như thế nào, hồi nào tôi không được nghe nói đến. Cũng như thế với nhà nghệ sĩ tài hoa nhất khóa Trương quang Lý (chính Trường Sơn Dã Mã Trần ngọc Hoan phải mở lời khen ngợi) ra đi như thế nào còn chờ các bạn cho biết. Người bạn đồng sàng của tôi dân gốc Nha Trang là Nguyễn Tài dạo phố cũng ra đi không một ai biết, không một ai hay. Lê văn Phú (người ra đi “mang theo hành trang mình một niềm tin mãnh liệt ở tương lai …”), Nguyễn hữu Thụy (“đi lính như một “ắt có và đủ”, rất đẹp trai nhưng không nhiều bồ vì khó tính), Trần văn Thành (một trong vài người cao lớn của đđ D nhỏ con ốm yếu) là những thằng sau tháng 4 năm 1975 không trở về nhà để chào mẹ chào cha. Chết hiên ngang trong tù có người mặt đen Lâm văn Mầu (hình như vượt ngục rồi bị VC bắn chết. Mầu là con rể của một vị Tướng trong QLVNCH). Nguyễn văn Xuân đạo tì (nhà châm cứu đại tài, đã làm phước cứu cho nhiều người lành bệnh ngay từ những ngày còn ở Đà Lạt. Những ngày phép của Xuân là chỉ để dành cho việc giúp người. Phục lắm thay! ) vượt biên đường bộ bị mất tích (theo lời người nhà Xuân ở Sài gòn kể lại nhân dịp cuối năm những ngày còn ở Việt Nam tôi và một vài người bạn ghé qua nhà Thành, Xuân đốt nhang). Nguyễn văn Sáu (trước ngày Sáu vượt biên để rồi không một tin tức chúng tôi – Sáu, Thạnh, Vấn, Tín – vẫn thỉnh thoảng rủ nhau đi uống bia ở gần nhà Sáu bên Nancy, Sài Gòn. Trong một buổi họp mặt khóa 3 ở Sài Gòn năm 1991, vợ và con Sáu có đến dự. Con trai Sáu đứng lên dõng dạc nói những lời rất cảm động: “Con xin phép thay mặt cho ba con từ nay tham dự tất cả các sinh hoạt của các bác”. Đó là tên của 16 thằng khóa 3 đã tới  “bến tử sinh”. Có một chi tiết rất cảm động mà tôi muốn chúng ta không bao giờ bỏ sót. Trong danh sách địa chỉ khóa 3 tôi đọc thấy: Chị Đoàn Chức … số nhà, số đt. Liệu mình có thể tìm được địa chỉ liên lạc của người thân của những thằng đã chết không?

Giờ đây, các bạn biết không, tôi cảm thấy thật nhẹ lòng. Tôi đã tròn lời hứa với chính tôi trong bài viết gởi khóa 3 đăng trong Ức Trai năm 2002 (Kẻo Mai Này … ). Rằng sẽ có một ngày tôi gởi đến các bạn những tâm tình của tôi, trong đó sẽ nhắc đến tên của đầy đủ 165 thằng khóa 3. Hãy đọc để nhớ đến nhau. Dẫu sao, chúng ta vẫn còn nợ nhau một chút tình. Tôi mượn lời Đặng hiếu Sinh để nhắc nhở các bạn đừng quên món nợ này:

Những thằng bạn ba mươi năm đâu!

Hãy xếp lại gánh lo toan, đến cùng nhau, rộng mở trái tim để biết rằng cuộc đời trước mặt còn đẹp biết bao nhiêu trong những điều tưởng như đã quên, trong những người tưởng như không gặp lại .

Trương văn Vấn

Wichita, Kansas. 10/02

©T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search